Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev: Họa vô đơn chí
Ngày 10/4, các đại biểu Duma Quốc gia Nga đã đưa ra một yêu cầu gửi đến Công tố viên Liên bang Yuri Chaika, đòi hỏi công nhận sự sụp đổ của Liên Xô là bất hợp pháp và truy tố những người chịu trách nhiệm, trong đó có cựu Tổng thống Mikhail Gorbachev. Theo tờ báo Izvestia, trong số các tác giả của tài liệu trên có các đại biểu thuộc đảng Nước Nga Thống nhất (ER) Evgeny Fedorov và Anton Romanov, các thành viên của nhóm nghị sĩ Cộng sản Ivan Nikitchuk và Oleg Denisenko, nghị sĩ Mikhail Degtyarev của đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR)...
Những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Trong văn kiện của mình, các nghị sĩ đã chỉ rõ rằng, các công dân Liên Xô trong cuộc trưng cầu dân ý đã ủng hộ việc gìn giữ nhà nước nhưng bộ máy quản lý ngày ấy lại quyết định chấm dứt sự tồn tại của Liên bang Xôviết. Như các nhà lập pháp Nga nhấn mạnh, ngày 4-11-1991, Sở Giám sát việc thi hành pháp luật của Nhà nước về an ninh thuộc Viện Công tố Liên Xô đã khởi xướng vụ kiện chống lại Mikhail Gorbachev, nhưng ngay ngày hôm sau đã phải thay đổi quyết định này dưới áp lực của chính ông Gorbachev.
Các nghị sĩ Nga hiện nay ngỏ ý mong đợi rằng, một cuộc kiểm tra của công tố viên sẽ dẫn đến việc khởi tố lại vụ án hình sự, trong đó bao gồm cả việc chống lại Mikhail Gorbachev. Các tác giả của văn kiện trên đã quy cựu Tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên bang Xôviết tội đã tạo ra Hội đồng Nhà nước Liên Xô, một cơ chế không được chính danh trong góc nhìn của Hiến pháp. Và chính cái cơ chế phi Hiến pháp này đã đưa ra quyết định công nhận sự độc lập của các nước cộng hòa Baltic của Liên Xô cũ.
Theo lời của nghị sĩ Degtyarev, các sự kiện diễn ra từ năm 1991 cho tới nay vẫn còn để lại hậu quả. Theo ý kiến của ông này, sở dĩ ở Kiev hiện nay và trong tương lai đang và sẽ có nhiều người nữa phải ngã xuống chính là hệ lụy từ “lầm lỗi của việc từ nhiều năm trước đây, điện Kremli đã quyết định làm cho tan rã quốc gia Xôviết...”. Theo các nhà lập pháp Nga, kết quả điều tra của công tố viên rồi sẽ được đưa vào những cuốn sách giáo khoa lịch sử như cách giải thích chính thức về giai đoạn lịch sử đó.
Theo những gì mà một tác giả của tài liệu nói trên, nghị sĩ Yevgeny Fyodorov, đã giải thích với Hãng tin Interfax ngày 9/4, các nghị sĩ Nga hy vọng rằng, cùng với lời đáp lại từ công tố viên, họ sẽ còn nhận được cả “đánh giá về các cơ sở pháp lý nhà nước của tất cả các nước cộng hòa cũ, của việc lập ra Hiến pháp đã tạo ra căn bản pháp lý cho những thay đổi trong các tài liệu đó, ví dụ như tài liệu về chủ quyền của Ukraina...”.
Nghị sĩ Fyodorov cho rằng, thủ tục tố tụng trong trường hợp này cũng sẽ giúp nâng cao phong trào giải phóng dân tộc ở các vùng lãnh thổ của Liên Xô cũ, “đặc biệt là ở Ukraina, nơi mà điều đó đang đặc biệt quan trọng...”. Theo ông, đảm bảo yêu cầu “điều hợp pháp trong sạch, vì trường hợp này không có hiệu quả”.Theo ông, đòi hỏi của nhóm nghị sĩ Nga “ở dạng thuần nhất của nó là một sự việc thuần tính luật học vì nó không có hạn định thời gian cho câu trả lời”. Nghị sĩ Fyodorov nhấn mạnh, các tác giả của tài liệu trên đang chờ đợi hai câu trả lời: Về việc “có hay không một cuộc can thiệp của lực lượng quân sự nước ngoài chống lại Liên bang Xôviết” và “liệu khi đó có diễn ra một cuộc đảo chính tương tự như những gì đã xảy ra ở Ukraina hiện nay?”
Theo nghị sĩ Fedorov, những câu trả lời cho hai câu hỏi này sẽ giúp để có được dữ liệu về các phương pháp làm việc của “đội quân thứ năm”, bao gồm cả những hoạt động trên lãnh thổ của Liên bang Nga. Các nghị sĩ Nga hy vọng sẽ nhận được công văn phúc đáp trong vòng một tháng kể từ khi gửi đi tài liệu trên tới công tố viên Chaika...
Ông Gorbachev thủ thế
Trong tuyên bố của mình, Cựu Tổng thống Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev đã cho rằng lời kêu gọi của các nghị sĩ Duma Quốc gia Nga vừa đưa ra nhằm lôi ông ra trước vành móng ngựa chỉ là “một việc hoàn toàn vô nghĩa lý”. Như lời mà ông chủ cũ của Điện Kremli nói với Hãng tin Interfax, “những lời kêu gọi đó có lẽ chỉ thể hiện cố gắng tự quảng cáo cho chính bản thân mình của các nghị sĩ liên quan, họ thích những gì mà người ta nói về họ, nhắc tới họ tên của họ, nhưng lời kêu gọi đó hoàn toàn là hấp tấp và nhìn từ góc độ luật học thì không hề có cơ sở pháp lý gì”...
Ông Gorbachev cũng lớn tiếng “ôn nghèo kể khổ”: “Nếu đó là sự đố kị thì chẳng có lý do gì để mà đố kỵ cả. Các nghị sĩ đã nhiều lần nêu lên vấn đề nâng lương hưu của cựu Tổng thống lên ít nhất ngang bằng với các nghị sĩ nhưng vấn đề này thậm chí còn không được bàn tới...”.
Ông Gorbachev cũng không bỏ lỡ cơ hội để kêu ca về tình cảnh có lẽ là thảm thương của mình vì mặc dù là một nhân vật được phương Tây ưa chuộng nhưng ông lại rất bị thù nghịch ở ngay trong lòng nước Nga: “Và sự việc chứng minh rằng tôi đang là vật cản đối với ai đó chính là chuyện trong 20 ngày người ta liên tục đưa ra thông tin rằng tôi đã chết rồi. Lương tâm có lẽ là không có ở những người như thế. Tôi dĩ nhiên là không đưa ra phản ứng nào trước những thông tin như vậy, vì tôi phải lo cho công việc của mình và sức khỏe của mình...”.
Cựu Tổng thống Liên Xô cũng đã đưa ra lời khuyên với các nghị sĩ rằng, cần “nghiêm túc phân tích danh sách những người trong Xôviết tối cao Nga đã ủng hộ việc thông qua hiệp định Belovezhskaya về sự tan rã của Liên bang Xôviết...”.
“Nước Nga trong cảnh giặc ngoài đông đảo...”
Trong bài viết công bố trên tờ Izvestia, các nghị sĩ Nga đã lưu ý rằng, trong hơn hai mươi năm qua, chủ đề tìm kiếm những tội đồ trong việc làm sụp đổ của Liên Xô không ngừng mang tính thời sự và trong bối cảnh của các sự kiện đang diễn ra ở Ukraina thì lại càng cần phải đưa nó ra ngoài xã hội...
Cũng cần phải thấy rằng, trong xã hội Nga hiện nay sau khi khu vực bán đảo Krimea được sáp nhập trở lại Liên bang Nga, đã trở nên sôi nổi hơn cuộc thảo luận về cái gọi là dự định của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc khôi phục lại Liên bang Xôviết. Theo một số nhà bình luận, có thể thấy rõ dự định này trong một số sự việc, đặc biệt là trong việc sử dụng lại quy tắc rèn luyện thể lực GTO (viết tắt câu tiếng Nga: Chuẩn bị sẵn sàng lao động và quốc phòng) và danh hiệu Anh hùng Lao động...
Nhà văn Nga nổi tiếng về tư tưởng ái quốc và dân tộc Aleksandr Prokhanov, Tổng Biên tập của báo Ngày mai, trong một bài viết trên tờ Luận chứng và Sự kiện đã viết: “Liên bang Xôviết là một dự án độc đáo vô tiền khoáng hậu. Những phẩm hạnh Xôviết có thể được sao chép nhưng nên xây dựng những cái gì riêng của mình thì vẫn tốt hơn...”. Ông Prokhanov cho rằng, việc áp dụng lại tiêu chí GTO và tên gọi Khu Triển lãm quốc gia VDNKH thay cái tên hiện nay Trung tâm Triển lãm Liên bang VVTS cũng như tổ chức lại các đội lao động tình nguyện của sinh viên không phải là việc làm sống lại Liên bang Xôviết mà chỉ là việc sao chép lại những sắc màu cũ. Nhà văn cho rằng, không thể nào tái tạo lại không gian Xôviết. Nhưng cũng theo ông, “chúng ta đang trải qua giai đoạn sáng tạo lịch sử kỳ vĩ khi quốc gia Nga đang được làm sống lại”…
Để mô tả giai đoạn sau sự sụp đổ của Liên Xô, nhà văn Prohanov đã viện đến một sự ẩn dụ rất chát chúa: “Người ta vẫn nói, khi một con dê đi tè cạnh gốc cây thì cỏ ở bên dưới sẽ rất khó mọc lại. Trước đây, bao nhiêu là dê từ khắp thế giới đã đổ dồn về nước Nga để tè. Và chúng nghĩ rằng sẽ không có gì mọc lên nổi ở nước Nga... Vậy mà chúng ta vẫn cứ phát triển lên thêm một lần nữa. Tất cả những gì đang xảy ra bây giờ là một sự sáng tạo kỳ vĩ của nước Nga. Và tất cả các khía cạnh mới của tinh thể phát triển Nga này xứng đáng được đặt cho một tên gọi mới. Không thể nào đảo ngược lại được lịch sử!...”.
Gorbachev còn bị buộc tội gây nên vụ thảm sát Baku
Cũng phải cùng nhớ lại rằng, tháng 3/1991, 77,85% số công dân Liên Xô trong cuộc trưng cầu ủng hộ việc tiếp tục duy trì Liên bang Xôviết. Mặc dù vậy, ngày 8/12 năm đó, Tổng thống Nga Boris Yeltsin, Tổng thống Belarus, Stanislav Shushkevich và Tổng thống Ukraina, Leonid đã cùng nhau ký Hiệp ước Belovezhskoe về việc giải thể Liên Xô và xây dựng cơ cấu Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Ngày 21/12 cùng năm, có thêm các nước cộng hòa Azerbaijan, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan ủng hộ Hiệp ước này. Ngày 25/12/1991, trước sự đã rồi, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã buộc phải từ chức nguyên thủ quốc gia của một đế chế không còn tồn tại nữa.
Hiệp định Belovezhskoe là một trong những luận cứ để cáo buộc vị Tổng thống đầu tiên của LB Nga Boris Yeltsin khi có lực lượng lành mạnh cố gắng tìm cách tước bỏ vị trí của ông này tháng 5/1999. Một ủy ban đặc biệt của Duma đã tìm thấy rằng, khi ký kết văn bản trên, ông Yeltsin đã “vi phạm thô bạo” điều khoản quy định về việc các nước cộng hòa muốn xin ra khỏi thành phần Liên bang Xôviết và đã hành động chống lại ý chí của nhân dân đã được thể hiện trong cuộc trưng cầu. Ủy ban còn cáo buộc ông Yeltsin mưu loạn “với mục đích chiếm đoạt trái hiến pháp quyền lực liên bang” và “thay đổi một cách bất hợp pháp vai trò hợp hiến của Liên bang Nga...”. Tuy nhiên, khi đó, quốc hội Nga đã không đồng tình với những lời buộc tội này.
Ông Mikhail Gorbachev trước đây cũng đã từng bị đề nghị truy tố về sự kiện xảy ra trong những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng đó là về những sự kiện diễn ra trong giai đoạn trước sự sụp đổ của Liên Xô. Khi ấy, vào năm 2003, ở Azerbaijan đã có đề nghị đưa cựu Tổng thống Liên Xô ra tòa với cáo buộc rằng ông đã gây ra vụ thảm sát tại Baku sau khi quyết định đưa lực lượng đặc nhiệm vào đó ngày 20/1/1990. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được thực hiện tới nơi tới chốn...