Có một Raul Castro trong lòng người dân Cuba

Thứ Bảy, 17/02/2007, 14:00

Suốt thời gian sáu tháng cuối năm 2006, Raul Castro đã thể hiện rõ là người xứng đáng được anh trai của mình-Fidel Castro hoàn toàn tin tưởng, chỉ định thay ông tạm quyền lãnh đạo đất nước Cuba trong thời gian ông phải giải phẫu và chữa trị căn bệnh đường ruột. Đến mùa xuân này, Raul bước sang tuổi 76.

Sát cánh cùng người anh trai tham gia hoạt động cách mạng từ thời sinh viên đến khi kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng và thành lập Nhà nước Cuba ngày 1/1/1959, Đại tướng Raul Castro luôn giữ trọng trách là Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Cuba. Raul Castro không chỉ được Lãnh tụ Fidel Castro tín nhiệm, ông còn chiếm được nhiều niềm tin tuyệt đối của nhân dân Cuba

Cùng Fidel tham gia cách mạng

Raul Castro sinh ngày 3/6/1931. Là con út của một gia đình có 6 người con. Cũng giống như anh trai Fidel, lúc nhỏ Raul học tiểu học, rồi trung học ở Santiago. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Raul tới học ở Trường Đại học La Habana. Sớm gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba, Raul rất hăng hái hoạt động trong phong trào sinh viên chống chế độ độc tài Fulgencio Batista.

Năm 1953, Raul cùng với Fidel và các đồng chí trong nhóm hoạt động cách mạng đã tổ chức cuộc tấn công trại lính Moncada, nhưng thất bại và bị kết án 22 tháng tù giam. Mãn hạn tù, hai anh em nhà Castro vượt biên sang Mexico, ở đó họ gặp gỡ và tham gia tổ chức của nhà cách mạng huyền thoại Che Guevara.

Không bao lâu sau, Raul cùng Fidel và nhiều đồng chí khác của họ về nước dấy lên phong trào cách mạng lật đổ chế độ độc tài và tuyên bố thành lập Nhà nước cách mạng tự do đầu tiên ở vùng biển Caribe và Mỹ Latinh vào ngày 1/1/1959. Sau khi Nhà nước Cuba thành lập, Raul được giao trọng trách làm Bộ trưởng Quốc phòng suốt từ đó đến nay. Ngoài trọng trách đó, Đại tướng Raul Castro còn là Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Nhà nước Cuba.

Fdel Castro và Raul Castrol.

Từ thời chống chế độ độc tài Batista, ông đã gặp gỡ và kết hôn với một nữ du kích có tên Vilma Espin. Sau khi cách mạng thành công, bà trở thành Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Cuba. Quan hệ công tác đã làm cho ông bà ngày càng thân thiết, hiểu biết lẫn nhau và gắn bó với nhau. Hai ông bà chung sống với nhau cho đến nay đã được hơn 40 năm và họ có 4 người con, 3 gái 1 trai.

Giờ đây con gái cả của ông bà đã là Giám đốc Trung tâm giáo dục giới tính quốc gia Cuba. Dù cả hai ông bà đều rất bận, song trong nhiều năm nay, họ vẫn thường có mặt trong những bữa cơm trưa chủ nhật cùng với đông đảo con cháu.

Raul Castro-nhà cải cách

Hồi mùa hè năm 2006, khi Fidel phải vào bệnh viện giải phẫu và chữa trị căn bệnh đường ruột, ông giao toàn quyền lãnh đạo đất nước cho Raul Castro. Nhiều phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài cho rằng “đây là sự chuyển giao quyền lực”, vì “Fidel tuổi đã cao, nay lại thêm bệnh tật, không còn đủ sức khỏe lãnh đạo đất nước”. Thế nhưng Raul tỏ ra không hề có tham vọng thay thế vị trí lãnh đạo của Fidel, mà chỉ đảm nhận vai trò chuyển tiếp, tăng cường mở cửa đưa Cuba vượt qua những thách thức hiện nay, hòa nhập với thế giới.

Trên thực tế Raul là người đa mưu túc trí, trong gần nửa thế kỷ là Bộ trưởng Quốc phòng, ông trở thành kiến trúc sư hàng đầu của quân đội Cuba. Đúng như lời bình luận của viên cựu chuyên gia phân tích CIA Brian Latell:“Nếu quân đội Cuba không có một người tổng chỉ huy tài giỏi, vô cùng sáng suốt và cảnh giác như Raul Castro, thì nó không thể bảo vệ được Hòn đảo tự do, khi mà đất nước này nằm ngay sát nách nước Mỹ và luôn bị Mỹ cấm vận”.

Raul là người kín tiếng, không có tài hùng biện như anh mình, nhưng ông lại có đầu óc rất thực tế trong các vấn đề hoạch định tương lai cho đất nước Cuba. Suốt những năm sau ngày cách mạng thành công, nhân dân Cuba được cả hệ thống XHCN, nhất là Liên Xô, tích cực hỗ trợ và giúp đỡ, kể cả về phương diện kinh tế và quân sự. Raul đã xây dựng và đưa đội du kích Cuba trở thành một trong những quân đội hùng mạnh và đáng khâm phục nhất trong số các nước đang phát triển.

Chính vì vậy dù có trăm phương nghìn kế, dù đã hàng chục lần CIA âm mưu định ám sát Fidel và thủ tiêu cách mạng Cuba, đưa hòn đảo này trở lại vòng kiềm tỏa của Mỹ, thì chúng vẫn không thể thực hiện được ý đồ. Cuba vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển!

Sau khi Liên Xô sụp đổ và hệ thống XHCN tan rã, lúc đầu Cuba gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người Cuba cũng vẫn tin tưởng tuyệt đối vào Fidel và Trung ương Đảng Cộng sản Cuba.

Tính đến nay có tới 70% số người trên hòn đảo này sinh ra và lớn lên sau ngày cách mạng thành công. Họ vô cùng tự hào là công dân một đất nước tự do, kiêu hãnh vì có những người lãnh đạo như Fidel và Raul. Mặc dù đang còn phải đương đầu với nhiều thách thức vì đế quốc Mỹ chưa chịu từ bỏ việc bao vây cấm vận kinh tế, song những năm gần đây, Cuba đã đề ra chiến lược phát triển mới - mở cửa theo phương hướng phát triển thị trường, ưu tiên hàng đầu hợp tác kinh tế.

Sự xuất hiện của Fidel tại Hội nghị thượng đỉnh khu vực Mỹ Latinh hồi đầu năm 2006 đã khẳng định ảnh hưởng to lớn của Cuba ở khu vực này. Giờ đây, Cuba đã có được nguồn cung cấp dầu với giá ưu đãi và ổn định từ Venezuela. Các hiệp định ký nới các nước thuộc Tổ chức Mercosur cho phép Cuba tiếp cận với các sản phẩm của các nước này với lãi suất thấp. Như vậy, Cuba không còn phải chịu sức ép của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) luôn bị Hoa Kỳ thao túng.

Sau những chuyến thăm của các nhà lãnh đạo cấp cao Cuba tới Trung Quốc và Việt Nam, chứng kiến thành quả to lớn của các nước anh em trong sự nghiệp cải cách và đổi mới theo phương hướng phát triển kinh tế thị trường, Cuba cũng đang quyết tâm thực hiện chiến lược phát triển mới. Nhiều nhà lãnh đạo Cuba cho rằng mô hình đổi mới của Việt Nam rất thích hợp với Cuba. Chính Raul được mệnh danh là “bộ óc” của cách mạng Cuba, suốt nửa năm vừa qua thay mặt Fidel toàn quyền điều hành đất nước, từ lâu cũng đã ấp ủ kế hoạch biến Cuba thành một Việt Nam đổi mới ở vùng biển Caribe.

Raul là một nhà lãnh đạo thầm lặng, ít khi thấy ông xuất hiện trên truyền hình, hay trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, song trên thực tế, ngay từ những bước đầu tiên trên con đường hoạt động cách mạng, đặc biệt trong những lúc cách mạng gặp nhiều khó khăn nhất, ông luôn luôn sát cánh cùng Fidel. Chính Raul đã đề xuất mở cửa nền kinh tế ở mức độ hạn chế bằng cách cho phép mở các chợ nông trang để người dân có thể tự do bán nông sản do họ tự làm ra. Đây chính là một làn gió mới giúp người Cuba vượt qua khó khăn, tiếp tục đứng vững.

Gần đây sức khỏe của Fidel đã khá lên nhiều. Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Felipe Perez cho biết sắp tới Fidel có thể trở lại điều hành đất nước. Nhưng theo các nhà phân tích quốc tế, thì dù Fidel hay Raul đứng đầu Nhà nước, cuộc cách mạng của nhân dân Cuba vẫn vững vàng tiến triển theo con đường mà Đảng Cộng sản Cuba đã xác định

Gia Huy
.
.