Diệp lục Lê Nguyên

Thứ Hai, 19/03/2018, 11:39
Nghệ sĩ đích thực hơn người thường ở năng lượng tâm hồn, vượt thoát những khuôn khổ tạo nên nhiều bất ngờ. 

Có một thi sĩ gây ngỡ ngàng cho nhiều độc giả tinh hoa ngay đầu xuân mới: Lê Nguyên, ra mắt tập thơ tình ở tuổi 87. Nhà biên kịch kỳ cựu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đang tiếp tục làm bộ phim không muốn kết, bằng thi ca.

Lê Nguyên 40 năm là công dân TP Hồ Chí Minh vẫn nguyên người "phố Hàng" của Hà Nội kiêu sang, mơ mộng. Mỗi năm, ông trở về Hà Nội lưu trú tại quận Hoàn Kiếm, chốn địa linh gắn kết truyền đời dòng họ Lê, nơi ông được sinh ra, lớn lên. 

Ông thường ở tại 39A Lý Quốc Sư - một gallery chuyên nghiệp duy nhất của Thủ đô bao năm chỉ trưng bày, tổ chức sự kiện tặng bạn hữu, khước từ mọi hợp đồng thuê mặt bằng, kinh doanh sinh lợi. Lần du xuân đầu năm Mậu Tuất, vợ chồng ông và con trai út cũng chọn Villa Hotel trong Ngõ Huyện, đối diện nhà con trai cả (nay đã thành công ty nghệ thuật). 

Mùng 6 tết, mưa bay đưa lối café Nhân 39 Hàng Hành đón khách từ cửa quán bằng banner màu xanh nõn lá. Trong khí xuân đầm ấm hân hoan, Lê Nguyên hiện ra không phải bằng hiện thực tuổi đời mà tiếng cười rạng rỡ của ông nối vào những bức ảnh đen trắng in trong sách làm hiện ra chàng trai Hàng Thùng thuở ấy.

Một công tử Hà Nội đẹp trai, tài hoa, bỏ cuộc sống phong lưu của một gia đình tư sản, để rồi, chưa đầy 16 tuổi, ra ga Long Biên lên tàu đi Phú Thọ, Yên Bái, tìm đường vào vùng kháng chiến. 

Họa sĩ Lê Thiết Cương và cha.

Yêu nhạc, mê thơ, nhưng Lê Quốc Toàn (tên thật Lê Nguyên) - người thanh niên tuấn tú, mắt sáng, mũi cao, tóc chải bóng, đôi môi đầy, lại tự nguyện dấn thân lên vùng cao, chịu khổ sở, thiếu thốn trở thành chiến sĩ, thành viên Đội Vũ trang tuyên truyền, hoạt động cách mạng từ tháng 5-1945 tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội tháng 8-1945, sống đời quân ngũ từ tháng 12-1946, tham gia nhiều chiến dịch: Biên giới, Hòa Bình, Lý Thường Kiệt, Tây Bắc, Thượng Lào và Điện Biên Phủ. 

Ngôi nhà kiến trúc Pháp đồ sộ, đẹp đẽ số 10 phố Hàng Thùng nơi 9 anh em ông sinh trưởng, đã không còn từ lâu. Bị xếp vào diện tư sản, nhà  bị tịch thu, dù trước đó, ba anh em ruột Lê Nguyên đã trốn nhà đi bộ đội. Cậu út Lê Quốc Toàn tình cờ gặp lại anh cả ở Điện Biên. 

Một mặt trận, chiến dịch vào lịch sử thế giới, tầm cỡ quốc tế, đã lưu dấu phần đời của những người trai họ Lê. 

Ông coi câu "Yêu là dâng hiến" của R.Tagore như tôn chỉ sống. Tuổi trẻ dâng cho Tổ quốc, làn da trắng hồng sạm khói súng, nắng mưa, bàn tay cầm súng cũng cầm bút, làm báo, làm thơ, phụ trách đội văn công Sư đoàn 312; cánh tay ôm súng, ôm đàn gió (accordéon).

Người ta có thể, có quyền đổi thay tâm tính do thời gian, hoàn cảnh; song với Lê Nguyên, người Hà Nội thuộc lớp trí thức thế hệ vàng ấy, cả đời "nguyên chất". Ông không tạp pha từ tiếng nói, phương ngữ tới bản sắc tâm hồn. 

100 lẻ 1 bài thơ tình (NXB Hội Nhà văn) nóng hổi là quà xuân cho độc giả lạ, quen. Người đọc mọi tầng lớp lứa tuổi đều có thể đọc, hiểu ông, nhận quà từ Lê Nguyên "Anh có thể nói dối em/ Nhưng thơ anh không bao giờ nói dối/ Bởi máu hồng chỉ một màu không đổi/ Câu thơ trào ra từ đáy con tim"

Đọc Lê Nguyên dễ cảm thụ, không vì nó "đại chúng", mà bởi tình đầy, niềm say mê thi ca - âm nhạc rực nóng từng câu thơ mà mỗi chữ càng khát khao sống đẹp. Phải yêu đời lắm mới "nhìn" thấy cả những gì thường nhật thành thơ, mới cảm nhận tinh tế mọi chuyển động nhân gian, mới siêu thực và lãng mạn bền sâu nhường ấy.

Hè 2016, chiều 17-7, tại Laca Café, tầng 2 số 24 Lý Quốc Sư, Lê Nguyên đã có cuộc ra mắt tập thơ song ngữ Việt - Pháp (1.000 cuốn, khổ 15,5x24cm), NSƯT Lê Vành Khuyên - giọng opéra hàng đầu Việt Nam đã hát ca khúc của ông, người đã ra nhiều CD nhạc. 

Họa sĩ Lê Thiết Cương luôn đảm nhận vẽ bìa, tổ chức minh họa, trình bày và đạo diễn sự kiện cho cha. Cách báo hiếu của anh là đồng hành, bình phương hiệu quả: Động viên, thúc đẩy bố tiếp tục sáng tác; nhờ thế, có thơ dành tặng cuộc đời.

Tiết tấu 24 hình/giây cho hiệu quả hình ảnh như đời thực, nhanh hơn hay chậm hơn do cách nhìn, cảm của trí tưởng, kí ức. Bằng đa dạng tiết tấu, Lê Nguyên bung tỏa tâm hồn nghệ sĩ vào những kịch bản phim tài liệu, hoạt hình, phim truyện, đúng nghề được đào tạo chính quy - sinh viên khóa 1 Biên kịch - Phê bình, trường Điện ảnh Việt Nam (1962-1964). 

Nguyên ủy ông là một nhà thơ. Hồn thơ ấy tỏa vào điện ảnh, bằng tay nghề và đam mê, ông đã xác tín tên mình vào lớp tiền bối cựu trào đáng kính. Hồn thơ ấy làm những bài thơ chân dung cho các nghệ sĩ điện ảnh thật thú vị, trìu mến tình ái hữu. 

Hồn thơ ấy góp phần vào mốc son danh giá của bộ phim kinh điển Cánh đồng hoang, (đạo diễn NSND Hồng Sến), Về nơi gió cát (đạo diễn NSND Huy Thành). 

Hai người con lớn của ông và nhà quay phim Đỗ Phương Thảo - nữ quay phim đầu tiên và duy nhất của phim truyện Việt Nam, mang tên như sắc thái đối lập: Thiết Cương (1962), Thiều Hoa (1964). 

Bà Thảo từng làm phiên dịch cho chuyên gia Trung Quốc tại Khu gang thép Thái Nguyên, trước khi sinh con trai đầu lòng, nên nhiều người tưởng Lê Nguyên đặt tên cho con trai để ghi lại phần tuổi trẻ của mẹ, thực ra tên là kỷ niệm về người đồng đội của bố và ý muốn con mình sẽ bản lĩnh, cứng cỏi. Tuổi thanh niên, Lê Thiết Cương cũng đi bộ đội như cha trước khi vào đại học.

Năm 1960, Lê Nguyên đã viết bài thơ Hà Nội - Huế - Sài Gòn chỉ 16 câu mà vẽ nên một Việt Nam khí phách đẹp đẽ. Nhạc sĩ Hoàng Vân - người chú họ đã "chộp ngay" mà phổ thành bài ca đi cùng năm tháng. 

Đến giờ, bài thơ - hát này vẫn mang giá trị lịch sử - thời sự và nói vui theo tinh thần "du lịch ca", thì nó đủ tầm khái quát về đất nước Việt Nam với những câu chuẩn, hay về 3 thành phố 3 miền với hoa sen biểu tượng quốc hoa của hãng hàng không quốc gia.

Lê Nguyên lúc nào cũng "đang yêu". Chỉ người biết yêu, dám si tình suốt kiếp mới viết được những câu thơ trẻ đến thế, đắm mê như thế. Khi mà sự rởm, giả tràn lan loạn xạ khắp chốn, chiếm chỗ các ngả, tưởng lòe lừa đánh tráo được sự thật, thì Lê Nguyên đã tỏa sự chân thành vào thơ. Thơ ông không mới lạ về hình thức, nhưng neo vào người đọc bằng ý, hình, tình. 

Lãng mạn, ông vẫn tỉnh táo Thôi đừng chúc nhau trẻ nữa trước sự tàn bạo của thời gian -  tuổi trốn đâu rồi: "Còn những bài ca chưa viết nên lời/ Vũ điệu nào em gọi mời tôi/ Ở bên nhau ta không có tuổi/ Tay trong tay tuổi trốn đâu rồi".

Không ai đảo ngược được thời gian, sống lại lần nữa quãng đời đã sống. Lê Nguyên vẫn có được bởi giữ bền chất trẻ trong trái tim khối óc, bất chấp tháng năm, nên "vẫn gặp hôm qua trong ánh sáng hôm nay". 

Ông ân cần với mọi người, đằm thắm với các tình cảm và không ngừng yêu thương trong tinh thần vị tha, dốc mình, hy vọng, bao dung nên chỉ cần thấy trăng vào cửa là như em gọi, em đến là "bài hát cũ lời thơ mới".

Văn Cao đã viết thật tinh diệu về thời gian, còn lại "Đôi mắt em/ như hai giếng nước", thì Lê Nguyên thấy mắt soi cả mây Đoài. Không phải không có lúc ông không dằn vặt với nhân gian, trách mình đa đoan mà nặng lòng, ước "Thôi nhé, mai này vô lụy/ Thủy chung bạn với trăng sao/ Gửi sóng hồn thơ về biển/ Để ngàn năm mài danh dạt dào". Mong vô lụy mà vẫn "sóng hồn thơ" thì sao mà vô ưu được!

Bìa tập thơ "100 lẻ 1 bài thơ tình".

Tâm đắc với Albert Camus: "Không có tình yêu, chỉ có những phút giây của tình yêu", trái tim Lê Nguyên tuổi ngoại bát thập vẫn phơi phới nhịp xuân "Buồm vẫn ngóng chờ gió lộng/ Đàn căng dây đợi tiếng tơ/ Anh chỉ là mênh mang cỏ/ Đợi mùa xuân em làm mưa"

100 lẻ 1 bài thơ tình tưởng quen mà lạ, hứa hẹn. Lê Nguyên còn sức viết, nên còn lâu mới làm tuyển tập. Cổ đại, nàng Scheherazade kể chuyện 1.001 đêm, thì Lê Nguyên hiện đại vẫn đang thay bằng kể tình ca mà còn sống tận lực từng ngày.

Lê Nguyên đã bay tới chân trời thơ và vẫn đang muốn tới ước mơ. Ông thông thạo Pháp ngữ, vẫn dịch thơ mình ra tiếng Pháp hoặc sáng tác trực tiếp, mà chưa một lần được đến Paris. 

Bàn chân ông đã tới một số nước châu Á, tới Vạn Lý Trường Thành, đã bước trên thảm lá bạch dương bên sông Volga, đã ngợp sáng đường thành cổ Warsawa, mà chưa được đến bên sông Seine, tháp Eiffel, song đã bao lần du ngoạn nước Pháp bằng tưởng tượng. 

Bài thơ Gặp Paris (2-1996) của Lê Nguyên sẽ khiến tất cả những ai yêu Pháp khắp toàn cầu đều rung động và các vị Đại sứ Pháp tại Việt Nam hẳn sẽ không ngần ngại muốn tặng ngay nhà thơ chiếc vé khứ hồi đến Paris, chỉ với đoạn kết này: "Nếu có một người Paris mới quen làm bạn/ Chẳng ngập ngừng, tôi sẽ trả lời ngay/ Tôi là công dân thành phố Hồ Chí Minh từ Việt Nam vừa tới/ Trên chuyến tàu chạy bằng ước mơ nóng hổi/ Bằng nhịp cầu vồng và cả nhịp con tim". 

Nữ đạo diễn phim tài liệu Xuân Phượng, người bạn Lê Nguyên, đã đọc tiếng Pháp bài thơ này tại Liên hoan Phim quốc tế Amiens (1997) gây ấn tượng mạnh mẽ.

Thơ là thế giới tâm hồn của ông, một nhà thơ nhận mình là người tự do "Có một người tù ngồi bóc lịch/ Đếm từng ngày từng phút giây dần nhích/ Đếm thời hạn sau cùng/ Người tù không áo số/ Giữa đất trời rộng mở/ Người tù tự do trong trái tim em"

Nhờ thơ và phim, mà đời sống ông thi vị, ý nghĩa và phong phú. Giờ ông không đạp xe được nữa, nhưng ông vẫn thấy, chiếc xe đạp là phi thuyền nhỏ, như ngày ông gần 70 tuổi: "Xe đi giữa hàng cây/ Gió mùa thu thoảng hương say dịu dàng/ Chiếc xe đạp quá bình thường/ Thành phi thuyền nhỏ giữa ngàn sao đêm".

"Yêu nghĩa là sống và sống là yêu" (V.Hugo).

Lê Nguyên trọn đời trọn tình, không chỉ là yêu đương đôi lứa, yêu thiết tha sự sống này mà dâng hiến, thứ "mỹ phẩm thượng hạng" - “tình yêu" cho ông điệu cười tươi sáng thường trực, khi "vũ điệu tâm hồn" trải ngàn bộ phim vạn bài thơ, phim - thơ - đời quấn quýt suối nhạc để ông có gia tài giàu bạn bè, ký ức. 

Mỗi mùa xuân, Lễ Tình nhân Valentine, Noel, Lê Nguyên đều trình làng sáng tác mới. Ông chưa được đến Pháp, Mỹ, nhưng cháu trai cả đích tôn Lê Nguyên Nhật đã sống thay ao ước ấy - du học ngành nhiếp ảnh quảng cáo ở Paris; còn cháu thứ hai William sinh ra và lớn lên tại California. 

Ngoài hai cháu trai con họa sĩ Lê Thiết Cương, ông có cháu gái Thảo My (24 tuổi, đã đi làm) con duy nhất của người con gái thứ hai Thiều Hoa. Vào sau bố, chị Hoa đã sống ở Sài Gòn hơn 30 năm nay. 

Ông cùng vợ và gia đình nhỏ của con trai út Lê Việt Quang (1987) ở tại chung cư Hãng phim Giải phóng, 56/3 Nguyễn Thông, quận 3. Lê Nguyên ở tầng 2, hàng xóm toàn người nổi tiếng: tầng 3 là căn hộ NSND Đào Bá Sơn, tầng 4 là đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.

Việt Quang là công chức nhà nước, chuyên viên giám sát Sở Tài nguyên Môi trường mới có một con gái. Cháu nội gái Minh Châu 3 tuổi thích vẽ hy vọng sau này theo hội họa kế tục bác Cương.

Trong buổi ra mắt tác phẩm mới sáng 21-2-2018 kéo dài đến trưa do nhà thơ Thụy Kha dẫn dắt, hội tụ diễn viên điện ảnh Tố Uyên, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, họa sĩ Đào Hải Phong, gia đình tôi và hai con nhỏ... Người già thường ước mình trẻ lại, còn tôi lại muốn có được sức trẻ tinh thần như Lê Nguyên, biếc mãi. Bởi thế dù con nhỏ, mưa dầm, tôi vẫn đến. 

Nhà văn - Trung tướng Nguyễn Hữu Ước ôm hôn chúc mừng đàn anh Lê Nguyên, ông thấu cảm ngọn lửa thi sĩ đáng nể ấy. Hữu Ước vừa viết xong tập thơ mới chất lượng cao. Diệp lục của bậc tiền nhân thế hệ 3X, 5X thúc giục tôi như một phép màu cộng hưởng.

Lê Nguyên 87 tuổi mắt còn xanh nhìn đời, vẫn muốn như sen đến độ thu "dồn hương vào hạt", đang quay tiếp cuốn phim đời với tông nền là các sắc độ xanh của chồi, búp, lá.

Vi Thùy Linh
.
.