Risto Siilasmaa: Giá trị của những “niềm tin hoang tưởng”

Thứ Sáu, 01/02/2019, 17:30
Những chiếc điện thoại di động Nokia đã biến mất, nhưng thương hiệu Nokia vẫn tồn tại. Tất cả là nhờ vào "niềm tin hoang tưởng" của nhà kinh doanh người Phần Lan: Risto Siilasmaa.


Đỉnh cao và sự sụp đổ của Nokia

Khi Risto Siilasmaa gia nhập ban quản trị của Nokia, tập đoàn nổi tiếng của đất nước Phần Lan vẫn đứng trên đỉnh ngành kinh doanh điện thoại di động. Đó là cuối năm 2007 đầu năm 2008.

Khi ấy, Nokia chiếm quá nửa thị phần điện thoại di động với những thiết bị có thiết kế mạnh mẽ, cứng cáp và đặc biệt bền bỉ. Bản nhạc chuông đặc trưng của Nokia có mặt ở khắp mọi nơi. Thương hiệu Nokia xếp thứ 5 trên BXH các thương hiệu mạnh trên toàn cầu của năm 2008 với giá trị gần 36 tỉ đô la Mỹ.

Lí do để những chiếc điện thoại Nokia thống trị thế giới nhất là gì? Người dùng có thể làm mọi thứ với nó. Nhắn tin hay nghe gọi? Đơn giản. Giải trí đa phương tiện bằng âm nhạc, video và radio? Quá dễ. Email? Luôn sẵn sàng. Chụp ảnh và quay video? Có. Bản đồ? Có nốt. Kể cả khi trên tay bạn chỉ là 1 chiếc Nokia 3310 đời 2000 với những chức năng cơ bản nhất, giá trị của nó cũng rất khác so với những chiếc điện thoại đến từ các hãng điện tử của Mỹ hay châu Á.

Vậy mà, Risto Siilasmaa đã nhìn thấy viễn cảnh Nokia sụp đổ, một viễn cảnh mà bất kì ai ở thời điểm đó cũng sẽ cảm thấy khó tin và ngớ ngẩn, bao gồm cả ông Jorma Ollila, chủ tịch đương thời của Nokia.

Xét đơn giản, việc ông Ollila không tin Nokia sẽ sụp đổ cũng là điều dễ hiểu bởi những chiếc điện thoại của hãng hoàn toàn vượt trội các đối thủ về mặt phần cứng. Mặt khác, ông cho rằng tân binh Apple, với những chiếc iPhone đời đầu tiên, lại có giá quá cao trong khi trải nghiệm mang lại cho người dùng chẳng có gì là khác biệt so với Nokia, khó có thể nhanh chóng đánh chiếm thị trường. 

Quá khứ cũng chỉ ra rằng, Nokia từng có khả năng thích ứng với sự thay đổi rất nhanh nhạy. Khởi đầu với ngành sản xuất giấy, Nokia dần mở rộng và phát triển sang các mảng khác như sản xuất cáp điện hay các mặt hàng cao su. Mãi đến khi ăn nên làm ra ở mảng điện thoại di động, ban quản trị tập đoàn mới dẹp bỏ tất cả và tập trung mọi nguồn lực cho mảng này.

Risto Siilasmaa, chủ tịch đương nhiệm tập đoàn Nokia.

Thậm chí, chính Nokia đã từng nghiên cứu và sản xuất một mẫu điện thoại thông minh vào năm 1996 với màn hình cảm ứng, kết nối Internet. Nhưng đó không phải là thời điểm thích hợp. Nokia tốn quá nhiều tiền vào khâu nghiên cứu và phát triển cho mẫu điện thoại trong mơ ấy nhưng lại không thể biến nó thành sản phẩm đại trà. Nokia dừng lại và hài lòng với những mẫu điện thoại cổ điển, đơn giản, bền bỉ và đủ khả năng thực hiện các tác vụ không quá 'thông minh'. Tại sao phải thay đổi khi đang chiếm quá nửa thị phần điện thoại di động của thế giới? 

Tất nhiên, đằng sau những nhận định ấy, là cả 1 câu chuyện dài mà bất kì tập đoàn khổng lồ nào sau này cũng phải nhìn vào để ngăn mình không đi vào vết xe đổ. Trong nghiên cứu 'Tại sao Nokia thất bại trong cuộc chiến điện thoại thông minh?', các tác giả Tim O. 

Vuori và Qui Huy chỉ ra, trong cơ cấu của Nokia, đã có những mâu thuẫn và xộc xệch rất khó giải quyết. Các nhân viên và kỹ sư e sợ sức ép từ cấp trên cũng như không dám chỉ ra khuyết điểm của sản phẩm với lãnh đạo cấp cao; tầm nhìn của ban lãnh đạo bị che khuất do thành công đang có và sự thiếu kiến thức thực tế của các cấp quản lý.

Trong vai trò giám đốc không điều hành, Risto Siilasmaa đã nếm trải những vấn đề ấy một cách sâu sắc. Đầu tiên, nhà quản lý người Phần Lan nhận ra rằng chẳng sớm thì muộn Apple, với hệ sinh thái đồng nhất và thân thiện, sẽ sớm mang lại cho người dùng những trải nghiệm tốt hơn mà Nokia vốn có với hệ điều hành Symbian. Ông nhận thấy Symbian là một hệ điều hành lỗi thời, rườm rà và không hề thân thiện đối với người dùng lẫn các nhà phát triển phần mềm. Trong bối cảnh Apple có thừa tiềm lực để san lấp khoảng cách về sức mạnh phần cứng với Nokia, hãng phải nhanh chóng thay đổi nếu không muốn bị tụt hậu.

Đáng tiếc, khi Risto Siilasmaa gửi một tập tài liệu đồ sộ đến Jorma Ollila với đề nghị sử dụng hệ điều hành Android trong các sản phẩm tiếp theo, tất cả những gì mà ông nhận lại chỉ là sự nghi ngờ. Siilasmaa sau này kể lại rằng Jorma Ollila, với công sức lớn lao trong việc đưa Nokia thống trị ngành kinh doanh thiết bị di động, tỏ ra rất nhạy cảm với đề xuất này. Ollila không tin vào một giám đốc không điều hành như Siilasmaa và thậm chí là cảm thấy bị chống đối.

Không từ bỏ, Risto Siilasmaa quyết định gửi đề nghị của mình đến các giám đốc điều hành khác. Nhưng rồi cũng chẳng có ai dám và muốn những đề xuất này ra bàn thảo trong các cuộc họp.

Những lo ngại của Risto Sillasmaa cứ thế bị cho là viển vông và vô căn cứ, cho đến khi Apple, với các đời iPhone ngày một cải tiến và hệ sinh thái iOS đặc sắc, cùng các hãng khác sử dụng hệ điều hành Android dần dần chiếm lĩnh thị trường. Trong khi đó, Nokia loay hoay mãi với Symbia và những cải tiến phần cứng nhưng vẫn không thể tìm ra bất kì con át chủ bài nào để giữ vững vị thế vốn đang mất dần. Doanh thu của Nokia dần dần sụt giảm trong những năm cuối tại nhiệm sở của Ollila. Sự sụp đổ là không thể tránh khỏi.

Risto Siilasmaa là ai?

Để hiểu tại sao Risto Siilasmaa lại có thể nhìn ra khuyết điểm của gã khổng lồ Nokia, hãy quay trở lại buổi đầu sự nghiệp của người đàn ông này.

Sinh năm 1966 trong một gia đình không mấy giàu có tại Phần Lan, Risto Siilasmaa tự thân kiếm tiền ngay khi mới 15-16 tuổi bằng nghề lập trình và viết lách cho các tạp chí về máy tính và công nghệ. Thế nhưng Siilasmaa không chọn học các chuyên ngành kỹ thuật tại đại học mà thay vào đó, ông học về kinh tế, luật, quản trị. Chính điều này đã mở ra cho Siilasmaa cơ hội trở thành một nhà đầu tư công nghệ có tiếng tại Phần Lan sau này.

Thành công đầu tiên của Risto Siilasmaa là hãng bảo mật F-Secure. Sau khi ra đời vào năm 1988, F-Secure tăng trưởng liên tục trong 12 năm đầu tiên, với tốc độ trung bình là 80% mỗi năm. Hãng liên tục báo lãi, bắt đầu tiến ra nước ngoài (thị trường Mỹ) và danh tiếng của Siilasmaa từ đó cũng lên theo với tư cách là 1 trong những tỉ phú đô la đầu tiên của Phần Lan.

Năm 2001, F-Secure trở thành nhà cung cấp phần mềm bảo mật cho hệ điều hành Symbian của Nokia, tập đoàn Risto Siilasmaa vốn rất ngưỡng mộ. Nhưng càng làm việc, Siilasmaa càng nhận ra nhiều khó khăn khi làm việc với 'anh cả của giới công nghệ Phần Lan'. Ông miêu tả rằng Nokia rất kiêu ngạo và luôn làm việc với tâm thế rằng hãng không cần làm hài lòng đối tác. Đồng thời, Siilasmaa khẳng định, đó không phải là cách phù hợp để làm việc với các hãng cung cấp phần mềm và ứng dụng, vốn rất quan trọng đối với một hệ điều hành như Symbian.

Đến năm 2006, Risto Siilasmaa quyết định rời ghế Giám đốc điều hành của F-Secure và chỉ giữ vai trò chủ tịch. Ông bắt đầu nhảy sang những công việc khác như trở thành chủ tịch của Elisa, tập đoàn viễn thông thành công nhất Phần Lan và sau đó là gia nhập ban quản trị Nokia theo lời mời vào năm 2008. Ưu thế của Siilasmaa là kinh nghiệm về công nghệ và kinh doanh, tuy nhiên, như đã kể ở trên, không ai lắng nghe đề xuất của ông.

Sứ mệnh của một người Phần Lan

Để ngăn sự sụp đổ, Nokia bắt đầu nhảy vào thị trường điện thoại thông minh với những mẫu điện thoại N-Series. Nhưng vấn đề là ban quản trị vẫn cố chấp đặt niềm tin vào hệ điều hành Symbian và thương hiệu Nokia. Cho đến khi chấp nhận bắt tay với Microsoft và hiệu điều hành Window Phone, Nokia vẫn không thể tìm ra cửa sống trước sự tăng trưởng khủng khiếp của Apple, Samsung và các hãng khác. Năm 2012, hãng báo lỗ hơn 4,8 tỷ đô la Mỹ, đó xem như là dấu chấm hết cho một huyền thoại.

Tháng 5/2012, Risto Siilasmaa ngồi vào ghế chủ tịch Nokia thay cho Jorma Ollila với nhiệm vụ giải cứu niềm tự hào của người Phần Lan. "Nokia đã làm rất nhiều điều tuyệt vời cho Phần Lan và công ty của tôi. Khi nhận ra rằng tập đoàn đang đứng trước một thử thách lớn, làm sao tôi có thể từ chối?", trả lời tờ The Financial Times vào năm 2015.

Chiếc 3310 đời 2000, biểu tượng cho những giá trị cổ điển của Nokia.

Động thái đầu tiên của Risto Siilasmaa trên cương vị mới rất đơn giản nhưng là một quyết định khó khăn: Từ bỏ mảng sản xuất điện thoại di động. Nokia bán mảng kinh doanh đã đưa họ vươn lên đỉnh thế giới cho Microsoft để thu lại 7,6 tỉ đô la Mỹ. Tất nhiên, chẳng ai muốn nhìn thấy thương hiệu điện thoại Nokia đi vào quên lãng theo cách như vậy. Nhưng đó là một thương vụ tốt cho đôi bên: Nokia cần cắt lỗ để tái cơ cấu lại mảng kinh doanh, Microsoft cần nền tảng cho tham vọng bước chân vào thị trường điện thoại thông minh.

Không còn những chiếc điện thoại Nokia chính gốc Phần Lan, nhưng mặt tích cực là Nokia không chết và Risto Siilasmaa có thời gian để tìm ra hướng đi mới cho tập đoàn. Năm 2013, Nokia chuyển hướng sang mảng kinh doanh thiết bị viễn thông bằng việc mua lại Siemens. 2 năm sau, Nokia thực hiện thương vụ sát nhập Alcatel-Lucent của Pháp và chính thức trở thành một trong những nhà cung cấp thiết bị, phần mềm và giải pháp viễn thông hàng đầu bên cạnh Huawei và Ericsson.

Risto Siilasmaa nhấn mạnh mong muốn biến Nokia thành 1 nhà cung cấp viễn thông đi đầu trong thời đại mà tất cả mọi thứ đều được lập trình và kết nối không giới hạn. Những thành quả ban đầu rất khả quan. Giá trị của tập đoàn tăng vọt lên 30 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018, con số gấp 20 lần so với năm 2012. Giá trị vốn hoá thị trường cũng tăng từ 5 tỉ lên mức xấp xỉ 30 tỉ đô la Mỹ.

Tất nhiên, trên cương vị chủ tịch tập đoàn, Risto Siilasmaa đã đề ra rất nhiều sự thay đổi về mặt chiến lược và triết lý trong khâu lãnh đạo. 'Sự lạc quan hoang tưởng' là cốt lõi, ông nhấn mạnh trên trang Linkedin cá nhân về cái cách Nokia sống sót và tăng trưởng như ngày nay. 

Ông tin rằng sự lạc quan hoang tưởng sẽ giúp bản thân mình cũng như cấp dưới luôn luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản tồi tệ nhất để rồi từ đó, qua nhiều lần bàn bạc, rồi thì ông và các cộng sự sẽ tìm ra những phương án tích cực và khả thi nhất: "Bạn phải luôn sẵn sàng bởi những vấn đề sẽ luôn luôn xảy đến dù ai ai cũng phủ nhận khả năng ấy. Khi tìm thấy vấn đề, hãy tìm hiểu, nghiên cứu thật kĩ càng và tìm ra để tránh cho nó xảy ra hoặc giới hạn những tổn thất đến mức thấp nhất có thể. Ngay cả khi không thể có được phương án mỹ mãn nhất, thì bạn vẫn có những sự lựa chọn khả thi khác".

Nhìn lại cái cách Nokia biến mất trên thị trường điện thoại di động, Risto Siilasmaa đã đúng. Và lúc này, với một Nokia đang phát triển ở một mảng kinh doanh khác, nhà quản lý người Phần Lan này nhất quyết không để lịch sử tái diễn.

Tử Minh
.
.