Trần gian có một gã gàn

Thứ Sáu, 09/03/2018, 08:39
Cuối năm, gã được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh gửi lời mời ra Hà Nội. Đầu năm, gã cưới vợ “tập hai”. Tôi nghĩ bụng, vậy là thời của gã gàn tới rồi.

Gã gàn thật, khỏi bỏ chữ gàn trong ngoặc kép. Bữa đầu gã gặp tôi, thấy ăn mặc tuềnh toàng, đầu tóc bù xù, nói năng nhát gừng cục cằn thấy... phát ghét. Nhưng linh tính tôi mách bảo đấy là một gã gàn thú vị vì gã giữ nguyên tắc của mình dữ lắm.

Hấp dẫn

Gã có sức “hấp dẫn”, tôi nghĩ vậy. Vì gã là dân cơ khí, mà nói về dân cơ khí thì gã làm tôi nghĩ ngay đến một người làm cơ khí độc đáo của Việt Nam: ông Trần Quốc Hải - người chế tạo xe bọc thép, trực thăng tự cân bằng cho... Campuchia.

Gã thì xác định không chế tạo cái gì cho nước ngoài mà chỉ chế tạo để phục vụ cho người Việt. Đúng hơn, là để thỏa mãn cái tôi của gã.

Hồi xưa gã làm giám đốc kỹ thuật cho một công ty chế tạo máy dược phẩm sản xuất dây chuyền thiết bị cho ngành dược theo tiêu chuẩn Đức. Gã thường bảo học được rất nhiều về cách người Đức làm máy. 

Năm 2008, gã nghỉ việc vì một lý do rất gàn là thiết kế nhai lại không có gì mới. Quyết định 567 của Chính phủ về việc sử dụng gạch không nung trong xây dựng định hướng cho gã về hướng thiết kế máy làm gạch không nung. Gã quyết định nghỉ việc để “cắm đầu” vào đó. 

Sau khi tìm hiểu chuyên sâu về bản chất viên gạch, công nghệ hiện tại sản xuất gạch không nung từ máy của Trung Quốc, Hàn, Tây Ban Nha hay Đức, gã xác định công nghệ hiện tại không đáp ứng các yêu cầu của viên gạch xây dựng Việt Nam. Tức mình, gã về đóng cửa tự nghiên cứu làm cái máy kiểu của mình.

Không hiểu sao cái quyết tâm ấy của gã lại làm động tâm ba người bạn của gã. Họ tin nên họ vét hết tiền nhà đắp vô cho gã. Vài tỉ đối với những đại án phá tiền dân chỉ là số lẻ nhưng với những người như gã và bạn gã lại là số tiền siêu lớn. Cũng không nhớ gã “đốt tiền” bản thân và bạn bè bao nhiêu lần bởi cứ nghiên cứu thất bại rồi nghiên cứu tiếp đến khi thành công mới thôi.

Từ lúc gã bắt đầu nghiên cứu tới khi thành công là mất ba năm, gã và một người thợ cơ khí hì hục lắp xong cả dây chuyền sản xuất gạch. Ba năm trời ấy gã tiêu tốn thời gian, tâm sức vào nghiên cứu đến mức cuộc hôn nhân đầu tiên bị trục trặc. Di chứng của việc ăn không đúng bữa, thức đêm, ngồi lâu, suy nghĩ nhiều đã khiến sức khỏe gã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn.

Thành công của chiếc máy sản xuất gạch không nung công nghệ ép tĩnh (tuyệt đại đa số trên thị trường đều là công nghệ ép rung) được Bộ Khoa học Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích đã cứu gã. Cứu gã theo đúng nghĩa đen khỏi phá sản và sức khỏe đi xuống.

Máy làm xong năm 2015, chạy thử, sản phẩm đầu tiên “đẹp như gái đương xuân”. Mọi khó nhọc như tan biến. Thế nhưng gian nan vẫn cứ trêu ngươi. Thị trường máy ép tĩnh bị từ chối do các nhà đầu tư bị mê hoặc bởi năng suất thần tốc của máy ép rung China. Gã không lùi bước, quyết chứng minh công nghệ vượt trội của mình bằng cách thành lập công ty sản xuất gạch không nung chất lượng cao. Lại mất một năm lặn lội gõ cửa xin chủ trương, lắp đặt vận hành nhà máy.

Sau hơn một năm hoạt động, công ty sản xuất gạch của gã sắp sửa được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Trước đó, công ty chế tạo máy của gã đã được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ. 

Ở đất nước này, doanh nghiệp khoa học công nghệ vô cùng hiếm và việc bị trong nước lẫn “nước lạ” ăn cắp công nghệ lại vô cùng phổ biến. Nhưng đó là một câu chuyện khác, dài hơi...

Trước mắt, tôi mừng vì có người chịu “đi bước nữa” với gã. Chị ấy cũng một lần dang dở và có một đứa con riêng. Nhưng gã gàn ấy hấp dẫn đến nỗi người đàn bà ấy yêu thương gã vô điều kiện, kể cả khi gã khốn khó nhất. Và càng hay hơn nữa là con gái của chị coi gã như cha ruột vì tôi nhìn thấy tình yêu thương thật lòng khi gã chăm cháu. “Trời cho mình thì mình phải thương thôi. Con nào cũng là con mà” - gã tổng kết ngắn gọn vậy đó.

Phải nói thêm một việc là gã hấp dẫn tôi để tôi phải viết về gã chính là tình yêu gã dành cho môi trường. Vì gã nói rất dứt khoát khi một tập đoàn nước ngoài muốn mua đứt công nghệ của gã với giá hàng trăm tỉ đồng rằng gã chỉ muốn nó “made in Vietnam” để xử lý mấy chất thải trong nước. Với gã, lời đề nghị một triệu đôla với lời đề nghị chục triệu đôla cũng chả đáng bận tâm.

“Ăn cũng ngày ba bữa, còn sống chừng hai chục năm nữa. Tiền nhiều có mang theo khi chết được đâu? Mình người Việt, làm công nghệ Việt để phục vụ trong nước chớ bán ra nước ngoài chi?” - gã hỏi ngược tôi khi tôi hỏi gã lý do vì sao không bán công nghệ.

Hỏi là hỏi vậy chứ tôi hiểu vì sao. Bởi gã từng có một giai đoạn cắn răng mà sống...

Cắn răng mà sống

Không phải “Bình tĩnh mà sống!” như lời một cụ bà thi Vietnam’s Got Talent; gã gàn ấy đã “cắn răng mà sống” thực sự.

Lúc gã và mấy người bạn mới chế tạo thành công máy, họ cùng làm xưởng nhỏ sản xuất gạch không nung. Gạch không nung ép tĩnh của gã ra đời không chỉ vượt trội hơn gạch nung mà hơn cả gạch không nung ép rung. Mấy “sân sau” địa phương cũng làm gạch thấy vậy ngứa mắt nên thuê giang hồ đốt xưởng gã.

Biết vậy mà gã vẫn phải viết giấy trình báo nói xưởng do công nhân bất cẩn nên chập điện... tự cháy. Nói: “Đau như ruột cắt. Cắn răng mà viết!”. Nói cắn răng không ngoa vì giang hồ mang xăng đến đốt sờ sờ chứ có chập điện đâu?

Rồi gã và anh em cắn răng vay nợ để làm tiếp mà trả nợ. Vừa làm vừa lo giang hồ sẽ chặn giữa đường hành hung tiếp tục. Nỗi lo đó đến giờ vẫn còn. Tôi hỏi gã muốn đưa vụ việc ra công luận không thì gã bảo thôi vì “người ta cũng có gia đình, con cái...”.

Rồi gã kể những lần cắn răng khác. Ví dụ gõ cửa nhà nước mất cả năm trời mới cho cái chủ trương dù làm mọi thứ rất tốt. Xin vay vốn khoa học công nghệ thì thủ tục nhiêu khê dù mấy lần có đoàn nọ, bộ kia vô tham quan. “Ai biểu nghèo chi!”- tôi trêu. Tưởng gã sẽ quạu, ai dè gã buông một câu: “Ừa. Nên đành chịu!”. Đành chịu nên cắn răng làm tiếp. Làm ngày làm đêm rồi cũng trả được một phần nợ nên chưa đến mức phải bán nhà.

Gã là dân xứ Nẫu, nói ngang như cua rất... dễ ghét! Tôi tiếp xúc dần nhiều lên thì càng đỡ... ghét gã. Gã đúng dân thuần kỹ thuật, không khéo miệng nhưng tính tình rõ ràng yêu ghét, nói một là một, hai là hai chớ không sai lời. Gã cũng dần ít ghét tôi (tôi đoán thế) nên chịu nghe tôi hơn về mấy thứ gã không biết.

Ngay từ lần đầu gặp, tôi cảnh báo cái máy của gã là thứ “hàng độc” rất dễ bị ăn cắp. Gã chưa tin. Chỉ chưa đầy một tháng, máy của gã bị một công ty ăn cắp trắng trợn rồi rao bán. May thay họ chỉ ăn cắp được phần “xác” chứ cái “hồn” của máy là bộ điều khiển thì không copy được.

Ông Dũng gàn (thứ hai từ phải sang) đang giới thiệu công nghệ cho khách nước ngoài.

Lối nghĩ khác, khát vọng khác

Tôi có tác động tới suy nghĩ của gã phần nào và ngược lại, gã cũng làm tôi “sáng mắt” ra nhiều thứ. Gã cười hì hì khi tôi bày tỏ nỗi lo công nghệ của gã bị ăn cắp. Nói: “Người Đức có cách bảo vệ công nghệ rất hay là luôn nâng cấp công nghệ. Nghĩa là kẻ cắp luôn đi sau họ. Mình học người Đức thì lo chi bị ăn cắp công nghệ?”.

Làm ra máy làm gạch không nung ép tĩnh và có sản phẩm đạt tiêu chuẩn nhưng gã vẫn chưa hài lòng với viên gạch của mình. Thế là gã mua bánh mì, cà phê đóng cửa phòng nghiên cứu tiếp để cho ra đời gạch bảy màu. Vẫn chưa hài lòng, gã làm tiếp ra gạch có chứa xỉ than tro bay nhiệt điện và nhà máy thép, thử nghiệm luôn cả với hạt nix hay bùn đỏ bauxite, bùn đỏ sau khai khoáng titan và xà bần.

Gạch không nung tận dụng nguyên liệu là chất thải thì không phải là mới nhưng gã làm mới bằng bí quyết riêng của gã để đạt được mức tận dụng chất thải tối đa. Bí quyết này rất thú vị nhưng đành cáo lỗi bạn đọc không kể thêm được vì “giữ” cho gã. 

Hiện giờ gã đang vùi đầu cho giấc mơ tự động hóa hoàn toàn nhà máy ngang tầm các nước công nghệ 4D tiên tiến. Gã lại đóng cửa phòng gặm bánh mì, uống cà phê nghiên cứu tiếp.

Những người dân vùng có nhiệt điện gọi điện, nhắn tin cho tôi kỳ vọng vào công nghệ của gã sẽ giúp xử lý ô nhiễm môi trường do xỉ than, tro bay nhiệt điện - thứ khiến họ cắn răng mà sống. Những người từng chứng kiến máy của gã hoạt động và sử dụng gạch không nung của gã rồi mới thấy rất khác biệt.

Sau Tết, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sẽ mời gã ra Hà Nội để lắng nghe về công nghệ của gã. Gã hỏi tôi: “Gặp Bộ trưởng biết nói gì bây giờ? Trước giờ có gặp ông nào chức lớn dữ vậy đâu”. Tôi đáp: “Thì cứ có sao trình bày vậy thôi. Đó mới là điểm mạnh của anh đấy!”. Và tôi có niềm tin ông Trần Tuấn Anh với cương vị Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ không để gã phải tiếp tục “cắn răng mà sống”...

Tới cuối bài này tôi mới xin giới thiệu tên gã: Nguyễn Chí Dũng. Có thể gọi gã thân mật là Dũng gàn cũng được. Ai cũng có thể gọi điện, gặp mặt gã bất cứ khi nào cũng được để hỏi về công nghệ trừ lúc gã đang đóng cửa nghiên cứu. Lúc gã tập trung nghiên cứu thì dù là diêm vương lão tử gã cũng chẳng tiếp.

Vì gã cũng nhận mình là Dũng gàn mà!

Mai Quốc Ấn
.
.