NSƯT Thanh Tuấn: Đường dài chưa khép lại

Thứ Sáu, 19/06/2009, 10:07
Thanh Tuấn đã không còn trẻ nữa. Nhìn vào chặng đường anh đi, có thể nói đó là một hành trình đủ dài, để nếu mệt, người ta có thể dừng chân mà vẫn có thể mỉm cười tự hào. Nhưng Thanh Tuấn thì không, mỗi tháng anh vẫn diễn ít nhất 15 đêm, chạy vòng quanh Sài Gòn, đi miền Tây.

Dường như với người nghệ sỹ cải lương, không phải là tiền, mà là được đứng dưới ánh đèn ấy, hát những bài ca ấy, và nghe được những hồi đáp mật thiết từ khán giả. Thanh Tuấn mải miết đi, và anh tự thấy mình sung sức đến mức chưa có lý do để dừng lại...

Thanh Tuấn có vẻ bề ngoài rất đặc trưng của một nghệ sỹ cải lương. Mái tóc bồng bềnh nhuộm đen nhánh, khuôn mặt tròn và cái miệng rất duyên. Cảm giác chỉ cần anh cất tiếng, là đã có thể trở thành những bản vọng cổ mùi mẫn, mà không cần phải cố gắng. Phẩm chất cải lương bẩm sinh ấy đã khiến Thanh Tuấn trở thành hiện tượng từ rất sớm.

Tuổi thơ anh, nơi mảnh đất Quảng Ngãi nhiều gió bão, chỉ có một niềm vui duy nhất, đó là những bản vọng cổ phát trên radio. Nhưng thứ vui duy nhất đó đã khiến cuộc đời anh đổi khác. Cậu bé Nguyễn Thanh Liêm ngày ấy bắt đầu bằng những buổi "biểu diễn" cho những người đốc canh thời trước giải phóng, để đổi lại bằng những món cát sê rất ấn tượng, đó là những viên kẹo đường. Và máu cải lương cứ dần ăn sâu, chạy mãi trong người anh đến tận ngày hôm nay. Có một thực tế rằng, những tài năng lớn của cải lương thường có số phận đặc biệt. Và những giọng ca mùi nhất lại là những thân phận lấm láp nhất. Dường như Thanh Tuấn cũng vậy.

Năm 1963, mẹ anh bồng bế đàn con vào Sài Gòn. Thanh Tuấn bắt đầu hành trình bươn chải của mình trong một gia đình đông con. Nhưng vào buổi loạn ly, cuộc đời con người bị mọi thứ chi phối, sự sống và cái chết, những mất mát chồng lên nhau, và hành trình di chuyển từ miền Trung vào đô thị Sài Gòn là một cuộc trốn chạy khỏi cái nghiệt ngã của cuộc chiến đang ngày càng ác liệt.

Khi ấy, Thanh Tuấn vừa đi học vừa đi làm thuê để giúp mẹ nuôi em. Mười bốn tuổi, anh loay hoay tìm kiếm cho mình một đoàn hát. Vì mê hát. Nhưng cũng vì muốn kiếm cái nghề nuôi thân. Nghĩa là anh vào đời sớm không phải vì bị xô đẩy, mà chính anh chủ động chọn con đường đi của mình. Và đến mãi sau này, khi trưởng thành, sống nhờ tình cảm thương mến của hàng vạn người, anh cũng tự mò mẫm đi lên, tự trang bị hành trang cho mình, để từ một kép hát thành nghệ sỹ sáng tác, từ một diễn viên có thể tự dàn dựng vở diễn cho mình.

Tự trang bị để hoàn thiện và hát hay hơn. Nhưng như những người tự học, sẽ bị vấp ở một khúc quanh nào đó. Đôi khi là những vấp váp đơn giản, nhưng nó sẽ là một phần cuộc sống, nó găm vào cuộc đời mỗi người và sẽ thành những vết sẹo. Thanh Tuấn, khi bước vào đoàn hát của ông Bảy Trạch và Út Trọn, ở tuổi 14, là bắt đầu lựa chọn hành trình vừa vinh quang vừa khắc nghiệt của nghiệp diễn.

Để được những ông thầy của lò cải lương này nhận, những thiếu niên như Thanh Tuấn phải bộc lộ được những tố chất đặc biệt hơn những đứa trẻ đặc biệt khác. Thanh Tuấn là giọng ca vang, làn hơi rộng và đôi mắt lúc nào cũng như bật khóc. 5 năm theo thầy, học hát, học diễn và học làm người, Thanh Tuấn đã trở thành một hiện tượng, liên tục được hai hãng đĩa lớn mời thu âm và lên sân khấu những vai diễn lớn.

Chưa đến tuổi 20, Thanh Tuấn đã hoàn thành xong một chặng đường nhọc nhằn nhất, đó là tạo ra dấu ấn riêng, tỏa sáng như một tài năng rực rỡ. Hành trình đó với nhiều người có thể phải tới vài chục năm. Thanh Tuấn ca được cả những vai mùi, hùng, độc mùi, lão và tên anh gắn liền với hơn 100 vở diễn, điển hình  như "Đường gươm Nguyên Bá", "Tây Thi", "Người tình trên chiến trận", "Tìm lại cuộc đời", "Khách sạn hào hoa", "Ánh lửa rừng khuya", "Rạng ngọc Côn Sơn", "Pha lê và cát bụi", "Khúc ly hương", "Tần Nương Thất", "Nỗi lòng Chu Văn An"...

Nhắc tới Thanh Tuấn là nhắc tới Thái tử Ngũ Châu trong "Đường gươm Nguyên Bá". Ngũ Châu, một kẻ kiêu căng và đầy thù hận, những nỗi ghen tuông làm lí trí mù lòa. Để rồi, một ngày nhận ra tình người và biết thinh lặng trước những vinh hoa.

Thực chất, "Đường gươm Nguyên Bá" được khán giả cả nước biết đến nhờ những chiếc băng cassette. Và khi ấy, Thanh Tuấn chỉ có thể dùng một "chiêu" duy nhất, đó là khả năng biểu cảm của giọng hát. Nhưng vở diễn đã vượt qua mọi nhược điểm của công nghệ, vượt ra khỏi khoảng cách địa lý, để trở thành một ấn tượng mạnh mẽ. Cũng tương tự như thế, với vai Đại úy Huy Bình trong "Tìm lại cuộc đời", anh cũng đã làm được một sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cảm xúc, tâm lý của nhân vật mà dường như kỹ năng diễn gần như không phải sử dụng quá nhiều. --PageBreak--

Thanh Tuấn đã có tới 3 live show riêng và anh đang tiếp tục hành trình chinh phục khán giả của mình bằng một DVD riêng. Những ngày này anh ít ở nhà. Anh ở trong phòng thu cả ngày, hôm nào có suất diễn thì lại đi diễn tới khuya. Chính vì thế, anh hẹn tôi tới nhà vào lúc trời khuya. Khi ấy anh mới trở về, rũ áo, lau son phấn, trở lại con người giản dị của mình.

Căn nhà anh không rộng cho cả ba thế hệ, mọi thứ có phần tuềnh toàng hơn những suy nghĩ về sự lộng lẫy về căn nhà của một ngôi sao cải lương. Nhưng Thanh Tuấn thì nói, giọng rất vang và rất sang. Và đặc biệt ý thức tới hình ảnh của mình. Anh chuẩn bị rất kỹ trước khi chụp hình và yêu cầu của anh là phải chọn những bức trông trẻ trung, phong độ một chút.

Người nghệ sỹ, khi ở tuổi xế chiều, vẫn tiếp tục với những đêm diễn của mình, như những cánh chim không mỏi. Thanh Tuấn nói, anh vẫn thấy mình rất phong độ. Cát sê của anh không được như những ngôi sao trẻ, nhưng vẫn rất ổn. Anh chỉ mệt mỏi, khi cải lương xuống dốc.

Khi cải lương xuống dốc, đó là khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, những nghệ sỹ cải lương như Thanh Tuấn rơi vào những cú sốc mạnh, và mọi nỗi thất vọng cứ ngấm dần, ngấm dần trong những tâm hồn nhạy cảm. Và hành trình xuống dốc của cải lương đến hôm nay vẫn chưa chấm dứt. Nó đã mãi mãi đi qua những hào quang của thời hoàng kim mà không có cách nào lấy lại được. Như thể, cải lương đã đi qua thời xuân sắc của mình.

Đang ở đỉnh cao vinh quang, đang sống trong những tiếng vỗ tay của ngàn người, và những tiện nghi của một ngôi sao, bỗng chốc phải đối mặt với sự đìu hiu đến mức cạn kiệt. Rất nhiều nghệ sỹ đã rơi vào những tệ nạn, trượt dốc dài vì những nỗi buồn chán, và dường như họ không chuẩn bị cho một ngày phải lùi lại, phải xuống dần và phải nhường sân khấu cho người khác, phải nhường thị hiếu cho một dòng chảy khác.

Thực ra, khán giả yêu cải lương là những người cực kỳ chung thủy. Đó chính là lý do vì sao, đến lúc này những ông, bà nghệ sỹ tóc đã muối tiêu vẫn có thể đóng vai chàng trai, cô gái trong những tuồng chính kịch. Khán giả mê nghệ sỹ và yêu nghệ sỹ đến tận cùng, dù họ đã già đi, chỉ cần họ vẫn hát hay hết mình. Và cho dù, người nghệ sỹ có dính vào những scandal thì khán giả cũng rộng lòng lượng thứ. Nhưng khi ở đỉnh cao, người ta sẽ rất khó chấp nhận ngay việc mình phải... hạ mình xuống, sống giản dị hơn, nhập cuộc với đời sống bình dân hơn.

Thanh Tuấn nói, có thể với người khác thì vậy, nhưng anh buộc phải là người đối diện nhanh chóng với những điều đó. Bởi anh còn gia đình, có vợ và 6 đứa con. Anh đã đi hát, làm mọi việc để có thể đảm bảo cuộc sống cho cái gia đình đông đúc ấy. Và anh nuôi các con mình trong tao đoạn gian khó nhất, nên các con anh hát cải lương rất xuất sắc mà không một ai nối nghiệp cha. "Nghĩ lại cũng thấy ngậm ngùi lắm, nhưng con mình cần phải được sống tốt hơn mình. Cải lương thì mê, nhưng mà cực quá" - Thanh Tuấn nói.

Khi cải lương rơi vào thoái trào, thì Thanh Tuấn vẫn phải sống. Và anh không làm được gì tốt hơn ngoài việc đi hát. Và hát ở những tụ điểm, không bì lớn nhỏ, mà chỉ cần có khán giả. Có những suất diễn, dường như nghệ sỹ phải đi bán vé và canh chừng từ phòng vé xem có bán hết không. Cứ như thế, nỗi niềm canh cánh bên lòng. Đi hát quán cũng là một cuộc mưu sinh nhọc nhằn.

Tôi nhớ, có lần nghệ sỹ Thanh Sang nói: "Bây giờ có nhiều trường đào tạo cải lương cho các em, nhưng rất đau lòng là không có chỗ diễn. Những giờ đáng ra các em phải đang rực rỡ trên sân khấu thì lại phải đi ca hát cho các nhà hàng ca nhạc - cải lương. Khách lên tặng quà cũng rất cắc cớ, có người tặng tấm vé số đã xổ rồi, rất đau lòng. Nhiều thực khách uống say mất lí trí có những hành động khiếm nhã với nữ nghệ sĩ trẻ. Tôi thấy tiếc cho các em nghệ sĩ cải lương trẻ đã không được tỏa sáng trên thánh đường sân khấu vì không có nơi cho các em diễn. Tôi không dám vào những quán ca nhạc cải lương nữa".

Đó là thực tế đau lòng mà không chỉ các diễn viên trẻ mà các nghệ sỹ cứng tuổi như Thanh Tuấn cũng phải đối diện. Khi nghệ thuật là cơm áo là khi nghệ sỹ phải xuống đường. Thanh Tuấn đã từng đi hát khắp nơi, để có đủ tiền làm những chương trình riêng. Đó cũng là một thái độ hy sinh cần có, trong thời buổi, dường như không ai còn mặn lòng đầu tư cho cải lương nữa. Và nghệ sỹ tự cứu lấy mình.

Phải mất rất nhiều năm, Thanh Tuấn mới được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú. Xung quanh anh có quá nhiều đồn đoán. Chuyện đào hoa của nghệ sỹ cũng là một dư luận. Những gì xung quanh anh, một kép hát nổi tiếng bậc nhất, đều dễ thành những tin đồn. Mà tin đồn ít khi là tin lành, đa phần là tin dữ. Thanh Tuấn nói, thực ra ngày trước cũng suy nghĩ và buồn phiền. Nhưng sau đó thì mọi sự đã ổn lại...

Tôi nghĩ rằng, ai cũng sẽ có những sai lầm nào đó trong đời. Và cái quan trọng là người ta giải quyết vấn đề của mình như thế nào. Tôi tin là Thanh Tuấn đã giải quyết rất tốt mọi vấn đề của anh. Để hôm nay anh vẫn đứng được trên sân khấu, vẫn hát những bài ca cũ, cho những khán giả yêu thương mình, mà không hề hổ thẹn, không phải day dứt. Anh vẫn tiếp tục hành trình của người nghệ sỹ. Chưa mệt mỏi...

Nam Long
.
.