Câu chuyện thứ 37:

Chuyện của nghệ sĩ ưu tú Bùi Cường

Thứ Sáu, 30/05/2014, 09:05
1. Đôi khi, tôi nghĩ, thời gian tuy không trở lại nhưng tuần hoàn để người ta được gặp lại mình trong cái vòng xoay đó. Tất cả những chuyện đã xảy ra, tất cả những người đã khuất vẫn in nguyên trong trí nhớ tôi. Tôi không có quá khứ, cũng không có dĩ vãng như người ta thường nói. Tôi chỉ có kỷ niệm. Đong đầy, chất chồng theo năm tháng. Thời gian bôi xóa, thời gian tàn phai, thời gian bung phá. Màu mắt trong. Màu tóc xanh. Màu môi hồng. Màu thanh tân của gương mặt. Từ từ, dữ dội và hồn nhiên. Chỉ có kỷ niệm hiển hiện, mồn một.

Nhiều đêm giật mình, chập chờn trong giấc ngủ ở phương Nam xa xôi này, nằm nghe tiếng máy lạnh chạy rì rì mà lòng tôi chợn rợn. Mắt tôi ngộp màu áo nâu thơm mùi mồ hôi của mẹ. Tóc tôi, trán tôi, má tôi vẫn còn phảng phất nụ hôn của mẹ. Mỗi lần nghe hương thơm ấy ùa về, tôi như đi lạc vào cuộn phim âm bản tuổi thơ mình. Nước mắt cứ rỉ ra khóe rồi dâng ngập mắt. Trong đôi mắt nhòe nhoẹt nước của tuổi nhỏ, tấm lưng mướt mồ hôi, cái dáng đi như trốn chạy của mẹ vẫn hằn sâu lắm.

Ngày ấy, bố tôi là quyết tử quân. Bố hy sinh khi tôi còn nằm trong bụng mẹ. Tôi là con trai duy nhất trong nhà, lại là con út nên mẹ thương tôi lắm. Sợ tôi khắc tuổi đoản mệnh nên lúc tôi vừa chập chững đi, mẹ đem gởi tôi cho gia đình một người bạn. Tuần nào mẹ cũng đi bộ hàng chục cây số lên thăm mà chỉ len lén đứng nhìn ngoài cổng rào. Tôi còn nhỏ đã thiếu hơi ấm của cha, nay lại vắng bàn tay mẹ nên nhạy hơi mẹ lắm. Hôm nào nghe tim chộn rộn, gió mang một làn hơi thân thuộc vòng qua cây khế trước ngõ là tôi thắc thỏm canh chừng. Thấy dáng mẹ đằng xa, tôi ào ra sà vào lòng mẹ, hít lấy hít để mùi hương thân thuộc. Mẹ bế xốc tôi lên, nắn chân nắn tay, cũng hôn lấy hôn để. Cái giỏ bàn của mẹ như một chiếc túi thần kỳ, lúc nào cũng có lắm thứ kỳ diệu hấp dẫn tôi. Khi thì con cào cào lá tre, khi thì nắm xôi cúc thơm dẻo, khi là cái kẹo mạch nha quấn rối… Nhưng ai cần những thứ đó. Tôi chỉ muốn mẹ thôi. Vội cho tôi quà, mẹ quay lưng, giấu nước mắt tất tả chạy ra cổng. Mặc cho người trong nhà giữ chặt, tôi cứ cố lao tới, gào thét, khóc ngằìn ngặåt, khản cổ gọi trong tuyệt vọng: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!…”.

Tôi lên 5 mà vẫn bé choắt vì khóc nhớ mẹ. Thương tôi quá, gia đình cô chú nuôi tôi bàn với mẹ đem tôi về. Xót con, mẹ gật đầu nhưng thâm tâm lúc nào cũng sợ một đấng vô hình nào đó cướp tôi đi mất. Nên tôi về ở với mẹ ít lâu thì mẹ lại gởi tôi ra nhà chú ở Hà Nội đi học. Cả đời mẹ cơ cực, chân đi không chấm đất, ruộng đồng thấm mồ hôi mẹ, vừa nuôi con, vừa nuôi bộ đội. Vậy mà mẹ chưa bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì cho mình. Ngày bố mất, mẹ mới ngoài ba mươi, tóc đen nhánh, lưng vẫn còn thẳng, da vẫn còn căng, môi vẫn còn hồng. Có lần tôi hỏi, sao mẹ không đi bước nữa cho có người đỡ đần sớm hôm, đặng bớt vất vả? Mẹ cười an nhiên: “Tôi không muốn các anh các chị khổ”. Cả đời mẹ vất vả, cái gì cũng chắt chiu để dành cho con cho cháu. Lúc tôi khá lên được chút thì mẹ đã lặng lẽ về với bố…

2.Mẹ nói tôi giống bố như tạc. Vóc dáng tôi mang hình hài của bố. Mấy lúc bị bạn bè ăn hiếp, tôi thường soi mình xuống nước hoặc nhìn vào gương, mường tượng ra bố đang ở bên cạnh mình. Tôi thủ thỉ kể bố nghe nhiều chuyện ở trường, ở lớp. Những lúc buồn, tôi khóc với bố. Tôi biết bố nghe thấy hết, chỉ là bố không ôm tôi được vào lòng để an ủi thôi… Bây giờ vẫn vậy, mấy lúc gặp chuyện không thể chia sẻ được, tôi vẫn thủ thỉ xin bố lời khuyên. Tôi không biết đó là thói quen hay do tôi luôn khát khao tình cảm của bố, thứ tình cảm mà tôi chưa bao giờ có được.

25 tuổi tôi bước chân vào trường điện ảnh từ một sự rất tình cờ. Tiếng là tốt nghiệp trung cấp điện nhưng tôi có nhiều tài lẻ văn nghệ văn gừng nên được cơ quan phân công về đội văn nghệ. Trong thời gian ở đây, tôi tham gia Đội kịch Công nhân thành phố và đoạt Huy chương Vàng với vở Anh Tư. Thấy tôi có khiếu, một đạo diễn đàn anh khuyên nên đi diễn chuyên nghiệp. Tôi nghe rồi để đó, việc nọ kéo việc kia cũng không để ý mấy. Cho đến một ngày có người bạn đến nhờ tôi viết hộ tiểu phẩm để thi vào trường Điện ảnh. Tôi bụng bảo dạ hay là thử nhỉ? Song, lại đắn đo vì lúc ấy tôi đâu còn trẻ để đi học mà cũng chẳng cao to, đẹp trai gì để theo nghiệp diễn… Suốt mấy đêm trằn trọc, giấu đâu đó trong lòng tôi trăm ngàn ngọn lửa bừng bừng cháy, ngọn này nối tiếp ngọn kia, lan mỗi lúc một rộng ra. Ngày cuối cùng, tôi đánh liều làm hồ sơ rồi nhờ người yêu (vợ tôi bây giờ) đi nộp giúp.

Hôm thi năng khiếu, tôi diễn vở Dạy em. BGK lúc đó có cố đạo diễn Phạm Văn Khoa, ông thử tôi bằng phản xạ tình huống hết sức bất ngờ. Lúc tôi đang dọn dẹp nhà cửa, thì có một tiếng gọi “Cường ơi!”. Do nhập vai, tôi trả lời: “Ơi, chờ tao tí!”, rồi quay sang “cậu em” bảo: “Thấy chưa, anh chưa kịp ăn cơm tối, bạn anh đã gọi đi làm ca rồi, vậy mà em không chịu giúp đỡ anh chăm lo nhà cửa…”. Vậy là, tôi trúng tuyển vào lớp diễn viên điện ảnh khóa 2. Tốt nghiệp, tôi được nhận về làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Nghiệp diễn đến với tôi suôn sẻ và nhẹ tênh vậy đó.

3.Tôi có đóng một vài phim song đến khi đóng Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy, tôi mới được đông đảo khán giả biết đến. Tôi còn nhớ một sáng, đạo diễn Phạm Văn Khoa gặp tôi hỏi: “Cậu có thể cắt tóc ngắn bớt không?” “Dạ, nhưng để làm gì vậy chú?” “Mình muốn mời cậu đóng một vai nhưng tóc thế này thì không hợp”. “Nếu vai diễn cần, cháu sẵn sàng”. – tôi trả lời. Đạo diễn tiết lộ mời tôi vào vai Chí Phèo. Tôi sung sướng: “Nếu được thế thì dù cạo đầu cháu cũng làm”. Đợt đó có nhiều người được mời thử vai Chí Phèo lắm. Hôm tôi đến thử vai, anh bảo vệ ở hãng phim thấy bộ dạng nhếch nhác của tôi, tưởng là gã ăn xin nào, anh không cho vào. Lúc nhận ra, ảnh bảo: “Ông đóng vai gì trông gớm thế?”. Cảnh thử của tôi với chị Đức Lưu chính là cảnh Thị Nở bưng bát cháo hành. Thử xong thì đạo diễn chấm tôi vào vai và lấy đó làm cảnh chính thức luôn.

Đóng phim xong, tôi “mang tiếng” nghiện rượu. Đi đâu cũng bị “chuốc rượu” vì ai cũng nghĩ tôi phải uống ngang ngửa cỡ… Chí Phèo. Một lần tôi đang ngồi uống bia thì thấy có ông kia vác gạch tới ném mình. Lần khác, vừa bước vào quán cháo thì một anh say tiến lại phía tôi: “Này tôi nói cho ông biết, Chí Phèo không phải của riêng ông đâu nhá. Ông nhìn tôi đây này”. Đến tận bây giờ vẫn có nhiều khán giả muốn gặp tôi để coi ông Chí Phèo ngoài đời ra sao… Tính đến nay, bộ phim đã 32 năm, ngót hơn nửa đời người. Vậy mà thỉnh thoảng xem lại, cảm xúc của tôi vẫn rất lạ lùng. Nhiều khi tôi tự hỏi sao ngày ấy mình đóng được như thế? Tôi nhận ra nghệ thuật thật tuyệt vời, bao nhiêu năm trôi qua vẫn tươi nguyên, cái máu nhiệt huyết của những ngày đóng Chí Phèo vẫn đầy ắp trong người tôi.

Sau Làng Vũ Đại ngày ấy, tôi còn đóng nhiều phim với nhiều loại nhân vật, từ chính diện đến phản diện như: Năm Hòa trong Biệt động Sài Gòn, tiểu đội trưởng Quang trong Không có đường chân trời, chàng cầu thủ bóng đá trong Phút 89, Trần Quân trong Kẻ giết người, vai phản diện trong Ngược dòng, vai gián điệp trong Mưa rơi trên thành phố,… Bước sang thập niên 90, thị trường phim ảnh trong nước đóng băng, không hãng phim nào dám đầu tư vì sợ không thâu hồi được vốn. Mê và nhớ nghề quá, tôi vét hết tiền dành dụm sản xuất và đạo diễn phim Người anh hùng râu quặp, rồi Kẻ cướp cô dâu, Chuyện tình của một ngôi sao, Con bạc cháu vàng. May sao các phim đều được khán giả trong Nam ngoài Bắc ủng hộ. Những bộ phim này đã nối duyên cho tôi bước sang con đường đạo diễn với loạt phim truyền hình cho Đài truyền hình Việt Nam, Vị tướng tình báo và hai bà vợ của hãng TFS và nhiều phim khác nữa.

Tuy nhiên, có lẽ vai Chí Phèo của tôi ấn tượng quá nên rất ít khán giả nhớ đến các bộ phim đó. Nhưng không vì vậy mà tôi thấy buồn. Tôi nghĩ đó là cái duyên, cái may khi có được một vai diễn tốt được nhiều người nhớ đến như vậy. Cuộc đời làm nghệ thuật, còn gì vui sướng hơn là vai diễn của mình vẫn sống trong lòng khán giả theo năm tháng.

4.Tôi thấy mình may mắn vì vợ tôi cũng say mê phim ảnh. Nếu không có sự ủng hộ của vợ thì tôi không làm được đâu. Còn chuyện tình cảm, với người làm nghệ thuật, bao giờ chẳng có cái quyến rũ của nó. Song lúc nào tôi cũng nhắc, mình sướng hơn vợ, được đi nhiều, biết nhiều thì mình càng phải sống tử tế hơn. Tôi với bà ấy lấy nhau từ lúc chưa có gì, đến khi có danh vọng mà mình nọ nọ kia kia thì thấy mình hèn, mình tệ lắm. Vợ chồng là cái duyên với nhau. Cuộc sống có nhiều điều đặc biệt lắm, con người ta thì vô thường, ai cũng có những khuyết điểm, những phút yếu lòng song quan trọng là biết nghĩ đến nhau, chăm sóc cho nhau.

3 năm nữa tôi 70 rồi. Thấy tôi thường xuyên bay ra bay vào Sài Gòn – Hà Nội làm phim, dăm bữa nửa tháng lại có người hỏi, khi nào tôi định “nghỉ hưu”? Tôi cười, trời còn cho khỏe, anh em còn thương, còn tin tưởng đến lúc nào thì làm tới lúc ấy. Không phải vì tôi mê kiếm tiền đâu, tại tôi yêu nghề và may mắn được nghề đáp lại. Mà, vậy không hay hơn là ngồi ru rú ở nhà, đắm chìm trong ánh hào quang đã tắt ngúm, lâu lâu nhếch mép cười khẩy, rồi tranh luận như phán phim này, diễn viên kia, đạo diễn nọ sao? Ở cái tuổi này, còn được gắn bó với nghề, được làm việc với nhiều người trẻ, còn hiểu, chứng kiến và góp chút gì đó cho đam mê mình ăm ắp đeo đuổi từ hồi trẻ, chẳng phải đủ đầy và hạnh phúc sao?

Hoàng Dung
.
.