Ca sĩ Minh Thu: Lửa trong tình muộn

Thứ Tư, 08/11/2017, 07:36
Minh Thu giống như một người đàn bà đi qua nhiều mùa; để rồi, chị mang tất cả vào trong tiếng hát của mình. 

Cứ nghĩ nhạc sỹ Phú Quang dễ tính nhưng hoá ra không phải. Ít khi, người ta nghe Phú Quang mở lời khen một người nào đó hát nhạc của ông; thậm chí hát dở, ông còn nói phũ nữa. Có lần tôi khen một ca sỹ hát, ông thẳng thừng: “Hát vậy mà hay ư” rồi cắt nghĩa như thế nào là hay. Thế mà, Phú Quang lại khen Minh Thu.  

1. Trong đôi mắt của người nhạc sỹ khó tính này, “Minh Thu đôi khi giống như người đàn bà trang điểm sơ sót một tí, nhưng thà như thế còn hơn là nhìn những gương mặt quá gia”?. Ông nói: “Tôi thích giọng ca Minh Thu không phải vì đó là một giọng ca đầy tính thời trang, thời thượng. Tôi thích bởi vì đây là một giọng ca đầy cảm xúc và diễn tả đầy đủ điều mà tôi muốn nói một cách giản dị, hồn nhiên”.

Theo quan điểm của Phú Quang, hay nghĩa là như thế. Tối giản và đầy cảm xúc. Mà Minh Thu ở tuổi 39, đi qua một thời ngược ngạo (theo cách nói của chị), giờ đây chỉ muốn an yên cư trú trong lòng như một lẽ sống. Mộc tính, không chỉ trong giọng hát mà còn khởi sự từ nội tâm đã thôi xáo động.

Minh Thu tuổi ngựa. Người ta nói, đàn bà tuổi này thì ương bướng và cứng đầu lắm. Một khi đã muốn đi thì sẽ đi. Muốn chạy sẽ chạy cho bằng được. Bắt đi, có khi ngồi lại. 

Chị nói, có một khoảng thời gian dài, chị mải miết ngông cuồng, say sưa với những sở thích khác của mình, ý muốn khác của mình không ai cản được; bỏ qua nhiều cơ hội tốt để vươn lên một cái đỉnh nào đó trong nghề. Và rồi, chị tiếc vì đã bỏ bê nghề hát trong một quãng thời gian không phải là ngắn ấy – một nghề mà lẽ ra cần chị cẩn trọng hơn, nâng niu nó hơn.

Cho tới vài năm trở lại đây, chị mới nhận ra được cái gì thực sự quan trọng và là của mình. Âm nhạc với Minh Thu giống như một thứ Đạo, mang lại cho chị nhiều điều và chị cũng tận hiến ngược lại. Minh Thu nói, chìm trong âm nhạc, chị cũng được giải thoát khỏi nhiều nỗi muộn phiền. Lắm khi đang buồn quá, hát một hơi là thôi. 

Đôi khi, chị mê chính những lời mình hát, thú những bài ca mình ca. Có những vùng cảm xúc thật lạ, đôi khi chị không hiểu nổi. Rồi Minh Thu lao vào đó với vận tốc… ánh sáng. Chị hát như để rồi lấp vào cái vùng trắng bỏ lại ấy.

Cách đây 2 năm, Minh Thu chọn thứ âm nhạc trúc trắc, quãng 2, quãng 8 rất rộng của nhạc sỹ Phó Đức Phương để trở lại sau một thời gian dài im ắng.  So với nhạc Phó Đức Phương, nhạc Phú Quang dễ nghe hơn. Tại sao Thu Minh không lựa chọn ngược lại? Chị có tự đưa mình vào thế khó không? 

Minh Thu nói, chị muốn xem nhạc Phó Đức Phương như một ngưỡng trắc trở, một thử thách mà mình phải vượt qua bằng bất cứ giá nào. Khi vượt qua rồi, mọi thứ nhẹ như hơi thở. Sẽ không còn gì làm khó chị nữa vì cái khó nhất, chị đã vượt qua rồi.

Minh Thu chọn nhạc Phó Đức Phương để trở lại. Vậy âm nhạc Phú Quang thì sao? Chị nói: “Để bắt đầu”, như bắt đầu một hồi ức mới. 39 tuổi, Minh Thu mới bắt đầu một cuộc tình. Một cuộc tình muộn. Một cuộc tình với âm nhạc, cuộc tình với chính mình.

Nếu ngày xưa, chị hát từ cổ họng ra ngoài thì bây giờ hát từ cổ họng vào trong tim. Xưa hát bằng bản năng, nhạc cảm; giờ hát bằng cảm xúc thật, bằng nội tâm mà chị đã đi qua với tất cả những cung bậc của đời sống và đồng cảm cùng với tác phẩm. 

Giờ đây, Minh Thu cất lời hát cho người, cũng là hát cho mình đó. Hát cho Minh Thu của một thời “đường dương cầm lạnh”, của “những dòng sông không trở lại bao giờ”. 

Minh Thu ấy, đã từng quay quắt trong phận số, trong tình yêu, trong đợi chờ hạnh phúc và trong cả những đoản khúc “không bình thuờng” của riêng mình. Giờ đây, chị đang đối thoại với chính mình.

Khi người ta đau khổ, họ sẽ sống một cuộc đời dài hơn người khác, rộng hơn những người khác. Hay nói cách khác đi, họ sống được nhiều kiếp. Nhưng dù thế nào đi nữa, “khổ đau nát tan cũng qua đi rồi Em cũng bình yên nhé”. 

Minh Thu ở thời điểm hiện tại đã biết bao dung với những vô thường ấy. Trái tim ấy đã trở nên dung dị và có khả năng tự chữa lành cho chính mình. Nghe chị hát, ta thấy đó là một giọng hát thẳng, tròn vành rõ chữ, không lắt léo. Hát một cách thành thực, không giấu giếm nhưng đầy tỏ bày. 

Như rồi, cuộc đời chị như thế nào, chị đã hát như khi hát bài ca ấy. Minh Thu nói với tôi, “lửa” mạnh nhất là khi người ta biết nuốt tất cả vào bên trong. Khi có cơ hội được bộc lộ, họ sẽ bộc lộ một cách mạnh mẽ nhất.

Nghe chị hát vẫn thấp thoáng đâu đó nỗi đau đớn, những điều chưa trọn vẹn nhưng tất cả những điều ấy đã được cất lên một cách nhẹ nhàng, bình thản, mộc mạc, tự nhiên. Khi con người ta có thể ngó thẳng vào đáy sâu lòng mình và nỗi đau của mình, nghĩa là mọi buồn khổ, mọi khó khăn, phiền muộn đã được thấu tỏ và cũng đã qua đi rồi, theo một cách nào đó.

Minh Thu nói: “Ai rồi cũng phải thế. Muốn sống tiếp, phải lạc quan trong chính nỗi đau của mình. Mình sẽ không quên được tất cả những đau thương ấy, không tẩy não được những ký ức buồn ấy. Con người mà, có phải gỗ đá đâu mà bảo quên là quên ngay được. Không quên được thì đành để vào trong, nhưng sẽ để ở vị trí bao dung, vị tha nhất thì mới bình yên sống được. Cứ để nó ở đó một cách tự nhiên. Bao giờ nó đi thì nó đi. Bao giờ trở lại thì mình sẽ sống chung với nó bằng những gì độ lượng nhất của mình”.

2. Minh Thu giống như một người đàn bà đi qua nhiều mùa; để rồi, chị mang tất cả vào trong tiếng hát của mình. Trong tiếng hát ấy, thấy nụ cười, thấy cả những giọt nước mắt. Phú Quang gọi đó là tiếng hát chân thành có lẽ là vì thế.

Trong đêm, những tình khúc Phú Quang cựa quậy qua tiếng hát chân thành Minh Thu dù rằng trước đó, các tình khúc ấy đã được cất lên lặp lại bao nhiêu lần qua giọng hát của Ngọc Anh, Mỹ Hạnh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Ngọc Tân, Tấn Minh, Thanh Long bass…

Nhạc Phú Quang là thứ nhạc ai hát cũng được nhưng để hay thì khó, để riêng càng khó nữa. Ngay cả một số ca sĩ được cho là thành công khi hát tình khúc Phú Quang thì chính Phú Quang lắm lúc cũng chưa hài lòng. Ông nổi tiếng khó tính và kĩ tính; ca sĩ hát sai một nốt, quên một từ, cũng trở thành một điểm trừ đối với ông. 

Cũng ít  khi thấy ông mở miệng khen một ca sỹ nào đó hát nhạc của mình. Để được ông nhận lời đỡ đầu, càng khó nữa. Thế mà, ông lại khen Minh Thu và gợi ý làm album nhạc của ông, để rồi chúng ta có album Thu thật là thu trên kệ trong những ngày thu đầu mùa như thế này.

Album gồm các ca khúc quen thuộc như “Về lại phố xưa”, “Hà Nội ngày trở về”, “Rock buồn”, “Romance 1”, “Romance 2”,  “Dương cầm lạnh”, “Mùa thu giấu em”, “Phố cũ của tôi” và các ca khúc được Phú Quang viết mới như “Mẹ ơi”, “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”; trong đó “Rock buồn”và “Mùa thu giấu em” được phối lại theo phong cách mới. 

Các bài hát trong album được chính nhạc sĩ Phú Quang cùng các nhạc sĩ Việt Anh, Anh Khoa, Huyền Trung, Vượng Jazz hoà âm.

Album là những dòng suy tư không ngưng nghỉ về tình yêu, về những kỷ niệm của một người đàn bà đi qua nhiều cung bậc của cuộc đời. Cách hát của Minh Thu mộc mạc, đầy tự sự, như đang kể chuyện, như đang giãi bày. Có chỗ đọng lại như một nốt lặng trầm, một vùng không gian riêng tư; có chỗ bộc phát ra, vỡ oà. Có chỗ hơi gằn giọng, có chỗ lại giãn ra, ngẫu hứng với Jazz.

Minh Thu nói, chị không có tham vọng làm mới nhạc Phú Quang. Nhạc Phú Quang vốn đã hay sẵn rồi. Làm khác đi, có khi thành ra dở. Chị muốn kể câu chuyện của mình thông qua âm nhạc Phú Quang và chị sẽ hát bằng màu sắc của riêng mình. 

Minh Thu muốn làm một sản phẩm không phải bằng yếu tố duy nhất là chất giọng, mà còn bằng vốn sống, trải nghiệm. Như vậy, bài hát sẽ được diễn tả đầy đủ hơn, lắng đọng hơn. Người trải nghiệm, họ sẽ hát như hắt từ tim ra.

Và chẳng biết vô tình hay hữu ý, hai lần hợp tác (với nhạc sỹ Phó Đức Phương và nhạc sỹ Phú Quang) của Minh Thu đều được ra mắt vào mùa thu. Tên của chị cũng là Thu. Mùa thu dường như là mùa mà tiếng hát của chị chín đầy nhất, trọn vẹn nhất. Và Minh Thu, người đàn bà đi hết một mùa tuổi trẻ sầu mộng, đã hát về nỗi lòng của mình một cách thành thực nhất.

“Rồi em khóc, rồi em khóc/ Vì đốm nắng loang trên vạt cỏ/ Rồi em khóc, vì giọt mưa trắng như giọt lệ/ Vì viên đá dần tan trong ly nước mùa hè”. Đêm nay, hai bản “Romance” Thu hát như nuốt trọn dạ khúc tháng mười.

Đậu Dung
.
.