Chuyện của NSƯT Phi Điểu

Thứ Tư, 29/04/2015, 17:54
Ba má đặt tên tôi là Phi Phi. Một cô mới đề nghị đặt thêm chữ gì đó cho dễ gọi. Nghiệm nghiệm một hơi, cô nói từ nay gọi là Phi Điểu. Phi là bay, thêm Điểu nữa cho bay xa, bay nhanh. Sau này, đi gặp mấy chú, mấy chú mới giải thích, con chim đà điểu không bay được nhưng nó chạy còn nhanh hơn xe hơi nữa. Cái tên theo cô đến tận bây giờ.

1. Cuộc đời tôi là những chuyến đi. Băng qua những dặm dài, đôi dép cao su thắt chặt vào chân như câu thơ: “Có bước chân dài hơn con đường/ Nên chân trời là những đốt xương”.

Ông bà ngoại tôi lập nghiệp trên đất Campuchia từ ngày còn trẻ. Ba tôi sau này cũng xuôi theo người mình lên đây làm ăn thì gặp má tôi. 7, 8 tuổi, giặc Pháp động, ba đưa cả nhà về lại quê nội ở Sa Đéc. Chuyến đi xa đầu tiên xốc lên xốc xuống nhưng tôi háo hức vô cùng. Ba tham gia kháng chiến, tôi lanh lẹ nên được cho đi theo. Ba hoạt động bí mật, trong nhà lại để cờ tam tài nên nảy sinh bắt bớ.

Giai đoạn đó, đạo Hòa Hảo mạnh dữ lắm nhưng tổ chức cách mạng còn chia rẽ. May sao ba được người báo tin nên trốn đi kịp. Người ta đến lùng bắt thì ba đã cao chạy xa bay rồi. Để trả thù, người ta trói hết 5 má con quăng lên ghe. Mấy anh chị em tôi sợ tới mức không dám khóc thút thít. Ngồi trong ghe tối bưng, nước vỗ lạch bạch lên mạn thuyền thiệt đáng sợ.

Sẽ không còn được nghe thằng út nhõng nhẽo má ơi, má ơi. Ghe đi lâu lắm mới dừng, leo qua đám cỏ năng, cây nổi. Ễnh ương kêu ngợp trời, mới hay khuya lắm. Nghe tiếng xì xào tới bãi trâu đầm thì thủ tiêu hết mấy má con. Tôi không hình dung được cái chết sẽ như thế nào. Chỉ biết sẽ không còn được gặp ba, gặp má, gặp mấy anh chị em nữa.

Đời tôi ngộ lắm, ở những phút sinh tử cận kề thì trời luôn mở cho một con đường sống. Đứng trên mui ghe, tôi nghe tiếng hú vang trời, đuốc lá dừa sáng rực bờ đê. Bọn họ gọi nhau về với thầy, thay đổi rồi. Đám người trên ghe lật đật phóng lên bờ nhập vào đoàn người. Mấy má con vừa mừng, vừa ngơ ngác, ôm nhau khóc ngon lành. Như thể được sinh ra lần nữa.

Sợ bắt bớ, má dắt mấy anh em về Đồng Tháp tham gia hoạt động. Tôi thoát ly gia đình theo tổ chức hẳn. Khoảng đầu năm 50, do tổ chức ở Campuchia bị bể, cần người biết nói tiếng Miên và có gia đình làm cơ sở hậu thuẫn để đi, vậy là tôi được chọn. Đâu được chừng năm mấy thì tôi lại bị bắt. Để tránh ảnh hưởng đến gia đình, tôi khai gian, do quê nghèo quá nên lên đây giúp việc nuôi thân.

NSƯT Phi Điểu trong phim sitcom Ngũ long công chúa.

Hồi này, nghe đâu má có xuôi ngược lên mấy bận hỏi thăm tin tức tôi nhưng đứt quãng như chim bay gãy cánh. Chỉ nghe phong phanh tôi còn sống nhưng má không tìm cách nào gặp được để xác minh. Sau, bọn chúng điều tra tôi khai dối nên trả về theo diện trao trả tù binh thiếu niên. Tôi bị giam suốt ở Nhà giam Thủ Đức hai năm. Bị tra khảo, đánh đập, dụ dỗ cũng nhiều. Nói không sợ là nói dối vì mình còn quá nhỏ. Nhưng cứ nghĩ đơn giản nếu mình khai thì nhiều người nữa cũng bị bắt bớ, tra tấn như mình, tự dưng gan lỳ hơn hẳn. Thấy coi bộ không khai thác được gì ở tôi, phần tôi còn chưa đủ tuổi thành niên nên bọn chúng tiếp tục tha theo dạng trao đổi tù binh. Ra khỏi nhà lao, tôi được tin má và mấy anh em đã dọn về khu Vườn Chuối để tránh lùng sục. Ba tôi thì dẫn thằng út theo ra tập kết.

Theo diện thì cả nhà tôi được đi hết nhưng do má bị tim nên đành ở lại. Tôi muốn ở lại Sài Gòn tiếp tục bắt liên lạc với tổ chức song mấy cô mấy chú sợ lộ nên xếp cho ra Bắc luôn. Tôi đi không kịp từ biệt má. Và vĩnh viễn không bao giờ tôi được gặp lại má nữa. Người phụ nữ học thức, đẹp người, nết na, tháo vát và hy sinh cho chồng con.

2. Ra Bắc được ít lâu, tôi về đoàn Cải lương Nam Bộ công tác. Vừa múa, hát, diễn kịch, hát cải lương, thậm chí làm luôn cả xiếc. Ở đâu cần, đoàn đi tới đó. Toàn những chị em dân quân, trẻ trung, nhiệt huyết. Một bữa, tình cờ đang diễn thì ba con tôi gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Hai ba con ôm nhau nước mắt ngắn dài. Ba tưởng tôi đã bị thủ tiêu khi bị bắt ở Campuchia.

Bên ánh lửa bập bùng, ba mới kể, hồi má mang bầu tôi, đận đó bụng nặng, má vô thăm ba. Chơi lâu thì bất ngờ má trở dạ sinh. Rừng sâu, nước độc, ba làm bà đỡ cho tôi luôn. Ba nói, tôi sinh ra đã bướng, bọc ối che mặt, không khóc, ba phải xé bọc đét cho vài cái mới chịu oe oe. Gặp đó, vài câu chuyện đó rồi hai ba con, mỗi người mỗi hướng, mải mê với những chuyến đi, với nhiệm vụ của riêng mình. Gian khổ nhiều, khó khăn chồng chất khó khăn, mà bước chân vẫn cứ bước đều về phía trước.

Dù đã ngoài 80 nhưng bà vẫn tự chạy xe ra phim trường.

Người ta bảo đời tôi suôn sẻ. Ừ thì suôn sẻ theo cái cách mà tôi nghĩ. Chứ có ai vẹn tròn đâu. Hay có lẽ, tại cái tính tôi vậy. Nhiều khi lật lại ký ức những ngày xưa cũ, tôi toàn nhớ những chuyện vui. Chuyện những chuyến xuyên rừng, lội biển. Máy bay sà sà trên đầu. Sức thì đuối dần, ba lô mỗi ngày thêm oằn lưng, cái nặng kéo mình xuống. Tới nỗi mấy lúc dừng chân, cái nút áo cánh tay cũng bứt bỏ lại cho bớt nặng. Vậy mà vẫn cứ đi, năm này qua tháng khác. Tiếng cười réo rắt theo mỗi dặm đường. Những chuyến đi mải miết gối lên nhau như sóng cuộn bờ, như những con mương nắm tay nhau nuôi hàng cây thêm tốt tươi. Đất nước mình đâu đâu cũng đẹp, cũng thơ mà bom Mỹ nó ác liệt quá...

Lại nhớ chuyện đứng bên này cầu Hiền Lương diễn cho bà con xem. Mấy lúc, trong giấc mơ, thấy mình bước qua cái vạch chia, về với má nước mắt tự dưng rơi. Hồi đầu mong 1 năm, 2 năm, rồi 3 năm, 5 năm. Thời gian cứ kéo dài đằng đẵng. Ngót cái tuổi xuân trôi qua tựa mây trắng bay ngang trời. Riết rồi không còn nước mắt để khóc nữa. Tất cả dồn sức cho một ngày nối liền đôi bờ.

Chuyện vui nhất, tôi nhớ hồi ấy còn ham chơi. Trưa, tôi và một cô bạn trốn ngủ đi dọc bờ sông chơi. Hứng lên đứa mới ngồi trên mủng chèo cập theo bờ ngó sông nghịch nước cho đỡ nhớ miền Nam. Bất chợt, gió ở đâu ào ào thổi tới, hai đứa con gái sức không địch nổi gió, mủng trôi về phía bờ bên này. Cách hơn một cây sào là lính vớt được. Hai đứa hoảng hồn, la trối chết, nhờ bà con mình kéo vào. Chuyện ngẫu nhiên đó tự dưng hun đúc cho mình thêm quyết tâm.

Ngày đất nước thống nhất, tôi về lại miền Nam, mới hay má mất trước đó gần chục năm. Không bàng hoàng, không đột ngột. Nhưng nỗi buồn cứ thấm dần, thấm dần và dai dẳng. Ngày ba ra quân, thương ba một mình, chị em tôi có đề nghị, hay là ba đi bước nữa cho có bạn sớm hôm tuổi già.

Ba chỉnh mấy chị em ngay lập tức: “Tụi con coi thường ba quá! Nếu má con còn sống thì ba chờ. Má con mất rồi, ba ở vậy”. Ba nhớ câu, con chim có chết cũng quay về tổ. Nhà nước có đề nghị trả lại nhà, đất cho ba ở quê ngày bị giặc chiếm. Ba khước từ, chỉ xin miếng đất nhỏ cạnh miếu, cặm cụi qua ngày cho đến lúc về với má…

3. Người ta thường nói cái tên vận vào người. Không biết có phải như vậy không, riêng tôi ngẫm coi bộ đúng quá. Ba má đặt tên tôi là Phi Phi. Mấy chị em trong nhà cũng có cách đặt tên lặp lại y vậy. Sau đợt thoát chết, má nói thôi lược bớt một chữ, giữ lại một chữ thôi. Lúc tôi theo tổ chức, các cô các chú hỏi, tôi tình thiệt kể. Một cô mới đề nghị đặt thêm chữ gì đó cho dễ gọi. Nghiệm nghiệm một hơi, cô nói từ nay gọi là Phi Điểu. Phi là bay, thêm Điểu nữa cho bay xa, bay nhanh. Sau này, đi gặp mấy chú, mấy chú mới giải thích, con chim đà điểu không bay được nhưng nó chạy còn nhanh hơn xe hơi nữa. Cái tên theo tôi đến tận bây giờ.

Hình như cái máu đi nó ngấm vô da vô thịt hồi nào không hay. Hễ quỡn quỡn chân là thấy bụng nó nhớ nhớ, lòng nó bồn chồn. Thôi làm ở Đài phát thanh, tuổi cũng ở độ hưu, tôi về gầy dựng phong trào ca hát ở khu phố cho rôm rả. Nhờ kinh nghiệm của những năm đi diễn ở rừng, vở tôi dựng được giải, ra tới cấp thành phố. Nhiều đồng đội, bạn bè xưa nhận ra. Tiếng lành đồn xa, tôi bén duyên phim ảnh gọn hơ vậy đó. Vai đầu tiên tôi đóng là mẹ của nhân vật Thanh trong Blouse trắng của đạo diễn Trần Mỹ Hà. Vai phụ, vai ít phân đoạn, nổi tiếng hay không, tôi không màng. Quan trọng là tôi giúp được người ta khi người ta cần mình.

Nghe tiếng “cứu bồ” của tụi nhỏ thôi là tôi chịu không nổi, phải xắn tay vào phụ liền. Hai đứa con tôi thấy tôi lớn tuổi mà còn rong ruổi ra phim trường với con xe cà tàng, nửa đêm nửa hôm cũng bắt xe, lặn lội theo đoàn, tụi nó xót, càu nhàu, cử nhử. Má lớn tuổi rồi, ăn uống có bao nhiêu đâu, hổng lẽ tụi con chăm má hổng nổi. Ờ, biết tụi nhỏ có cái lý của nó nên chỉ cười cười. Thiệt thì già rồi, có nhu cầu gì nhiều nhặn đâu. Đi vì thấy vui, vì gặp người này, người kia. Vì còn sức thì còn làm. Vì giúp được người này chút người kia một ít mà không phải bận lòng con cái.

Và vì đời tôi là những chuyến đi…

Hoàng Linh Lan
.
.