Ca sĩ Đông Đào: Chuyện thương như nước trên đồng

Thứ Bảy, 23/04/2016, 10:33
Đông Đào có chất giọng trời phú. Ngọt, mượt, trong cao mà lên không chói, xuống không đứt, lại có chút gì đó nỉ non, xa xót lạ lùng. Đông Đào thành danh ở nhiều thể loại, từ dân ca, trữ tình cho đến boléro. Từ Thương ca mùa hạ, Chuyện tình nàng trinh nữ tên Thi cho đến Ru chưa hết câu hò, Bông bí vàng,… Chỉ riêng bản Bông bí vàng thôi cũng đủ đưa tên tuổi Đông Đào vào hàng những giọng ca đẹp nhất dòng nhạc dân ca.


Tình thiệt, có hai giọng hát chuyên trị dòng nhạc này ở thập niên 90 mà tôi yêu đến tận bây giờ và cũng chưa thấy có ai vượt qua được: Một là Đông Đào. Người còn lại là ca sĩ Bích Phượng, con gái ông vua vọng cổ Út Trà Ôn.

Năm 2007, bên cạnh ca hát, Đông Đào chuyển qua kinh doanh. Tôi vẫn nghĩ điều đó sẽ làm thay đổi chị ít nhiều. Nhưng không, cái chất đằm thắm, duyên dáng của chị ở ngoài đời vẫn cứ y như lúc chị bước ra sân khấu. Bất ngờ nhất có lẽ là sự mãnh liệt của chị khi chọn tình yêu, ngừng chuyển đam mê ca hát theo một hướng khác.

1. Miệt Hậu Giang những năm 70, đất vắng, người thưa. Mỗi tối nằm nghe gió tràn qua cánh đồng thông thống vô mái lá xiên xẹo, lòng lại dợn lên nỗi mênh mông hiu hắt. Là con thứ tư trong gia đình bảy anh chị em, Đông Đào sớm theo chân ba má bám vào ruộng đồng kiếm cọng rau, con cá.

Thuở, người nông dân còn niềm tin vào cánh đồng, tiếng nói tiếng hát nhộn nhịp mỗi sáng trên con đê bé xíu. Người ta í ới gọi nhau, dậy sớm nấu cơm, đi cấy, đi dở ruộng dàn công. Giữa buổi cấy mệt, kéo nhau tụ dưới tán trâm bầu mà hát, mà ngân vài câu vọng cổ cho đỡ nghiền! Cái không khí đằm thắm, nên thơ ấy nuôi dưỡng tâm hồn Đông Đào, thấm vào giọng hát ngọt như mía lùi mà có cái gì đó nỉ non, xa xót lạ lùng.

Người lớn hát, Đông Đào hát theo, riết bị phát hiện. Bà con tặc lưỡi: “Mèn ơi, con nhỏ hát nghe đã thiệt! Hổng chừng, sau này nó thành ca sĩ nghen”. Đông Đào nghe khen, vừa thích vừa mừng trong bụng chớ có biết ca sĩ, ca lẻ là làm gì. Ở xứ này, kiếm miếng ăn đã khó, chuyện học hành càng khó bội phần, huống chi mơ mộng chuyện ca hát.

Đông Đào mê hát lắm. Mỗi lần thầy cô giáo, bạn bè đề nghị: “Đứng lên hát một bài rồi học tiếp”, Đông Đào vui như mở cờ trong bụng. 

Nhà đông anh em, sợ phải sớm ngưng học như các chị bởi không đi học nghĩa là sẽ không còn được hát nữa, thành ra sau giờ ở lớp, Đông Đào cắp bao đi loanh quanh những cánh đồng trong vùng, men theo đồng ngô, luống khoai, cây bụi mót những đọt dền, mồng tơi, rau muống, nhãn lồng,…; khi thì xuống ao mò ốc, đem nơm chắn cá. 

Ít thì cải thiện bữa ăn trong nhà, nhiều thì để dành đem chợ. Bữa nào may, trên đường về, gặp người ở xóm chia lại rồi cho ít tiền. Không thì canh theo tiếng gà mà dậy đội rau ra chợ. Có bữa, đang ngủ giật mình, thấy trời sáng hửng, Đông Đào líu ríu chân không chấm đất, xỏ vội cái áo, đội thúng rau ù té chạy.

Ca sĩ Đông Đào.

Bước thấp bước cao, đi một hơi, nghe tiếng chó sủa ma, thấy đám dăm ba người đi chơi về, mới biết trời đương nửa khuya. Dở đường, vậy là cô nhỏ đi luôn tới chợ, trải mảnh bao nằm ké ở sạp nằm ngủ đợi trời sáng. Bán lại mớ rau cho các bà rồi tất tả chạy về đi học! Học xong về, lại xách bao đi xa hơn. Khoản tiền nho nhỏ ấy, Đông Đào chắt chiu, lâu lâu đem mua cây bút, quyển tập, đỡ nhọc nhằn cho ba má, gom góp giấc mơ học hành.

Chuyện đến đó, Đông Đào cười: “Trời, hổng ngờ mấy mươi năm rồi, em hỏi mà chị còn nhớ như in. Giờ kể nghe thấy cực chớ hồi đó ai cũng như mình mà, chị thấy tuổi thơ mình vui lắm”.

Một bữa, trường tiểu học của Đông Đào tổ chức liên hoan văn nghệ nhân ngày truyền thống. Đông Đào lúc đó 9 tuổi, lên hát bài hát về thầy cô do một người thầy mê văn nghệ ở trường sáng tác. Hôm ấy, có cả Đài Truyền hình Cần Thơ xuống ghi hình. Đông Đào nghĩ thầm trong bụng: “Chắc mình hát hay nè nên truyền hình mới quay mình. Sau này lớn lên mình có thành ca sĩ hông ta?” Con nít mà, vui được vài bữa thì quên. Huống chi, đứa nhỏ ấy có hoàn cảnh khó quá. Hết mùa hái rau, bắt ốc, ai kêu gì, đứa nhỏ ấy cũng nhận lời. Lớn thêm một chút, nó có thể ra ruộng, cấy lúa thẳng tắp không thua bất kỳ bà thím, bà mợ khéo tay nào.

2. Lần mòn vậy, Đông Đào học lên được cấp 3 và trở thành cây văn nghệ có tiếng ở trường, ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi tỉnh. May sao, trúng đận trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật ở thành phố về tuyển những giọng ca có tố chất nhằm đào tạo cán bộ quản lý văn hóa, Đông Đào là một trong số những gương mặt được tỉnh đề cử.

Chẳng những liều mạng xin ba má đi học, Đông Đào còn rút luôn học bạ ở trường phổ thông. Thầy hiệu trưởng thương quá, bảo: “Hay con từ từ, chứ rút rồi lỡ thi không đậu thì làm sao?”. Đông Đào quả quyết: “Con mê hát quá thầy ơi!”. Thầy ký hồ sơ mà nghĩ thương đứa học trò 16 tuổi đầu, mắt rưng rưng nước. Chị quyết tâm và tự dặn lòng, nhất định phải học thành danh, phải trở thành ca sĩ, dù có nổi tiếng hay không.

Chuyện đi thi của Đông Đào, gian nan vô cùng mà có lẽ cũng có một không hai. Thay vì đúng 8 giờ sáng có mặt ở tỉnh theo xe lên phố thì Đông Đào nhớ nhầm thế nào, 8 giờ mới từ Nhà văn hóa huyện xuống tỉnh. Lúc ấy, xe đã đi một khoảng rất lâu và xa. Quanh năm quẩn quanh với ruộng đồng, trường lớp, chưa bao giờ biết Sài Gòn đông thưa, rộng hẹp, Đông Đào rối trí bật khóc. Một cô giáo đang công tác ở Sở thấy vậy hỏi chuyện, rồi tất tả chạy về nhà, gom mấy bộ quần áo và lấy chút lộ phí, cô trò dắt díu nhau ra bến xe đò.

Giai đoạn đó, xe cộ đi Sài Gòn còn khó khăn, lắm khi cả ngày có một chuyến xe. Đợi hoài không được, nhìn con nhỏ nước mắt ngắn dài, cô và trò đổi lộ trình đi ngược xuống bến phà Vàm Cống. Qua phà thì ngoắc xe tải xin quá giang. Chuyến này đến chỗ dừng thì nhảy xuống vẫy xin chuyến khác. Tới được tới Sài Gòn cũng là lúc nửa đêm! “Nếu mà không có cô thiệt không biết chị có được ngày hôm nay không”.

Đông Đào thi đậu, hành trang lên phố của chị là chiếc giỏ vải với vài bộ quần áo. Sài Gòn trong mắt chị lúc ấy vừa háo hức, vừa lạ lẫm. Có những buổi chiều chị ngồi ở cổng ký túc xá, ngắm mấy tòa nhà cao tầng san sát, vẫn không dám mơ sau này sẽ lập nghiệp ở phố.

Đông Đào khi làm giám khảo chương trình “Hát vui – Vui hát”. Ảnh: Khánh Vy

Thương ba má ở quê cực, mấy lúc hết tiền, chị cũng không dám viết thơ về xin. Bữa sáng dằn bụng với ổ bánh mì không chấm nước tương trở nên xa xỉ. Lò bánh mì đối diện trường có cô bé con chủ, suốt hai hôm không thấy chị ghé, lờ mờ đoán được nên bữa chiều ngóng chị ngồi ở trước cổng thì lật đật chạy qua. Chị thiệt bụng nói hết, cô bé bảo: “Thì chị cứ qua em đi, em đưa bánh mì chị ăn, đừng nhịn đói, mốt bịnh chết!” Sợ chị ngại, cô bé nói mãi, chị gật đầu. Đợi tiền ở quê lên, mang qua gởi lại. Cứ thế mà sống qua ngày.

Suốt 6 tháng trời ở phố, Đông Đào không dám đi xa trường quá 1km vì sợ lạc! Đợt đó về quê nghỉ hè, bà con chòm xóm xúm lại hỏi chuyện ở Sài Gòn, chị ngượng ngùng vì “Có biết gì đâu mà kể”.

Trở lại trường, chị bắt đầu tập thích nghi dần với cuộc sống sôi động ở phố. Chị xin ba mua cho một chiếc xe đạp, mỗi ngày sau giờ học, chị bỏ bộ áo dài vô túi vải, chạy tới hát ở các nhà hàng, quán café. Nhờ đó, chị mạnh dạn hơn trong sinh hoạt của đoàn thể và được Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 mời làm cộng tác viên với mức lương 40 ngàn.

Năm 1991, tình cờ được một người chị trong đoàn rủ đi thi thử Tiếng hát Truyền hình TP HCM lần thứ nhất, Đông Đào được trao đồng giải Nhất năm đó. Ba má của chị ở nhà, thấy con gái trên tivi đen trắng vẫn không tin dám tin là sự thật. Bữa sau, ba chị dậy thiệt sớm bắt xe lên coi thực hư là con mình hay đứa nào mà giống quá vậy!

3. Duyên dáng, đằm thắm, lại là ca sĩ nổi tiếng, không quá ngạc nhiên khi Đông Đào được nhiều người thầm thương trộm nhớ. Chị cứ lơ đi, không để ý cho đến khi gặp ông xã của chị ở hiện tại. Hơn một năm thương nhau, anh chị quyết định tiến tới hôn nhân. Khổ nỗi, chị là người trong quân đội còn anh là Việt kiều Mỹ.

Ngày chị cưới, cũng là ngày chị nhận được quyết định buộc thôi việc. Chẳng những vậy, bạn bè của chị trong ngành cũng không được đến dự. Phụ nữ, vui nhất là ngày xuất giá theo chồng mà đám cưới chị, không có bạn bè, nơi chốn công việc gắn bó bấy lâu cũng gãy đổ. Chị buồn, má chị cũng buồn. Tháng 9 ngập úng theo những trận mưa tơi bời hiu hắt. Ba chị khi ấy nói với chị một câu, chị nhớ mãi đến giờ: “Con sống với chồng con cả đời. Chỉ cần con hạnh phúc là được”.

“Đó có lẽ là giai đoạn trầm nhất trong cuộc đời chị. Chị thương anh vì anh thiệt tình thiệt dạ, tuy chị hay nói vui là anh không có đẹp, cũng không phải chị là chuột sa hũ nếp đâu. Cơ ngơi hôm nay là vợ chồng chị cùng nhau tạo dựng. Chị mừng vì anh hiểu và thương chị, thương cả cái nghề của chị. Vì chị mà hồi hương về hẳn Việt Nam lập nghiệp. Có những khi đi diễn xa, anh thay chị trông nom các cháu. Chị nghĩ, cái gì mình cũng phải nếm trải để đi qua. Bây giờ nhắc lại vậy thôi chứ không phải nghĩ về chuyện đó để mà buồn, mà trách móc. Hiện tại, chị có một gia đình yên ấm, hạnh phúc với hai cậu con trai, với một người chồng hiểu mình, chị vừa có thể kinh doanh mà vẫn thỏa niềm đam mê ca hát. Chị quá may mắn và mãn nguyện rồi. Chị không mong gì hơn nữa”.

Hoàng Linh Lan
.
.