Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Mỗi sáng, một cái bánh mì

Thứ Năm, 26/04/2018, 07:40
Cuối tháng 3 này tại TP HCM, trong Lễ trao giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ  XI, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng được trao Giải Nghiên cứu mà ban tổ chức đã đánh giá rất cao bằng những mỹ từ vinh danh “vì những công trình đặc sắc nghiên cứu văn hóa dân tộc”.

Là người dành cả cuộc đời cho nghệ thuật, nên muốn liệt kê những cuốn sách ông đã viết, các bức họa đã vẽ, triển lãm đã thực hiện, hoạt động giới thiệu văn hóa nghệ thuật, bao hội thảo tọa đàm ông đã tham gia..., thì cần rất nhiều trang giấy trắng mà chưa hẳn đã đủ. 

Những đóng góp của nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Phan Cẩm Thượng cho sự lưu giữ văn hóa tập tục dân tộc, luôn mang giá trị lớn lao.

Ngược lại với các công trình nghiên cứu, tác phẩm mà nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã hiện thực hóa từ ý chí, vượt qua sức lực của một cá nhân, ước muốn con người chỉ có thể nằm trong tưởng tượng, cuộc sống thường ngày của ông hết sức đơn giản và bình dị.

Hình ảnh ông với tóc lốm đốm bạc, chòm râu dài che giấu tuổi thật trong khi ánh mắt lấp lánh như trẻ thơ, nụ cười hồn hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, thân hình chắc khỏe vừa vặn trong bộ đồ nâu may cẩn thận, chân đất, ngồi nhẩn nha uống nước chè đầu cổng chùa Bút Tháp xưa, mãi lưu giữ trong ký ức tôi. Để mỗi khi viết tiểu thuyết, tôi lại đưa hình ảnh đẹp ấy vào, như một biểu tượng của tỉnh thức.

Đầu năm 2011, khi cuốn Văn minh vật chất của người Việt, khổ 18x24cm, dày 663 trang, được NXB Tri thức phát hành, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng gọi tôi tới quán nước ven đường, gần nhà ông, để viết tặng. 

Lật giở trang đầu tiên, ông viết: “Nam mô A di đà phật. Cuốn sách này là lời tri ân với đất nước và mẹ cha”, làm tôi thấy xúc động khó tả. Chỉ một câu tựa, mà bắt người đọc phải nghĩ, thấy cần có trách nhiệm khi được tạo hóa sinh thành, thúc đẩy vận động để làm những việc tích cực... chỉ có thể bắt nguồn tâm từ rất đỗi yêu thương quê hương giống nòi của ông.

Ông viết trong sách: “Buổi tối chúng ta đi ngủ, buổi sáng chúng ta thức dậy và đi làm, một trăm năm sống trên trần gian nếu cứ thế cuộc đời con người thật nhàm chán không có gì đáng nói. Nếu so với tuổi của trời đất, thì trăm năm của đời người chỉ là cái chớp mắt. May thay và không may thay, cuộc đời của mỗi cá nhân thường không mấy khi suôn sẻ. Không mấy ai tự nhận mình là người hạnh phúc. Và chính sự không suôn sẻ trong đời người phá đi cái nhàm chán mà ai nấy cũng vậy thôi”.

Ông viết sao, thì cái nhìn về những gì xảy ra trong cuộc đời của ông cũng nhẹ lòng như vậy. Dù chỉ kể về mọi trải nghiệm để tạo thành một Phan Cẩm Thượng từ khi sinh thành tới nay, đủ để cho một cuốn tự truyện dày với bao tình tiết mà người khác khó có được. 

Bắt đầu từ những ngày một cậu bé thị thành, bố làm chức to trong ngân khố nhà nước, mẹ xuất thân từ gia đình khá giả, con út trong gia đình 9 anh chị em, vì hoàn cảnh gia đình cũng như biến động lịch sử mà phải tá túc trong nhà xác bệnh viện này tới nhà xác bệnh viện khác, một mình tự lo cái ăn, cái mặc, học hành, sớm ra đời mưu sinh kiếm tiền nuôi thân.

Ông thường đi chân đất, là bởi tuổi thơ không có dép guốc mà đi. Ông ăn cơm rau, đó là do tháng ngày đói khổ dạ dày không bao giờ được chứa cá thịt nên khi có, thì không thể tiêu hóa. Vì từng sinh nhai từ bánh mì và ăn bánh mì trừ bữa, nên đến nay ông vẫn giữ thói quen ăn sáng bằng một cái bánh mì. 

Thời gian này, ông mua thêm một cái bánh mì nữa, là để cho đàn chim bồ câu không rõ từ đâu tới đang trú ngụ ven hồ Hale, góc đường Nguyễn Du, ven quán nước chè, mà ông vẫn ngồi chơi mỗi sáng khi rảnh rang.

Có lúc nhìn lại, ông nói, tuổi thơ ông nhờ gian khó, phải tự lập, nên đó cũng là tháng ngày tự do để ông có thể theo chúng bạn đi lang thang khắp nơi, ngắm nhìn bao thứ, tìm hiểu rất nhiều điều, trong đó có cả cách làm ruộng, kiến trúc đình chùa, sinh hoạt của nông dân và bao nhiêu đồ vật gắn bó mật thiết với đời sống của họ, cũng như các tập tục truyền đời...

Có lần gặp, tôi nói: “Chú có giọng kể rất đặc biệt nhé, viết về văn hóa, về đồ vật người Việt từng sử dụng hằng ngày, về tập tục, về những thói quen dung dị đời sống, mà cứ như thủ thỉ từng lời vào trong tâm trí người ta, buộc người ta phải nhớ. Nhớ để hiểu hơn, trân quý hơn bản chất cội nguồn dân tộc tính người Việt”.

Ông cười bảo, “Thế à!”, rồi im lặng, tay vẫn đưa đều đặn bút sắt kí họa trên cuốn sổ nhỏ mang theo trong túi.

Với Phan Cẩm Thượng, những gì đã làm xong là xong, chẳng có gì để nhắc lại, thêm lời, vì ngay khi một cuốn sách xuất bản, cũng là lúc ông bắt đầu ngay một dự án nghiên cứu mới.

Phần lớn dữ liệu có trong sách, đều là do Phan Cẩm Thượng tự điền dã, tìm hiểu, viết ra. Ông thường sử dụng tiền tiết kiệm của mình. Đi khắp mọi miền bằng tất cả phương tiện có thể, bao gồm cả đi bộ, leo núi. 

Ông sống chung nhà với người dân, cùng chia sẻ nhịp điệu sinh hoạt cùng họ. Ông hết sức cẩn trọng khi sống cùng, tránh để họ cảm thấy có sự hiện diện của ông. 

Không gây chút cảm giác bận lòng nào, ông tự chăm sóc mình và dọn dẹp đồ gọn ghẽ, như thể mọi vết tích, bước chân qua đều được xóa nhòa. Ông thích giúp đỡ người xung quanh một cách lặng lẽ, miệt mài ghi chép hay ký họa lại những hình ảnh bắt gặp, đến ở và ra đi, nhẹ nhõm như không.

Phan Cẩm Thượng nghiên cứu theo cách riêng biệt, vì thế ông cũng độc hành trên con đường của mình. Với ai hỗ trợ, ông đều cẩn thận tỉ mỉ liệt kê từng cái tên với sự giúp đỡ rõ ràng trong lời cảm ơn của cuốn sách. 

Trong từng chú thích ảnh/ tranh minh họa, ông ghi rất rõ tên, vùng miền, xuất xứ, được cung cấp bởi ai, hay đồ này ông kí họa trong nhà người dân nào, bảo tàng nào... 

Phan Cẩm Thượng có biệt tài là nhìn, cầm đồ vật nào trên tay, ông cũng có thể xác định được triều đại, niên đại... từ một viên gạch, cột chống, có thể hình dung lại cả một ngôi chùa cổ... để từ đó, bằng sự chăm chỉ, cần mẫn, minh tuệ của mình, ông dựng lại không gian kiến trúc, tâm linh, phong tục, đồ vật, sinh hoạt người Việt xưa qua từng trang sách. 

Mỗi cuốn sách khi kết thúc, dù đã gửi cho một công ty hay nhà xuất bản, trong quá trình biên tập, ông vẫn thức khuya dậy sớm để sửa chữa, đính chính, chú thích cẩn trọng. 

Vì vậy, vào ngày sách phát hành, cũng là thời gian mà Phan Cẩm Thượng trong trạng thái kiệt sức. Như với cuốn sách mới Tập tục đời người, khổ 19x26,5cm, dày 611 trang, ông mất 7 năm để nghiên cứu, viết và hoàn thành. 

Cuốn sách gồm 6 chương với 31 phần, cùng 3 phần phụ lục liên quan tới đời sống người nông dân với thói quen ẩm thực, bữa ăn hằng ngày, chỗ ngủ, đời sống tính dục và tín ngưỡng phồn thực, chế độ đa thê, tập tục tảo hôn, đến không gian sinh tồn, vòng quay bốn mùa cùng lễ tiết, các trò hội lễ, tín ngưỡng hệ thần... rất chi tiết mà đồ sộ khối lượng vấn đề cần khảo cứu. 

Trong thời gian đi vào chặng cuối, ông thường bị đau đầu, mỗi tuần một lần, ông phải leo một ngọn núi để phục hồi sinh lực. Là người hòa hợp và ưa sống giữa cây cỏ chim muông, nên ông rất dễ chịu thư thái khi sống với núi rừng. 

Nghe ông tả lại từng chặng đường leo núi sẽ thấy được hương rừng hương hoa, cả mùi phân mục mùi lá rữa... là đã muốn theo chân ông chu du.

Trong ứng xử với mọi người, Phan Cẩm Thượng luôn giữ sự điềm đạm khiêm cung. Từ chị nông dân đến bà bán nước, anh xe ôm hay cô lao công, ông cũng thưa gửi nhẹ nhàng, trang trọng. Tình cảm tôn kính và sâu sắc, ông dành cho thầy của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân.

Lần nào nhà nghiên cứu Nguyễn Quân ra Hà Nội, là sẽ song hành cùng với Phan Cẩm Thượng. Còn khi Phan Cẩm Thượng vào Sài Gòn, dù bận tới đâu cũng dành ít nhất một buổi tới tư gian thăm thầy. 

Còn với học trò hay người thân thì Phan Cẩm Thượng lại hết sức tự nhiên, hồn hậu và thoải mái. Ông ưa kể chuyện hài và trong ông, kho chuyện kể đậm chất dân gian của nông dân Việt bên chén trà là vô hạn.

Sống nguyên tắc cẩn trọng và theo thời gian biểu rõ ràng, dù công việc nối tiếp nhau không ngừng, từ làm nghiên cứu, vẽ tranh, nặn gốm, tham gia các hoạt động nghệ thuật trong, ngoài nước với tư cách chuyên gia... 

Phan Cẩm Thượng vẫn có thời gian nhàn rỗi cho riêng mình để tập luyện sức khỏe và hưởng thú vui ngồi xem người ta đánh cờ hoặc rủ người quen cùng đánh bóng bàn.

Một sự thú vị, sách của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng tưởng chỉ dành cho số ít người quan tâm thì lại bán rất chạy trên thị trường, có cuốn bán hàng chục ngàn bản. Thời gian tới, cuốn Văn minh vật chất của người Việt tiếp tục được in lại, cùng với bộ đôi Nghệ thuật ngày thường (tập 1, tái bản và tập 2 viết mới). Song song đó, ông đang chuẩn bị tinh lực cho cuốn nghiên cứu Mày là kẻ nào?, dự kiến xuất bản năm 2020.

Việt Quỳnh
.
.