Thi sĩ Lò Ngân Sủn: Cùng bản làng mọc lên như nấm, như măng
Và khi nhắc đến Lò Ngân Sủn, thì đông đảo bạn đọc nhớ ngay đến bài thơ “Chiều biên giới” được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc: “Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào xanh hơn/ Như màu xanh cỏ biếc/ Như rừng cây của lá/ Như tình yêu đôi ta”.
Thế nhưng, công chúng thực sự của thơ thì lại trân trọng Lò Ngân Sủn với bài thơ Người đẹp có nhiều phát hiện độc đáo:
“Người đẹp trông như tuyết
Chạm vào lại thấy nóng
Người đẹp trông như lửa
Sờ vào lại thấy mát
Người không khát, nhìn thấy người đẹp cũng khát
Người không đói, nhìn thấy người đẹp cũng đói
Người muốn chết, gặp người đẹp không muốn chết nữa
Ơ! Người đẹp là ước mơ
Treo trước mắt mọi người”.
Không ai có thể phủ nhận, Người đẹp là một bài thơ hay, với cách nói riêng, nhiều sáng tạo. Tuy nhiên, hai câu kết cứ làm tôi băn khoăn. Ban đầu tôi tự hỏi, cần hai câu kết ấy không nhỉ?
Dần dần, đọc nhiều thơ của Lò Ngân Sủn hơn, tôi thấy hai câu kết ấy tồn tại như một sự tất yếu. Nếu không có hai câu kết ấy, có thể chúng ta sẽ có một bài thơ cấu tứ gọn gàng và hiện đại hơn nhưng chúng ta lại không có được phong cách Lò Ngân Sủn.
Từ hai tập thơ Chiều biên giới và Những đứa con của núi in liên tiếp nhau giúp Lò Ngân Sủn thành danh, cho đến những tập thơ sau này viết bằng sự tự tin của một nhà thơ đã hội nhập với làng thơ nước nhà, ông đều sử dụng phương pháp quy nạp chiêm nghiệm.
Đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: L.G. |
Ví dụ, bài thơ Già, đau, chết có tầm vóc như một đỉnh Mã Pí Lèng trong thơ Lò Ngân Sủn:
"Già là một cái gì thật đáng sợ
Sao lại làm cho nhau chóng già?
Đau là một cái gì thật ghê gớm
Sao lại làm cho nhau đớn đau?
Chết là một cái gì thật khủng khiếp
Sao lại làm cho nhau phải chết?
Trời ơi, ai mà đoán được
Con người sẽ còn làm khổ nhau đến bao giờ?”.
Đấy, hai cái kết “Ơ! Người đẹp là ước mơ/ Treo trước mắt mọi người” và “Trời ơi, ai mà đoán được/ Con người sẽ còn làm khổ nhau đến bao giờ”, đều chứa đựng khao khát của tác giả về một bài thơ trọn vẹn.
Nhà thơ sợ độc giả rời khỏi bài thơ mà quên mang theo ý niệm nhất định về nhân sinh thế sự, nên ông viết thêm cái tổng kết trước dấu chấm hết, bằng trọn vẹn niềm yêu đời và nỗi yêu người! Vì vậy, đọc thơ Lò Ngân Sủn, cảm giác đầu tiên là sự thật thà và chân thành, đúng phẩm chất con người vùng núi Tây Bắc!
Vốn là một giáo viên dạy học ở Bát Xát rồi sang dạy học ở Yên Bái, thi ca đã đưa Lò Ngân Sủn về Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn. Đến năm 1995, Lò Ngân Sủn trúng cử Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và dọn về sinh sống tại Hà Nội lúc ông tuổi tròn năm mươi.
Có một dạo, hình như giai đoạn chuyển giao thế kỷ 20 và thế kỷ 21, nhà thơ Lò Ngân Sủn in rất nhiều tập thơ, kể cả thơ xuất bản lần đầu và thơ chọn lọc. Không có điều kiện thống kê ông in bao nhiêu tập thơ, nhưng mấy lần lên Sa Pa, tôi mới nhận ra thơ Lò Ngân Sủn rất được quần chúng ở Lào Cai mến mộ.
Khi nghe một cô hướng dẫn viên du lịch đọc thánh thót “Sa Pa đông lạnh mát hè/ Bốn phương du khách tụ về nghỉ ngơi.../ Sa Pa là một bông hoa/ Nở ra từ giữa bao la đất trời”, tôi buộc miệng khen: “Chuyên nghiệp thật, biết đặt ra vè để quảng bá du lịch!”.
Cô hướng dẫn viên du lịch tươi tắn đính chính: “Nào phải em đâu! Thơ của bác Lò Ngân Sủn đấy chứ!”. Tôi hơi ngớ ra khi chứng kiến thơ đi vào lòng người sâu rộng như vậy!
Tuy nhà thơ Lò Ngân Sủn không nhiều thành tựu về các thể thơ đòi hỏi vần điệu, nhưng lúc bồi hồi ngó lên Phan-xi-păng hay loanh quanh ở chợ Mường Khương, thì tôi không thể không thán phục những câu thơ quan sát thấu đáo và cảm giác tinh tường của ông.
Chẳng hạn nét chấm phá cảnh vật miền ngược “bản làng mọc lên như nấm như măng/ ruộng nương như tranh treo vách núi”, hoặc cách miêu tả không khí uống rượu “bốc cao bầu núi rót/ bưng cả thung lũng uống”.
Tài thơ Lò Ngân Sủn được chưng cất từ hồn vía Tây Bắc, khiến tôi ngờ rằng có nhiều câu thơ ông viết về cái nôi văn hóa của mình có thể trở thành đặc sản.
Có không ít nhà thơ đã đến Mèo Vạc - Hà Giang và viết về phiên chợ Khâu Vai nhưng khó ai so được với Lò Ngân Sủn: “Như cái chảo thắng cố/ nóng lên bao mối tình dang dở”.
Sau 5 năm tạm cư trong căn hộ 20 mét vuông trên tầng 4 của trụ sở Hội Nhà văn, Lò Ngân Sủn vay mượn để mua được một chỗ trú ngụ riêng với diện tích cũng khiêm tốn tương tự. Cứ ngỡ ông được làm công dân Thủ đô thung thăng niềm vui “Hà Nội mùa cưới những đêm mơ” như câu thơ ông viết.
Tập thơ cuối cùng "Bữa tình yêu". |
Nghiệt ngã thay, năm 2003, Lò Ngân Sủn bị tai biến mạch máu não, khiến ông không chỉ phát âm và đi đứng cực nhọc, mà di chứng bàn tay cũng không thể cầm bút được nữa. Một tiếng chim lảnh lót của đại ngàn Tây Bắc không còn cơ hội cất giọng hót về những mùa gió mới!
Thương ông, Nhà xuất bản Hội Nhà văn gom góp những bài thơ còn nằm lặng lẽ trên bàn viết của ông để in tập Bữa tình yêu vào năm 2005. Đó cũng là tác phẩm cuối cùng của nhà thơ Lò Ngân Sủn trước khi vẫy chào nhân gian vào ngày 15-12-2013, hưởng thọ 68 tuổi!
Đọc thơ Lò Ngân Sủn, thấy cách điệp từ, điệp ý của ông đã cho ra đời nhiều câu thơ rất gần thành ngữ.
Nhờ đọc thơ ông, tôi hiểu hơn bản sắc của nhiều dân tộc anh em, như “Người Hà Nhì có khô chà chà/ Người Phù Lá có a thá chim/ Người Mông có gầu tào/ Người Dao có pút tồng/ Người Tày có lồng tồng/ Người Thái có xòe/ Người Dáy có roóngpoọc.../ Mỗi dân tộc có một sắc xuân riêng của mình/ Hai mươi bảy dân tộc có hai mươi bảy sắc xuân trên dãy Hoàng Liên Sơn”.
Vượt lên tất cả, thơ Lò Ngân Sủn run rẩy tình yêu đích thực dành cho Tây Bắc. Ông yêu vật dụng quen thuộc “Ghế mây người Dáy ta/ Khách xa đến/ Ngồi vào/ Mặt nở hoa”.
Ông yêu phụ nữ vùng cao từ sự duyên dáng “Nói như chăng dây/ Cười như gieo cấy/ Nhìn như giăng bẫy” đến sự lam lũ “Sáng sớm em lên nương/ Bàn tay em nhúng sương/ Chiều tối em về bản/ Bàn tay em nhuộm nắng”.
Chính yếu tố gắn bó máu thịt, Lò Ngân Sủn có những chiêm nghiệm về Con gái Bản Tông thật thú vị: “Mông em tròn mập như bắp chuối/ Váy em buộc thắt đáy lưng ong...".
Ngoài giọng điệu đặc thù của một nhà thơ dân tộc thiểu số, Lò Ngân Sủn có khả năng biến hóa những quan sát ngả sang màu chiêm nghiệm. Tôi tin, bài thơ Hoa hậu xứng đáng để những người đang có dự định tổ chức tranh đua nhan sắc phải tìm đọc
“Từ khi có các cuộc thi hoa hậu
Bầu trời cao rộng hơn
Đất đai màu mỡ hơn
Cây rừng hoa trái hơn
Suối chảy ào ạt hơn
Dòng sông trong xanh hơn
Quê hương
Đất nước
Được kê cao hơn trước
Bằng những bước đi của người đẹp!”.
So với người đồng hương Pờ Sào Mìn thì Lò Ngân Sủn viết nhiều hơn, in nhiều hơn. Người tinh mắt có thể phát hiện rất nhiều bài nôm na và dễ dãi của Lò Ngân Sủn nhưng vẫn thừa nhận ông đã góp cho nền thơ Việt Nam hiện đại một “nhãn hàng” có giá trị thẩm mỹ.
Tôi cho rằng, Lò Ngân Sủn có thể yên tâm vì thơ ông có thể “ngồi” vào lòng bạn đọc theo cách của ông: “Em bảo nhà em ở mường trong/ Thì anh làm cơn gió đến thăm/ Em bảo nhà em ở mường ngoài/ Thì anh làm ánh trăng đến ngắm/ Em bảo nhà em không có ghế/ Không có ghế, anh ngồi xuống phản/ Em bảo nhà em không có phản/ Không có phản, anh ngồi xuống sạp/ Em bảo nhà em không có sạp/ Không có sạp, anh ngồi xuống đất/ Và nếu như không có đất/ Anh sẽ ngồi vào lòng em yêu”.
Thử hỏi, bao nhiêu nhà thơ có được những “bữa tình yêu” khác thường và nồng nàn như thế?