Phỏng vấn một diễn viên

Thứ Bảy, 02/12/2023, 14:01

PV: Thưa cô, với tư cách là một diễn viên, niềm vui sướng nhất của cô là gì ạ?

Diễn viên: Tất nhiên là được đóng phim, và sau đó phim mình được đi dự các liên hoan phim.

PV: A, liên hoan phim, thực chất là ngày hội rất quan trọng của điện ảnh, đúng không cô?

Phỏng vấn một diễn viên -0
Minh họa: Lê Tâm

Diễn viên: Đúng. Đó là dịp cực kỳ quan trọng để các đạo diễn, diễn viên và nhà sản xuất gặp nhau và gặp khán giả.

PV: Trên thế giới, có bao nhiêu liên hoan phim, thưa cô?

Diễn viên: Rất nhiều. Và có những liên hoan vô cùng danh giá, được sự chú ý của khắp năm châu, được đưa tin trên mọi phương tiện, ví dụ như Cannes, Venice, Berlin.

PV: Còn Việt Nam thì sao?

Diễn viên: Việt Nam 3 năm một lần cũng tổ chức liên hoan phim Quốc gia, và cũng đã gây được sự quan tâm đáng kể trong và ngoài nước. Tuy nhiên…

PV: Tuy nhiên điều gì, thưa cô?

Diễn viên: Tuy nhiên có lẽ chúng ta đã làm một điều, thoạt trông thì có vẻ tốt, nhưng xét kỹ ra không giống ai, và hậu quả là hơi lãng phí.

PV: Xin cô nói rõ ý này?

Diễn viên: Cứ mỗi lần Liên hoan phim Việt Nam diễn ra, chúng ta tổ chức ở một địa phương khác nhau. Lúc thì Đà Lạt, lúc lại Vũng Tàu, Hạ Long, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang… có thể nói gần như đủ hết.

PV: Như vậy có lợi là người dân cả nước sẽ lần lượt được hưởng thụ không khí Điện ảnh, lần lượt được gặp gỡ các nghệ sĩ.

Diễn viên: Đúng vậy. Thoạt nghe thì thấy điều đó cũng rất có lợi, có tính nhân văn và công bằng. Nhưng xét kỹ lại hóa ra chưa thỏa đáng.

PV: Vì sao ạ?

Diễn viên: Ví dụ như bất cứ ai nghĩ về nước Pháp cũng nghĩ về Liên hoan phim Cannes. Cái thành phố không lớn bên bờ biển ấy đã nhờ Điện ảnh và trở nên một thương hiệu toàn cầu.

PV: Vâng.

Diễn viên: Rồi Venice cũng thế. Nước Ý có rất nhiều thành phố, nhưng bao nhiêu năm nay người ta cũng chỉ dùng Venice để tổ chức liên hoan phim chứ không cư xử theo lối “lần lượt”.

PV: Điều ấy sẽ làm cho thương hiệu của thành phố được thương hiệu của điện ảnh nâng lên hàng năm?

Diễn viên: Chính xác. Như là các liên hoan lớn đều làm hết sức để có “truyền thống”, mà muốn vậy thì nó phải gắn vĩnh viễn với một địa điểm.

PV: Từ đó suy ra cô có đề nghị gì?

Diễn viên: Tôi đề nghị Nhà nước cần nghiên cứu thật kỹ, chọn một địa phương nào đó có những điều kiện và có khả năng phát triển, sau đấy cứ tổ chức Liên hoan phim Việt Nam ở đó mãi mãi. Như thế thì thành phố ấy mới trở thành một thương hiệu được.

PV: À.

Diễn viên: Tôi cũng xin lưu ý là chúng ta không nhất thiết phải đặt liên hoan phim tại TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Vì các nơi ấy hàng năm đã có quá nhiều những sự kiện văn hóa. Nên tìm địa điểm cho liên hoan phim ở một thành phố nhỏ, xinh xắn vì có thiên nhiên thật đặc trưng.

PV: Để rằng cuối cùng chúng ta có một địa danh?

Diễn viên: Đúng vậy. Làm thế một thời gian, chúng ta sẽ có thương hiệu. Chứ cứ như hiện nay, có lẽ đã lãng phí một tài nguyên vô hình.

PV: Cô dùng một từ rất lạ, đó là tài nguyên vô hình.

Diễn viên: Vâng. Tài nguyên vô hình là thứ có thực, cảm nhận được, hiểu được nhưng không sờ thấy được, tuy nhiên lại có giá trị du lịch rất cao. Đừng làm cho nó uổng phí!

Lê Thị Liên Hoan
.
.