Nhà báo Trịnh Tùng Lâm: Riêng đâu một cánh chim trời
- Nữ nhà báo Công an xông xáo
- Nữ nhà báo đầu tiên có triển lãm ảnh riêng về Trường Sa
- Nữ nhà báo Lê Phương Dung & những chuyến đi vào vùng tâm bão
Tôi với chị Lâm quen biết vừa tròn hai mươi năm. Mười năm làm nghề truyền hình cùng chị, đủ những cung bậc, tuổi trẻ niềm vui nhiều hơn, thường là mặc kệ những nỗi buồn. Chúng tôi luôn tiến về phía trước, phía những người chiến sĩ đang đầu sóng ngọn gió để đồng hành, san sẻ, cảm thông cùng họ.
Những ngày ở Truyền hình Quân đội là những ngày đẹp đẽ nhất. Tuổi trẻ bồng bột xốc nổi, hiếu thắng, háo danh, không ít lúc đặt cái tôi lẫm chẫm của mình lên quá cao thành dở cười dở khóc. May mà các bậc cha chú, những đàn anh chỉ mỉm cười độ lượng. Đanh đá như nhà báo, nhà văn Chi Phan, Trưởng ban biên tập hồi đó cũng chỉ cáu gắt mắng mỏ đôi chút rồi mau chóng siết lại đội hình người nào việc nấy. Chao ôi! Ngày ấy đã xa rồi.
Tôi về công tác Truyền hình tháng 2-1997, đúng lúc Tùng Lâm rất nổi tiếng. Cả nước khi ấy chỉ có vài phát thanh viên thì chị đã là một phát thanh viên chững chạc của Truyền hình Quân đội trên sóng Truyền hình Việt Nam.
Đến giờ truyền hình, cánh lính trẻ đơn vị chỉ ngong ngóng Tùng Lâm xuất hiện. Ngày ấy, mục Nhắn tìm đồng đội của Truyền hình Quân đội tiếng vang rất lớn. Biết bao đồng chí đồng đội chờ đón khuôn hình hiền hậu, chất giọng truyền cảm của Tùng Lâm đọc tìm những đồng đội đã hi sinh.
Cơ quan khi ấy chỉ có hơn chục người. Tùng Lâm dẫu nổi tiếng cũng luôn bình dị như bao nhiêu nhà báo mặc áo lính khác. Tôi luôn được các chị các anh ưu ái vì là em út trong gia đình, cậu chuẩn úy bé bỏng từ đơn vị xe tăng theo đường tiểu ngạch về nơi sang trọng mà vẫn điếc không sợ súng.
Cái tố chất "Nông Văn Dền" - theo cách nói của nhà báo Chi Phan mau chóng được mọi người mặc định. Tôi không nề hà bất kỳ công việc gì, rửa cốc chén, đun nước pha trà, liên lạc thư báo… đến khi, tôi đề xuất với cơ quan quét vôi lại ngôi nhà ở 84 Lý Thường Kiệt ai nấy nhìn tôi như kẻ khác thường.
Những ngày tấm bé, được rèn luyện trong gia đình nông dân, những việc đó với tôi nào có khó khăn gì. Một mình tôi đánh vật với vôi ve ngày thứ bảy, chủ nhật. Đến thứ hai, mọi người đều trầm trồ và khen ngợi tác phẩm của cậu chuẩn úy "Nông Văn Dền".
Đương nhiên, với nghề truyền hình, tôi đã học theo kiểu chạy nước rút. Các chị các anh luôn yêu thương và tận tình truyền nghề cho tôi. Anh Duy Thanh, anh Hoàng Hãn, anh Trung Đạo, anh Hoài Nam, anh Việt Dũng, anh Thanh Tùng, chị Tùng Lâm là những người như vậy.
Tôi đi công tác nhiều cùng chị. Đến đơn vị, chị luôn là tâm điểm của sự chú ý. Chúng tôi chưa bao giờ thấy khó chịu vì điều đó. Nhiều lúc còn đùa nhau, cơ quan ta phải tích cực đưa Tùng Lâm lên tuyến đầu để dễ bề công việc. Tùng Lâm cười phá lên chấp nhận sự trêu chọc một cách vô tư. Tính chị vốn vậy. Tùng Lâm thâm trầm, kín đáo nhưng cũng luôn sẵn sàng phơi gan phơi ruột vì mục đích chung, vì con đường lớn của cơ quan.
Tùng Lâm nữ tính nhưng mạnh mẽ, có lúc tỏ ra gan góc trước mọi va đập cuộc sống. Cơ quan báo chí, mỗi người mỗi nết và thiếu gì lúc gai ngạnh, thả càng máy bay ra với nhau. Cơ mà chị cũng như chúng tôi, mau chóng vượt qua được những nhỏ nhen ấy. Đời người sống được bao nhiêu mà chấp nhặt nhau. Những gì có thể sẻ chia, thậm chí là quên được thì hãy quên đi. Hãy nhớ và hướng về những gì tốt lành nhất.
Tôi thường được phân công viết các kịch bản giao lưu truyền hình. Chúng tôi làm kỹ lưỡng, bằng tất cả khả năng của mình vì đây là những dấu mốc quan trọng của quân đội, của đất nước. Những cuộc kỷ niệm lớn 45, 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 30, 35 năm Giải phóng miền Nam; 30, 35 năm Chiến thắng B52…
Truyền hình Quân đội đều đóng góp những chương trình giao lưu lớn gây tiếng vang. Tôi luôn bàn với chị từ khâu kịch bản, lựa chọn và tiếp xúc nhân chứng lịch sử để đưa lên sân khấu. Chị có nhiều gợi ý độc đáo và luôn rất sáng tạo khi dẫn trên sân khấu. Cuộc làm chương trình ở Điện Biên, đoàn truyền hình gặp lũ quét ở cầu Tạ Khoa vẫn bình tĩnh đảm bảo tiến độ.
Trên sân khấu, trước những anh hùng Điện Biên lừng danh, Tùng Lâm xúc động như một cái gạch nối ấm áp giữa khán giả và nhân chứng lịch sử. Khi ấy, anh hùng Phùng Văn Khầu vừa khóc vừa kể chuyện đồng đội hi sinh hết chỉ còn mình ông. Tùng Lâm cũng khóc ngon lành như quên mất mình đang dẫn.
Thế mà chỉ lát sau, Phùng Văn Khầu tả cuộc tỏ tình với cô Cay nhận được lá thư đồng ý của người yêu nhưng lại không biết chữ để đọc(!) Làm thế nào đây? Dường như trong tình trường, Tùng Lâm còn nhiều khiêm tốn nên có vẻ lúng túng trước tình thế éo le của bậc tiền bối. Mà lá thư không thể không trả lời. Lâm ta chưa biết tiến thoái ra sao thì vị anh hùng Điện Biên người dân tộc Tày thấy vậy tệch toạc bảo: Ôi dào cái cô Lâm này. Không biết chữ thì phải nhờ bạn đọc hộ chứ làm sao bây giờ. Mày đọc thư giúp tao thì mày phải viết thư trả lời giúp cho tao thôi. Người Tày mình thường giúp nhau thế mà. Cả sân khấu, rồi cả Tùng Lâm cười như vỡ chợ.
Có một cuộc giao lưu, trên sân khấu, nhà báo Lê Kim - chiến sĩ Điện Biên với những vần thơ vô cùng hóm hỉnh đã dường như dùng thơ tán người dẫn chương trình Tùng Lâm. Nào dè, Tùng Lâm không hề nao núng bèn đọc thơ liên tiếp đối đáp lại. Tôi ngồi dưới lo thon thót vì trước nay chưa thấy Tùng Lâm thơ phú bao giờ. Mối lo mau chóng vỡ òa khi nhà thơ chính hiệu Lê Kim bỗng nhiên cảm phục thơ phú của người đẹp. Chương trình được phát sóng, những lá thư tới tấp bay về.
Không ít chương trình trong các kỳ liên hoan truyền hình toàn quân, các chàng trai làm báo hình ở cơ sở cả gan trêu chọc Tùng Lâm trên sân khấu. Điển hình là cậu chàng Tiến Hợi ở Binh đoàn 15 cứ nhất nhất xin lên giao lưu với người dẫn chương trình. Tiến Hợi bảo: "Tôi là người dân tộc ở Tây Nguyên. Cô dẫn chương trình xinh đẹp mặc đồ dân tộc tôi ở trên sân khấu kia thì tôi phải lên chứ. Tôi phải nắm tay cô ấy".
Nào có khó gì việc ấy. Sân khấu luôn dành cho tất cả mọi người, nhất là những chàng trai dân tộc quanh năm ăn ở với bà con nơi biên giới xa xôi thì cái sự xung phong này phải đáng biểu dương, tặng giấy khen ấy chứ. Anh chàng hùng dũng bước lên sân khấu và ngay đầu tiên đã nói: "Tùng Lâm, em đẹp lắm!”.
Tùng Lâm sững người thấy giọng chàng trai không có vẻ gì là dân tộc bèn thỏ thẻ vừa chịu trận vừa nói: “Đồng chí dân tộc hãy nói tiếng của đồng bào đi. Nói luôn câu vừa rồi ấy". Chàng kia gãi đầu gãi tai và mau chóng hiện nguyên hình là một anh giai quê Hà Tây chứ không phải Tây Nguyên.
Những chuyện như thế, trong mười năm công tác với Tùng Lâm, thật không sao nhớ hết.
Tùng Lâm là người tình cảm, luôn biết chia sẻ với mọi người. Những năm tháng ấy, cơ quan thường rất ưu ái tôi, Tết nào cũng xuất hành về Như Quỳnh - Hưng Yên chúc Tết. Nhà nông vốn rau dưa cà mắm mà ai cũng vui vẻ. Mấy quả ổi ương đầu hè, bát nước chè xanh, câu thơ nôm na ở bậc thềm quê kiểng mà đón được các chị các anh nổi tiếng tận Hà Nội về đâu phải chuyện thường. Bà con lối xóm còn xì xào chỉ chỏ Tùng Lâm cứ như tôi tài giỏi gì lắm mới quen biết được những người như thế.
Cách đây mười năm, khi tôi đề xuất xin chuyển sang Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhiều người rất ngạc nhiên, có anh chị gặp riêng bảo tôi ở lại sẽ tốt hơn trong thu nhập cũng như các mối quan hệ. Tùng Lâm im lặng không nói gì. Chị tin vào quyết định của tôi.
Cũng là nghệ sỹ, hơn ai hết chị hiểu những khó khăn của một nhà văn như tôi khi tìm tới nơi đến của mình đã phải trăn trở rất nhiều. Đâu cũng là mái nhà bộ đội. Đâu cũng trong vòng tay các thế hệ chiến sỹ. Nhiều lúc chúng ta không có thời gian để đắn đo hơn thiệt những vật chất ở đời.
Chúng tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện công việc, cả chuyện gia đình, những thứ bình thường trong đời sống. Tùng Lâm vẫn vậy. Thời gian chỉ càng làm cho chị say mê hơn với nghề, cái nghề truyền hình vốn đào thải vô cùng khốc liệt.
Thời gian gần dây, chị thực hiện và tổ chức chỉ đạo thực hiện các chương trình về tìm kiếm liệt sỹ. Cánh chim trời như không hề biết mỏi. Các nơi rừng sâu núi thẳm, các vùng đất Lào, Campuchia, các chiến trường ác liệt nơi liệt sỹ hi sinh đều in dấu chân Tùng Lâm cùng đồng chí đồng đội. Đồng đội chúng tôi, những người chưa trở về còn nhiều lắm. Có những người mẹ ngóng con đã bốn, năm mươi năm.
Có mẹ đã không đợi được nữa. Và những người vợ, mới ngày nào tiễn nhau vào chiến trường tuổi mười tám đôi mươi mà giờ đây tóc đã trắng như cước, đã bảy mươi chồng vẫn chưa về. Những điều ấy luôn thôi thúc Tùng Lâm, luôn cứa vào trái tim nhạy cảm của chị, cho chị sức mạnh và niềm tin, cả những gì thiêng liêng nhất để chị vững bước trên con đường đã lựa chọn.
Các dự án về tìm đồng đội hi sinh không chỉ lấy đi thời gian và nghị lực của chị mà còn cho chị đầy đặn những nghĩ suy, những công việc hữu ích không phải của riêng chị. Những đồng đội, người thân, thân nhân liệt sỹ, các cơ quan đoàn thể khi làm việc với Tùng Lâm đều nhận rõ điều này.
Đã trưởng thành, đảm đương cương vị Phó Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội mà vẫn nguyên đó sự bình dị, nét hồn hậu của cô gái xứ Tuyên ngày nào. Vẫn nguyên đó một Tùng Lâm sôi nổi, quyết liệt trong công việc. Vẫn hay cười, càng hay khóc trước những góc khuất từ cuộc đời của các anh hùng liệt sỹ.
Đường đã đi được những chặng dài. Có những chặng bước qua mà không nghĩ rằng mình lại qua được một cách thanh thản và an nhiên đến vậy. Cánh chim trời không mỏi. Mà riêng đâu chỉ một cánh chim trời. Phía trước là bầu trời mênh mông dẫn dụ những người làm báo chúng tôi trong đó có Nhà báo - Thượng tá Trịnh Tùng Lâm. Cuộc sống có biết bao nhiêu vẻ đẹp từ chính đôi bàn tay chúng ta tạo dựng nên. Chúng ta càng trân quý cuộc sống này.