Phỏng vấn một cư dân

Chủ Nhật, 08/05/2022, 14:26

Phóng viên (PV): Thưa anh, anh là cư dân của thành phố nào trên đất nước Việt Nam ta?

Cư dân: Tôi rất vinh dự, rất tự hào vì là người thủ đô Hà Nội.

PV: A, người Hà Nội. Có chính gốc không?

pv mot cu dan - mh le tam anct 4 - 2022.jpg -0
Minh họa: Lê Tâm

Cư dân: Sao nhà báo lại hỏi câu đó?

PV: À, vì chính gốc hay ở phố cổ.

Cư dân: Tôi không ở phố cổ. Tôi ở biệt thự.

PV: Trời ơi, chắc gia đình anh rất giàu.

Cư dân: Chả hề giàu. Cả cha tôi, mẹ tôi đến tôi đều là công chức trung bình, rất trung bình là khác.

PV: Thế sao gia đình anh ở biệt thự được?

Cư dân: Lý do gì nhà báo cứ nhắc mãi chữ "biệt thự" vậy nhỉ?

PV: À, lý do vì mấy hôm nay, thành phố Hà Nội tuyên bố bán khoảng 600 biệt thự, rồi chỉ vài ngày sau lại tuyên bố ngừng bán.

Cư dân: Tôi có đọc tin này. Và thú thực tôi không quan tâm lắm.

PV: Do đâu?

Cư dân: Do đằng nào gia đình tôi cũng không mua, đơn giản bởi không có tiền.

PV: Anh không thích ở nhà cao cửa rộng à?

Cư dân: Ai chả thích. Nhưng như trên đã nói, hàng chục năm nay, cả vợ chồng, con cái tôi vẫn ở trong biệt thự đó thôi. Tuy tất cả đều hoàn toàn... không biết!

PV: Ơ.

Cư dân: Nguyên nhân không biết thật ra rất đơn giản. Thứ nhất thuộc về kiến trúc, thứ hai thuộc về lịch sử, thứ ba thuộc về cảm giác.

PV: Xin anh nói rõ hơn.

Cư dân: Về kiến trúc, từ trước 1954, đa số căn nhà do người Pháp xây dựng ở Hà Nội đều theo lối biệt thự.

PV: Đúng vậy.

Cư dân: Còn về lịch sử, Việt Nam giành độc lập, Hà Nội được giải phóng vào năm 1954. Người Pháp và những kẻ thân Pháp đều đã rút đi.

PV: Vâng.

Cư dân: Nhà nước tiếp quản Thủ đô và phân phối nhà cho cán bộ, viên chức.

PV: Rất tốt và rất bình thường.

Cư dân: Nhưng không thể có chuyện mỗi gia đình cán bộ ở một căn biệt thự được. Cho nên tôi và vợ chỉ nhận được một phòng.

PV: Những phòng khác phân phối cho những gia đình khác.

Cư dân: Rất đúng. Nói một cách ngắn gọn, biệt thự có bao nhiêu phòng thì có bấy nhiêu gia đình, trong khi với bản chất ban đầu nó chỉ được thiết kế để một gia đình cư trú mà thôi.

PV: Và hậu quả của việc ấy?

Cư dân: Là ngay từ hàng chục năm trước, gia đình tôi cùng với bao gia đình cán bộ khác đã sống theo kiểu bể nước chung, sân chung, cầu thang chung và nhà vệ sinh chung.

PV: À.

Cư dân: Rồi sau bao nhiêu năm, tôi già đi, con tôi lớn lên, lấy vợ, lấy chồng, đẻ ra các cháu và tất cả vẫn ở trong cái biệt thự cùng với gia đình khác.

PV: Vẫn sân ấy, cổng ấy, cầu thang ấy và nhà vệ sinh ấy.

Cư dân: Rõ ràng là thế. Nhưng tất cả các gia đình đều vùng vẫy, đều "vượt khó" bằng cách cơi nới thêm ở hành lang, ở cửa sổ, ở sân và ở trần nhà. Tất cả các gia đình đều vắt óc tìm ra một phương pháp mở rộng diện tích. Khéo chỉ còn thiếu có cách... đào hầm.

PV: Vâng. Dân Hà Nội chính gốc Năm Tư đều thế.

Cư dân: Do đó, hầu như tất cả các biệt thự đều biến dạng, đều méo mó, góc cạnh và sù sì như con nhím. Và hầu như tất cả đều rêu mốc, cũ nát.

PV: Cũ nát tới mức nào?

Cư dân: Tới mức mấy chục năm nay, tôi, vợ tôi, các con tôi chưa hề có một phút nào nghĩ mình đang ở biệt thự hết. Thậm chí sống ở một mảnh biệt thự cũng không. Mãi cho đến khi...

PV: Khi ư?

Cư dân: Đến khi một đại gia mua nguyên một căn biệt thự cổ trên phố Lý Thường Kiệt, bằng cách mua lẻ của từng hộ gia đình sau đó anh ta bỏ tiền duy tu lại căn nhà theo nguyên trạng, khiến tôi và nhiều cư dân Hà Nội sửng sốt, bàng hoàng vì hóa ra biệt thự kia và hóa ra tất cả các biệt thự ngày xưa đều rất đẹp.

PV: Vâng. Chắc chắn rất đẹp. Kiến trúc Pháp mà.

Cư dân: Cho nên khi nghe tin chính quyền Hà Nội công bố bán các biệt thự, tôi không khỏi mừng thầm. Người khá giả sẽ mua căn phòng của tôi và các căn phòng còn lại, để tôi đi mua chung cư, rồi sau đó họ sẽ sửa chữa những biệt thự này khiến chúng trở thành những villa xinh xắn. Khiến bộ mặt thủ đô thay đổi hoàn toàn.

PV: Hay nhỉ.

Cư dân: Rất hay. Nhưng chả hiểu tại sao chủ trương ấy dừng lại rồi. Tiếc quá.

Lê Thị Liên Hoan
.
.