Phỏng vấn pháo hoa
PV: Thưa chị, pháo hoa rực rỡ nhất khi nào ạ?
Pháo hoa: Tất nhiên là khi lễ hội.
PV: A, lễ hội. Cứ mở ti vi lên là thấy, hầu như tháng nào cũng có ở khắp các tỉnh thành nước ta.
Pháo hoa: Theo tôi thì điều ấy rất tốt nhà báo ạ. Nó chứng tỏ cuộc sống ngày càng đi lên. Chúng ta càng quan tâm hơn đến văn hóa.
PV: Mà lễ hội là dạng văn hóa hấp dẫn nhất, đông đảo nhất và có nhiều màu sắc nhất.
Pháo hoa: Ừ nhỉ.
PV: Ngoài các lễ hội truyền thống, tôi thấy chúng ta đang ra sức tìm tòi, phát minh và phát triển các lễ hội mới như lễ hội ẩm thực, lễ hội trái cây, lễ hội sông nước, lễ hội bánh mì và tất nhiên cả lễ hội pháo hoa.
Pháo hoa: Đúng thế. Văn hóa là bảo tồn và sáng tạo, và bao nhiêu lễ hội cũng không ngoài các đặc điểm này. Tuy nhiên…
PV: Tuy nhiên gì thưa chị?
Pháo hoa: Nếu nhà báo để ý, thấy cách tổ chức lễ hội của nhiều tỉnh thành quá giống nhau. Và chủ yếu là sân khấu hóa.
PV: Sân khấu hoá?
Pháo hoa: Đúng vậy. Đa số lễ hội khai mạc theo kiểu này: Trên sân khấu các ca sĩ, các vũ công (có thể thuê từ nơi khác tới) múa hát. Còn ở dưới các quan chức ngồi xem.
PV: Như thế có gì sai?
Pháo hoa: Kể cũng không sai. Nhưng sao cái công thức đó cứ hoài như thế. Điều quan trọng nhất, xin mọi người lưu ý: Lễ hội không bao giờ chỉ là một tiết mục biểu diễn. Lễ hội phải có quần chúng tham gia.
PV: À.
Pháo hoa: Nghĩa là trong lễ hội đúng nghĩa, ai cũng là diễn viên, ai cũng là khán giả. Quần chúng càng có mặt nhiều, sân khấu ở khắp nơi mới là lễ hội đích thực.
PV: Công nhận.
Pháo hoa: Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao Thái Lan có lễ hội té nước, Brazil có lễ hội carnaval mà tất cả già, trẻ, lớn, bé, tất cả khách du lịch quốc tế đều đổ xô tới tham gia.
PV: Tây Ban Nha có lễ hội bò đuổi, cà chua; đã trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.
Pháo hoa: Đặc điểm của các lễ hội đó là gì? Không có diễn văn khai mạc, cũng không có sân khấu. Đường phố là sân khấu, người dân là diễn viên. Cứ đến ngày đó, tháng đó là ai cũng biết phải hành động, rất hồn nhiên và rất đông đảo.
PV: Ừ nhỉ.
Pháo hoa: Cho nên các lễ hội ở ta dù rất cố gắng và phải nói rằng ngày càng phong phú, đa dạng so với trước, nhưng vẫn không đạt tới trình độ phổ cập và nổi tiếng như nhiều quốc gia khác. Có lẽ vì còn "hành chính" quá, còn giống nhau quá. Nó có vẻ là công trình của các Sở Văn hóa nhiều hơn là ngày vui tự phát của đông đảo mọi người.
PV: Chính xác.
Pháo hoa: Hậu quả của các lễ hội như thế là ngân sách quốc gia phải chi tiền, trong khi nhiều nước khác, tự nhân dân làm, tự nhân dân vui và tự nhân dân thu lợi.
PV: Ví dụ như lễ hội té nước của Thái Lan luôn thu không biết bao nhiêu nhờ du lịch, nhờ bán xô chậu, bán súng nước và bán… khăn tắm! Lễ hội trở thành một nguồn lợi kinh tế hiển nhiên chứ không phải một cuộc chơi cho vui rồi hết.
Pháo hoa: Đấy. Tôi muốn nói đúng ý đấy. Phải làm sao để lễ hội trở thành thương hiệu, trở thành định kỳ, trở thành đòn bẩy kinh tế và trở thành ngày vui của già trẻ gái trai chứ không phải là một dịp báo cáo, trưng bày.