Con cá thiêng trong thơ Nguyễn Quang Thiều

Chủ Nhật, 15/07/2018, 10:53
Nếu thơ Nguyễn Quang Thiều là một hồ nước trong thì nơi miền nước lặng đó có con cá bống không phải trong chuyện cổ tích ngày xưa. 

Nếu thơ Thiều là dòng sông Đáy quê ông thì đang bơi trong dòng sông ấy là chú cá thần của tuổi thơ ngộ nghĩnh. Và nếu thơ Thiều là đại dương biển cả thì con cá thiêng kia sẽ hát bài ca lưu lạc mà hồi ngược dòng nước trở về nguồn...

Cá thiêng quẫy vào thơ Thiều

Thơ Thiều cũng như con người và cuộc đời ông là dòng chảy hiện đại hóa thơ Việt, hành trình từ sông Đáy ra biển Đông. Trong đời sống, ông cố gắng và đem nỗ lực mình để đưa văn thơ Việt ra thế giới cũng như đưa văn chương thế giới tới gần hơn với độc giả Việt Nam, bằng việc dịch thuật hay tổ chức, tham gia những buổi hội thảo, những cuộc nói chuyện về văn chương... 

Trong thi ca, thơ ông vừa mang hơi thở đương đại vừa chạm đến bản sắc dân tộc. Thơ Thiều nhiều dấu ấn và là giọng điệu riêng, đầy nội lực. Với tôi, thơ Thiều là một miền nước vừa thân thuộc vừa mang nhiều bí mật, ở đó có con cá thiêng của tuổi ấu thơ. 

Trong bài thơ viết tặng hai con, Nguyễn Quang Thiều đã dẫn ta về một miền nước: Các con ơi, ngày mai của ta ơi/ Cha đưa các con về sông Đáy/ Con bống bạc đã nổi lên/ Ôi con bống tuổi thơ cha khóc đợi/ Nơi con bống vàng quẫy đuôi/ Ôi con bống nửa đời cha nín đợi/ Nơi con bống đen lùa vây khỏi ổ/ Con bống suốt đời cha dứt tóc ngóng trông/ Ngọn lửa thiêng triệu triệu năm/ Sẽ tự mình thức dậy/ Nấu một nồi cơm nếp hoa vàng/ Đơm lặng lẽ vào mo cau cổ tích/ Và mang ra bến sông/ Và thả vào bến sông/ Đó là lúc con bống đen/ Nổi lên giữa dòng sông Đáy/ Đôi mắt sáng hai vầng Nhật, Nguyệt/ Đẻ cho ban mai một dải trứng hồng. 

Trong thơ ông, con bống hiện lên như một hình ảnh biểu tượng của làng quê Việt. 

Từ dòng sông Đáy nó bơi vào thơ ông, nó quẫy trong thơ ông làm lan tỏa những vòng sóng của nỗi nhớ cố hương: Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy/ Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn dụa nước mưa sông...; Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt/ Cơn mơ vang tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc/ Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn…

Nguyễn Quang Thiều đã đi nhiều nơi trên thế giới. Ông nhận được nhiều lời mời từ các nước Mỹ, Thụy Điển, Ireland... để tham dự các hội thảo về thơ ca. Qua đó ông nói chuyện về thơ Việt trong những ngày hội thơ quốc tế, để đem thi ca Việt rung lên trong tâm hồn nhân loại, làm vang lên và lan tỏa những âm hưởng lấp lánh của tiếng Việt. Tôi đặc biệt ấn tượng về giọng nói của ông. Lạ lắm. Nhiều người cũng có ấn tượng như vậy. Chất giọng ông trầm phiêu và thật cuốn hút bằng giọng điệu của thi ca và chỉ thi ca mới có được.

Có cảm giác như giọng nói ấy sinh ra là để đọc thơ, bình thơ, trời ban cho để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng và cao cả của thơ ca. Giọng nói ấy vang lên để phô diễn cảm xúc bất tận của thi ca. 

Ông nói về thơ giống như một người truyền đạo. Nhưng không phải là thuyết giảng về những giáo điều mà như đắm phiêu vào, xoáy hút vào trường lực của thi ca, mà như không thể dứt... 

Với giọng nói ấy, tưởng như mọi thịnh nộ sẽ được hóa giải và tan biến, tất cả như trở nên rực sáng và trong suốt. Tưởng như mọi lạnh lẽo sẽ được sưởi ấm. Tưởng như mọi ưu phiền sẽ nhường lối cho xanh tươi... Ông không đọc thơ như một nghi lễ mà lại như một nghi lễ. 

Tôi nghĩ rằng ông đọc thơ và nói chuyện về thơ sẽ làm người ta từ chỗ chưa yêu thơ sẽ trở nên đón nhận thơ ca một cách có ý thức hơn, từ chỗ yêu thơ rồi sẽ càng yêu thơ một cách đắm mê hơn. Và như thế con người sẽ dần sống tốt hơn lên nhờ biết cảm thụ cái đẹp, lẽ phải và lòng nhân ái trong cuộc đời mà thi ca đã mượn giọng nói của ông để vang lên. 

Giọng ông không hùng biện nhưng thích hợp để truyền đi thông điệp của thi ca. Đôi lúc giữa những lời ông nói là khoảng lặng. Cái im lặng xen vào giọng nói ông nhưng không làm ngắt quãng được hơi thở dường như đang cuộn chảy của thi ca.

Dòng sông mang tên thi ca

Ông có nhiều cơ hội thăng tiến trên con đường hoạn lộ nhưng ông đã tự lựa định cho mình con đường mang tên thi ca để suốt đời đi theo dù biết rằng con đường đó không phải là dễ dàng và lắm phù hư. Và cả sự nhọc nhằn sáng tạo trong cô độc nữa. Nhưng ông vẫn chọn con đường ấy. 

Con đường sẽ dẫn ông vào miền thăng kiêu và hoa tráng. Ở đó không có quyền lực với những mưu toan, ở đó không có nghi ngờ, lọc lừa và dối trá, không có tranh giành và phản trắc. Ở đó chỉ có vẻ đẹp và sự mong manh, ở đó có rung động và lòng trắc ẩn, niềm nhân ái.

Con đường in đậm dấu ấn tinh thần ông: Con đường/ Con đường/ Con đường/ Dắt ta về hồ nước cũ/ Phăng phắc một lá sen già/ Đợi ta trên miền nước lặng/ Hỡi người hái hoa kiếp trước/ Kiếp này có hóa bình không/ Phải đào ba tấc đất sâu/ Mới tìm được người uống rượu?/ Phải lên đến bảy tầng trời/ Mới tìm được người hầu chuyện?/ Ngẩng mặt một vầng mây đỏ/ Nổ vang tiếng sấm lưng trời/ Cúi đầu một miền cỏ trắng/ Nở xòe tám hướng bốn phương. Ra đi từ hồ nước cũ/ Con đường/ Con đường/ Con đường. Con đường ra đi chính là con đường trở về. Con đường hội nhập chính là con đường tìm về bản sắc...

Việc trở thành Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, với ông, có lẽ để hoạt động giao lưu văn chương với thế giới được xúc tiến đẩy mạnh, hiệu quả hơn. Bởi với cương vị đó và từ đó mà văn học Việt Nam sẽ được quảng bá rộng rãi hơn ra thế giới. 

Ông đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban Thường trực Hội nhà văn Á - Phi (mà ông được bầu là Phó Tổng thư ký thứ nhất), tổ chức hội thảo văn chương sau 20 năm quan hệ giữa các nhà văn cựu binh Mỹ và cựu binh Việt Nam, tổ chức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, đã mua toàn bộ tranh của nhà văn, dịch giả người Mỹ Kevin Bowen vẽ chân dung các nhà văn Việt Nam (bởi Kevin là người đã kết nối các nhà văn dịch tác phẩm cho nhà văn, nhà thơ ở 2 quốc gia vốn có thời gian là thù địch và quảng bá văn học nghệ thuật của Việt Nam ra bên ngoài)... Và cái đích là dựng lên chân dung của một quốc gia, một dân tộc.

Giờ thì ông kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn. Ông còn luôn động viên hai con của mình đọc và dịch sách văn học để hiểu đời sống hơn và để học sống từ những cuốn sách dù các cháu đều theo ngành khoa học tự nhiên. Quả thực, ông đã sống “như một dòng nước chảy xiết chưa một phút chậm lại” như chính lời ông nói. 

Tranh: Nguyễn Quang Thiều.

Chuyện kể rằng, lúc mới cầm bút theo nghiệp văn chương, một lần đến Ba Vì, Nguyễn Quang Thiều đã khấn thần núi Tản Viên xin cho mượn cây bút. Chẳng biết, vị thần của Tứ bất tử ấy có đưa cho ông cây bút không nhưng kể từ đó ông viết hăng say và liên tiếp đoạt giải thưởng truyện ngắn, thơ, kịch, tiểu thuyết, truyện thiếu nhi... 

Sách của ông đã được xuất bản ở nước ngoài, truyện của ông đã được chuyển thể thành kịch bản sân khấu, tiểu thuyết của ông đã được dựng thành phim, thơ của ông đã được dịch ra ngôn ngữ khác và đăng trên rất nhiều tập san văn học trên thế giới... nhưng càng ra biển lớn thì nỗi nhớ làng Chùa quê ông càng rõ rệt trong tiềm thức, như một hằng số bất biến với thời gian. 

Đã nhiều năm nay ông không viết truyện ngắn nữa nhưng điều đó không có nghĩa là ông dời bỏ văn chương, dời xa thi ca. Cây bút thần năm xưa giờ lại dẫn lối ông vào niềm đam mê hội họa. Cây bút viết và vẽ những câu thơ của chính ông với một tình yêu cố hương vừa bản năng vừa mãnh liệt như không thể nào khác được. 

Ông đến với hội họa (2005) bằng Cậu bé làng Chùa, Mùa hoa cải bên sông... Tôi lại thấy ở đấy hình ảnh những con cá của đồng quê thân thuộc. 

Với cọ vẽ và màu sắc, đàn cá thiêng lại trở lại với ông bằng hình ảnh sống động và tươi mới. Vũ hội cá là bức tranh ông vẽ về một đêm tháng ba, khi trận mưa rào đổ xuống, những bầy cá chép trên sông Đáy trở về sinh nở. Như một lễ hội của tình yêu và sự sinh sôi nảy nở. Đêm đó sông Đáy là một đêm hội hoa đăng sức sống. 

Còn bức Cá thần được họa sĩ Thành Chương thích nhất. Có lẽ con cá thiêng khi xưa đã bơi trong thơ Thiều nay lại quẫy đuôi vào bột màu, toan vẽ của ông. Bởi lòng yêu quê hương làng Chùa trong tâm hồn ông đã là cố hữu.

Phăng phắc dưới lá sen già...

Lê Bảo Âu Long
.
.