Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907 – 9/2/2007):

Các bút danh, bí danh của đồng chí Trường Chinh

Thứ Năm, 15/02/2007, 11:30
Trường Chinh - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907 ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Cũng như các nhà cách mạng khác, trong cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Trường Chinh dùng rất nhiều bí danh, bút danh khác nhau khi viết báo, làm thơ cũng như khi soạn thảo các văn bản quan trọng.

Mỗi bút danh, bí danh của đồng chí ở từng thời điểm đều gắn liền với từng thời kỳ lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Anh Năm, anh Thận và những bút danh tác phẩm báo chí văn thơ

Đồng chí Trường Chinh là nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhất là trong những bước ngoặt của Cách mạng Việt Nam, nhà lý luận, văn hóa lớn, tấm gương người chiến sĩ Cộng sản kiên cường, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp của dân tộc và thời đại.

Đồng chí  tham gia hoạt động cách mạng từ năm 18 tuổi (1925) cho đến trước ngày từ trần (30/9/1988) đã giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước: 2 lần giữ chức Tổng Bí thư của Đảng giai đoạn từ năm 1941 đến tháng 10/1956 và giai đoạn cuối năm 1986 (7/12/1986); Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...

Cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục, sôi nổi trên nhiều lĩnh vực của đồng chí để lại cho thế hệ sau những giá trị trí tuệ và tinh thần quý báu. Điều này thể hiện một cách rõ nét qua các tác phẩm được biên soạn cũng như những tài liệu lưu trữ trong các kho lưu trữ quốc gia.

Việc nghiên cứu, xác minh những bí danh mà đồng chí từng dùng có ý nghĩa quan trọng, giúp cho các nhà nghiên cứu dễ dàng xác định được tác giả đích thực của những bài báo, những tài liệu lưu trữ và các nguồn sử liệu quan trọng khác để họ thực hiện thành công những công trình khoa học, góp phần dựng nên bức tranh chân thực về lịch sử Đảng, về lịch sử dân tộc và công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Đồng chí Trường Chinh (thứ 2 từ trái qua phải) tiếp Đoàn Đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phòng Miền Nam ra Bắc.

Đối với đồng chí Trường Chinh, có những bí danh dùng trong thời gian khá dài, cũng có những bí danh đồng chí chỉ dùng trong một quãng rất ngắn vì mục tiêu tuyên truyền cách mạng. Ngoài tên gọi là anh Năm và anh Thân trong khi hoạt động cách mạng mà ai cũng biết, được dùng trong thời gian rất dài, còn rất nhiều bí danh khác nữa, đặc biệt là khi đồng chí Trường Chinh trong vai trò một nhà báo với những bài viết sắc bén.

Khi viết báo, trong thời kỳ trước và sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Trường Chinh thường sử dụng bút danh Q.N. Đó là hàng loạt những bài viết trên các báo mà điển hình như “Trở lại bài phỏng vấn Tơ-rốt-kít của ông Trương Tiêu” đăng trên báo Tin tức số 42, ra ngày 12-15 tháng 10/1938, hoặc bài “Luận điệu “cách mạng mồm” nông nổi và vô chính trị của bọn Tơ-rốt -kít”, cũng đăng trên tờ báo này vào năm 1938.

Một bút danh khác là Qua Ninh đã được đồng chí Trường Chinh sử dụng khi viết bài cho báo Ngày mới, chẳng hạn như bài: “Nhân sự lầm lạc của cụ Phan Bội Châu” (Báo Ngày mới, số 6, ngày 27/5/1939), hoặc bài “Sứ mạng của phái Văn thân đã hết từ lâu rồi”...

Bút danh Qua Ninh còn được đồng chí sử dụng trong nhiều tác phẩm báo chí và chính luận khác sau này, trong đó có thể kể tới tác phẩm nổi tiếng (viết chung) như “Vấn đề dân cày” do NXB Đức Cường ấn hành. Khi đó trên cuốn sách có tên là Qua NinhVân Đình đó là bút danh của đồng chí Trường Chinh (Qua Ninh) và bút danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Vân Đình).

Khi viết bài cho các báo cách mạng như Giải phóng, Cờ Giải phóng, đồng chí thường viết bài và ký tên là Tân Trào, C.G.P hoặc T.Tr, cũng có khi đồng chí ký tên là G.P. Đó là những cái tên gắn liền với sự hào hùng của lịch sử dân tộc, gợi lên chí khí và niềm tin vào cách mạng, khích lệ lòng người.

Điển hình về bút danh C.G.P có thể kể tới những tác phẩm như “Cuộc kháng chiến anh dũng của chúng ta” (Báo Cờ Giải phóng, số 14, ra ngày 28/6/1945). Cũng trong số báo này còn có bài “Hạnh phúc cách mạng - Mười chính sách lớn trong Khu Giải phóng” ký tên là Tân Trào.

Báo Cờ Giải phóng, số 15, ra ngày 17/7/1945 có bài “Sửa soạn Tổng khởi nghĩa - Chọn căn cứ địa”, ký tên là T.Tr.

Đồng chí Trường Chinh tại Đại hội IV Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngày 20/10/1980.

Trong thời kỳ làm chủ bút tờ Giải phóng, đồng chí còn dùng bút danh Thiết Tâm, như ở bài để chiến đấu với các lực lượng phản quốc, bám gót giày xâm lược để đàn áp dân tộc “Gỡ mặt nạ bọn Đại Việt Quốc xã” (số 3 ngày 23/8/1941) hoặc nêu rõ chính kiến trong xây dựng, củng cố Đảng như bài “Củng cố Đảng, vấn đề cán bộ" (năm 1941).

Thời gian này đồng chí còn dùng  bút danh là S.T như bài: “Gỡ mặt nạ lũ Việt gian, chó săn, chim mồi của Nhật”. Còn nữa, đây cũng là giai đoạn đồng chí bắt đầu sử dụng bút danh Trường Chinh cho các tác phẩm của mình và sau này Trường Chinh đã trở thành cái tên mà hàng triệu triệu đồng bào, chiến sĩ đều biết tới.

Bút danh Trường Chinh đã được đồng chí ký dưới nhiều bài báo đăng ở tờ Cờ Giải phóng, như “Chung quanh chính sách liên minh với Pháp Đờ-gôn...”, số 7, ngày 28/9/1944. Bút danh là T.C cũng được ký dưới một số bài báo như “Nội các đông điều sụp đổ” ở báo Cờ Giải phóng ngày 28/7/1944.

Đồng chí Trường Chinh còn là người có những bút danh rất “lạ”, kiểu như XXX khi viết bài nhận xét “Yêu nước hay hại nước”, hoặc viết ở báo Cờ Giải phóng, ngày 28/7/1944, bài “Kinh nghiệm công tác - Tổ chức giao thông” và rất nhiều bài khác.

Khi viết cho báo Sự thật năm 1946, đồng chí đề dưới là Ban tuyên truyền huấn luyện TW hoặc bút danh là T.C như bài “Quan điểm chính thức của Pháp về vụ Hải Phòng” (báo Sự thật, ngày 29/11/1946).

Không những viết báo, đồng chí Trường Chinh còn là một nhà thơ; dù công việc cách mạng bận rộn, nhưng đồng chí vẫn sáng tác nhiều bài thơ nổi tiếng vừa mang tính chính trị nhưng vừa mang tính nghệ thuật cao, đi vào lòng người không chỉ các thế hệ trước đây mà cả sau này. Điển hình có thể điểm ra một số bài như: “Là thi sĩ”, “Đi họp”... đồng chí ký bút danh Sóng Hồng.

--PageBreak--

Những bí danh trong các tài liệu và thư từ một thời

Với hàng chục bút danh báo chí, bút danh các tác phẩm văn học nghệ thuật, tác phẩm chính luận, vậy thì trong các tài liệu cách mạng, trong các bút phê, bút tích văn kiện đồng chí Trường Chinh có sử dụng những bút danh này làm bí danh không?

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong nhiều tài liệu, đồng chí Trường Chinh không dùng bút danh làm bí danh mà dùng rất nhiều bí danh, nhất là thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà cụ thể là thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” cuối năm 1946. Cùng một thời gian đồng chí có thể dùng bí danh này hoặc bí danh khác tùy nội dung công việc và tùy đối tượng giao dịch.

Bí danh là Nhân được đồng chí dùng trong thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám và thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, khi đi từ Hà Đông năm 1946 lên An toàn khu và khi hoạt động trong Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lênin. Ví dụ rõ nét có thể kể tới: “Thư gửi Hồ Chủ tịch nêu khuyết điểm trong bản Đề cương văn hóa và bản Thuyết trình về văn hóa Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng đất nước”.

Một số điện, thư do chính đồng chí viết bằng bút mực gửi các đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Lành (Tố Hữu) cũng được ký tên là Nhân. Chẳng hạn như: “Điện viết tay gửi đồng chí Thanh, Lành ngày 26/1/1946 về kế hoạch triệu tập Hội nghị Toàn quốc” và “Điện gửi Thanh, Lành ngày 14/2/1946 về việc họp Quốc hội”, hay “Điện ngày 9/10/1946 gửi đồng chí Việt, Thanh, đồng chí Quỳ và các đồng chí Xứ ủy Nam Bộ”. Các văn bản này đều được ký ngắn gọn là Nhân.

Những bức điện gửi các đồng chí cấp ủy Cứu quốc hội, cũng ký tên là Nhân, ví dụ: “Điện số 1S-CT ngày 16/11/1946 gửi các đồng chí Thường vụ Công nhân Cứu quốc hội Hà Nội” và rất nhiều thư, điện khác do đồng chí Trường Chinh viết cũng ký tên là Nhân. Cũng trong thời gian này, nhiều tài liệu khác gửi tới đồng chí Trường Chinh cũng đều được ghi ngoài là “Gửi anh Nhân”.

Ngoài ra, trong thời gian này, tại một số thư, điện khác đồng chí ký là Phan. Ví dụ: “Thư gửi đồng chí Thanh về âm mưu của Pháp và một số việc cần làm của ta, ngày 13/6/1946”; “Điện ngày 12/10/1946 của đồng chí gửi đồng chí Thanh về kế hoạch bãi công toàn quốc” và một số bức điện khác như “điện ngày 25/6/1946”, “điện ngày 19/7/1946”, “điện ngày 25-8-1946 gửi đồng chí Chính” v.v... để trao đổi công tác. Trong số những thư, điện ký tên là Phan có cả những bức gửi cho đồng chí Hoàng Quốc Việt như “Bức thư số 7 ngày 25/9/1946” hay những bức điện gửi cho đồng chí Lê Duẩn.

Đôi khi cùng trao đổi với một đồng chí nhưng tùy nội dung cụ thể của văn bản mà đồng chí Trường Chinh lại dùng những bí danh khác nhau. Ngoài hai bí danh trên đây, thời kỳ này đồng chí còn dùng bí danh là Toàn, CầnNh khi viết thư cho đồng chí Chính.

Đồng chí Trường Chinh với đại biểu dự Hội nghị thi đua toàn quốc ở Việt Bắc.

Chẳng hạn, Bức điện số 13/6/1946 gửi cho đồng chí Chính để trao đổi công tác thì đồng chí dùng tên là Toàn nhưng trong một số thư, điện trao đổi cũng với đồng chí Chính như bức Điện trao đổi về việc gửi sách, báo, tạp chí, tiền, việc đề phòng bọn Việt Quốc đánh ta v.v... thì đồng chí lại ký tên là Cần. Thậm chí, khi gửi thư cho đồng chí Chính vào ngày 26/8/1946 để trao đổi một số công việc khi Hồ Chủ tịch sang Pháp, đồng chí Trường Chinh lại ký là Nh.

Bí danh Công cũng được đồng chí Trường Chinh dùng trong thư, điện gửi các cơ quan, cá nhân thời kỳ chống Pháp. Ví dụ: Điện viết tay của đồng chí Trường Chinh  gửi một đồng chí lãnh đạo đảng ta trao đổi về tổng số hội viên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Liên Việt; Bí danh này còn được sử dụng trong các bức thư, điện gửi đồng chí Phạm Văn Đồng, chỉ đạo đàm phán tại Hội nghị Giơnevơ. Trong một số thư trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng chí cũng  ký tên là Công.

Thời kỳ công tác ở Thái Nguyên, đồng chí Trường Chinh lấy tên là Lê Văn Thận. Vậy nên, trong giấy thông hành cấp ngày 20/11/1951 cho đồng chí Trường Chinh do Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam Võ Nguyên Giáp ký, đồng chí mang tên là Lê Văn Thận hoặc “Giấy thông hành số 8088 do Bộ Công an cấp ngày 26/9/1954”, đồng chí Trường Chinh cũng có tên là Lê Văn Thận.

Cá biệt, có những trường hợp, đồng chí Trường Chinh còn có tên là Nguyễn Nhân mà điển hình là khi ký dưới “Chỉ thị cần kíp số 30, gửi các đồng chí Tỉnh ủy Bắc Cạn... ngày 9/10/1947”.

Một bí danh nữa mà đồng chí cũng đã từng dùng trong thời kỳ 1946-1948 là Phương. Có thể kể ra một số văn kiện tài liệu quan trọng như: Quyết nghị của Ban Thường vụ Trung ương về việc triệu tập và chuẩn bị Đại biểu hội nghị toàn quốc, ngày 1/4/1948". Trong rất nhiều tài liệu thời kỳ đó của các đồng chí lãnh đạo Đảng như đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ gửi đến đồng chí Trường Chinh đều đề là: "Gửi anh Phương".

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số bút danh, bí danh của đồng chí mà một số nhà nghiên cứu đã xác minh được. Mong rằng, điều này sẽ giúp độc giả dễ dàng xác định được đích thực các tài liệu, tư liệu của đồng chí Trường Chinh cũng như hiểu hơn về thân thế sự nghiệp của đồng chí

Nguyễn Minh Sơn – Chí Long
.
.