“Cậu út” nhà họ Lê - NSƯT Lê Chức: Những ngày nắng ấm bình yên
Nhờ vào chất giọng đặc biệt ấy mà ông luôn lên sân khấu trong những kì hội nghị, hội diễn, liên hoan, bế mạc… nơi nào có tiệc của ngành sân khấu là có sự xuất hiện của ông ở vị trí trung tâm. Giọng nói trầm ấm ấy được cất lên từ khổ hình, dáng người bệ vệ, cử chỉ chậm rãi, khoan thai. Tính ông giản dị, dễ gần, thân thiện, không hề quan cách.
Ai đó đã nói: “Lãnh đạo văn nghệ sĩ là không lãnh đạo gì” có lẽ đúng với ông và vì điều này ông sinh lời, được nhiều người yêu quý, cả anh em văn nghệ sĩ và những kẻ ngoại đạo như chúng tôi.
Trong cuốn tự truyện Lê Vân yêu và sống, cháu gái của ông, nghệ sĩ múa Lê Vân đã gọi ông bằng danh xưng trìu mến “cậu út”. Cậu út Chức là con út trong gia đình 10 anh chị em. Bố là nhà thơ Lê Đại Thanh, một thầy giáo, một kịch sĩ tiếng tăm lừng lẫy đất Hải Phòng. Mẹ ông là một tiểu thư khuê các trong gia đình giàu sang phú quý bậc nhất ở đất cảng. Mẹ ông lấy bố ông khi bà mới 16 tuổi.
Ông kể: “Mẹ tôi trong vòng 15 năm sinh 10 người con. Ngày xưa chỉ cần một cú sốt dịch, một lần thương hàn là đã mất đi một người con. Tôi mất đi hai người chị, hai người anh. Cho đến lúc tôi biết tất cả mọi sự thì tôi có tất cả 6 anh em, bây giờ chúng tôi cũng chỉ còn lại có 4 người”.
Tại sao cả 4 người con đều trải qua những năm tháng dài dằng dặc theo nghiệp nghệ thuật, mặc dù con đường của họ đã có lúc đầy chông chênh, trắc trở. Hãy nhìn vào tiểu sử của ông, ở đó có máu và hoa. Bố ông, nhà thơ Lê Đại Thanh khi ở Hải Phòng đã lập ra Đoàn kịch Cổ Phong, vừa là đạo diễn kiêm luôn tác giả. Mẹ ông thời ấy là diễn viên trong đoàn, tối tối họ lại sang diễn ở Nhà hát Lớn Hải Phòng và những người con của họ hằng ngày được tiếp xúc với bầu không khí nghệ thuật nên cứ ngấm dần vào máu.
Ông kể: “Trước năm 1960 không khí về văn hóa nghệ thuật thật tuyệt diệu. Anh lớn tôi là Lê Đại Châu tham gia viết kịch, anh Lê Đại Chương vào Đoàn kịch Cổ Phong. Anh Lê Đại Chúc tham gia hội họa. Chị Lê Mai lúc ấy chưa lên Hà Nội, ở nhà diễn cùng với mẹ tôi. Kinh tế gia đình tôi lúc ấy cũng khấm khá, mẹ tôi là người hiếu khách, bố tôi lại là người quảng giao. Nhà tôi trở thành nơi tụ họp của những nghệ sĩ lớn của Hà Nội trên đường xuống Hải Phòng đi Đồ Sơn hay đi Cát Bà, Cát Hải”.
Căn nhà ông là điểm đến của những uy danh trong làng nghệ thuật nước nhà lúc bấy giờ như nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Nguyễn Tuân, họa sĩ Dương Bích Liên, nhà thơ Tế Hanh, họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn… Họ là những người bạn tâm giao văn thơ, hội họa cùng nhau trò chuyện, và những người con của ông cụ Lê Đại Thanh được sống trong bầu không khí ấy cũng dần dần như một lập trình, đi vào quỹ đạo nghệ thuật.
Giờ đây, gia đình dòng tộc ấy được cả nước biết đến vì tài năng nghệ thuật qua nhiều đời. Đó là sự hiện diện của con phố mang tên cha ông - nhà văn hóa Lê Đại Thanh. Đó là nữ diễn viên Lê Mai, người đã xuất hiện ở hàng trăm bộ phim truyền hình, là gương mặt thân thiết với khán giả cả nước. May mắn sao, ba người cháu gái Vân, Khanh, Vi hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã có những thành công nhất định. Định mệnh hay tài năng? Hay trong tài năng có định mệnh để ba chị em đều nhận giải nữ diễn viên xuất sắc nhất của ba kì liên hoan điện ảnh. Còn ông, chớp mắt là một chặng đường trong quá khứ cứ ẩn hiện, lúc tỏ, lúc mờ.
Ngày được đi học đạo diễn tại Liên Xô, rồi về nước, ông làm chuyên viên ở Cục Nghệ thuật biểu diễn, ít lâu sau sang đảm nhiệm chức Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, rồi tiếp là Cục phó Cục nghệ thuật biểu diễn và sau cùng giữ chức Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Hội Nghệ sĩ sân khấu quy tụ hàng nghìn hội viên, mỗi người là một cái tôi riêng, ai cũng giàu cảm xúc, dễ vui buồn, xúc động. Ông lấy cái tình mà đãi người. Họ yêu quý ông, khoảng cách giữa ông và anh em văn nghệ sĩ dường như được xóa nhòa.
NSƯT Lê Chức và nhà văn Nguyễn Khắc Phục (bìa phải). |
Chị gái ông, nữ nghệ sĩ Lê Mai và anh rể ông, NSND Trần Tiến tuy từ lâu không sống chung một nhà, nhưng ông vẫn coi Trần Tiến là một người anh thân thiết. Họ vẫn gặp nhau, bá vai bá cổ, cười nói rổn rảng. Qua bao năm, đến nay Trần Tiến và Lê Chức vẫn là một cặp. Ông thương anh rể gầy gò, ốm yếu nhưng tài hoa.
Ngày còn diễn, mỗi lần nghệ sĩ Trần Tiến bước ra sân khấu là khán giả vỗ tay rần rần, râm ran khắp khán phòng. Làm nghệ sĩ lớn như thế hỏi được mấy người?! Ông trân trọng anh rể mình, tài năng nhưng cuộc sống cũng không ít trắc trở. Đời mà, được cái nọ thì mất cái kia. Cuộc hôn nhân giữa chị gái và anh rể tuy không đi đến cuối con đường nhưng đã để cho ông niềm tự hào là ba cô cháu gái dòng họ Lê. Và với ba người cháu, ông đều có những kỉ niệm sâu sắc.
Trong quá khứ của gia đình, đã có lúc cái nghèo, cái đói, cái khổ đè nặng trên vai, rồi thời gian như gột rửa tất cả. Vết thương cũ của một thời ám ảnh đã lùi xa vào dĩ vãng, nhường cho những ngày nắng ấm bình yên. Phải nói trong cuộc sống khốn khó của hoàn cảnh gia đình không mong muốn đó, đã nhào nặn nên những người con, người cháu. Cậu út - Lê Chức làm đạo diễn trên 50 vở đủ các loại hình sân khấu, từ tuồng, chèo, cải lương, kịch nói.
Nhờ chất giọng trời phú mà hàng chục năm nay, ngoài giờ làm việc, ông đã tham gia dạy nhiều khóa MC, đọc lời bình cho phim tài liệu, lồng tiếng cho phim truyện, chưa kể đến viết kịch bản lễ hội. Ông là người quy củ và nghiêm ngắn trong công việc bất kể khuya sớm, nắng mưa. Nhưng ông không chắt nhặt cho riêng mình, ai đó khó khăn ông dúi một ít để đỡ đần. Số tiền có thể không nhiều nhưng đó là kết quả của sự lao động nghiêm túc. Tiền của ông không phải từ trên trời rơi xuống, nó được làm ra từ sức lực cần cù, chăm chỉ của một nghệ sĩ gần 70 tuổi.
Trong phòng làm việc của ông có tượng thánh Trần Hưng Đạo, tượng của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, và cả tượng Phật. Bốn pho tượng hiện hữu trong căn phòng, mỗi ngày đến và mở cửa, đối diện với những bức tượng, ông thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng. Chốn quan trường xưa nay tranh giành quyền lực đấu đá, ông không ham, ông vẫn cứ là ông, không phải là người quyết liệt nhưng là người thiện tâm. Nếu nói sức khỏe của con người là tài sản lớn nhất thì Lê Chức quả là người giàu có.
Ở độ tuổi xấp xỉ 70 mà ông lúc nào cũng vun vút công việc, tự làm, tự dưỡng. Ông thân thiện với mọi người, chính cái tinh thần hướng thiện ấy đã cho ông một tâm thế ổn định và tinh lực dẻo dai. Ông không bị kéo vào câu chuyện thị phi bon chen chốn quan trường bất trắc. Và, đôi lúc khi thăng hoa, ông làm thơ. Lời thơ ru ông vào giấc mộng đẹp, yên bình, đã xa rồi một thời giông gió…