“Định mệnh” của Thắm

Thứ Tư, 14/02/2018, 09:35
Nhà văn "Trăm năm cô đơn" Gabriel Garcia Marquez từng viết một câu thế này: "Trí nhớ của trái tim xóa đi những điều xấu và phóng đại những điều tốt đẹp". 

Tôi không biết điều đó có đúng với Nguyễn Thị Thắm khi cô mất 5 năm cho bộ phim tài liệu dài “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” hay không? 

Nhưng ký ức của tuổi thơ là điều đầu tiên đánh thức trái tim Thắm, khi cô khởi sự cho bộ phim tài liệu từng trở thành hiện tượng có một không hai này. Và không phải ngẫu nhiên mà bộ phim lại có nhiều chi tiết sống động, chân thực đến thế về thân phận của những người sống bên lề xã hội.

Trong những cuộc trò chuyện trà dư tửu hậu, Thắm hay kể với tôi về ký ức của tuổi thơ tha hương, xê dịch và thiếu thốn. Cô kể với sự hồn nhiên, chân thật như những hoài niệm ngọt ngào hơn là "xót thương" cho quá khứ nhiều gian khó ấy.

Tuổi thơ của Thắm thường trải qua trong những căn nhà tập thể dựng tạm bợ bằng tre cót. Nhà nghèo không có tivi để xem nên anh em cô thường nghĩ ra trò hơ đũa lên lửa cho nóng rồi xuyên thủng cót tre để xem trộm tivi nhà hàng xóm, xong rồi lấy giấy báo dán vào. Có khi chuyển đến nhà hàng xóm dễ tính, họ cho khoét hẳn một cái lỗ bằng hai bàn tay, che bằng tấm bìa cứng, khi có chương trình hoặc phim gì hay lại lật lên xem. 

Thế giới phim ảnh hào nhoáng trên những chiếc tivi nhỏ bắt đầu đến với Thắm như thế và mở ra ô cửa nhỏ để nhìn ra cuộc sống bên ngoài. Nhưng rồi đời sống tập thể  chung đụng hay xích mích, nên những ô nhỏ ấy cũng không tồn tại được lâu.

Lớn hơn một chút, sự mơ mộng của Thắm đến từ những cuốn truyện cũ kỹ và cô thường bật đèn pin đọc trong chăn để mơ ước một ngày được... cận thị cho có vẻ trí thức.

Vì bố mẹ đi làm công trường thủy điện cả ngày, nên từ bé, Thắm đã được giao trọng trách lo bữa ăn cho cả gia đình. Một ngày chỉ có 10.000 đồng, sau vật giá leo thang thì lên được 20.000; cô học trò mới 9, 10 tuổi ấy phải chu toàn 2 bữa chính cho cả nhà. 

Để tăng thêm thu nhập, bố mẹ cô còn nấu rượu nuôi lợn. Công việc nặng nhọc ấy cũng vào tay Thắm khiến cô trở thành một người "thẩm rượu" từ bé và trở thành "bợm nhậu" sau này.

Thắm lớn lên hồn nhiên như cây cỏ trong những khu nhà tập thể của công trình thuỷ điện, những nơi thường là tận cùng của đường sá, ở giữa rừng núi, sông suối. 

Đôi lúc, Thắm còn khiến chúng tôi bật cười ha hả khi kể bọn trẻ trong làng cô thường đi vệ sinh bằng lá cây rừng, thậm chí... cạ vào gốc cây sau khi đi vệ sinh xong. Ước mơ thời mới lớn của cô thiếu nữ Nguyễn Thị Thắm là được ở trong căn nhà có nhà vệ sinh riêng và nước bơm vào tận nhà...

Rồi Thắm rời bỏ vùng đất Tây Nguyên để về Sài Gòn. Thắm vào trường Sân khấu Điện ảnh sau khi không đủ tiêu chuẩn vào trường Công an hoặc Sư phạm - hai ngôi trường mà cô mơ được học vì không phải đóng học phí, ra trường lại có việc làm ổn định và thêm một chút sở thích riêng là... phân tích tâm lý tội phạm. 

Thời gian đầu học ở Sài Gòn, tiền nhà gửi về không đủ, Thắm bươn chải làm đủ nghề để kiếm sống, kể cả làm bồi bàn. 

Có những ngày làm bồi bàn trong quán phở Nhật, Thắm phải leo lên leo xuống 5 tầng lầu, về đến nhà trọ 2, 3 giờ sáng trong trạng thái kiệt sức. Niềm vui của cô lúc ấy là sau mỗi buổi làm, được mang những miếng xương "bốc mả" và nước hầm dư về cho những cô bạn cùng phòng chấm bánh mì hoặc nấu mì tôm rồi xì xụp ăn uống nửa đêm về sáng. 

Công việc làm bồi bàn phục vụ chỉ chấm dứt khi Thắm đi học khóa điện ảnh Varan (2005). Thời điểm đó, mỗi học viên học Varan được chu cấp 5 triệu đồng mỗi tháng. Đó là lần đầu tiên trong đời Thắm được cầm một số tiền lớn như thế và tay run bần bật vì vui mừng. 

Năm đó về thăm nhà ở Gia Lai, cô mua ngay bộ bếp gas cho gia đình để khỏi phải đun bằng bếp củi. Thắm vẫn nhớ cái cảm giác tự hào, có chút vênh váo với hàng xóm khi cô sinh viên đi học xa nhà mua được bếp gas về cho bố mẹ.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, Thắm từng đi viết kịch bản phim truyền hình, làm trợ lý đạo diễn, thậm chí đóng vai quần chúng không bao giờ thấy mặt trong những bộ phim truyền hình dài tập. 

Có thời điểm bế tắc và chán nản với công việc làm phim truyền hình tạm bợ, cô thay số điện thoại, tránh tiếp xúc bạn bè, sống ẩn dật để theo đuổi công việc làm phim tài liệu sau khóa học Varan. 

Thắm nói khóa học ấy đã thay đổi cô rất nhiều. Ngày nhỏ sống ở những khu nhà tập thể công trường, đi học thì làm phục vụ trong những môi trường phức tạp, cô thường chứng kiến nhiều mặt trái và sự bất công hơn là nhìn thấy sự tốt đẹp. 

Thậm chí, đôi lúc cô còn hơi hằn học hay khắt khe khi nhìn cuộc sống hay đánh giá người khác. Chỉ đến khi gặp gỡ những người thầy, người bạn tri thức, nhân văn và vị tha ở khóa học này, cô mới khám phá ra một thế giới tươi đẹp khác về tâm hồn cũng như hiểu thêm về điện ảnh. 

Trước đó, thậm chí ngay cả khi đăng kí học điện ảnh, cô còn chưa phân biệt được sân khấu với truyền hình, phim truyện khác nhau như thế nào, ngôn ngữ điện ảnh là thế nào. Khái niệm phim tài liệu thậm chí còn xa lạ hơn. Và Thắm mang những cái nhìn mới mẻ ấy, tâm hồn được "khai sáng" ấy để đến với Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng.

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, bộ phim tài liệu dài của Thắm được bắt đầu sau khóa học phim tài liệu trực tiếp và được tiếp sức bởi những người thầy cô của Varan. 

Nhưng cho dù có được những lợi thế ban đầu ấy, hành trình "ba cùng" (ăn cùng, ở cùng, ngủ cùng) với đoàn lô tô hội chợ của chị Phụng trong nhiều tháng trời để quay những hình ảnh sống động, chân thực nhất và những ngày tháng trần ai để xin tài trợ, bế tắc về tiền bạc, trầm cảm vì dàn dựng hậu kỳ... gần như chỉ một mình Thắm chịu đựng.

"Tuổi thơ của tôi là những tháng ngày rong ruổi cùng với bố mẹ trên những công trình thủy điện lớn của nhà nước. Chúng tôi sống nay đây mai đó, trong những lán trại dựng tạm, không xa công trường. Thỉnh thoảng có đoàn hội chợ ghé qua, mang đến những trò giải trí phá đi sự đơn điệu hàng ngày... Khi tôi gặp đoàn hội chợ của chị Phụng, ký ức tuổi thơ trỗi dậy. Tôi đã mải mê với những chuyến đi của đoàn, đến với những vùng nông thôn hẻo lánh, từ Nam Trung Bộ đến Tây Nguyên đất đỏ".

Nguyễn Thị Thắm mở đầu bộ phim bằng những dòng tự sự như thế, qua giọng dẫn chuyện chậm rãi, từ tốn và có chút thản nhiên của cô. Và rồi, không phải đợi lâu, cô dẫn dắt người xem vào những chuyến hành trình rày đây mai đó của đoàn lô tô hội chợ; gặp gỡ những người "pê đê bóng gió" để chứng kiến những tình thế oái oăm trong câu chuyện sinh tồn và "được sống là mình" của họ. 

Gần như không có một vỏ bọc nào, không có một sự đề phòng nào cần phải che giấu, họ chia sẻ những câu chuyện của cuộc đời họ, chấp nhận thân phận của mình như một "kiếp nạn", một nghiệp chướng (karma) phải trả nợ cho kiếp trước.

Tôi nhớ đoạn kết phim, chị Phụng nằm trên chiếc võng đung đưa và hát một ca khúc bolero với những ca từ sầu muộn: "Một mùa ái ân mình vui mấy lần. Giờ thì đớn đau trọn một số kiếp". 

Phía trước chị, những nhân viên đang tháo dỡ sân khấu, sắp xếp đồ đạc để tiếp tục cuộc hành trình trong đêm đến tỉnh lị khác. Trên bãi đất trống, những đám rác vương vãi được họ thu dọn và đốt thành từng đống lửa nhỏ. Và tiếng chị Phụng lại cất lên nghe não nề: "Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu".

Tiếng hát ấy phải chăng như dự báo cho đoạn kết của chị? Giọng dẫn chuyện của Thắm một lần nữa chậm rãi vang lên trên nền đen của màn hình, với thủ pháp tiếng ngoài hình: Chuyến đi của chị Phụng sắp đến chặng cuối. Mấy tháng sau khi tôi đóng máy, chị Phụng và chị Hằng đã qua đời tại bệnh viện ở Sài Gòn".

Khi xem bộ phim này, tôi chợt nhớ tới lời nhận xét của một nhà phê bình quốc tế: "Đó không phải là câu chuyện về người đồng tính. Đó cũng không phải là câu chuyện về người dị tính. Đó là câu chuyện về thân phận con người".

Có lẽ ngay bản thân Thắm, người khởi sự chuyến hành trình đến với đoàn hội chợ, vì "muốn phóng đại những điều tốt đẹp của ký ức tuổi thơ" như câu nói của Marquez cũng không ngờ rằng bộ phim lại để lại nhiều nỗi buồn, sự day dứt và thay đổi cô đến vậy. 

Nhưng tôi thì tin rằng, cái ký ức tuổi thơ ấy và thậm chí ngay cả cái tên riêng chất phác của cô luôn gắn liền với những câu chuyện về thân phận con người, đặc biệt là những con người khốn khó vì sinh tồn nhưng không bao giờ đầu hàng hoàn cảnh. 

Trong giai đoạn chờ tiền tài trợ để tiếp tục làm bộ phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Thắm từng tham gia một dự án làm phim ngắn về đề tài giao thông của hãng Blue Productions do nữ diễn viên Hồng Ánh làm giám đốc. 

Xe ôm, bộ phim ngắn của Thắm trong dự án "1735km++" kể về một người phụ nữ lớn tuổi làm nghề lái xe ôm ở bến xe để nuôi cháu ăn học cũng khiến tôi ngạc nhiên về khả năng kể chuyện của Thắm. Đặc biệt là cách cô "thôi miên" nhân vật để họ kể ra những điều gan ruột mà không hề quan tâm đến chiếc máy camera đang thu hình ở đâu đó.

Khác với một Nguyễn Thị Thắm đạo diễn xông pha lăn lộn theo nhân vật để ghi bằng được những hình ảnh chân thực nhất, Nguyễn Thị Thắm của đời thường phần nào... giống như cái tên của cô, cái tên mà tôi hay nói đùa là chất phác nhất trong làng điện ảnh Việt Nam. Khi không phải làm gì, cô chỉ ăn và ngủ như một bà hưu trí non. 

Những chầu nhậu nhẹt có thể kéo dài đến 2, 3 giờ sáng và ngủ suốt cả ngày hôm sau. Và ngoài làm phim, gần như cô không có một tài lẻ gì khác. Mấy ông nhạc sĩ sáng tạo ra 7 nốt nhạc, Thắm chỉ hát đúng một nốt không lên không xuống. 

Những lần mang phim đi chiếu ở nước ngoài, mỗi lần cô phát biểu bằng tiếng Anh là cả cử tọa đều đứng hình vì không ai hiểu cô nói gì. Được cái, cô không mấy tự ti về những nhược điểm của mình và vẫn hồn nhiên hát, chèn tiếng Anh trong các lần trò chuyện và vẫn khiến thiên hạ "đứng hình" vì sự tự tin của mình.

3 năm sau Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Thắm vẫn chưa bắt tay vào một dự án điện ảnh tài liệu nào mới mà vẫn đủng đỉnh sống, lâu lâu làm một vài dự án phim quảng cáo để kiếm tiền.

Thắm có một cô bạn thân làm ca sĩ, sinh cùng năm, cùng tháng, cùng ngày, chỉ cách vài tiếng đồng hồ; vậy mà cả hai khác xa nhau một trời một vực, từ tính cách đến số mệnh.

Tôi hay gọi đùa đấy gọi đấy là "Định mệnh của Thắm". "Định mệnh" của một kẻ thích "phóng đại những điều tốt đẹp trong cuộc sống" và thích sống ung dung tự tại như một người đã hưu trí. 

Nhưng biết đâu, đấy là giai đoạn mà cô "ủ mưu" cho một dự án điện ảnh khác và lại lăn lộn xông pha với nhân vật của mình mà không cần phải khoác lên một "vỏ bọc" hào nhoáng nào.

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm từng tham dự LHP tài liệu nổi tiếng Cinéma du Réel lần thứ 36 Paris. Bộ phim dài 86 phút này được tuyển chọn trong phần thi quốc tế phim đầu tay. Phim cũng tham dự gần 10 LHP quốc tế khác tại Indonesia, Đài Loan, Philippines, Luang Prabang...; và được trình chiếu ở nhiều nơi trên thế giới như Paris, Nimes, Lyon, Marseille (Pháp), Phần Lan, New York (Mỹ).

Trên trang Rottentomatoes, một trang tập hợp những bài bình luận điện ảnh uy tín của Mỹ, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng có 5 bài bình luận, cả năm đều dành số điểm tuyệt đối 10/10, trong đó có những bài trên các tờ báo nổi tiếng như New York Times, The Village Voice hay Chicago Reader.

Tại Việt Nam, bộ phim được hãng phim Blue của diễn viên Hồng Ánh phát hành độc lập và tạo nên một cơn sốt chưa từng có với phim tài liệu trước đây. 

Lâm Lê
.
.