Ban nhạc Ngọt: Những chú cá hồi nay đã lớn

Thứ Bảy, 09/12/2017, 07:15
Tôi hay gọi Ngọt là ban nhạc của những chàng trai đến từ tuổi trẻ. Không chỉ bởi tuổi đời của 4 thành viên mà hơn cả, bởi thứ âm nhạc mà Ngọt cất lên ấy, vừa vặn với tuổi trẻ. 

Nếu một ngày đẹp trời, bước chân xuống phố và nghe đám thanh niên choai choai hát: “Em dạo này có/ Đi xa cuối tuần/ Em dạo này có/ Gặp Vi và Xuân?”; hay trong một góc phòng, vẳng lên tiếng hát của Thắng: “Sáng nay sao đầu đau/ Tối hôm qua mộng du/ Nghe tiếng ai oái ai/ Mà hồ như tiếng đất diệt trời tru” thì đó chính là âm nhạc của Ngọt.

Được ví như “The Beatles của Việt Nam”, những bài tình của Ngọt đi xuyên đường hầm nhạc trẻ bằng những sắc màu tụng ca tuổi trẻ tươi rói, phập phồng. 

Khi người nghe nhạc bị bội thực bởi chiêu trò và những bản ca khúc hit có tuổi thọ lắm lúc còn ngắn hơn cả pin điện thoại; khi tụng ca về chia tay lâm li bi đát đã trở thành mô-típ đầy chán chường sáo rỗng, bao nhiêu năm vẫn như một của nhạc trẻ Việt Nam, kiểu “tình yêu đến, em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc”; thì âm nhạc của Ngọt là một cái gì đó đầy mới mẻ, lạ lùng.

Có lẽ lâu lắm rồi mới thấy ai đó đưa tên riêng như Vi và Xuân, những sự vật (có vẻ) tầm thường như điếu thuốc lá Thăng Long… vào âm nhạc, thơ ca, từ cái thời Khúc Thụy Du, Nga… 

Cụ thể, tưởng chừng vặt vãnh nhưng đầy thơ mộng, gần gũi. Nhưng thứ âm nhạc tự sự ấy là trạng thái biểu thị tâm hồn, tinh thần của giới trẻ những năm 2017, không giống tinh thần của mấy chục năm về trước. Cho nên, nếu có người hỏi, ai là đại diện của nhạc trẻ đương thời, đâu là âm nhạc diễn tả tâm hồn người trẻ những năm tháng này, tôi sẽ không ngại ngần gọi tên Ngọt.

Tôi hay gọi Ngọt là ban nhạc của những chàng trai đến từ tuổi trẻ. Không chỉ bởi tuổi đời của 4 thành viên mà hơn cả, bởi thứ âm nhạc mà Ngọt cất lên ấy, vừa vặn với tuổi trẻ. Chỉ tuổi trẻ mới có thứ sắc màu phong nhiêu đó. Và cũng chỉ có tuổi trẻ, mới khiến người ta chờ đợi như vậy.

Sự chờ đợi dành cho ban nhạc 9x này đã có cách đây hơn hai năm, khi lần đầu tiên, tôi biết đến âm nhạc của các cậu, khi Ngọt mới chỉ là ban nhạc indie chơi nhạc ở các quán café của đất Hà Nội. 

Hồi đó, Ngọt còn chưa ra mắt album, show diễn nào lớn nhưng âm nhạc của các cậu như một luồng gió mới đối với nhạc trẻ nói chung và giới nhạc underground nói riêng. Tôi thấy các cậu thú vị nhưng tôi sợ sự thú vị ấy chỉ kéo dài được một thời gian ngắn. 

Chúng ta có quá nhiều ban nhạc, nhiều ca sỹ hay ho ở khúc đầu nhưng khúc sau lại nhão nhoẹt, nhợt nhạt. Tôi muốn xem một rung động âm thanh dài hơi, tôi muốn thấy một gương mặt âm nhạc có số phận rõ nét, tôi muốn Ngọt là Ngọt nhưng không đơn thuần là Ngọt nữa. Và tôi cứ chờ đợi với không ít háo hức, tò mò như vậy.

Lần gặp lại Ngọt gần đây nhất là ở sân khấu SOUL Live Project, khi các cậu mang “Ngbthg” (đọc là “Ngày bình thường”) vào Sài Gòn trong tour diễn xuyên Việt để giới thiệu album mới. Tôi nhớ hôm ấy, khán phòng chật kín người. 

Trên sân khấu, Vũ Đinh Trọng Thắng – anh chàng điên rồ, lạ lùng nhất mà tôi từng biết, cũng là linh hồn của Ngọt - cất lời sau màn tung hứng ăn ý của Phan Việt Hoàng, Nguyễn Chí Hùng, Nguyễn Hùng Nam Anh, một bộ phận giới trẻ Sài Gòn đã điên đảo với âm nhạc của các cậu. 

Tôi nghĩ, các cậu đã có một màn “chào sân” miền Nam không tệ. Không tệ, hay nói một cách khác đi là ấn tượng. Hay diễn giải theo một cách khác nữa là: “May quá, các cậu không đông lạnh chính mình. Các cậu là Ngọt nhưng đã không còn là Ngọt của hơn 2 năm trước mà tôi biết nữa”.

Giờ đây, các cậu như những chú cá hồi đã lớn, quẫy đạp trong chính âm nhạc của mình.

Nhiều bài trong album mới được Thắng sáng tác đã lâu, thậm chí có những bài còn cũ hơn cả những bài trong album 1 nhưng cách chơi nhạc của Ngọt lần này rõ ràng khác với lần ra mắt trước. 

Album vẫn là những câu chuyện nhỏ, vặt vãnh xung quanh đời sống của những người trẻ tuổi, tưởng là đủ đầy đến mức thừa mứa nhưng thực ra cũng đầy vật lộn, đấu tranh để sinh tồn. 

Thế hệ ấy cũng lắm cô đơn, chộn rộn phân tách chính mình trong đời sống hiện đại nhiều hỗn mang, chéo chồng giữa các giá trị. Và vẫn là Ngọt của những bài tình ca dành cho tuổi trẻ, nỗi hận thù của những người mới bước vào đời, của những viển vông, vô nghĩa nhưng cũng đầy nghĩa lý với tuổi trẻ qua Xin cho tôi, Em dạo này, Cho, Kho báu, Kẻ thù, Bartender, Mèo hoang… 

Nhưng tôi nghĩ Ngọt có cái đáng để khoe hơn. Ấy là tinh thần, là khả năng biểu đạt âm thanh của mình. Đa dạng giọng, đa phong cách, đa thể loại và ngày càng chuyên nghiệp hơn, thăng hoa hơn, ít nhất ở thời điểm hiện tại.

Cách đây hơn một năm, khi ra mắt album cùng tên với ban nhạc, Ngọt đã là một cái tên khiến người ta bàn tán, ca tụng nhiều. Fan của các cậu càng ngày càng đông. Mini-show nào cũng cháy vé. Thời đại nhạc số lên ngôi nhưng các cậu ra album vẫn bán “ngon lành cành đào”. 

Nhưng lúc đó, cũng có vài người nói với tôi họ cảm thấy thất vọng vì các cậu mới nổi đã mắc bệnh ngôi sao. Cùng năm đó, nhạc sỹ Quốc Trung từ chối Ngọt trong danh sách nghệ sỹ tham gia Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa. Tôi nghĩ, có lẽ lúc đó, Quốc Trung cũng chờ đợi và tò mò muốn xem thử âm nhạc của mấy anh chàng này sẽ đi đến đâu. 

Và có lẽ lúc đó, anh nghĩ, năm nào “gió mùa” chả thổi. Nếu các cậu nhẫn nại với âm nhạc, việc xuất hiện ở sự kiện Gió mùa năm này hay năm khác chỉ là câu chuyện thời gian.

Trong cuộc trò chuyện với Ngọt trước đêm nhạc “Ngbthg” ở SOUL, tôi có nhắc lại câu chuyện này. Phan Việt Hoàng nói: “Phải cảm ơn anh Quốc Trung vì nếu anh không từ chối năm ngoái, Ngọt có lẽ sẽ không được như bây giờ. Chính sự từ chối đó giúp Ngọt trưởng thành hơn, quyết tâm hơn và suy nghĩ nghiêm túc với nghề hơn. Để năm nay, Ngọt có thể đàng hoàng đứng trên sân khấu của Gió mùa một cách đầy kiêu hãnh như thế”.

Thắng, người sáng tác chính của Ngọt nói, dạo này nhạc Việt có nhiều bài mới ra nghe bị vội, cảm giác bị đẻ thiếu tháng, về lời, về hòa phối, về ý tưởng. Thành ra, bài hát đẻ ra yếu ớt, sống không lâu, hoặc sống lâu nhưng quái hình dị dạng, người đời kinh hãi mà “share” nhiều. 

Thắng tự hỏi, phải chăng không có nhạc sĩ lởm, chỉ có nhạc sĩ vội? Cậu không muốn tự “đào mồ chôn mình” bằng việc trở thành một nhạc sỹ vội. Cậu nói cậu muốn mình nghiêm túc hơn. 

Năm 20 tuổi, Thắng cho rằng nhạc hay thì phải bắt tai, hài hước. Nhưng Thắng 22 tuổi lại cho rằng, hay là phải chỉn chu, để khi chạm vào vừa sáng bóng, vừa sắc lẹm. Nhưng nhạc mà mịn quá thì cũng chán? – tôi hỏi. 

Một chút ngô nghê, một tí thiếu sót, một ít lóng ngóng cũng mang lại nhiều cảm giác, nhiều những rung động thú vị chứ? Thắng nói, cậu bắt đầu thích sự chỉn chu, bắt đầu muốn trở thành một người viết nhạc nghiêm túc. Cậu muốn phá vỡ suy nghĩ của người khác về nhạc indie.

Cậu cũng không quan tâm tới việc cậu viết theo phong cách gì, hay thiên hạ đang ồ lên vì một trào lưu nào đó. Thậm chí cậu cũng không khoanh vùng thể loại khán giả nữa. 

Cậu bảo, trước đây, cậu luôn viết để thấy mình hay và hi vọng có người cũng thấy hay. Nhưng dần dần nhận ra, mình không thấy hay thì khán giả cũng vậy. Từ đó, cậu để cảm xúc của mình đưa đường dẫn lối. Có khi nó chẳng đi đến đâu cả, nhưng chẳng sao cả. Chỉ cần cậu cảm thấy hạnh phúc. 

Cũng như ca khúc Kho báu trong album mới, Thắng giống như một người đi khắp thiên hạ, đi suốt ngày đêm, quên cả đường về để đi tìm kho báu. Cậu đi miết, đi miết, cho tới khi đặt chân qua vùng đất của những người ngủ không dậy bao giờ thì gặp kho báu. 

Nhưng kho báu lại ở trên trời cao, không tài nào với tới được, cậu đành ra về trắng tay sau cuộc chơi. Nhưng cậu bây giờ đã có khối trải nghiệm, thế là đủ. Bởi lẽ, ngoài hạnh phúc ra, cậu không có mục tiêu nào cụ thể.

Thắng nói, ngày trước hơi dễ dãi, phô trương. Các cậu bộc lộ quan điểm một cách thách thức: “Tôi không sai/ Tôi không nhất trí/ Nó bảo tôi rằng/ Tôi hay cãi lí/ Giời ơi/ Nói thế thì nói làm gì” (Quan điểm). Bây giờ, các cậu đằm hơn. Càng biết nhiều thì càng quy về một giọng, càng viết nhiều thì từ ngữ càng trôi chảy… Với cậu, đó là trưởng thành duy nhất mà cậu cảm thấy trong quá trình làm nhạc của mình.

Thắng cũng chia sẻ thêm, biết chơi một nhạc cụ ảnh hưởng cả tốt lẫn xấu đến khả năng sáng tác. Tốt là vì đôi khi mình nghe được trực tiếp tác phẩm nó ra làm sao, dễ kiểm soát hơn, xấu là vì nó đưa ta vào khuôn khổ của nhạc cụ đấy. 

Theo cậu, “nhạc cụ tốt nhất là não mình, và không phải ai cũng biết chơi nhạc cụ ấy. Cái đầu mình có thể giả lập hoàn hảo tất cả nhạc cụ trên đời, bịa ra thêm các nhạc cụ mới và phối chúng lại với nhau, chơi cùng một lúc, thêm chỉ số cảm xúc EQ, thêm Reverb (sự vang âm, mô phỏng không gian), thoải mái đi, không sợ nổ ram. Càng tập thì âm thanh của nhạc cụ trong đầu càng rõ nét, càng tập thì càng có khả năng phối các nhạc cụ với nhau”.

Những năm 20 tuổi, người ta hay nhắc đến sự mộng ước để thấy trái tim mình là trái tim của một người trẻ tuổi. Ngọt không lập ngôn. Không khẳng định. Cũng không nói những lời đao to búa lớn nữa. Các cậu nói với tôi, có nhiều người không biết họ thích cái gì, họ cứ lang thang không biết về đâu. 

Các cậu thích âm nhạc nhưng nó có phải đam mê hay không, các cậu không dám chắc. Và các cậu vẫn đang đi tìm câu trả lời bằng cách mài giũa kĩ năng của mình, để đến một thời điểm nào đó, khi nhìn thấu suốt bản thân mình, các cậu sẽ biết được mình thực sự thuộc về cái gì.

Có một điều làm tôi thấy thích thú với mộng ước của các cậu khi Thắng nói cậu cảm thấy Ngọt thuộc về những sân khấu lớn. Ý cậu không phải là tầm cỡ hay chuyên nghiệp gì đó, mà cậu luôn hình dung bản thân Ngọt được chơi như vậy. Để thấy đó là mục tiêu, cũng là hoài bão. Và nó luôn ở trạng thái thường trực, để các cậu tự nhắc mình đừng bao giờ tự mãn với chính mình.

Một người bạn tôi sau khi nghe Ngọt ở album 2 có nhắn rằng, bạn thích album 1 hơn và điểm rơi của Ngọt đã dừng lại ở album 1 đó. Có lẽ, bạn tôi thích Ngọt trong lần gặp đầu. Lần gặp đầu tiên bao giờ mà chẳng lưu luyến, xúc động nếu như trái tim mình đã bị chinh phục? 

Ngọt ngày đó, còn thô thô, mộc mộc, còn là những anh chàng chơi nhạc trong bóng tối nhưng đầy quyến rũ. Nhưng Ngọt dừng lại ở đó mãi, thì sẽ như thế nào? Chắc chán lắm. Ngọt còn trẻ. Không ai ngăn nổi một người trẻ ngày càng lớn lên. Đến một lúc, sự trưởng thành của một người nào đó, cũng khiến ta ngạc nhiên, xúc động. 

Tôi nghĩ, ở mỗi thời đoạn của đời sống, sẽ có những trải nghiệm, suy nghĩ khác nhau. Và điểm rơi của Ngọt đã từng dừng lại ở album 1 thì album 2 này cũng chính là điểm rơi mới của các cậu. Trong những ngày tháng này. Với nhiều điều thú vị mới. Và tôi muốn nói với các cậu rằng, tôi vẫn đang tò mò, chờ đợi những điều thú vị khác nữa từ các cậu.

Sáng nay, ngồi nghe Ngbthg. Tôi không rõ cách Ngọt xuất hiện trong niềm yêu thích âm nhạc của tôi như thế nào. Hơn hai năm trước, trong ngày đầu tiên bắt gặp và cho tới tận bây giờ. Có lẽ, đó là một ngày đẹp trời. Trái tim tôi còn trẻ. Lòng cũng đang đẹp nữa.

Đậu Dung
.
.