Phỏng vấn nhà văn
Phóng viên (PV): Thưa anh, với tư cách nhà văn, điều gì khiến anh quan tâm nhất?
Nhà văn: Tất nhiên là những chuyện liên quan đến văn học.
PV: Vậy thưa anh, chắc anh có biết, vừa qua dư luận dậy sóng vì một cô hoa hậu tuyên bố, cả đời không đọc một cuốn sách?
Nhà văn: A, tôi biết chuyện đó. Tất nhiên. Đầu tiên là tôi thấy bình thường. Vì nói thật nhé, với mặt bằng văn hóa hoa hậu của chúng ta, nếu cô ấy phát biểu: “Cả đời tôi đã đọc cả ngàn cuốn sách” thì mới phải ngạc nhiên.
PV: Đúng thật. Chỉ cần theo dõi tất cả các cuộc thi ứng xử của hoa hậu thì có thể đoán được điều này.
Nhà văn: Sau đó tôi thấy buồn cười. Vì có ông lên mạng bảo: “Thà không đọc sách còn hơn đọc một cuốn sách dở”. Rõ ràng ở đây mọi người mặc định chỉ nói về sách hay mà thôi, cho nên đặt ra giả thiết ấy thật lố bịch.
PV: Vâng. Và trên thực tế cuộc sống hôm nay sách tốt vẫn nhiều hơn sách xấu tới cả trăm lần.
Nhà văn: Với tư cách một người am hiểu văn học, tôi tin chắc bây giờ một người không đọc sách vẫn có thể giàu có, thậm chí rất giàu có.
PV: Vâng.
Nhà văn: Tiếp theo, cũng với tư cách người viết văn, tôi tin chắc một cô gái cả đời không đọc một trang sách nào cũng vẫn xinh đẹp, có da trắng, có má hồng, có vòng một, vòng hai, vòng ba tuyệt hảo.
PV: Vâng.
Nhà văn: Vẫn tới tư cách người viết văn, tôi tin chắc một cô gái cả đời không đọc sách vẫn tự tin, vẫn kiêu hãnh, bởi vì trong cuộc sống hiện tại có rất nhiều kiểu kiêu hãnh và tự tin khác nhau.
PV: Vâng.
Nhà văn: Với tư cách nhà văn, tôi cũng tin cô gái ấy có nhiều chàng trai và nhiều thiếu nữ hâm mộ bởi trên đời có vô số những kiểu hâm mộ để người ta lựa chọn tùy theo đẳng cấp và văn hóa của mình.
PV: Và những sự lựa chọn ấy đều bình đẳng?
Nhà văn: Không bình đẳng. Nhưng việc ấy ta sẽ không tranh luận ở đây.
PV: Còn gì nữa không anh?
Nhà văn: Cuối cùng, với tư cách một người viết văn, tôi tin chắc một ai đó cả đời không đọc một cuốn sách văn vẫn sống thọ, thậm chí rất thọ. Cũng có vài kẻ do không đọc sách mà băng hà, nhưng đó là sách khoa học, thứ ấy quá đặc biệt nên ta có thể không kể ở đây.
PV: Tóm lại, theo anh, một hoa hậu hay một chàng hoàng tử không đọc một cuốn sách nào, cả đời vẫn giàu có, vẫn xinh đẹp, vẫn tự tin, vẫn sống thọ. Thế thì đọc sách làm gì?
Nhà văn: Chưa kể còn vẫn tri thức ấy chứ. Bởi có nhiều vị phát biểu rằng, sách là một dạng tri thức, tuy tồn tại cả ngàn năm, nhưng hôm nay có nhiều dạng khác vừa mạnh hơn vừa nhanh hơn, vừa dễ dàng tiếp thu hơn. Đừng mang sách ra “dọa”, đừng khư khư bám vào những dạng thức thủ cựu. Tất cả các nguyên liệu văn hóa và kiến thức đều bình đẳng.
PV: Nghe rất công bằng và rất hiện đại.
Nhà văn: Hiện đại ư? Tôi không tin. Không tin một chút nào. Trong một con người, quy trình đọc, suy nghĩ, hành động là một quy trình liên tục không thể đứt đoạn. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi chả thấy ai lười đọc sách mà hăm hở đọc kiến thức khác. Họ có thể mang năng khiếu đặc biệt, có một tài năng đặc biệt nào đó, nhưng trở thành hoàn chỉnh thì không thể.
PV: Nhưng người ta sẽ vặn lại anh: Tại sao phải hoàn chỉnh?
Nhà văn: Nếu vặn như thế thì tôi chịu. Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ có quyền hoàn chỉnh và không hoàn chỉnh. Đấy là sự lựa chọn của họ. Nhưng với nhiệm vụ của những người hoạt động xã hội, hoặc với tư cách người trí thức, bạn ủng hộ loại nào? Cổ vũ loại nào? Phải chăng bạn nhân danh tính đa dạng của cuộc sống để kết luận “Kiểu gì cũng tốt” hoặc “Mọi thứ đều huề”. Nếu vậy chúng ta phấn đấu làm gì nữa nhỉ?
PV: Anh à, nếu như người ta dùng trí tuệ nhân tạo đọc sách hộ mình thì sao?
Nhà văn: À, thì người ta sẽ có một tâm hồn nhân tạo.