""Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn" & chuyện lớn của một nhà báo dấn thân

Thứ Sáu, 22/06/2018, 09:38
Là cây bút với những bài viết chuyên sâu về đề tài văn hóa của rất nhiều tờ báo, suốt gần 20 năm rong ruổi khắp trong-ngoài nước, cuối tháng 5 vừa qua, Nguyễn Đình mới "giới thiệu" cuốn sách đầu tay của anh - "Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn". 

Nói chuyện sách mà thực ra là nói chuyện người. Nguyễn Đình giản dị với đám đông như buổi ra mắt gần gũi của anh, âm thầm theo đuổi đề tài nhưng sôi nổi ở chiều sâu, sự am hiểu sâu sắc và lòng kiên trì, tạo thành dòng chảy khơi không dứt và đáng trân trọng, ngưỡng mộ.

1. Ở Nguyễn Đình có rất nhiều sự tương phản dễ thương. Tính cách điềm đạm, ít nói, vẻ ngoài bụi bặm, mê quyền Anh và từng thi đấu ở nhiều giải võ thuật cổ truyền, đấm bốc nhưng Đình có giọng nói nhẹ nhàng, mềm mỏng vô cùng. Anh lại mê đồ cổ và cực kỳ thích uống trà, đồng thời là một tay sành trà thứ thiệt. 

Thuở sinh viên, anh đã lang thang khắp phố đồ cổ Lê Công Kiều, uống trà khề khà với những người bạn vong niên cách anh vài thế hệ. Một người bạn của Nguyễn Đình, chủ tiệm đồ cổ trên phố Lê Công Kiều thừa nhận, nói về trà và độ sành trà, cứ tìm Đình mà thưởng lãm. Dù trong túi có ít tiền thì Đình vẫn dành để mua loại trà ngon nhất.

Mối duyên của Nguyễn Đình với Chợ Lớn cũng bắt đầu từ chén trà ngỡ đơn giản nhưng kỳ công, chắt chiu tinh hoa của đất trời, của cái đẹp và cả những trầm tích văn hóa. 

Ở bài viết cho một tờ báo thời sinh viên, Nguyễn Đình chọn khai thác nghệ thuật uống trà. Ấy vậy mà trong lần tiếp cận đầu tiên ở Chợ Lớn, Đình nhận ngay những cái lắc đầu, hoặc ánh mắt nghi ngờ, hoặc thái độ thờ ơ vì "con nít biết gì về trà mà hỏi", lại còn hỏi tên những loại trà đắt tiền, hiếm có! 

Nguyễn Đình trong lần trekking lên đỉnh núi Jungfrau - Thụy Sĩ. (Ảnh: NVCC + KIM DUNG)

Sự cự tuyệt đó càng nung thêm cho Nguyễn Đình lòng quyết tâm. Anh nhiều lần trở lại, nhặt nhạnh kiến thức, chỗ này một chút, chỗ kia một chút, gặp gỡ người này người kia, không chỉ gói gọn trong phạm vi của trà. 

Bắt đầu từ việc yêu thích một nền văn hóa, Chợ Lớn với Nguyễn Đình dần trở nên thân thuộc mà vẫn mới mẻ, đầy hấp lực. "Chợ Lớn với tôi dù đã trở lại nhiều lần nhưng mỗi lần hạnh ngộ tôi đều tìm thấy trong đó những chất liệu sống hấp dẫn thông qua những chi tiết nhỏ của đời thường, có thể là ngôn ngữ, ẩm thực, nhân vật, văn hóa, lễ hội, kiến trúc,…" - Nguyễn Đình chia sẻ. 

Anh dành cho người bạn lớn đặc biệt đã khuất, chú Nhỏ "Lái Thiêu" Lý Thân một vị trí trang trọng trong lòng và trên cuốn sách đầu tay về Chợ Lớn, như một lời tri ân. 

Mỗi lần từ Bình Dương về Sài Gòn, chú Nhỏ đều lang thang Chợ Lớn cùng Nguyễn Đình. Nhờ đó mà cánh cửa về một vùng đất còn nhiều bí ẩn với ngay cả người sống mấy mươi năm ở phố, dần được hé mở.

Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn là quá trình tích góp hơn hai mươi năm của Nguyễn Đình. Nói về Chợ Lớn, người ta có thể nói gì? E có rất nhiều điều để nói đến độ không biết nên bắt đầu từ đâu. Nguyễn Đình như tính cách khiêm nhường của anh, với tư liệu dày dặn, cũng không có tham vọng thực hiện một tác phẩm hoành tráng. 

Anh chọn dừng chân ở 5 địa hạt: Lễ hội; Thư họa; Nghệ thuật Lân - Sư - Rồng; Kiến trúc - nét xưa ở lại; và Chợ Lớn đời thường (chủ yếu về ẩm thực). Mỗi mảng đưa ra cái nhìn khái quát nhất, giới thiệu cho người đọc những điều có thể họ lướt qua hằng ngày, đồng thời dẫn dắt họ khám phá, khơi gợi họ tìm hiểu thêm. 

Văn hóa là những lớp trầm tích bồi đắp mà chỉ có hiểu sâu mới có thể viết khái quát và cô đọng đến vậy. 

Dung lượng chữ vừa phải, ảnh nhiều (có cả bức ảnh được Đình chụp từ năm 1994), Nguyễn Đình dường như khá hiểu tâm lý độc giả: "Lỡ có ai ngán đọc quá thì xem hình cho có cảm hứng rồi đọc". 

Bởi, những bức ảnh cũng biết kể chuyện, về gốm cây mai hưng thịnh một thời, những "tiếu tượng" mai một theo thời gian cũng như bị trộm đục khoét, về không gian tiệm nước, sự biến đổi của món ăn, sự hòa hợp văn hóa của người Hoa vào không gian văn hóa của người Việt ở đình Minh Hương,… 

Mà nếu không trở đi trở lại nhiều lần, không có tình yêu dành cho vùng đất này, có lẽ người viết không thể nhìn thấy sự thay đổi đó. Nỗi buồn, niềm tiếc nuối trước sự mai một dần đi của một nền văn hóa lâu đời và độc đáo len lén xen vào lòng người.

Cuốn sách còn đặc biệt ở khâu thiết kế. Họa sĩ thiết kế Từ Phương Thảo là một người bạn mà Đình, qua cách nói, cho thấy anh rất quý trọng, bởi tài năng và cách tư duy hình ảnh. 

Chị Thảo chuyên thiết kế ấn phẩm nội thất cao cấp Elle Decoration, và Đình là cây bút chủ lực của mảng văn hóa trên tờ tạp chí ấy. Đình đưa cho chị Thảo rất nhiều hình, và chị đã vẽ nên trong hình dung một Chợ Lớn bằng hình như một chuyến khám phá.

Đình, sau đấy dựa vào hình mà viết text! Điều này mang đến cho cuốn sách một sự nhẹ nhõm, mới lạ khi cầm trên tay, dẫu vẫn còn một vài điểm chưa đồng bộ. Không ít độc giả và người Hoa ở Chợ Lớn đều bày tỏ sự trân trọng và yêu quý dành cho Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn. 

"Tôi thực sự bất ngờ khi cầm quyển sách trên tay, bởi nó có độ dày, sự công phu và am hiểu vô cùng sâu sắc về văn hóa, đời sống của người Hoa. Bản thân tôi là một người Hoa, tôi luôn mong được đọc một cuốn sách như thế về văn hóa của Tổ tiên mình trên đất Chợ Lớn nhưng vẫn chưa có người Hoa nào làm được" - chị Yến cho biết.

2. Là người dấn thân và cầu toàn, với bất kỳ vùng đất nào đã đi qua, Nguyễn Đình đều dành cho nơi ấy rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Nghề báo mang đến cho Nguyễn Đình nhiều cơ hội đi đó đây, trải nghiệm nhiều thứ độc đáo, mới lạ, thậm chí xa hoa bậc nhất. 

Nhưng anh không đi theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, chụp vài tấm ảnh, hê lên những trải nghiệm anh có được, những món ăn ngon hay một vài cá nhân hết sức đặc biệt mà chỉ một vài người mới có khả năng tiếp cận. 

Anh lặng lẽ trở đi trở lại nhiều lần, cặm cụi tìm kiếm, cặm cụi chụp ảnh và viết, rồi xâu chuỗi thành những bài viết không chỉ cung cấp kiến thức sâu rộng mà còn mang đến một cái nhìn khác cho người đọc. 

Giữa người chủ một chiếc du thuyền và một anh thủy thủ, Đình sẽ chọn người thứ hai, đơn giản vì câu chuyện của anh ta thú vị hơn. Sự điềm tĩnh trong tính cách và sự khách quan trong cái tâm làm nghề gần như trở thành kim chỉ nam cho mọi bài viết của Nguyễn Đình.

Đình yêu đề tài của anh, yêu nhân vật, anh hầu như không bao giờ viết khi không hiểu, không nắm bắt được vấn đề cốt lõi. Và một khi đã theo đuổi thì tuyệt đối tin tưởng, không màng đến ý kiến hay định hướng của bất kỳ ai. 

Bìa sách "Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn".

Có lần, khi Đình còn thuộc cơ chế tòa soạn, ban biên tập không duyệt đề tài, Đình kiên quyết bỏ tiền túi đi và viết. "Còn việc đăng hay không là quyền của tòa soạn".

Có lẽ, sự "lì lợm" đó đã nuôi dưỡng nhiệt huyết cho Đình với con chữ, với văn hóa. Cũng chính Đình, khi được một tờ báo mời làm việc và thể hiện nỗi băn khoăn, không đủ chi phí để trả cho anh, Đình khảng khái: "Quan trọng là những gì mình viết ra giá trị như thế nào!" 

Khi được hỏi làm thế nào để cân bằng được chi phí của những chuyến đi trong khi giá của một bài viết không hề cao, Nguyễn Đình nói rất thực rằng: "Nhưng kiến thức đó, tư liệu đó là của mình. Rồi sẽ có lúc phù hợp để chia sẻ nó". Xem kiến thức là của để dành như Đình, hiện nay quả tình hiếm có.

Trong những bài viết trên báo, và cả cuốn sách Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn, người đọc không bao giờ thấy được Nguyễn Đình, đúng hơn là cái tôi của anh. Nó đã biến mất, hay chính xác hơn đã âm thầm lùi lại để trở thành người kể chuyện bằng chữ và cả bằng hình, am tường nhưng giữ cái nhìn trung dung nhất. 

Trong con mắt của một kẻ ngắm nhiều, với đôi chân của một kẻ đi nhiều, ở đó, ta thấy sự lãng mạn đúng nghĩa của một người ưa xê dịch và xem văn hóa là một lẽ sống.

3. Nguyễn Đình thực sự là một người giỏi nghề. Không chỉ viết giỏi mà còn chụp ảnh giỏi, và làm cả truyền hình, từ viết kịch bản đến quay phim. 

Với vốn tiếng Anh chuyên ngữ, tiếng Hoa sành sỏi, am hiểu văn hóa và sức khỏe tốt, không ngại thử thách, Đình rong ruổi trên khắp các nẻo đường Đông-Tây, thậm chí kiêm luôn vai trò dẫn chương trình, tạo nên những thước phim cực kỳ giá trị như ký sự Tân Đảo - Đi tìm dấu tích người Chân Đăng ở các hòn đảo ngoài Thái Bình Dương (New Caledonia, Vanuatu), Nơi tận cùng thế giới - hành trình 28 ngày đi tìm các bộ tộc Dani, Lani, Yali, Korowai, Citak Mitak có đời sống hoang dã trú ẩn trong rừng già và đầm lầy trên đảo Irian Jaya ở Indonesia,… 

Những bài viết của Nguyễn Đình còn xuất hiện ở nhiều tạp chí du lịch trên thế giới.

Người bạn đời của anh, chị Thùy Dương cũng là người xem những chuyến đi như hơi thở. Tình yêu đó được truyền sang Nam Ân, con trai anh chị, trong những chuyến đi, nếu điều kiện thuận lợi, anh chị đều đưa cháu theo. 

Tất nhiên, sự thay đổi nho nhỏ này khiến Nguyễn Đình sắp xếp lại cuộc sống ngăn nắp hơn, cân nhắc hơn trước những chuyến đi, thay vì như trước đây, bạn bè ới là xách ba lô lên và đi. Đặt chân đến hàng chục quốc gia, bạn bè khắp nơi trên thế giới nhưng Nguyễn Đình vẫn giữ lại cho anh chút gì đó rất riêng. 

Anh không quảng giao, cũng khá ít bạn thân và tuyệt nhiên nói không với mạng xã hội! Đình nói, thời gian đấy, anh muốn gặp những con người thật ngoài đời sống, nếu là bạn bè thì điện thoại hẹn nhau. Anh thích như thế hơn!

Hoàng Linh Lan
.
.