Câu chuyện thứ 53: Chuyện của NSƯT Đức Hải
1. Tháng Chạp, những đêm xanh phương Nam, gió lẻ ở đâu se sắt về thắp lên nhớ thương da diết. Tháng Chạp, những cơn mưa bất chợt đến, rỉ rả ôn lại tháng ngày xưa cũ. Tôi trở mình, nằm nghe mưa, ngóng sáng. Mưa phương Nam không mềm mại như làn mưa bụi Hà Nội. Hay tại ký ức tuổi thơ lúc nào cũng êm đềm, nhung mượt như đám lá non tơ? Hoặc do ký ức tuổi thơ chẳng bao giờ mua được vé khứ hồi, thành ra những vụn dại, nghịch ngợm cứ mang theo bên mình như một thứ hành trang quý giá. Để lâu lâu lần mở, cười vang với bạn bè niên thiếu.
Nhà tôi hồi đó ở phố Hàng Chuối, mỗi lần mưa lớn nước ngập tới ngang đùi. Nước rút hết cũng phải mất cả buổi. Để đỡ buồn, đám con nít liền tụ lại, đợi ôtô đi ngang rồi hét vang và ù té chạy theo những đợt sóng liên hồi đó. Tôi vốn nghịch từ bé. Những trò nguy hiểm tôi chẳng ngán thứ nào hết. Chơi khăng, đánh đáo sứt đầu, mẻ trán trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Dại nhất là lần tôi trèo tường cách mặt đất khoảng 4, 5 mét gì đó đi thăng bằng trong sự hò reo của lũ trẻ cùng xóm. Giờ nghĩ lại vẫn rùng mình.
Bố mẹ tôi người gốc Nam Định, hai cụ về Hà Nội sau ngày hòa bình lập lại. Tuổi trẻ của các cụ là những tháng ngày sôi nổi, quả cảm trên chiến trường, đem tuổi xuân hòa theo tiếng gọi của Tổ quốc. Những đêm đông, để quên đi cái rét, bố thường tụ chúng tôi lại, kể về những trận đánh lớn nhỏ bố từng tham gia, những trận chiến đấu tử ôm bom ba càng,…
Rồi như một minh chứng về sự tàn khốc của bom đạn, bố lật ống quần cho chúng tôi xem những vết sẹo dài ở hai “ống đồng” từ đầu gối trở xuống,… Thằng tôi nghịch ngợm chỉ biết há hốc mồm, tròn mắt nhìn bố, lòng vừa thập phần ngưỡng mộ, vừa nghẹn ngào, xa xót thương bố quá đỗi. Những ngày đông, bố trở mình, nén tiếng rên theo từng vết nhức cựa mình. Có lẽ, chất lính đã rèn cho bố tôi tính mạnh mẽ, dứt khoát và ngay thẳng.
Mẹ thường bảo, tính tôi giống hệt tính bố. Khuyết điểm đồng thời cũng là nét đáng yêu nhất của bố tôi là bố rất mực yêu con, bênh vực con cái hơi “lộ liễu”, bất kể con mình đúng hay sai.
Ngày bé trẻ con chơi với nhau thỉnh thoảng cãi nhau, đánh nhau. Bố tôi mà biết thì trẻ con hàng xóm chạy mất dép. Phụ huynh định “can thiệp” chỉ cần thấy ông trừng mắt là nhẹ nhàng mất dạng. Điểm này tôi thua bố tôi xa. Song, thương con vậy chứ bố không nuông chiều. Lúc nào, bố mẹ cũng dạy chúng tôi trung thực, chăm chỉ và hết lòng yêu thương bảo vệ nhau. Đó là bài học tôi khắc cốt ghi tâm dạy cho các con sau này.
Tôi nhớ, có lần mấy anh em tôi xúm vô đánh hội đồng anh em hàng xóm kịch liệt và cho rằng phải như thế mới là máu mủ ruột thịt sống chết có nhau. Chiều về, hàng xóm sang mách, đến tối 6 anh em nằm dàn ngang như cá mòi và nhận mỗi đứa một roi vào mông. Riêng tôi thì được… tha, chỉ phải hứa bớt nghịch, vì tôi là con út.
Thời đó, hoàn cảnh chung, nhà nào cũng túng. Bố mẹ tôi lại có những 6 đứa con phải coi sóc ăn uống, học hành nên quần quật suốt từ ngày tới đêm, hiếm khi ngơi tay. Ngoài giờ làm ở cơ quan, giờ học ở trường, cả nhà tôi đều cố làm thêm việc này một ít, việc kia một chút để kiếm thêm. Từ đan len, dán phòng bì thuê, quại (bện thảm bằng vỏ trái ngô), tới dệt len công nghiệp... Quần áo mặc, người con cả lớn lên thì nhường lại cho người em kế tiếp, rồi người kế tiếp lớn lên lại nhường lại cho người em sau... Lỡ có rách thì qua bàn tay mẹ, miếng vá khéo léo như thêu. Do vậy nên hầu như tôi toàn mặc đồ bính của mấy anh mấy chị để dành lại, chẳng bao giờ có được quần áo mới….
Hồi nhỏ xíu, tôi còn được các chị chăm chút cho mặc váy nữa. Lớn hơn chút, biết sự khác biệt về giới tính, tôi xấu hổ và “chống cự” quyết liệt. Bố mẹ vừa động viên các chị, vừa “bênh” tôi: “Thằng Hải là con trai, lại là út, các con đừng có ép em, tội nghiệp!”.
![]() |
Vậy đó, bao nhiêu tình thương cả nhà đều dồn cho thằng út cả. Thành ra, trong cảnh lam lũ, thằng tôi vẫn là đứa sướng nhất nhà. Tôi nhớ một đận, tôi thèm ăn bánh cuốn và bị ốm. Mẹ lần trong túi rút ra 300 đồng trên tay đưa cho tôi. Chạy một đoạn đường dài từ đến hàng bánh cuốn, tôi ngồi thụp xuống chấm nước mắm ăn như bao giờ được ăn. Và cũng từ sau lần ăn bánh cuốn đó tôi đã khỏi hẳn ốm.
2. Năm tôi học lớp 5, lần đầu tiên được bố mẹ cho vào rạp Công nhân (Nhà hát Hà Nội bây giờ). Tôi bị choáng vô cùng. Cái nhà to quá, cái màn sân khấu to quá, có nhiều cô tiên, ông bụt, hoàng tử quá chừng. Sân khấu, màn nhung, bục gỗ như một lực hút vô hình cứ kéo tôi gần lại, gần lại rồi đâm mê lúc nào chẳng hay. Hè năm đó, tôi xin vào lớp kịch của Nhà văn hóa thiếu nhi. Lo tôi mê sân khấu bỏ học, bố mẹ vẫn theo nhắc chừng.
Năm 1976, tôi đóng bộ phim đầu tiên trong sự nghiệp học trò của mình có tên gọi Quyển vở sang trang. Hai năm sau, tôi thi đậu vào Nhà hát Tuổi Trẻ nhưng bố mẹ tôi nhất quyết không đồng ý. Thuyết phục mãi không xong, tôi liều bỏ giấy gọi Đại học Ngoại thương, đi cắt amidan theo yêu cầu của Nhà hát để theo học diễn viên cho kỳ được.
Thời buổi đó cắt amidan rất đau. Bị bố đánh đòn, cấm cản dữ quá, tôi viết một bức thư tuyệt mệnh để dưới chiếc đồng hồ trong nhà: “Hôm nay, con đi cắt Amidan. Nhà hát yêu cầu cắt mới được vào và đây là lựa chọn của con. Rất có thể con sẽ chết vì không có ai bên cạnh và máu có thể không đông”. Lúc người thân tất tả vào viện, tôi đang nằm trên giường bệnh, miệng ngậm hai cục bông; máu chảy, nước mắt trào ra không nói lên lời. Bố thương thằng con cứng đầu, có phần giống bố ngày trẻ nên cũng xuôi xuôi.
Trong thời gian ở Nhà hát, tôi hai lần đỗ thủ khoa vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Thời gian đó, trường liên thông đào tạo với Liên Xô nên nếu học, phải sang nước bạn. Lần thứ nhất, Nhà hát không đồng ý cho tôi đi học do tôi đang là diễn viên chính, “phải” có nghĩa vụ đóng góp. Đến lần thứ hai, nghĩ đời người không ai có hai lần cơ hội. Vậy là tôi quyết tâm xin đi học cho kỳ được vào năm 1989.
![]() |
NSƯT Đức Hải trong chương trình Ghế không tựa, phát sóng trên VTV6. |
Gian nan, năm đó nước bạn không mở lớp năm nhất, năm hai, tôi buộc phải thi thẳng vào năm thứ 3, hệ Đại học, khoa Đạo diễn. Nghe tin thi đậu, mừng chưa kịp thở lại tiếp tục học trả thi 46 môn của hai năm trước đó trong vòng 20 ngày. Từ một đứa có da có thịt, thi xong, tôi sụt hẳn xuống 46 kg. Nhắc lại thấy sợ thật, không biết hồi đó sức ở đâu, động lực ở đâu mình có thể vượt qua được từng ấy thứ.
Khoảng thời gian ở Nga sau đó vất vả và gian khổ không kém. Nước Nga cải tổ, người Nga thiếu ăn thiếu mặc. Tôi là sinh viên học xa nhà, càng khốn khó hơn, bài vở ngập đầu, đem sức khoẻ tàn tạ chống chọi với cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông xứ bạch dương. Có những đêm cóng quá, nằm co nhớ nhà, nhớ Hà Nội quặn thắt.
Tôi đi nhiều, sống ở vài nơi, không hiểu sao lại yêu mùa đông Hà Nội đến vậy. Hay tại ở đó có tuổi thơ tôi, có bố tôi ngồi bên chiếc ghế dài, kể chuyện cho anh em tôi nghe? Có tiếng bước chân mẹ đi làm về đầu ngõ, tôi ùa vào nhà lật tung tủ quần áo tìm thật nhanh một bộ để mẹ đi tắm bằng cách đưa lên mũi hít hà mùi của mẹ mà không cần nhìn. Có tấm áo lạnh chị vừa mặc vừa giữ, sợ sờn đến thằng út chẳng còn ấm… Rồi thiếp đi lúc nào không hay. Sáng ra, bước lên sàn tập lòng lại phơi phới, tự nhủ phải cố gắng hơn bởi sắp chạm vào ước mơ mình đeo đuổi.
Lăn lộn suốt 3 năm, tốt nghiệp, tôi đứng trước hai ngã rẽ, hoặc về nước hoặc học lên thạc sĩ 2 năm nữa? Bố mẹ tôi khi ấy đã có tuổi, lỡ có bề gì thì làm sao về? Nhưng nếu về thì cơ hội không bao giờ đến nữa. Chần chừ, trăn trở tới lui, tôi quyết định ở lại. Tới năm thứ 5 thì nhà tôi xảy ra chuyện với bố… Và tôi đã phải trả giá cho lựa chọn của mình…
Tôi về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ và Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Đang được khán giả ngoài này biết mặt, nhớ tên thì trường chuyển tôi vào Nam công tác. Báo chí trách móc, bạn bè quyến luyến, gia đình bịn rịn khiến tôi suýt bị nước mắt bủa vây mà đổi ý. Chợt nghĩ, mọi chuyện đều là một cái duyên đã xếp đặt trước đó. Mình còn trẻ, cứ đi rồi sẽ thành đường. Có gì mà phải sợ, phải lo lắng.
Nói vậy thôi, chứ tôi cũng mất gần 6 tháng để làm quen với nhịp sống sôi động của Sài Gòn, để tự khẳng định với bản thân, đấy là một lối rẽ hợp lý và đúng đắn. Bây giờ thì mọi việc khá ổn từ nơi ăn đến chốn ở, gia đình, con cái, anh chị em cũng ở gần nhau. Cuộc sống của tôi thật sự không như người ta nói, rằng toàn gặp thuận lợi, rằng như được trải thảm cứ thế bước đi.
Ngày còn trẻ cơ cực, mình phải nỗ lực, cố gắng hết sức để có tương lai tươi sáng hơn. Lập gia đình, có con rồi, mình lại tiếp tục lo lắng về tương lai của con như bố mẹ mình ngày trước. Mai này chúng lớn lên, nghề nghiệp, học vấn, tư cách, những “bước đệm” ban đầu. Làm sao cho chúng đỡ vất vả hơn mình ngày xưa mà vẫn phải tự lực. Hóa ra, đời sống chính là sự tuần hoàn, là những vòng tròn yêu thương tiếp nối và lan rộng hơn. May mắn sao, các con tôi đều ngoan và yêu Hà Nội – nơi chôn nhau cắt rốn của bố như tôi vậy.
Tôi về Hà Nội như cá gặp nước, chim gặp rừng. Lần nào cũng rối bù công việc, gặp gỡ và chẳng biết khi nào đủ thời gian cho các nhu cầu, nhất là thăm họ hàng, bè bạn. Biết khi nào có đủ thời gian bắc ghế ra trước nhà, ngồi nhìn sóng nước ôtô tóe lên sau một trận mưa đêm…