Lê Huy Vân với một cơn bão tố tại diễn đàn Quốc hội
- Từ diễn đàn Quốc hội: Phản biện “nóng”
- Gia đình giáo sư Dương Quảng Hàm: Một gia đình trí thức yêu nước
- Dược sĩ Nguyễn Thị Bính – “Madame Hoàng Xuân Hãn”: Một trí thức một thiên hương
Ba người ấy, ngoài Nguyễn Hiến Lê, 2 người còn lại là Vũ Đình Hòe - Chủ nhiệm Báo Thanh Nghị (1941-1945) và Lê Huy Vân - Tổng Biên tập Báo Tổ quốc (1954-1979).
Làm cách mạng tài tử
Sinh năm 1913 trong một gia đình có cảm tình với phong trào Văn thân, Lê Huy Vân đã sớm tiếp thu ảnh hưởng các phong trào thanh niên học sinh. Cậu học trò trường Bưởi ấy đã tham gia cuộc bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh năm 1926. Đây là sự kiện được đánh giá đã mở đường cho không ít thanh niên đi vào hoạt động cách mạng.
Quê ở tỉnh Phúc Yên, Lê Huy Vân là con cụ Án sát Lê Huy Trước. Song, khi mới vào học đường, ông thân sinh của công tử Lê Huy Vân chỉ là tri huyện. Người đương thời đánh giá, ông cụ già đời tri huyện, gần về hưu mới lên chức Án sát. Tri huyện Lê Huy Trước chuyên ngồi các huyện xa lắc xa lơ vì “tội” làm quan thanh liêm, không quen nịnh trên, nạt dưới và bóp cổ dân.
Khi vào trường tiểu học Yên Phụ trên bờ hồ Trúc Bạch, Lê Huy Vân thông minh, tiếp thu bài học rất nhanh cho nên rảnh rang đọc nhiều sách báo văn học, đồng thời viết văn khá, hóm hỉnh.
Trong hồi ký của mình, Vũ Đình Hòe kể lại: “Người bạn trẻ nhất trong năm chúng tôi là anh Lê Huy Vân, da trắng trẻo, mặt bầu bĩnh, hay cười đùa”.
Ngoài giờ học chính, 5 cậu học trò Lê Huy Vân, Lê Văn Bình, Lê Văn Dương, Lê Văn Phú, và Vũ Đình Hòe còn lập nhóm học chung tại nhà của Nguyễn Hiến Lê ở ngõ Phất Lộc và rủ nhau... làm báo.
Lên cấp, vào trường Bưởi, trong hồi ký của Vũ Đình Hòe cho biết, Lê Huy Vân thường viết hộ bạn truyền đơn, cổ động lòng yêu nước trong đám học sinh.
Cùng lớp, cùng bàn với Lê Huy Vân là người bạn thân Trịnh Văn Yên - một người có cảm tình với Việt Nam Quốc dân đảng. Vũ Đình Hòe kể rằng, chính Lê Huy Vân đã giúp đỡ Trịnh Văn Yên thông đồng với gác salle trong phòng thí nghiệm của nhà trường, lấy cắp chất hóa học cho Trịnh Văn Yên làm thử bom ciment.
Cậu học trò trường Bưởi này đã đem bom tự chế ném “thử” vào sân bốt Hàng Đậu. Sau tết năm 1930, cũng là sau khởi nghĩa Yên Bái, Trịnh Văn Yên bị bắt. Mật thám đến khám xét nhà Lê Huy Vân nhưng không phát hiện được bằng cớ gì, đành bỏ lửng.
“Vân làm cách mạng một cách tài tử thế thôi”, Vũ Đình Hòe nhận xét.
Ông Lê Huy Vân (bên phải) tại chiến khu Việt Bắc. |
Sáng lập viên Báo Thanh Nghị
Bước vào đời, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật, Lê Huy Vân đã tránh con đường đi làm quan và chọn con đường dạy học tư. Mấy năm sau, cha nghỉ hưu, để góp tiền cho gia đình nuôi em, ông nộp đơn thi và đỗ biên tập viên hành chính, làm việc tại Tòa Thống sứ Bắc Kỳ, rồi Tòa Khâm sứ Trung Kỳ. Dù làm công chức, hưởng lương cao nhưng mơ ước làm báo từ thuở thiếu thời vẫn cuốn hút. Ông đã cùng các bạn trí thức tiến bộ lúc đó (Vũ Đình Hòe, Phan Anh, Hoàng Thúc Tấn...), sáng lập ra Báo Thanh Nghị.
Tòa soạn Báo Thanh Nghị phân công Lê Huy Vân giữ mục Phê bình Văn nghệ và mục Đọc sách mới; đồng thời phụ trách phần Trẻ em của tờ báo.
Báo Thanh Nghị đăng nhiều bài thuộc thể văn “tạp bút” của biên tập viên cũng như của cộng tác viên. Không sáng tác được văn chương nhưng Vũ Đình Hòe ưa đọc các bài tạp bút, tùy bút.
“Đặc biệt tôi ưa giọng hóm hỉnh của Lê Huy Vân (như trong các bài Mưa Huế, Lên dồng Huế)".
Còn đánh giá về người giữ mục Đọc sách mới, nguyên Chủ nhiệm Báo Thanh Nghị cho biết: “Lê Huy Vân hóm hỉnh, độc đáo mà hàm súc, ý tại ngôn ngoại, nói ít, gợi cảm nhiều làm cho tôi suy nghĩ cũng có thể coi anh tiêu biểu cho óc thẩm mỹ “trực giác” của người Á Đông, của người Việt Nam chúng ta”.
Không chỉ làm cầu nối đưa các tác phẩm văn học phương Tây đến với công chúng Việt Nam, Nghĩ về văn học Việt Nam hiện đại, Lê Huy Vân cũng thể hiện cá tính của mình. Ông thẳng thắn bày tỏ: “Ta cần phải có một bản sắc riêng. Ta cần phải có gan chỉ là ta”.
Khi Đoàn Phú Tứ - đại diện nhóm Tinh Hoa, cho ra mắt Xuân Thu nhã tập, Lê Huy Vân phát biểu trên Thanh Nghị rằng: “Xuân Thu nhã tập đã và sẽ làm cho nhiều người bực tức vì chúng ta đã quen không dùng sự suy nghĩ CỦA TA rồi”. Lê Huy Vân rung động bởi những bài thơ của các thi sĩ Xuân Thu. “Các ngài đã nằm mơ bao giờ chưa? Ấy Xuân Thu là một giấc mơ êm đó”.
Nhà nghiên cứu văn học Phạm Thế Ngũ trong công trình Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, đã viết về Lê Huy Vân - một trong hai người giữ mục điểm sách mới trên Báo Thanh Nghị như sau: “Lê Huy Vân ngoài những bài phê bình văn học nước nhà lại còn chuyên về văn chương hiện đại Pháp, giới thiệu những tiếng tăm mới mẻ nhất của văn học Pháp bấy giờ”.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), cùng với nhiều nhà trí thức lúc bấy giờ như Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền, Lê Duy Thước... Lê Huy Vân tham chính. Ông làm Chánh Văn phòng Bộ Thanh niên do luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng; Thứ trưởng là giáo sư Tạ Quang Bửu.
“Bão tố” trên diễn đàn Quốc hội Khóa I
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Lê Huy Vân lại hăng hái tham gia công tác tuyên truyền của Bộ Thanh niên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Dương Đức Hiền làm Bộ trưởng, Nguyễn Hữu Đang làm Thứ trưởng. Đến cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ông ra ứng cử tại tỉnh Phúc Yên quê nhà.
Cử tri tỉnh Phúc Yên đã lựa chọn ông Lê Huy Vân là đại diện vào Quốc hội Khóa I và Quốc hội đã bầu ông vào Ủy ban Thường trực (nay là Ủy ban Thường vụ).
Trong 15 năm làm đại biểu của nhân dân, ông đã có nhiều đóng góp trên diễn đàn Quốc hội. Một trong những dấu ấn đó là việc xây dựng Hiến pháp đầu tiên. Có một kỷ niệm khá dữ dội tại Quốc hội được ví như cơn “bão tố” đối với ông.
Đó là tại phiên chất vấn chiều ngày 3-11-1946, khi Quốc hội thông qua Điều 9 của Hiến pháp: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Khi dự thảo nêu ra, lập tức các đại biểu Quốc hội như Lê Văn Hòe, Lê Huy Vân, Khuất Duy Tiến, Trần Kim Xuyến có ý kiến.
Ông Lê Văn Hòe cho rằng: Xét ra đàn bà không triệt để ngang hàng với đàn ông được, vậy trong khoản 9, ông đề nghị thay 3 chữ “mọi phương diện” bằng những chữ “chính trị, kinh tế và văn hóa”. Ông Lê Huy Vân yêu cầu bỏ 3 chữ “mọi phương diện”.
Để bênh vực lí do của ông, ông viện ra những sự khó khăn của nhà làm luật. Vì vấn đề phụ nữ sẽ đưa đến nhiều sự sửa đổi trong tổ chức các tiểu gia đình. Ông nêu lên cả một đề án về sự liên lạc giữa đàn ông và đàn bà, về hôn thú, sinh hoạt, quyền hạn của gia trưởng. Mục đích của ông không ngoài sự tránh một cuộc xung đột giữa phái già và phái trẻ.
Ông Lê Huy Vân có ngờ đâu là đã gây ra một cuộc tranh luận hết sức ráo riết của đại biểu nữ trong Quốc hội. Các bà cho rằng ý kiến của ông Lê Huy Vân đó là “trái tai”. Các đại biểu Quốc hội sau này nhớ lại kỳ họp đã bình luận rằng tội cho đại biểu Lê Huy Vân bị một trận bão tố không đỡ kịp. Thế rồi chuyện cũng qua đi.
Một đêm đông, trong rừng chiến khu, quanh bếp lửa, nhắc lại chuyện trên, ông Lê Huy Vân nói với ông Phan Tư Nghĩa - đại biểu Quốc hội Khóa I tỉnh Thái Bình: “Tôi đã được vào lịch sử bằng... cửa hậu”.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, rời Thủ đô lên chiến khu, ông Lê Huy Vân tham gia công tác Thanh tra Kinh tế thuộc Bộ Kinh tế, Vụ Tiền tệ thuộc Ngân hàng Quốc gia.
Từ năm 1954, trở về Hà Nội, ông làm Tổng Biên tập Báo Tổ quốc của đảng Xã hội. Trong suốt 25 năm, là một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Báo Tổ quốc, ông đã cống hiến trí tuệ và kinh nghiệm làm báo của mình để tờ báo làm tròn nhiệm vụ cơ quan tuyên truyền vận động trí thức.
Khi Báo Tổ quốc tròn 25 tuổi, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (1979), đồng nghiệp của ông đã đánh giá: “Vinh dự ấy đã có phần đóng góp xứng đáng của đồng chí Lê Huy Vân”.
MỘT TRÍ THỨC TIÊU BIỂU Ngày 6-2-1980, ông Lê Huy Vân, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Biên tập Báo Tổ quốc, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường trực Quốc hội (khóa I), đã từ trần tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô Hà Nội, hưởng thọ 67 tuổi. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Xiển đã viết trong điếu văn đưa tiễn: “Đồng chí Lê Huy Vân mất đi, chúng ta mất một trí thức tiêu biểu đã bằng nhiệt tình và cống hiến của mình, góp phần động viên anh chị em trí thức khác tham gia vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta từ Cách mạng Tháng Tám đến nay (…); chúng ta mất đi một người bạn trung thực, tính tình giản dị, có phẩm chất đáng quý, đã cùng nhau gắn bó bằng nhiều kinh nghiệm sống và hoạt động cách mạng”. |
THÁI MẠC LÀ LÊ HUY VÂN Trong Sưu tập báo Thanh Nghị, PGS.TSKH Nguyễn Phương Ngọc khi soạn tên các tác giả đã để bút danh Thái Mạc vào tên của Đỗ Đức Dục. Đây là sự nhầm lẫn nho nhỏ. Thực ra bút danh Thái Mạc là của Lê Huy Vân. Tôi đứng lặng trước di ảnh của nhà báo Lê Huy Vân. Bên cạnh tôi, là 2 người con của ông, đó là Lê Thị Tú Mạc và Lê Huy Thái. Bút danh Thái Mạc, tên ghép của 2 người con, vẫn được Lê Huy Vân dùng trên Báo Tổ quốc cho đến khi ông dừng bút. |