Phỏng vấn Tháp Rùa
Phóng viên (PV): Thưa ông, điều hạnh phúc nhất của Tháp rùa là gì?
Tháp rùa: Đương nhiên là được nhìn ngắm Hà Nội ở giữa trung tâm.
PV: À, kỳ lạ nhỉ. Bao nhiêu năm nay chỉ thấy dân chúng ra Bờ Hồ ngắm Tháp rùa, bây giờ mới biết hóa ra Tháp rùa cũng ngắm dân chúng.
Tháp rùa: Tất nhiên. Đặc biệt từ khi phố đi bộ ra đời, tôi càng có thời gian chiêm nghiệm.
PV: Vậy cảm tưởng chung của ông về phố đi bộ là thế nào?
Tháp rùa: Rõ ràng là rất vui. Và tôi tự hỏi tại sao Hà Nội lại không có phố đi bộ sớm hơn nhỉ?
PV: Thưa ông, trên thế giới nhiều quốc gia cũng có phố đi bộ, nhưng không ở đâu dân chúng lại được đi quanh một cái hồ ngay tại trung tâm.
Tháp rùa: Vâng. Điều ấy thật là phi thường. Là một nét riêng mà ngoài Hà Nội, khéo chả nơi nào có được.
PV: Thưa ông, nhưng gần đây dư luận bắt đầu xì xào. Họ nói phố đi bộ Hà Nội đang trở nên lộn xộn và thương mại hóa.
Tháp rùa: Tôi biết.
PV: Đã có nhiều nhà nghiên cứu bức xúc lên tiếng. Họ muốn phố đi bộ phải thực sự yên tĩnh, chỉ dành cho đi bộ mà thôi. Ý ông thế nào?
Tháp rùa: Đầu tiên tôi xin nói rằng văn hóa có nhiều cách và nhiều dạng thể hiện. Văn hóa không thể đơn giản là trầm ngâm.
PV: À.
Tháp rùa: Phố đi bộ, dù muốn hay không, cũng khác với đường đi bộ. Đường đi bộ có thể chạy qua rừng, chỉ có chim chóc, lá cây xào xạc. Phố đi bộ đầu tiên là phố, phố luôn luôn có nhà cửa và có các sinh hoạt của đô thành.
PV: Nghĩa là muốn hay không thì phố đi bộ cũng phải sôi động.
Tháp rùa: Vâng. Cá nhân tôi cho rằng chả có gì vui hơn nếu phố đi bộ biến thành một sân khấu cực lớn, ở đó người dân có thể thưởng thức các loại hình nghệ thuật phong phú, đa dạng và… miễn phí.
PV: Vậy tại sao gần đây dân chúng lại kêu la?
Tháp rùa: Vì ai cũng chấp nhận nếu như phố đi bộ trở thành những rạp hát, nhưng ai cũng hoảng sợ khi phố đi bộ biến thành các cửa hàng.
PV: Cửa hàng?
Tháp rùa: Đúng vậy. Nghệ thuật hóa phố đi bộ khác hẳn với thương mại hóa phố đi bộ. Xin lưu ý điều này.
PV: Phố đi bộ không thể trở thành cái chợ?
Tháp rùa: Chính xác. Nếu nói vậy thì ai cũng công nhận. Đây người ta biến tướng một cách tinh vi. Nhưng nếu với góc nhìn của chuyên gia thật ra chả tinh vi gì cả.
PV: Kinh doanh đang nấp sau nghệ thuật?
Tháp rùa: Vâng. Ví dụ như không ai cho phép mở quán ăn trên phố đi bộ. Nhưng họ có thể mở một triển lãm hay một hội chợ ẩm thực nào đó rồi cuối cùng lại bán đồ ăn.
PV: Nghĩa là với tư cách Tháp rùa, ông rất khả nghi bất cứ các thứ gì bày ở Bờ Hồ có mục đích bán.
Tháp rùa: Rõ ràng thế. Hễ cứ “bán” là nhạy cảm, là có khả năng lợi nhuận lấn át tâm hồn. Hãy nhìn phố đi bộ ở TP Hồ Chí Minh, hầu như Ban quản lý không chấp nhận cho bán bất cứ cái gì, trừ bán hoa và bán sách nhân dịp đầu xuân.
PV: Công nhận phố đi bộ là một không gian quá hấp dẫn, bất cứ cá nhân, bất cứ doanh nghiệp nào cũng mơ ước được giới thiệu mình ở đó, cho nên họ tìm đủ mọi lý do, đủ mọi cách bào chữa và đủ mọi danh từ để Ban quản lý phố đi bộ xiêu lòng.
Tháp rùa: Mà lý do nào thì cũng ẩn giấu hai chữ “Doanh thu”.
PV: Trong khi lúc thành lập phố đi bộ, Nhà nước đã hiểu doanh thu cao nhất ở đấy là về xúc cảm chứ không phải bất cứ món lợi tài chính nào.
Tháp rùa: Chính xác. Mặc dù chưa tới mức báo động, nhưng gần đây phố đi bộ Hồ Gươm đã có vài tín hiệu bị thương mại hóa, và sự “bán” có vẻ đang lấn át sự “xem”. Cho nên các nhà nghiên cứu đã bắt đầu cảnh giác.
PV: Anh yên tâm đi, có quá nhiều người yêu Hà Nội và có quá đông người hiểu Hồ Gươm, cho nên bất cứ một sự lạm dụng nào cũng không có cơ hội phát triển ở mảnh đất nghìn năm này.
Tháp rùa: Hy vọng thế!