Câu chuyện thứ 26:

Chuyện của nghệ sĩ Diệu Hiền: Mong manh phận hát (Kỳ I)

Thứ Hai, 21/10/2013, 14:51
1. Má kể, hồi nhỏ tôi mắc tật khóc đêm. Cứ tầm gà chưa mắc gáy, người lớn đã rục rịch kèo nhèo bởi tiếng tôi ré lên lanh lảnh. Tại ở đợ nhà người ta, chớ phải chi còn ở quê, má chỉ cần bồng trên tay, đưa vài hơi “ầu ơ, ví dầu, tình bậu muốn thôi…”, chưa dứt câu, tôi đã ngủ.

Phải chi còn ở quê, tiếng khóc tôi chắc cũng len được qua khe cửa sập, văng vẳng tan vào đêm. Nhưng giờ ở nhà người ta, má không dám ru hời. Nhà xây gì kín mít, nên tiếng khóc cứ luẩn quẩn, loanh quanh, chạm vách tường này, đụng cánh cửa kia, thành thử nhói ran, khó chịu. Má kể, nhà ở quê bị giặc càn cháy rụi, mấy má con nụm nịu, đứng chơ vơ nhìn vài sợi khói ứa ra từ bãi tro trơ trọi, má khóc. Hổng khóc sao được khi cái chỗ này nè, mới hôm qua, hôm kia má còn chun ra chun vô, còn chống tay lên gốc cột, ra rả cự anh Hai: “Bây để mái nhà nát quá, sương uớt hết bàn thờ ba”. Rồi má ngưng nước mắt, thảng thốt kêu lên: “Cha, cái hình ba bây cũng cháy tiêu trong trỏng”.

Cháy hết, nên anh Hai, anh Ba, chị Tư má gửi bên nhà nội; Sáu, Bảy má gửi nhà ngoại. Phần tôi khóc đêm dữ quá nên má đèo theo lên Sài Gòn ở mướn cho người ta. Mà cũng tại khóc đêm dữ quá, nên được dăm bữa, nửa tháng là người ta nói khéo cho đi. Lay lắt rồi cũng bám trụ lại được nơi này. Hồi đó, Sài Gòn dễ sống lắm. Má dựng tạm cái nhà bên xóm cầu Rạch Bần, một nửa nhà trên bờ, một nửa nhoi ra sông. Trưa trốn ngủ, tôi chạy dài dài trong xóm phá đủ thứ, nhà nào có cây trái tôi bứt trái, có gà tôi chọi gà, phá chán lại chạy về ngồi chóc ngóc ở cửa sau ngó ra sông. Nghe kẽo kẹt sau lưng là biết chắc má đang cầm roi bước tới định phạt cái tội phá quá người ta tới nhà méc vốn. Mà chẳng khi nào má đánh được tôi, bởi chỉ cần “có động” là tôi lao ùm xuống sông, bơi miết, đến xâm xẩm tối mới mò về.

Má tôi mê cải lương có tiếng trong xóm. Nghe người ta cúng đình có hát bội thì ở tuốt Phú Nhuận, Tân Định má cũng đi bộ lên coi. Làm gì thì làm, hễ có đoàn cải lương về là má tranh thủ đi coi cho kỳ được. Hồi đó vé coi hát cũng phân ra hạng nhứt, nhì, ba, hạng “cá kèo” là bét nhất, phải đứng. Má hay dành dụm tiền, mua cái vé “cá kèo” rồi dẫn tôi đi coi. Tôi thấp tè, đâu có thấy gì, má phải cõng, cõng mỏi má chuyển sang cặp một bên hông, lòng đòng trên đầu. Riết rồi tôi cũng mê đắm cải lương.

Mới 10 tuổi đầu, tôi đã thỏ thẻ xin má cho đi theo đoàn hát. Má tưởng trẻ con nói chơi nên không thèm đếm xỉa. Sau, tôi năn nỉ quá nên má biết tôi nói thiệt. Ngày nào má cũng rầy, kiểu như “đẻ bây ra thà hồi đó tao đẻ trứng gà, trứng vịt ăn còn ngon hơn. Ai đời có chút xíu mà đòi bỏ nhà theo gánh hát”. Hễ có đoàn về hát là tôi lại xin má cho theo. Đời nào má cho, nên lần nào má cũng rầy. La mắng vậy thôi, chứ không có buổi hát nào là má không dẫn đi coi. Tôi không có đi học, mà cũng sáng dạ, ai ca sao, tôi thuộc hết rồi ca y như vậy. Nên mỗi lần đi nghe cải lương, má hay biểu: “Con Hiền để ý cô đào đó nha, ráng thuộc rồi về ca má nghe”. Vài buổi trưa hiếm hoi tôi không trốn nhà đi phá xóm, má hay cột võng nằm hứng gió sông nghe tôi ca vọng cổ. Tiếng trẻ con lanh lảnh xa hút, rồi dập dìu vờn trên làn nước óc ách bên mé sông.

Nghệ sĩ Diệu Hiền - “đệ nhất đào võ” trong làng cải lương.

14 tuổi, tôi ốm nhách, đen thui, tóc tai dài rũ  rượi, cái ý muốn theo gánh hát năm nào vẫn chưa bao giờ nguôi. Hôm đó, tôi lại dấm dẳng xin theo đoàn hát. Má bực mình quá, bước xăm xăm vô nhà, lựa 2 bộ đồ rách nhất quăng ra, nói sẵng: “Đó, bây đi đâu thì đi. Nhớ là đã đi thì không có về nữa, nghe chưa”. Chẳng biết sao lúc đó tôi mừng húm, cuốn hai bộ quần áo đi ngay, sợ chậm vài bước má sẽ chạy ra bắt lại. Mà phải chi chậm vài bước, chắc tôi đã thấy má tu tu khóc, dáo dác tìm tôi. Mà phải chi ráng chậm vài bước, chắc tôi đã không ném vào đời má gần 3 năm dài đăng đẵng sống bằng sự day dứt, hối hận khôn cùng vì một buổi trưa gió cả, lỡ đuổi đứa con đi. Lúc ấy tôi đi mà lòng mừng khấp khởi.

2.Tôi đi bộ đến Tân Định, tạt vào mái đình chỗ đoàn Hoa Lan – Xuân Liễu hay tập tuồng. Mấy anh chị hát chay, không xiêm y lụa là, thỉnh thoảng ra bộ mà không có đạo cụ, thấy mắc cười, mà vẫn coi say mê. Đến trưa, chỉ còn ông bầu Xuân Liễu ngồi tính sổ sách, tôi rón rén lại gần xin vào đoàn. Ổng tròn mắt nhìn tôi một lượt, thấy cuộn quần áo chỏng chơ bên cạnh mới gập sổ, nói: “Mày con cái nhà ai mà xin vô đây?”. Tôi biết chú đang dụ tôi khai ra nhà cửa để chú dẫn trả về nhà, nên nín re, chỉ năn nỉ chú cho theo vô đoàn. Nói thế nào chú cũng không chịu, tôi nằm chèo queo trên sân tập trống trơ. Đói quá, tôi lầm lũi ra phông – tên hứng nước uống, rồi lại về đình, trong đầu không hề có ý nghĩ sẽ trở về nhà, bởi 4 năm trời nằn nì, giờ mới có cơ hội được đi. Tôi còn nhớ, lúc ôm gói đồ chạy dọc mé sông trong lòng có lập lời thề, nếu mà hát hổng được thì thà chết ở đâu chứ cương quyết không về. Hai mắt đang líu ríu chực ngủ thì có tiếng ru con đang lại rất gần. Chị tên Cúc, có mái tóc rất dài, đang đưa đứa con đang khóc ré giữa trưa. Thấy tôi nằm co ro, chị lại hỏi thăm. Nói một hồi chị Cúc “tóc dài” mới biểu tôi: “Thôi em về đưa em cho chị, chị nuôi cơm”. Từ đó, tôi theo chị Cúc về Đoàn Hoa Lan – Xuân Liễu.

Chị Cúc múa chính trong đội vũ của đoàn, chị có đứa con mới vài ba tháng tuổi, khóc liên miên. Chị cho tôi theo để mỗi khi chị tập, hay ra sân khấu thì giao con cho tôi ẵm. Dạo đó, tôi về nhà thường xuyên, trưa một bận, tối một bận. Nhớ má quá, nên về, về mà cũng chẳng dám vô. Tôi núp sau gốc cây trứng cá, hỏi con bạn cùng xóm: “Mày vô coi má tao đang làm gì, có nhà không”. Rồi đứng đợi má bước ra phơi áo, rửa rau, thấy má xong rồi về.

Được ít lâu thì đoàn Hoa Lan – Xuân Liễu rã gánh. Chị Cúc được vũ sư Minh Cao tuyển vào đội múa của đoàn Hoa Sen. Tôi cũng theo chị, đoàn đi tới đâu, tôi theo đến đó. Lúc nào không ẵm em cho chị Cúc thì tôi lại đi loanh quanh, thấy gì phá đó. Tại nhớ nhà, nhớ má quá, kiếm chuyện phá cho vui. Mấy anh chị trong đoàn hay quở: “Con gái gì mà quậy trời sợ”. Sẵn tôi đen đúa, tóc đen thui, dài thòng nên mấy anh chị kêu chết tên là “con chà cái”. Hổng hiểu “chà cái” là cái giống gì, tôi vẫn thích chí le te cười. Lâu lâu mấy anh chị thường cho chút đỉnh tiền biểu chị Cúc ra chợ mua cho tôi cái quần, cái kẹp tóc, chớ… “con Hiền nó mặc cái quần rách lòi thịt mà nó hổng biết quê”. Quê gì đâu trời, tôi vẫn thường cởi trần bơi đua với mấy thằng con trai lạ hoắc, có sao đâu.

Trong đoàn có thầy Hoàng Nô, là cha của ca sĩ Hoàng Lệ Nga. Tôi gọi là thầy chứ thực ra gọi nhau bằng anh Hai, xưng em vậy à. Anh Hoàng Nô dạy cho chị Cúc hát, tôi ẵm em lẩm nhẩm hát theo. Chị Cúc không có khiếu hát, nên tập hoài không có được. Buổi trưa, anh Hoàng Nô thường ôm đàn gảy tửng từng tưng ngó rất buồn.

Bữa đó tôi không đi phá, thấy anh buồn hiu vậy mới chạy ra tính chọc anh chơi. Tôi nói: “Anh Hai, đờn cho em hát nha”. Anh cười: “Bây biết hát gì mà đòi hát”. “Anh Hai, giỡn chơi không à, đờn thử coi”. Anh Hoàng Nô đờn, tôi đưa dăm ba câu vọng cổ ghẹo ảnh thất tình thui thủi. Nào ngờ, cả đoàn đang ngủ trưa đều tỉnh dậy, khen “con chà cái” ngó vậy mà ca hay quá trời. Từ đó, anh Hoàng Nô nhận dạy tôi hát, tôi được cho theo xe bò đọc thơ, rao bảng, hát nói hậu trường.

Bữa đó sắp tới giờ diễn, chị đào chánh bỗng nhiên đùng đùng dọn tủ bỏ đi, chị giận chuyện lương bổng. Vậy là vở Cánh chim bằng thiếu mất vai nữ chúa. Mà lỡ rao bảng rồi, vé cũng bán hết, giờ mà không có diễn chắc bà con bỏ đoàn luôn. Ông bầu hết đứng, tới ngồi, đi tới đi lui chừng như hai tay, hai chân muốn quấn lại với nhau. Lúc đó chú Khả Năng chuyên đóng hài, mới vỗ vai ông bầu, nói: “A, hay mình cho “con chà cái” nó đóng thế”. Ông bầu nhăn mặt: “Con Hiền hả, giỡn không cha, nó biết gì đâu”.

Chú Khả Năng bồi thêm: “Nó ca hay thí mồ, không sao đâu, nó khôn lắm, nghe tuồng nó thuộc hết trơn à”. Ông bầu hết cách, đành viết thêm 7 câu vọng cổ nữa đưa cho tôi để kéo lại phần diễn. Tôi chỉ biết ca, có biết diễn gì đâu. Vậy mà lên sân khấu, tôi ca nghe cũng mướt, thầy đờn Hoàng Nô vừa đờn vừa ngó tôi gật gù động viên. Người ta cuốn tiền trong quạt, quăng lên sân khấu thưởng cho tôi quá trời. Sau cái lần mặt hoa da phấn lên “cứu cánh” cho đoàn, anh Hoàng Nô bảo: “Ngó con Hiền coi cũng được chớ đâu có xấu đâu”. Rồi anh lấy tiền thưởng may cho tôi vài bộ đồ, sắm kẹp tóc, gương lược. Anh thương tôi hổng khác nào con ruột của anh.

Cứ thế, tôi bám theo đoàn, đoàn sai gì, tôi làm nấy. Học ca, học vũ, trưa trưa, chiều chiều vẫn chạy đi phá loanh quanh cho đỡ nhớ nhà. Ngót nghét cũng 2 năm trôi qua, tôi 16 tuổi, cao nhong nhỏng. Mới 16 tuổi mà tính đi tính lại tôi xém chết mấy lần. Cũng mới 16 tuổi đầu tôi bắt đầu có chút danh tiếng. 16 tuổi, tôi gặp soạn giả Viễn Châu, rồi thương ông hồi nào hổng biết. Ngỡ là vu vơ thôi, chú có vợ rồi mà, ai ngờ đâu tình đó đeo đẳng suốt cả một đời …

(Còn nữa)

Hồ Ngọc Giàu
.
.