Người đi lạc trong hòa bình

Thứ Sáu, 22/12/2017, 12:40
Đã nhiều lần tôi nói rằng: nếu chọn một nhà văn Việt Nam để dựng tượng trên đường mòn Hồ Chí Minh thì tôi chọn nhà thơ Phạm Tiến Duật. Mà không chỉ mình tôi chọn ông. Rất nhiều người được hỏi đều chọn ông. 

Suốt mười mấy năm chiến tranh, ông đã đi dọc con đường mòn kỳ lạ ấy, đi và làm thơ trong bom đạn, trong máu chảy. Hình ảnh ấy luôn ám ảnh tôi. Và tôi không làm sao lý giải đầy đủ được con đường của thi ca trong con đường bi tráng ấy. 

Nhà thơ Mai Văn Phấn đã nói với tôi: Phạm Tiến Duật là người đã mang đến cho thi ca trong những năm tháng chiến tranh một đời sống mới cả về thi pháp lẫn nội dung. Mai Văn Phấn hoàn toàn đúng. Bởi đấy là sự thật. Có lẽ không bao giờ còn có một nhà thơ được tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị mời cơm khi ông trở về từ chiến trường. 

Cũng không còn có một nhà thơ nào như ông được những người lính nói: “Chúng tôi tựa vào những câu thơ của Phạm Tiến Duật để đi vào mặt trận”. Và như thế, ông đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh của một người lính và của một nhà thơ trong chiến tranh.

Tôi nhớ mãi một câu chuyện về những người lính giữ chốt trên một quả đồi ven đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh. Họ bị bao vây. Những đơn vị ở bên ngoài không thể nào tìm cách tiếp cận được họ ngoài hệ thống liên lạc bằng điện đài. Khi cấp trên hỏi họ cần gì thì họ trả lời: “Chúng tôi cần thơ Phạm Tiến Duật”. 

Những người lính trên điểm chốt ấy biết rằng có thể tất cả họ sẽ hy sinh. Cái cần nhất lúc đó đối với họ không phải là thức ăn, nước uống. Cái cần nhất đối với họ trước cái chết là một bài ca của sự sống vang lên đôi lúc như một bản thánh kinh. 

Thơ của Phạm Tiến Duật không phải là một bản thánh kinh. Nhưng nó là một điều gì đó kỳ lạ của thời điểm ấy. Một bộ phận được phân công chuyển thơ của Phạm Tiến Duật lên điểm chốt đó. 

Bộ phận này đã tháo thuốc nổ trong một đầu đạn súng cối và cho thơ Phạm Tiến Duật vào đó rồi bắn lên chốt. Đây là một câu chuyện có thật. Nhưng khi được kể lại, nó đã trở thành huyền thoại. Câu chuyện đó là một hiện thực huyền thoại. Đấy là một hiện thực chứa đựng sự kỳ diệu lộng lẫy của thi ca và đời sống tinh thần của con người ở bất cứ nơi nào trên thế gian này. 

Nhưng bây giờ, có ai còn xúc động đến lạnh người khi nghe câu chuyện này như tôi đã từng trước kia không? Bây giờ thi ca nhiều lúc không còn mảy may bóng dáng trong đời sống của quá nhiều người. Tất cả những điều kỳ diệu ấy như đã trở thành cổ tích tự lâu rồi. Và ngay chính đối với tác giả sinh ra những câu thơ ấy, tôi cứ nghĩ rằng: có những lần tỉnh rượu giữa khuya khoắt đã ngờ vực chính mình và tự hỏi: có thật là mình đã đi qua những năm tháng như vậy không?

Trong những năm ở đường mòn Hồ Chí Minh với quá nhiều thiếu thốn và nhiều lúc đói như điên dại, nhưng nhà thơ Phạm Tiến Duật đã được chu cấp đầy đủ như một vị tướng. 

Người nhìn ra một trong những tài sản quý báu nhất và có sức mạnh nhất của thi ca khi con người đứng giữa gianh giới của sự sống và cái chết lại không phải là một nhà nghiên cứu hay một nhà thơ mà lại là một người lính - ông Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh đường mòn Hồ Chí Minh và là Ủy viên Bộ Chính trị sau này. 

Nhưng bây giờ, nhà thơ không còn được coi trọng và thần thánh hóa như những năm tháng trước kia. Nhiều lúc tôi cứ hỏi tại sao bây giờ những vẻ đẹp của ngôn ngữ và giá trị nhân văn chứa đựng trong ngôn ngữ ấy lại không còn bao ý nghĩa trong đời sống con người nữa. 

Có rất nhiều lý do, nhưng có một lý do mà tôi nhận ra là những người mang danh nhà thơ đã không sống với sự chân thành, lòng đắm mê và dâng hiến như thuở trước đối với cuộc sống và đối với thơ ca.

Phạm Tiến Duật trở về từ chiến tranh. Ông ở trong một căn phòng tồi tàn ở ngõ Yên Thế. Một căn phòng mà lối đi qua căn phòng đó là lối đi để đến một cái nhà vệ sinh tồi tàn của mấy hộ cùng ở trong ngôi nhà đó. Đấy là ngôi nhà của gia đình vợ ông. 

Căn phòng vợ chồng ông và hai cậu con trai ở ngõ Yên Thế. Tôi đã từng đến ngôi nhà ấy và dù cho lãng mạn đến thế nào tôi vẫn phải tự hỏi: tại sao ông có thể sống ở một nơi chật chội và thiếu thốn mọi thứ như thế. Mãi đến sau này, tôi mới có thể tìm được một lý do, dù rằng lý do đó cũng thật mơ hồ để lý giải vì sao một nhà thơ danh tiếng lẫy lừng như ông vẫn sống trong một điều kiện quá khó khăn sau khi chiến tranh đã kết thúc quá lâu. 

Tôi từng chứng kiến những người yêu quý thơ ông mang đến cho gia đình ông từng bao tải mùn cưa để nấu nướng. Trong khi đó, rất nhiều nhà thơ khác đã xây dựng lên một cơ ngơi đàng hoàng và chăm chút cái tổ ấm của họ hơn cả chăm chút thơ ca. 

Còn Phạm Tiến Duật vẫn trôi lang thang với thơ ca như một đám mây. Đám mây ấy chỉ biết có bầu trời. Đám mây ấy chỉ biết nó đang trôi trong tự do vô tận nhiều lúc như một bản năng khó kìm giữ. Bây giờ nhiều người vẫn nhắc lại hồi đó, tổ chức đã chuẩn bị đặt ông vào một vị trí rất cao: Bí thư Thứ nhất Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. 

Nếu ông chỉ cần nghĩ đến điều đó bằng 50% của những người khác thì ông có làm đến chức bộ trưởng. Nhưng thơ ca và bản tính tự do của một thi sỹ đã kéo ông đi như gió cuốn đám mây trên bầu trời kia. Bản tính của một thi sỹ đích thực đã làm ông quên đi tiền bạc, quên đi nhà cửa, quên đi quyền chức và nhiều lúc quên đi cả vợ con mình.

Tôi đã từng nghe một số nhà thơ nói ông khôn. Nhưng than ôi, nếu khôn thì vợ con ông đã không phải sống trong một căn hộ 26 mét vuông trên tầng 5 của một khu chung cư tồi tệ nhất Hà Nội. Nếu khôn thì ông đã không bỏ đi chơi theo bạn bè quên cả sinh hoạt Đảng để ông không thể trở thành Đảng viên chính thức trong lần kếp nạp Đảng thứ nhất.

Tôi trở thành một trong những người thân của gia đình nhà thơ Phạm Tiến Duật từ những ngày anh chị còn ở trong ngôi nhà, hay có thể gọi là căn phòng nằm trong ngõ Yên Thế, Hà Nội. Chị Vân coi tôi như một đứa em trong nhà. Chị thường đi chợ muộn để có thể mua được thực phẩm với giá rẻ. 

Tôi nhớ mãi món bò kho chị nấu lúc nào cũng nhiều nước. Vì sao chị lại nấu thịt bò kho nhiều nước? Vì thịt ít nên nấu nhiều nước để ăn. Đó là những năm đầu của thập niên 1980. Đó là thời gian khó khăn nhất sau chiến tranh. 

Một lần mấy người bạn rủ tôi buôn chanh từ TP HCM ra Hà Nội. Chanh ở trong đó rất rẻ, còn Hà Nội lại quá đắt. Chúng tôi mua mấy chục kilogam chanh từ TP HCM ra. Nhưng đến Hà Nội thì hầu hết chanh bắt đầu bị vàng vỏ. Tiền mua chanh lúc đó là một số tiền lớn so với lương của chúng tôi. 

Vợ chồng nhà thơ Phạm Tiến Duật thương mấy đứa em quá. Thế là hai người hì hục xếp từng quả chanh xuống gầm giường cho mát để giữ chanh khỏi nhanh bị vàng vỏ. Và chiều chiều, sau khi chị Vân đi dạy học về, nhà thơ Phạm Tiến Duật lại giục vợ trộn những quả chanh đã vàng vỏ lẫn với những quả chanh còn xanh mang ra chợ Sinh Từ gần đó bán gỡ vốn cho chúng tôi.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật, ông đã đi qua vinh quang và cay đắng, qua hạnh phúc và khổ đau. Và lúc này, hình ảnh ấn tượng nhất của tôi về ông là hình ảnh ông cùng vợ xếp cẩn thận những quả chanh đang bắt đầu vàng vỏ xuống gầm giường, và hình ảnh ông đang đọc thơ trước hàng trăm người nông dân cùng hàng trăm ngọn đèn dầu ở một vùng quê nghèo đói. Đó là hình ảnh của một nhà thơ và là hình ảnh của thi ca.

Năm 1983, không hiểu sao tôi lại mời được nhà thơ Phạm Tiến Duật về nói chuyện thơ cho những người nông dân làng tôi. Ngày đó phương tiện giao thông vô cùng khó. Ông phải đi bộ 6km từ bến xe về làng. Tối đó, ông đứng trước cửa đình nói về thơ trước hàng trăm người nông dân làng tôi. 

Ngày ấy làng tôi chưa có điện nên mỗi nông dân đến nghe thơ đều mang theo một ngọn đèn dầu. Tôi nhớ mãi đêm đó. Một đêm đẹp như một giấc mộng. Sáng hôm sau, Phạm Tiến Duật lại đi bộ 6km đến bến xe để trở về Hà Nội. Những người nông dân tiễn ông đến đầu làng. Và từ đó, người làng tôi coi ông là một công dân danh dự của làng.

Trong chiến tranh, con đường của ông là một con đường thẳng xuyên qua bom đạn, xuyên qua cái chết. Ông đã đi đúng con đường ấy và không hề lạc bước một ngày cho đến ngày chiến thắng. Nhưng khi hòa bình đến thì ông đã đi lạc. 

Nhiều lúc tôi vẫn nghĩ ông không nhận ra con đường trong hòa bình hoàn toàn khác với con đường trong chiến tranh. Và thế là những nhà thơ cùng thế hệ của ông đã tìm một con đường khác còn ông lại vẫn đi trên một con đường khác. 

Ông mê mải đi trên con đường ấy, một con đường chỉ có trong ký ức của ông. Ông vẫn nói như hồi chiến tranh và vẫn làm thơ như hồi đó. Bởi thế mà ông từng là nhân vật trong những cuộc bàn luận trong quán bia hơi thịt chó không thiện chí của không ít nhà thơ cùng thế hệ với ông. 

Ông cứ tưởng tất cả vẫn thế. Nhưng ông có biết đâu tất cả đã đổi thay mà ông không biết. Và thế là nhiều lúc ông trở lên lạc lõng trước nhiều nhà văn, nhà thơ cũng thế hệ của mình. 

Cũng có lúc ông như người chợt tỉnh và nhận ra rằng ông đã đi xa cái thời đại mà ông đang thở trong đó. Thế là ông vội vàng chỉnh sửa. Nhưng sự chỉnh sửa của ông để cho hợp với đương thời chỉ làm ông thêm lúng túng và vụng về. Không ít người nhìn thấy ông lúng túng và vụng về trên cái sân khấu cuộc đời này thì chê bai ông. 

Nhưng sự lúng túng và vụng về đó lại chứa đựng sự chân thành. Và sự chân thành ấy của ông nhiều lúc đã cản đường ông và đẩy ông ra xa nhiều nhà thơ cùng thế hệ. Nhưng ông để lại trong lòng ít nhất một người như tôi sự xúc động. 

Còn những người chê bai ông lại chỉ là sự vô cảm và dửng dưng đối với tôi. Họ đã diễn quá giỏi trong những vai mà họ nhận được. Tôi có thể làm thơ với cái gọi là hiện đại hơn ông nhưng tôi đã từng không chân thành được như ông. Điều ấy làm tôi đôi lúc thấy xấu hổ. 

Rồi một ngày, ông đến cơ quan tôi và cho tôi xem bệnh án với những kết quả xét nghiệm của bác sỹ với thái độ bình thản như từng cho tôi và bạn bè xem một bài thơ vừa sáng tác. Phổi ông có khối u với những cái chân như rễ của một củ hành. Và tôi hiểu đó là cái gì. Rồi sau đó ông cho tôi xem bài thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết tặng ông khi nghe tin ông mắc trọng bệnh. Ông rất xúc động vì bài thơ đó. 

Ông vẫn thế, vẫn đôi lúc vô tư như một cậu bé. Ông vẫn đi lạc trong chính thời đại mà ông đang sống. Tôi đã trò chuyện với không ít nhà thơ của thế hệ mình. Họ vẫn luôn đánh giá đúng những gì mà ông đóng góp cho thơ ca trong những năm chiến tranh.

Ông mãi mãi là nhà thơ số một của thời đại ấy.

Nguyễn Quang Thiều
.
.