NSND Kim Cương: Kỳ nữ kịch trường
Năm 1937, đoàn Đại Phước Cương lưu diễn tại Đà Lạt, sắp đến ngày khai hoa nở nhụy nhưng NS Bảy Nam vẫn có mặt trong vở Túy hoa vương nữ. May nhờ mặc đồ đầm nên khán giả không thấy cái bụng đã to lè lè.
Đến màn vào trong nhà ngục thăm anh thợ chạm, sau những lời nỉ non theo kịch bản, bà nói nhỏ với NS Nam Châu: “Anh Năm ơi, tôi đứng lên không được, kẹt cái bụng”. Nhanh trí, nhà soạn giả tài ba của nền kịch nghệ miền Nam bèn cương luôn: “Thôi, em đứng lên đi”. Cùng lúc, ông dang tay níu người bạn diễn đứng dậy.
Sau đêm diễn, đoàn hát ra Huế và NS Bảy Nam sinh con. Vợ chồng bà bàn với nhau: “Nếu con trai đặt tên Ngọc Trai, nếu con gái đặt tên Kim Cương”. Bà đã sinh con gái - trùng với ngày sinh của Bảo Long (con trai vua Bảo Đại).
Đến thế hệ Kim Cương, gia tộc này đã có bốn đời theo nghiệp hát. Bà cố là bầu gánh hát bộ Bầu Lớn, bà nội là bầu gánh hát bội Cô Ba Ngoạn, thân sinh là ông Nguyễn Ngọc Cương, bầu gánh cải lương Phước Cương.
Chỉ mới sinh được 19 ngày, Kim Cương đã được má Bảy Nam bồng ra sân khấu, đường đường “đóng vai” con của Thị Kính. Sợ “diễn viên” giữa chừng “bất hợp tác”, đạo cụ nhét theo là chai sữa. Ngay từ lúc còn nhỏ, Kim Cương rất khoái theo má đi diễn, về nhà bắt chước làm theo. Những vai diễn đầu tiên của Kim Cương đều do má viết như Mẫu tử tình thâm, Na Tra lóc thịt...
Nghệ sĩ Kim Cương năm 1967. (Nguồn: Hồi ký 50 năm mê hát của Vương Hồng Sển). |
Có một điều ngạc nhiên, cô nhóc đã diễn và đã khóc “ngon lành” trên sân khấu không khác diễn viên “thứ thiệt”. Đằng sau cánh gà, NS Bảy Nam cũng sung sướng khóc theo và rất hạnh phúc vì con gái sớm bộc lộ tố chất của người NS.
Thế nhưng, năm Kim Cương lên 9 tuổi bà lại đột ngột quyết định không cho theo nghề hát. Bà “nhốt” con gái cưng trong trường dòng Bà Phước, nhất nhất cách ly khỏi sân khấu. Thấy Kim Cương khóc lóc, bà nghẹn ngào: “Đời NS khó mà yên ổn được, nhiều danh vọng nhưng cũng lắm đắng cay. Con cứ nhìn má thì sẽ thấy. Cái gì má đã trải qua, không muốn con lặp lại”.
Nhưng rồi không thể. Làm sao có thể lấy được hồn vía ra khỏi máu thịt một con người?
Vào mùa hè năm 1954, Kim Cương được dì ruột là NS tài danh Năm Phỉ đến trường nội trú đón, cho đi theo gánh hát của má Bảy Nam. Bất ngờ, trong một đêm diễn ở Châu Đốc, ngoài đường quân Pháp nổ súng đụng độ với lực lượng kháng chiến. Sợ tên bay đạn lạc, khán giả không thể bỏ ra về. Phải làm gì trong tình huống éo le này? Các đào kép trấn an và giữ chân khán giả bằng nhiều cách, nhiều bài “tủ” được tung trên sàn diễn. Rồi cũng hết. Mà lúc đó lệnh giới nghiêm đã được ban hành.
Thoạt nhìn thấy Kim Cương mặc đồng phục nhà trường đang đứng bên cánh gà, NS Năm Phỉ liền đẩy cô ra sân khấu. Không một chút nao núng, Kim Cương đã hát ngay bài Nụ cười sơn cước của nhạc sĩ Tô Hải. Khi tiếng ca vừa dứt, cả rạp hát tưởng chừng như nổ tung bởi tiếng vỗ tay nồng nhiệt.
“Tổ” đãi chăng? Nghĩ thế, Năm Phỉ bàn với NS Duy Lân soạn vở tuồng “đo ni đóng giày” để đưa Kim Cương lên sân khấu. Đó là vở Giai nhân và ác quỷ.
Theo dự kiến sẽ diễn chừng nửa tháng, đến ngày khai trường, Kim Cương sẽ vào nhập học. Vở diễn này đã thành công rực rỡ. Kế tiếp, vở Phấn hậu cung cũng được hoan nghênh vang dội. Ngay lập tức, danh xưng “Kỳ nữ Kim Cương” chính thức xuất hiện trên báo chí Sài Gòn - như sự ghi nhận một tài năng trẻ vừa xuất hiện trên vòm trời nghệ thuật.
Cuối năm 1954, NS Năm Phỉ qua đời. Kim Cương nghỉ học để làm giám đốc điều hành gánh hát của dì để lại, sau đó cải tiến thành đoàn cải lương Nam Phỉ - Kim Cương. Má Bảy Nam và dì Chín Bia đứng sau làm cố vấn. Nghiệp cầm cầm ca đã chính thức buộc chặt lấy Kim Cương từ đó.
Mọi công việc đang thuận buồm xuôi gió, năm 1957, Kim Cương giải tán đoàn cải lương thành lập ban kịch Kim Cương. Cho đến nay, giới nghiên cứu sân khấu vẫn chưa lý giải vì sao Kim Cương lại có quyết định táo bạo này?
Một ngày giữa tháng 11-2011, chúng tôi đã đến tư gia Kim Cương, qua trò chuyện cô cho biết: “Khi tôi bước chân vào nghề, NS Năm Châu và má tôi dạy rằng: cách diễn của cải lương phải thật và đẹp. Nhưng thể hiện cái thật của cải lương không dễ vì loại hình nghệ thuật này cần phải có sự cách điệu.
Trong khi đó với kịch nói, cái thật đến với người xem rõ nét hơn, trực tiếp hơn. Hơn nữa, bấy giờ tôi có suy nghĩ, người NS không chỉ “bán buồn mua vui” mà phải có trách nhiệm nói lên tâm tâm tư, tình cảm của công chúng đối với thời cuộc. Rõ ràng khi đặt vấn đề về xã hội trong nội dung vở diễn, kịch nói phát huy khả năng đó thuận lợi hơn cải lương”.
Chấp nhận điều này, có nghĩa NS Kim Cương đang thử thách chính mình. Nói như thế, vì hình thức kịch nói lúc bấy giờ chưa được công chúng yêu thích như hiện nay - dù người miền Nam đã quen với kịch từ... năm 1863 khi gánh hát Tây qua diễn tại Sài Gòn.
Lật lại những trang tư liệu ít ỏi về “thoại kịch (hay “tân kịch”) của miền Nam trong thời gian này, ta thấy các ban kịch của Sài Gòn chưa nhiều, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Nhà nghiên cứu Trần Văn Khải ghi nhận: “Trong năm 1960, trên sân khấu có xuất hiện ba ban Tân kịch trong các kỳ đại nhạc hội. Có vài ba vở xem đặng như Nhạc lòng năm cũ của ban Dân Nam, Nước mắt con tôi hay Sau phút lỗi lầm của ban Kim Cương... Tân kịch thiên về lối kịch xã hội và các vai đều nói suông không có ca. Thế nên toàn thể khán giả không được mãn nguyện.
Phải nhận chân rằng có một hạng khán giả trí thức biết thưởng thức lối thoại kịch không có ca nhạc. Còn phần đông nhất là hạng bình dân, chưa nhận định được giá trị của lời văn và ý nghĩa sâu xa của vờ kịch nên họ mau chán. Nếu nói chuyện hoài không có ca nhạc giúp vui, họ xem vài lần rồi không thích đi xem nữa”.
Thế nhưng, với tài năng của mình, Kim Cương vẫn có thủ thuật kéo khán giả đến rạp. Cô đã khóc trong vai diễn như số phận của chính mình. Từ đó, khoảng cách giữa đời thường và sàn diễn đã xóa nhòa. Trên sân khấu khi người NS khóc thật lòng thì cũng là lúc họ lấy đi giọt lệ của khán giả. Thử đặt vấn đề, với nghệ thuật diễn xuất độc đáo “rất Kim Cương” là do đâu?
Suy ngẫm trong giây lát, cô từ tốn: “70% do tư chất thiên phú của người NS; còn lại 30% do sự khổ luyện. À, còn có thêm một cái lạ nghen, khi tôi diễn, nếu thấy được nhiều sự đồng cảm của khán giả, tôi nhập vai càng trọn vẹn hơn. Theo tôi, để diễn xuất thành công, ngoài yếu tố kịch bản, rạp hát, khán giả thì sự nhạy cảm của người NS rất quan trọng”.
Mau nước mắt, phải là người có một tố chất mềm yếu và thiếu sự quả quyết cần thiết trong đời thường? Có lẽ không đúng với trường hợp của Kim Cương.
Bởi lẽ, dù con nhà nòi của cái nôi cải lương, nhưng khi tự ý thức vai trò của người NS, cô sẵn sàng bước sang lĩnh vực kịch nói dù đang còn mới mẻ với nhiều thử thách phía trước. Sau này, khi đã thành “người của công chúng”, Kim Cương đã không bằng lòng với khả năng thiên phú sẵn có mà không ngừng nỗ lực học tập.
Năm 1963, sang Pháp diễn cùng các NS lừng danh khác, có được thu nhập cao, đủ tiền nuôi em là Kim Quang thì cô đóng tiền theo lớp diễn xuất và kịch câm.
“Những gì đã học được trong những năm tháng này, về sau tôi đã áp dụng khá thành công trong các vở kịch của mình. Chẳng hạn, trong Sắc hoa màu nhớ khi nhân vật bước vào bệnh viện thăm mẹ thì những động tác đó tôi học từ kịch câm”. Cô cho biết.
Trở về nước, năm 1967 cô thành lập đoàn kịch nói Kim Cương rồi mạnh dạn bước sang nghệ thuật thứ bảy. Xuất hiện trong hơn 45 phim sản xuất tại miền Nam, Kim Cương đã thành công rực rỡ qua các phim như Lòng nhân đạo, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lưu Bình - Dương Lễ, Tứ quái Sài Gòn, Người chồng bất đắc dĩ v.v... Tại Đại hội điện ảnh Á châu tổ chức tại Đài Loan năm 1974, cô được trao giải Diễn viên xuất sắc nhất.
Dù tài năng thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nhưng thể loại kịch vẫn là “thánh đường” mà nơi Kim Cương để lại nhiều dấu ấn nhất.
Vừa đưa chúng tôi xem tấm bằng tốt nghiệp năm 1988 khoa Đạo diễn tại Đại học Sân khấu Bulgaria, cô nói: “Đến nay tôi vẫn chưa quên lời dặn dò của một người thầy rằng, khi dựng vở kịch nước ngoài trên sân khấu Việt thì phải thể hiện được tâm tư, tình cảm của người Việt. Nếu bắt chước diễn y chang diễn viên nước ngoài thì ta sẽ không bằng họ. Do đó, khi dựng những vở như Ta-nhi-a, Trở về mái nhà xưa... thấy khán giả òa lên khóc thì tôi biết mình đã thành công”.
Với NS Kim Cương - người mau nước mắt ấy, trong đời thường luôn dành sự thương cảm cho những số phận bọt bèo. Không phải từ bây giờ mà trước năm 1975, Kim Cương đã dành nhiều tình cảm cho những hoàn cảnh ngặt nghèo ở cô nhi viện và làm việc thiện như một sự từ tâm.
“Và cũng chính từ nơi đó tôi đã học bằng cách quan sát thực tế, “người thật việc thật” để có thể diễn đúng nhất về nỗi đau khổ, sự bất hạnh mà người phụ nữ đã trải qua...”.
Thế thì, trong cả hàng trăm vai diễn từ cải lương, kịch nói đến điện ảnh thì nhân vật của mình nào mà Kim Cương “mê” nhất? Không một chút ngần ngừ, cô nói ngay: “Thuở nhỏ, do từng học trường Bà Phước nên tôi có nhiều tình cảm với nữ tu, vì thế năm 1968, tôi viết vở Hai mùa giáng sinh để đóng vai soeur; khi có bầu, tôi viết Cánh hoa tàn để được mặc áo như nhân vật trong kịch... Vai nào tôi cũng thích, bởi khi nhập vai tôi đã không là tôi nữa”.
Nay, nhìn lại nền kịch nghệ miền Nam, Kim Cương đã là một “hiện tượng độc đáo” như GS, nhà nghiên cứu sân khấu Hoàng Như Mai nhận định. Không “độc đáo” sao được khi một người phụ nữ học vấn không cao, nhưng bằng sự lịch lãm, từng trải, chiêm nghiệm lẽ đời và nhất là giàu lòng trắc ẩn đã viết nên những vở diễn lay động lòng người nhiều thế hệ.
“Hãy sống rồi viết”, câu nói này cũng dành cho Kim Cương chăng? Đến nay, với bút danh Hoàng Dũng, cô là một diễn viên, một nhà quản lý nghệ thuât đã viết nhiều kịch bản sân khấu nhất, trên 50 vở.
Hầu hết trong các vở của Kim Cương như Tôi là mẹ, Nước mắt con tôi, Cánh hoa tàn, Con đường hạnh phúc, Tâm ca mùa xuân... và nhất là Lá sầu riêng (tức Duyên kiếp lỡ làng) và Dưới hai màu áo (tức Ai là vợ?), hình ảnh người phụ nữ trong vòng xoáy gian truân của cuộc đời đã được nhìn với sự cảm thông sâu sắc. Ở đó những đức tính tiêu biểu ở người phụ nữ luôn được nhìn nhận như một giá trị vốn có của nhân văn.
“Hễ còn hơi thở là còn diễn”, tâm nguyện của NSND Bảy Nam đã ngấm vào vào thịt của NS Kim Cương. Chia sẻ với chúng tôi điều đó, gương mặt Kim Cương trở nên rạng rỡ hơn.
Có một điều thú vị, khi chúng tôi ngỏ lời xin được chụp ảnh chung, cô đã cười giòn giã và từ chối: “Người NS khi xuất hiện trước công chúng thì phải đẹp. Lúc này chưa kịp trang điểm...”. Tiếng cười và cách nói thật lòng nghe đôn hậu quá chừng.