Nhà báo Ba Thợ Tiện: Một người… kỳ quặc
Sáng hôm trước, Thứ bảy, dù ngày nghỉ nhưng cũng phải ra Đường sách, làm MC giúp nhà báo Ba Thợ Tiện trong chương trình ra mắt bộ sách Viết từ hồi ấy (2 tập - NXB Hội Nhà văn) của anh.
Anh em bồ tèo ra sách mới, tự dưng thấy lòng vui. Cũng là một cách thúc giục mình phải viết, rồi cũng có sách mới. Mai sau, còn lại gì không?
Cứ hỏi, chẳng thèm trả lời, cứ cắm cúi viết từng ngày, mỗi ngày. Cầm bộ sách của một người đã viết ròng rã từ năm 1975 đến thời gian gần đây, dù những bài tạp bút có tính thời sự nhưng đã thấy nể nang. Hai tập cả hàng ngàn trang in. Đã từng viết từng chữ, từng chữ, mới biết sự lao động ấy nhọc nhằn ra sao.
Ối dào, lúc ấy trên đỉnh trời, mây trắng vẫn thong dong, vẫn lãng du nhẹ tênh như không. Hỡi ôi, ta lại cúi mặt gõ từng chữ, từng chữ. Buồn hay vui. Có tị nạnh không? Không hề. Đã mây thì bay. Đã nước thì chảy. Đã cỏ thì xanh. Đã cầm bút thì viết. Khi viết lời giới thiệu bộ sách này, bạn y, nhà nghiên cứu văn học Bùi Quang Huy kết luận: đó là “con người kỳ quặc”.
Đúng vậy. Từ năm 1966, sau khi bị chính quyền Sài Gòn truy đuổi, bắt giam 6 tháng vì đã tham gia phong trào đấu tranh Phật giáo, từ Quảng Nam, anh Ba Thợ Tiện phải chạy vào Sài Gòn náu thân.
Đêm đầu tiên tại một nơi không hề có bà con thân thích, anh xin ngủ nhờ ở cô nhi viện Quách Thị Trang (nay thuộc đường 3-2). Qua ngày thứ hai, anh xin vào làm công quả tại chùa Ấn Quang và trở thành người xuất gia, pháp danh Minh Ngọc. Sau đó, anh theo học ngành y, thực tập ở phòng thí nghiệm Bệnh viện Bình Dân.
Có một dấu ấn khó quên, là bấy giờ bằng sự nhạy cảm của một tâm hồn thi sĩ, anh đã viết nhiều thơ in trên báo chí công khai Sài Gòn, ký bút danh Hoàng Thoại Châu.
Năm 1968, anh xuất bản Áo trắng ngày xưa - tập thơ đầu tay này được tổ đình Quan Thế Âm tài trợ in ấn, phát hành. Sau đó, năm 1969, anh liên hệ với nha kiểm duyệt để xin giấy phép in tập thơ thứ hai Tình biển nghĩa sông, một tập thơ có nội dung phản chiến, khát khao hòa bình thống nhất cho dân tộc, non sông liền một dải.
Đọc bản thảo tập thơ, với tư cách là người gác cửa, nhà văn Võ Phiến lắc đầu, trao đổi với anh: “Nếu Đại đức gửi cho chúng tôi một tác phẩm nhẹ hơn, tôi sẽ ký ngay. Ký tại chỗ”. Tất nhiên, anh không đồng ý.
Vậy làm thế nào tập thơ vẫn in được mà không bị “ốp”, tịch thu vì không có giấy phép?
Trong “cái khó ló cái khôn”, anh nghĩ đến giấy phép của tập thơ đã in lần trước, và “láu cá” thêm vào đó mỗi một từ “bis”. Lần này vị Thượng tọa của tổ đình Quan Thế Âm lại ủng hộ, mạnh dạn đứng ra lo liệu. Mọi việc suôn sẻ. Tháng 9 năm ấy, tình cờ đọc Báo Chánh đạo, anh biết tin về giải thưởng văn học nghệ thuật lần thứ nhất (1967-1969) của Sài Gòn. Anh liền đem tập thơ Tình biển nghĩa sông gửi dự thi.
Có một điều bất ngờ đến kỳ quặc là tập thơ in “chui” ấy, không có giấy phép chính thức của nha kiểm duyệt lại lọt vào mắt xanh của ban giám khảo bộ môn thơ - gồm những nhà thơ rất uy tín như Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân... Tên tuổi anh được xướng danh tại phòng khánh tiết ở dinh Độc lập.
Đặc biệt, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã phóng bút tặng anh 8 câu thơ bằng nét bút rồng bay phượng múa: “...Một phen nhả ngọc phun châu/ Địa linh nhân kiệt từ lâu tiếng đồn/ Vang rền đợt sóng Vũ môn/ Lắng nghe nước Việt thả hồn trong thơ”.
Sau tết Âm lịch năm 1972, anh tiếp tục cho in Tình biển nghĩa sông (tập 2). So với tập thơ trước, tinh thần quật cường, tự hào dân tộc, đấu tranh cho hòa bình, thống nhất càng nồng nhiệt hơn. Đồng tình với một thái độ dấn thân, lòng yêu nước của anh, hai nhà văn đàn anh Sơn Nam và Kiên Giang đã viết lời giới thiệu.
Nói như nhà thơ Kiên Giang: “Thơ Hoàng Thoại Châu mang tinh thần phản chiến. Bởi có thi sĩ chân chính nào lại biểu đồng tình với súng đạn và cổ võ chiến tranh diệt chủng. Tuy nhiên Hoàng Thoại Châu không lên án chiến tranh bằng những “lời thơ gây tiếng nổ” mà bằng hơi thở và âm thanh nhẹ nhàng, vì bản tính của thi sĩ không tách rời với đặc tính hiền hòa của người Việt Nam”.
Tương tự lần trước, Tình biển nghĩa sông (tập 2) đã tạo ra dư luận sôi nổi trên báo chí. Bấy giờ, phong trào đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn ngày một dữ dội, tất nhiên Hoàng Thoại Châu không đứng ngoài cuộc. Anh cùng các trí thức sinh viên yêu văn nghệ đã thành lập nhóm Hướng Dương.
Nhóm này chủ trương in các tác phẩm tự tình dân tộc, “về nguồn”, phản chiến, đấu tranh cho hòa binh thống nhất như của Hoàng Thoại Châu, Huỳnh Ngọc Trảng, Phan Viên Hoài, Trần Hào, Hàng Chức Nguyên, Trần Thế Hùng... Và chính những trí thức này đã tạo ra một vụ án văn nghệ Quán Mù U nổi đình nổi đám một thời.
Vào ngày 1-1-1974, họ tổ chức ra mắt tập truyện ngắn Những trái tim hồng, tiếp tục phát hành tập thơ Tình biển nghĩa sông tại quán Mù U trên đường Nguyễn Văn Thoại. Thơ và các ca khúc mang tinh thần Dậy mà đi, Người mẹ Bàn Cờ, Nối vòng tay lớn... qua các giọng ca “vàng” đài phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ của phong trào sinh viên, học sinh đã bị đàn áp khốc liệt bởi dùi cui, lựu đạn cay của cảnh sát, mật vụ.
Cùng nhiều người khác, Hoàng Thoại Châu cũng bị bắt. Sau khi trải qua nhà tù Chí Hòa, anh bị đưa ra Côn Đảo. Đó là nơi mà sau này anh cho rằng chính là “địa ngục của địa ngục”.
Vậy, anh đã giữ vững khí tiết như đã tuyên bố trong 2 tập thơ Tình biển nghĩa sông bằng cách nào? Anh cho biết: “Bài thơ được viết ngay trong đêm đầu tiên đến với nhà lao Côn Đảo: “Mất của là chẳng mất chi/ Sức khỏe, nếu mất, mất đi ít nhiều/ Chỉ lo khí tiết đổ xiêu/ Là mất tất cả, là tiêu cuộc đời”. Bài thơ đó là “kinh nhật tụng đối với tôi suốt thời gian ở Côn Đảo”.
Ngay sau ngày 30-4-1975, Hoàng Thoại Châu được bạn tù trao cho chiếc áo bà ba lành lặn để trở về đất liền. Cuộc đời anh lật sang trang khác: Nhà báo Ba Thợ Tiện. Anh là một trong những người đầu tiên góp phần tạo dựng nên “hình hài” của Báo Tuổi trẻ ngày hôm nay, rồi sau này là Báo Lao động.
Nhắc đến Ba Thợ Tiện, lập tức bạn đọc nhớ đến một cây bút chỉ “chơi” một thể loại: tạp bút, tạp văn, phiếm luận - gắn chặt với hơi thở của thời cuộc.
Nhà phê bình Bùi Quang Huy hoàn toàn có lý khi nhận xét bút pháp của Ba Thợ Tiện: “Nó như một thứ kim đâm vào xương vào thịt, nhức nhối, thậm chí đau đớn để người ta hoặc giật mình, hoặc phải thảng thốt nhớ đời... Nhưng quan trọng hơn vẫn là con mắt nhìn đời và tấm lòng của người viết. Anh tinh tường khi nhận ra những chuyện tréo cẳng ngỗng sau vẻ bình lặng hay ồn ào của cuộc sống. Song cũng khéo nhận biết mà nâng niu những giá trị bị lẩn khuất”.
Hãy dừng lại một chút để nhắc đến thể loại này. Trước hết thử liệt kê các nhà báo đặt tên ra làm sao, thử ghi ngẫu hứng: Cực chẳng đã, Tréo cẳng ngỗng, Khe khẽ... khều, Chẳng đặng đừng, Giữa đường thấy chuyện, Nghịch lý, Bàn và tán, Ao thả vịt, Câu chuyện hằng ngày, Chuyện thường ngày, Thuốc đắng, Những điều trông thấy, Nói hay đừng, Nói sương sương, Nói huỵch toẹt v.v... Xưa nay, với chuyên mục định kỳ xuất hiện trên trang 2 nhật báo với các bút danh như Thông Reo, Tân Việt, Tư Trời Biển, Kha Trấn Ác, Lang Là, Bút Bi, Người Sành Điệu... hầu như đó là tên chung. Nhiều người thay phiên nhau viết.
Với “con người kỳ quặc” Ba Thợ Tiện lại khác, chỉ một mình anh viết ròng rã hết số này qua số nọ. Dù đã viết cho hơn 15 tờ báo cũng chỉ mỗi mình anh phóng bút. Nhân đây nói luôn, anh cho biết, khi đặt tên cho chuyên mục “Nói hay đừng”, chỉ nghĩ ra ba từ ấy, anh đã sướng cả tuần! Tại sao? Thử nói lái lại xem sao? Cũng là một cách nghịch chữ của cánh anh em báo chí.
Tìm ra vấn đề thời sự để viết bằng thể loại tạp bút mỗi ngày, khó quá đi mất. Thế đấy, mới thấy Ba Thợ Tiện đã đạt đến sự lao động bền bỉ của một nhà báo chuyên nghiệp, say mê với nghề đến cỡ nào. “Làm thế nào để luôn giữ được phong độ như thế?”.
Câu hỏi này đã được nhiều bạn đọc đặt ra trong buổi giao lưu ra mắt bộ tùy bút Viết từ hồi ấy tại Đường sách TP HCM vào sáng hôm qua. Ba Thợ Tiện không “giấu nghề”, anh bật mí trước tiên là nhà báo phải rời khỏi tòa soạn để thâm nhập thực tế.
Trong quá trình đi thu thập chất liệu ngồn ngộn của đời sống, cần phải biết chắt lọc ra chi tiết đắc giá nhất, nếu chưa đủ phải tìm kiếm thêm và sau đó mới đặt bút viết. Kinh nghiệm này, nghe thoáng qua, tưởng dễ nhưng thật ra đó là cả một quá trình rèn luyện không ngừng..., anh kết luận.
Lại có câu hỏi, với cả ngàn bài báo cùng một thể loại đã công bố, nếu chỉ chọn lấy 1-2 thì anh sẽ chọn thế nào?
Với câu hỏi này, Ba Thợ Tiện nói dí dỏm, đã là con của mình thì mình đều thương yêu, yêu quý như nhau. Tuy nhiên, anh vẫn nhớ nhất bài báo Đau đầu về... những cái đầu, in trên Báo Lao động số ra ngày 28-7-1991, không chỉ anh “lên bờ xuống ruộng” mà ban biên tập cũng bị “vạ lây”.
Rằng, ngày nọ sau khi ra miền Trung tham quan khu đất đã được quy hoạch xây dựng khu văn hóa, một đồng chí cán bộ chủ chốt của địa phương mời Ba Thợ Tiện góp ý.
Anh phát biểu: “Theo chỗ hiểu biết của Ba tui, trước hết ở đây cần được đầu tư vài ba “cái đầu”. Một đồng chí cán bộ, nói nhanh: “Anh Ba nói rất đúng, chúng tôi đang lập đề án đầu tư ở đây ba cái đầu... đa hệ. Dân ở đây thích phim lắm”.
Nghe câu ấy, Ba Thợ Tiện ngớ người đến độ cạn lời! Sau khi nghe anh kể lại, một anh bạn bình cay đắng, chua xót: “Cái đầu” hiểu “cái đầu” anh Ba muốn nói thành ra “cái đầu”... đa hệ, dù gì cũng chỉ mới là chuyện về “cái đầu” đáng thương. Còn những “cái đầu” đáng trách, đáng ghét ở đây vẫn là những “cái đầu” chụm lại, nương nhau để tồn tại sau những sai lầm đáng tiếc do nó gây ra”.
Chính câu kết ấy mới gây phiền toái làm sao. Phiền toái làm sao cho cách quản lý báo chí của một thời. Trong buổi sáng giao lưu cùng bạn đọc, Ba Thợ Tiện kể lại sự nghiêm trọng đã trải qua.
Kể xong, không riêng gì anh mà mọi người cũng bật lên tiếng cười sảng khoái. Sự việc đã qua. Vui thôi mà. Âu cũng là tính cách của Ba Thợ Tiện, dù viết thế nào đi nữa thì cốt lõi, nền tảng của nó vẫn là tinh thần phản biện nhằm thúc đẩy sự việc ngày một tốt hơn.
Khi cầm trên tay bộ sách đồ sộ Viết từ hồi ấy, nhiều bạn đọc ngạc nhiên và đặt câu hỏi tò mò với “con người kỳ quặc” Ba Thợ Tiện: “Đâu là điểm tựa/bệ phóng giúp anh có thể toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp viết báo?”.
Anh chân tình thổ lộ nhẹ nhàng rằng, luôn yên tâm bởi có người đứng phía sau: người vợ. Lúc ấy, y sực nhớ đến câu thơ anh đã viết về miền Nam, quê vợ anh bằng rung cảm của nhà thơ xứ Quảng: Đất nước miền Nam tình châu Á/ Ruộng đồng, cây trái ngọc phương Đông/ Tiếng em hay cả tình em đó/ Nhung nhớ lâu rồi thương quá thương”.
Vậy, với những gì đã có, từ Tình biển nghĩa sông đến Viết từ hồi ấy, rõ ràng từ nghề đến đời riêng, “con người kỳ quặc” Ba Thợ Tiện quả là người hạnh phúc...