Bác sĩ Phạm Ngọc Khuê: Người lên Tây Tiến mùa xuân ấy
- Trò chuyện với cựu binh Tây Tiến I cuối cùng
- Tây Tiến người đi không hẹn ước...
- Kí ức của nữ trung tá bác sĩ về tình đồng đội Tây Tiến
Bác sĩ Phạm Ngọc Khuê sinh năm 1913, quê gốc ở làng Hòe Lâm, xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Năm 1927 ông vào học trường Trung học Bảo hộ (trường Bưởi) cùng lớp với một chàng trai con nhà Nho ở làng Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là Nguyễn Văn Cừ - sau này trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Phạm Ngọc Khuê là một trong những bác sĩ đầu tiên tham gia thành lập Cục Quân y. Khi bác sĩ Vũ Văn Cẩn làm Cục trưởng Cục Quân y, đã có ý định mời bác sĩ Phạm Ngọc Khuê làm Cục phó nhưng ông không nhận, mà chỉ thích làm chuyên môn để được trực tiếp chăm sóc và chữa bệnh cho các chiến sĩ.
Năm 1948, bác sĩ Đặng Nguyên Đức - Trưởng ban Quân y kiêm Bệnh xá trưởng Trung đoàn 52 Tây Tiến hy sinh, bác sĩ Phạm Ngọc Khuê đang làm Trưởng ty Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện tỉnh Hòa Bình liền về thay thế để được trực tiếp cứu chữa cho các chiến sĩ của “đoàn binh không mọc tóc”.
Trong ký ức của PGS.TS Lê Hùng Lâm - nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý y tế (nay là Đại học Y tế công cộng), người chiến sĩ trẻ nhất của Trung đoàn 52 Tây Tiến năm xưa, trước khi mất, dù đã ngoài 80 tuổi, ông vẫn không nguôi nhớ về bác sĩ Phạm Ngọc Khuê.
Một chiều Hà Nội se lạnh, ông xúc động đến nỗi không thể giấu được những giọt nước mắt lăn rơi dưới cặp kính, để kể cho tôi những mẩu chuyện về người trí thức của Trung đoàn Tây Tiến - theo cách gọi của ông.
PGS.TS Lê Hùng Lâm đã ôn lại những kỷ niệm tản mạn về người thầy khả kính của mình. Sau trận Mường Lò cuối năm 1947, đại đội trưởng Như Trang bị thương nằm ở quân y xá trung đoàn trên một nhà sàn, được bác sĩ Phạm Ngọc Khuê cứu chữa.
Nằm bên Như Trang là Quang Dũng đang lên cơn sốt rét. Nhưng cứ dứt cơn sốt là Quang Dũng ngồi dậy vẽ cảnh sông Mã, Như Trang ngồi cạnh tấm tắc khen.
Khi Như Trang hát thử bài Tiếng cồng quân y vừa sáng tác (sau này được chọn làm ca khúc truyền thống của Tây Tiến) thì Quang Dũng lại hát hòa theo. Bác sĩ Phạm Ngọc Khuê rất mến hai chàng lính trẻ có máu văn nghệ này.
Bác sĩ Phạm Ngọc Khuê (Ảnh tư liệu gia đình). |
Lần khác, vào một buổi sáng mùa hè năm 1948, ở chợ Viến bên sông Viến (thuộc tỉnh Ninh Bình), thấy Lê Hùng Lâm đi từ xa, bác sĩ Phạm Ngọc Khuê gọi: “Chú Lâm! Chú Lâm! Vào đây, vào đây!”.
Cả chợ Viến chỉ có mỗi quán cà phê. Mà bác sĩ Phạm Ngọc Khuê có niềm thích thú riêng là vừa nhâm nhi cà phê ngon vừa có người tâm sự. Lê Hùng Lâm bước vào, ông đưa cho một bài thơ, nói: “Quang Dũng vừa ra bài thơ Tây Tiến, chú đọc đi”.
Quen đọc thơ kiểu học trò, nên Lê Hùng Lâm vặn lại bác sĩ Khuê những câu không hiểu ví dụ như: “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”... Có câu ông trả lời. “Nhưng cuối cùng cái câu bậc thầy của ông Phạm Ngọc Khuê nói với mình: “Thơ hay là ở chỗ không giải thích giản đơn được. Cái không giải thích được là cái hay”.
PGS.TS Lê Hùng Lâm cười sảng khoái. “Ngẫm nghĩ, ngâm nga mới thấy hay. Trong văn người ta hay có ý tại ngôn ngoại, ý ở ngoài lời. Câu nói bậc thầy của người trí thức Trung đoàn Tây Tiến: Thơ hay là ở chỗ không giải thích giản đơn được!”.
Ông bà đốc
Đấy là cách gọi quý trọng của những người dân quê dọc đường Trung đoàn Tây Tiến hành quân dành cho vợ chồng bác sĩ Phạm Ngọc Khuê. Năm cụ bà Vũ Thị Thanh Hảo, vợ bác sĩ Phạm Ngọc Khuê lên chơi nhà người con trai Phạm Ngọc Thái trên đường Thụy Khuê (Hà Nội), tôi được bà kể thêm những mẩu chuyện tản mạn dọc đường kháng chiến.
Cô con gái út trong một gia đình chức sắc ở thị xã Sơn Tây năm 1947 nên duyên vợ chồng với bác sĩ Quân y Phạm Ngọc Khuê qua người bạn thân là Trần Như Thuần, làm dự thẩm của tỉnh Sơn Tây, giới thiệu. Cưới xong, ông theo đơn vị, còn bà ít lâu sau cũng tản cư vào Thanh Hóa rồi “lên Tây Tiến mùa xuân ấy”.
Bà đến bến đò Viến (Ninh Bình) đang cố hình dung ra ông chồng “đốc tờ” phụ trách quân y Trung đoàn Tây Tiến, hiện ngồi làm gì ở một phòng khám bệnh nào thì chợt nghe thấy tiếng nói quen quen: “Cậu mệt rồi, đến lượt tôi”.
Bà thấy bóng dáng cao to của ông qua làn sương sớm, ông đang xắn quần ghé vai cáng thương binh từ dưới thuyền lên bờ.
Dưới sông vẫn còn thuyền chở thương binh từ mặt trận về. Thương chồng, thương bộ đội, bà lau nước mắt. Từ đó bà nguyện đi theo ông suốt những năm dài kháng chiến. Trong ký ức của những người lính Tây Tiến, trung đoàn đóng quân ở đâu là dân ở đó được hưởng sự chăm sóc tận tình của bác sĩ Phạm Ngọc Khuê.
Sức hấp dẫn Phạm Ngọc Khuê
Ông hay xuống các đơn vị chiến đấu. Các chiến sĩ Tây Tiến đã biết tiếng qua các sách ông viết song thích nhất là những chuyện ông nói và ông làm. Ông không hùng biện mà hay thủ thỉ chân tình.
Sau khi tốt nghiệp bác sĩ trường Đại học Y khoa Đông Dương (một thứ “của hiếm” thời trước Cách mạng Tháng Tám), Phạm Ngọc Khuê cho ra đời cuốn sách Óc khoa học, mà tờ Thanh nghị trẻ em (do Vũ Đình Hòe làm chủ nhiệm) đã giới thiệu nhiều kỳ.
Tiếp đến là bộ sách Sức khỏe mới xuất bản năm 1941 gồm 8 quyển: Một sức khỏe mới Nguồn sinh lực - Nghị lực - Yêu đời - Ăn uống - Thở - Vận động - Tinh lực - Huấn luyện thần kinh - Nghĩ - Cảm xúc - Hành động - các tác phẩm của ông đều ký tên P.N.Khuê - mỗi quyển dành nhiều trang bàn bạc, lý giải, thuyết phục thanh niên Việt Nam cải tạo sinh lực.
Với kiến thức của một người Tây học, ông đưa ra một nhận định có tính khái quát: Một người khỏe phải khỏe về thể chất và tinh thần. Phân tích thực trạng dân mình, ông nhận xét: ở nước ta sức khỏe của mọi người thường chỉ là một “sức khỏe thụ động”, ít là một sức khỏe tác động.
Di tích lịch sử quốc gia Tây Tiến (Mộc Châu, Sơn La). |
Người mình yếu đuối lại đổ tại ảnh hưởng của khí hậu, của di truyền... Sách hấp dẫn người đọc đến mức, theo cách nói của bạn hữu đương thời với ông, có những người “mê” Phạm Ngọc Khuê như “mê gái”.
Đặc biệt là cuốn Nguồn sinh lực với các giá trị khoa học, nhân văn và văn chương của nó, đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của nhà báo Đinh Gia Trinh, một cây bút phê bình nặng ký trên tờ Thanh nghị.
Sau khi bộ sách ra đời, Đinh Gia Trinh viết bài Đọc sách “Một sức khỏe mới và Nguồn sinh lực”, với những lời đánh giá trân trọng: “Hai tác phẩm ấy có một tính cách đặc biệt: nó đại diện cho một loại sách đứng đắn, nghiêm trang, cần phải mong mỗi ngày một nhiều lên, loại sách triết lý và khoa học trong văn chương ta” và “...ông P.N. Khuê cho ta tin rằng văn chương Việt Nam có thể đi đến rõ rệt và đẹp đẽ để mang những tư tưởng mới mẻ của thời đại” (Thanh nghị, số 6, 1941).
Cây bút chủ lực của báo Vui sống
Sự nghiệp văn chương có lẽ đã “chia tay” ông từ sau Cách mạng Tháng Tám khi theo quân y. Có một khoảng thời gian ông viết bài cho Báo Vui sống của Cục Quân y. Sau đó ông không còn “lửa” sáng tác nữa.
Năm 1958 bác sĩ Phạm Ngọc Khuê chuyển ngành ra Sở Y tế Hải Phòng, làm Giám đốc Bệnh viện chống lao Cầu Niệm. Khi Sở Y tế Hải Phòng thành lập trạm phòng chống lao thành phố Hải Phòng, ông làm trạm trưởng cho đến khi về hưu.
Biết ông công tác ở Hải Phòng, bạn bè văn chương như Nguyễn Tuân, Bùi Huy Phồn, Quang Dũng, Tô Hoài đi công tác xuống lại vào chơi. Hoặc nhà văn Nguyễn Tuân nhiều lần từ Hà Nội xuống Hải Phòng cùng ông đàm đạo.
Sức khỏe ông yếu hẳn khi cơn tai biến ập đến bất ngờ. Vượt qua tử thần, bác sĩ Phạm Ngọc Khuê từ Hải Phòng lên Hà Nội. Đúng dịp kỷ niệm 50 năm Báo Vui sống, bác sĩ Từ Giấy - nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, nguyên Chủ nhiệm báo tâm tình với bác sĩ Lê Hùng Lâm:
“Nếu có anh Phạm Ngọc Khuê đến dự thì quý quá. Lúc tôi được giao Chủ nhiệm tờ báo Vui sống của Cục Quân y, anh Phạm Ngọc Khuê có thể gọi là cây bút chủ lực, cùng với anh Trần Hữu Nghiệp, thêm cả anh Đào Văn Tiến... Nhưng tôi biết tin anh Khuê từ khi bị tai biến mạch máu não, đi lại và nói rất khó khăn. Lâm xem làm thế nào đưa anh Khuê đến đây được...”.
Vào ngày lễ kỷ niệm, những người làm Báo Vui sống vui mừng đón tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Quang Đạo, bác sĩ Nguyễn Văn Tín -nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế tới dự. Bỗng cả hội trường òa lên khi thấy người trí thức của Trung đoàn Tây Tiến cũng chầm chậm tiến tới hội trường.
Bác sĩ Phạm Ngọc Khuê ngồi trên ghế sắt do bác sĩ Lê Hùng Lâm đẩy vào. Những cái bắt tay thật chặt, những lời động viên và cả những giọt nước mắt mừng vui khi gặp lại một cây bút có sức hấp dẫn tuổi trẻ một thời “lên Tây Tiến mùa xuân ấy”.
“Tôi chịu nhiều ảnh hưởng của bác sĩ Phạm Ngọc Khuê là chăm sóc sức khỏe con người - phòng bệnh - chứ không phải điều trị bệnh tật - chữa bệnh. Đối với tôi, bác sĩ Phạm Ngọc Khuê là người thầy; dù ông không trực tiếp dạy cho tôi trên giảng đường Đại học Y khoa. Ông là người thầy của tôi về rất nhiều mặt trong đó có cả về chuyên môn, học thuật khoa học ngành y, cho nên tôi tự gắn bản thân mình với ông”. PGS.TS Lê Hùng Lâm “Bác sĩ Phạm Ngọc Khuê láng giềng thích sang nghe các nhà văn đàm đạo văn chương. Thấy các nhà văn đạm bạc quá, thỉnh thoảng bác sĩ biếu một số tiền”. Võ Văn Trực: Tổ ấm văn chương nơi ngoại ô và bài thơ lần đầu công bố của thi sĩ Nguyễn Bính |