Phỏng vấn ông hàng phở

Thứ Ba, 24/05/2022, 21:22

Phóng viên (PV): Thưa ông hàng phở, ông đang làm gì đó?

Hàng phở: Tôi đang cười.

PV: A, một chủ tiệm phở cười thì lý do luôn luôn đang đông khách, đúng vậy chứ?

Hàng phở: Nhà báo nhầm rồi. Nhầm rất to. Tôi cười vì đọc dự báo của một số chuyên gia làm giáo dục?

untitled-1.jpg -0
Minh họa: Lê Tâm

PV: Ôi, phở có liên quan gì đến giáo dục.

Hàng phở: Đúng là có vẻ rất không liên quan. Cho tới tận lúc một số vị giáo sư đưa ra đề nghị cho học sinh chọn xem có học môn Sử hay thôi.

PV: Ơ. Sử và phở thì họ hàng gì?

Hàng phở: Chả họ hàng gì. Nhưng nếu đưa vào cuộc thi, phở chắc chắn sẽ đánh bay tất cả các môn khoa học đang được giảng trong nhà trường.

PV: Vô lý. Kỳ quái.

Hàng phở: Chả vô lý và cũng chả kỳ quái chút nào. Nhà báo thử tưởng tượng xem, nếu bây giờ các ban giám hiệu lấy ý kiến học sinh: Hoặc các em ăn phở, hoặc các em lên lớp, các em hãy chọn thì chắc chắn trong nháy mắt, mọi sân trường đều vắng tanh và các hàng phở trên cả nước đều đông nghịt.

PV:  Ha ha, ông nói vậy ý là gì?

Hàng phở: Ý của tôi rõ ràng như sau: Nếu để trẻ con được tự chọn, thì chúng sẽ chọn một cách rất cảm tính, và môn Sử sẽ chẳng còn ai.

Hay nói cách khác, chả cứ môn Sử, nếu để trẻ con chọn giữa học và chơi hay học và ăn, thì bao giờ học cũng thua.

PV: Ơ, căn cứ vào đâu để nói thế?

Hàng phở: Căn cứ vào chính mình. Dù lúc này bán phở, tôi cũng đã có một tuổi thơ, và tuổi thơ nào cũng ham chơi và ham ăn hơn tất cả.

PV: Bởi nguyên nhân đó nên một số quốc gia có chính sách "giáo dục bắt buộc".

Hàng phở: Chính xác. Giáo dục đã, đang và sẽ luôn luôn phải bắt buộc, ít ra trong những năm đầu đời. Không khi nào người ta "trưng cầu ý kiến trẻ em" về vấn đề này cả.

PV: Đồng ý.

Hàng phở: Còn cụ thể trường hợp môn Sử, nếu như nhà trường hỏi, tôi chắc chắn người trả lời không phải trẻ con,  mà là cha mẹ chúng.

PV: Mà đặc tính của cha mẹ ở nước ta nói chung?

Hàng phở: Là thực dụng. Họ sẽ hướng cho con học những môn nào phải thi tốt nghiệp, sau đó hướng cho con cái học những môn nào sau này ra sẽ dễ kiếm việc làm.

PV: Hậu quả của sự thực dụng đó?

Hàng phở: Là môn Sử càng có lý do để "hy sinh". Nói tóm lại, cái ngày mà môn Sử được đưa lên bàn cân lựa chọn, chắc chắn sẽ là cái ngày mà nó diệt vong.

PV: Buồn nhỉ.

Hàng phở: Đừng nói buồn. Phải nói khủng khiếp. Một thế hệ không có sử chả khác nào một gia đình không có ông bà, thậm chí không có mẹ cha. Kỳ lạ vô cùng khi xã hội luôn luôn nói về "văn hóa truyền thống", "nghệ thuật dân gian" hay "hướng về nguồn cội" lại coi môn Sử là môn cực kỳ phụ trong nhà trường.

PV: Ừ nhỉ.

Hàng phở: Tôi tin chắc điều này, tin một cách sắt đá, tin một cách đau xót, tin một cách không gì lay chuyển: lịch sử Việt Nam rất hay, rất hấp dẫn và rất đáng học, có thể học một cách say mê. Nhưng những người dạy sử thì dở vô cùng.

PV: À.

Hàng phở: Cũng như toàn dân tin chắc phở Việt Nam ngon. Những chỗ nào không ngon là do người nấu chứ không phải bản chất của nó khó ăn.

PV: Chính xác.

Hàng phở: Để cho học sinh quyết định có học Sử hay không, theo tôi chả còn tên gọi nào khác là sự trốn tránh trách nhiệm, là sự đưa quả bóng vào chân những đứa trẻ chưa biết đá hoặc đá mà không biết khung thành cuối cùng ở chỗ nào.

PV: Vậy theo ông, nó ở chỗ nào?

Hàng phở: Ở tinh thần dân tộc!

Lê Thị Liên Hoan
.
.