Phỏng vấn một khán giả

Thứ Sáu, 16/12/2022, 14:24

Phóng viên (PV): Thưa anh, trong những ngày này, khán giả ở đâu là có niềm vui lớn nhất.

Khán giả: Trời ơi, tại sao còn phải hỏi, khán giả của bóng đá chứ còn gì nữa.

PV: Vì đâu ạ?

Khán giả: Vì bóng đá là môn thể thao có tính toàn cầu cực kỳ xuất sắc. Nó có thứ ngôn ngữ mà toàn bộ con người đều hiểu được và say mê được.

PV: Trong đó có Việt Nam?

Khán giả: Dĩ nhiên. Nếu không nói là về lòng hâm mộ, khán giả Việt Nam khéo có thể nằm trong tốp dẫn đầu.

PV: Vậy khi xem bóng đá World Cup, anh thấy thế nào?

Khán giả: Thấy Anh, Pháp, Đức... và đương nhiên thấy bóng đá Việt Nam. Thấy các sân vận động ở Qatar và thấy sân Mỹ Đình.

PV: À, Mỹ Đình. Đó là sân vận động quốc gia của chúng ta.

Khán giả: Mà cái gì thuộc về quốc gia, luôn phải mang tính nghiêm túc, chuẩn mực, hoàn thiện và đẹp đẽ. Vậy mà...

PV: Vậy mà sao kia?

Khán giả: Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử, khi giải vô địch thế giới đang diễn ra, tại Việt Nam lại có một trận đấu bóng đá cũng lịch sử.

PV: Tôi biết rồi. Anh đang nói tới trận tuyển Việt Nam gặp Câu lạc bộ Dortmund của Đức phải không?

Khán giả: Chính xác. Cuộc chạm trán với Dortmund. Một trong những câu lạc bộ đẳng cấp thế giới, nhất định phải là một sự kiện cho bóng đá Việt Nam, dù là trận giao hữu.

PV: Vâng. Và kết quả thế nào ai cũng biết.

Khán giả: Tôi khoan nói tới kết quả thi đấu. Tôi chỉ nói chúng ta đã thua một thứ cực kỳ quan trọng trước khi hai đội bước ra sân.

PV: Thứ gì vậy?

Khán giả: Mặt sân. Bóng đá có thể thiếu tất cả, trừ một thứ là sân, nơi trận đấu diễn ra.

PV: Mà sân đó phải là sân cỏ tự nhiên.

Khán giả: Đúng, sân cỏ tự nhiên. Đó là điều tối thiểu. Cỏ ấy phải đủ tiêu chuẩn về nhiều thứ, và phải xanh biếc đồng đều. Đó là cái mà toàn thế giới đều hiểu, thậm chí còn hiểu từ rất lâu.

PV: Nhưng ở Mỹ Đình thì sao?

Khán giả: Có thể nói một cách thẳng thắn, khi bước vào sân Mỹ Đình, những bước đầu tiên, chất lượng cỏ khiến tôi choáng váng. Nó vừa lồi lõm, vừa loang lổ, không có gì xứng đáng với chữ “quốc gia”.

PV: Tôi cũng công nhận như thế, đặc biệt khi quá quen thuộc với mặt cỏ xanh biếc vừa được nhìn hàng ngày trên tivi ở Qatar hay các giải đấu thế giới.

Khán giả: Tôi biết đất nước ta còn thiếu thốn, còn khó khăn nhiều thứ. Nhưng một sân cỏ đẹp đáng giá bao nhiêu? Chả lẽ chúng ta không đủ sức?

PV: Chắc chắn là đủ sức mua.

Khán giả: Rõ là thế. Mua thực ra dễ, cái khó nằm ở chỗ cỏ phải được chăm sóc, phải được tưới và cắt xén hàng ngày. Cỏ phải được tuyệt vời, tinh tươm, thơm phức và mơn mởn mới xứng đáng là thánh đường của đam mê.

PV: Anh nói đúng. Chữ cuối cùng, chữ “đam mê”. Cỏ chỉ đẹp khi người chăm sóc có đam mê và yêu mến chúng.

Khán giả: Và sân cỏ Mỹ Đình là bằng chứng hùng hồn cho thấy chả có sự yêu mến nào hết. Và cũng chả có tính trách nhiệm gì ở đây. Có lẽ cỏ chỗ này chả khác bao nhiêu so với cỏ trên mộ Đạm Tiên mà Nguyễn Du đã miêu tả hàng trăm năm trước: “rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng, nửa xanh”.

PV: Ôi, nhưng Dortmund không phải là Đạm Tiên. Họ là một trong những câu lạc bộ có cầu thủ đẳng cấp thế giới và đầy chuyên nghiệp, đã từng thi đấu khắp nơi trên mọi hành tinh này, họ đá trong mọi thời tiết chứ không phải chỉ trong tiết Thanh minh.

Khán giả: Và tôi cam đoan rằng, trong đời cầu thủ Đức, chả mấy khi họ phải thi đấu với một đội tuyển quốc gia ở một sân như vậy.

PV: Ai cũng tin. Kể cả Đạm Tiên nếu sống lại.

Khán giả: Bóng đá sở dĩ trở nên vô địch bởi sức ảnh hưởng của nó là vì có tính công khai và tính minh bạch cực cao. Với hàng triệu người xem, với mọi giây phút, mọi ngóc ngách trên sân đều được trực tiếp. Mặt sân thi đấu không thể “photoshop” như bao nhiêu hình ảnh sống ảo trên facebook mà chúng ta vẫn thấy hàng ngày.

PV: Do đó. Việc để cỏ sân Mỹ Đình xuống cấp (tôi chỉ nhấn mạnh cỏ thôi, chưa bàn tới những thứ khác) chắc chắn là một nỗi xấu hổ mà cần quy trách nhiệm một cách thẳng thắn, nhanh chóng và rõ ràng ngay lập tức.

Lê Thị Liên Hoan
.
.