Phỏng vấn một huấn luyện viên

Thứ Tư, 08/12/2021, 21:49

Phóng Viên (PV): Thưa ông, tại sao ông có vẻ trầm tư vậy?

Huấn Luyện Viên (HLV): À, vì còn mấy tiếng đồng hồ nữa là trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam và Ả Rập Xê-út diễn ra.

PV: Vâng, điều đó ai cũng biết. Nhưng với tư cách một nhà chuyên môn, ông dự đoán kết quả trận đấu này thế nào?

pv 1 hlv - mh le tam anct 11 - 2021.jpg -0
Minh họa: Lê Tâm

HLV: Nói thực nhé, căn cứ vào các dữ liệu mà tôi xem xét kỹ, khả năng cao nhất chính là chúng ta thua.

PV: Kìa, ông nói vậy buồn quá.

HLV: Buồn nhưng đó là sự thật mà.

PV: Ông ơi, bóng đá là môn thể thao luôn có bất ngờ.

HLV: Đúng, vài trận đấu thì có bất ngờ, nhưng tổng thể thì không phải đâu, do thể thao suy cho cùng, vẫn là khoa học chứ không phải trò chơi may rủi.

PV: Chắc không ông?

HLV: Chắc chắn. Cho nên đã từ lâu, thế giới gọi các trung tâm huấn luyện bóng đá là học viện. Bản thân hai chữ “học viện” đã nói lên rất nhiều ý nghĩa khoa học rồi.

PV: Tôi hiểu.

HLV: Đội tuyển Ảrập Xê-út hơn chúng ta quá xa về thể chất, về kinh nghiệm thi đấu, về thành tích trong các giải lớn. Họ thắng chúng ta là hợp lý, và trong cuộc sống, sự hợp lý luôn luôn chiếm đa số, xin khán giả nên hiểu điều đó, mặc dù tôi biết về cảm xúc,  họ rất buồn.

PV: Nhân tiện nói về khán giả của Việt Nam, ông có nhận xét sao?

HLV: Không phải tôi, mà nhiều huấn luyện viên đã từng nói trong tâm trạng hơi chua chát: Người Việt Nam thích bóng đá, nhưng phải là thứ bóng đá chiến thắng.

PV: Ơ kìa, như thế có gì sai?

HLV: Nói thẳng thắn ra là sai chứ. Chẳng hạn, nếu nói thế này có sai không: Cha mẹ chỉ yêu con cái khi chúng nó xinh đẹp, vợ chỉ yêu chồng khi còn trẻ, hoặc giáo viên chỉ yêu những em học sinh nào học giỏi.

PV: A, như vậy là sai.

HLV: Đấy. Rõ ràng thế.

Nói chung, không riêng gì bóng đá, đa số mọi thứ trong cuộc sống của con người là ở mức trung bình, không nổi trội, đa số trẻ em không phải thiên tài, các thiếu nữ không phải hoa hậu, các sinh viên không tốt nghiệp xuất sắc và các vận động viên không đoạt huy chương.

PV: Vâng. Chẳng những họ là số đông, mà còn số đông lớn.

HLV: Nhưng những người không nổi trội đó vẫn đóng góp phần lớn những gì cho thế giới này.

PV: Xin ông quay trở về bóng đá.

HLV: Dễ thôi. Ai cũng biết giải Ngoại hạng Anh là giải bóng đá hấp dẫn nhất thế giới, có hàng tỷ người theo dõi, đúng không nào?

PV: Đúng.

HLV: Nhưng đã bao nhiêu năm nay, trong gần 20 đội bóng đá ngoại hạng Anh, chỉ có 6 đội luôn thay nhau dẫn đầu, còn lại đa số họ chỉ ở các vị trí loanh quanh.

PV: Điều đó người hâm mộ nào cũng biết.

HLV: Thế nhưng dù đội bét hoặc nhiều năm suýt bét cũng vẫn có cực kỳ đông khán giả trung thành, họ vẫn ra sân, vẫn hò hét và vẫn yêu các cầu thủ hết năm này đến năm khác, khi đội của họ... vẫn thua.

PV: Đấy mới là tình yêu đích thực.

HLV: Đúng thế. Còn chúng ta thì sao, đội tuyển chỉ thua vài trận là rất nhiều người đã như quả bóng xì hơi.

PV: Khiến các cầu thủ buồn và các huấn luyện viên... tủi thân.

HLV: Chính xác. Với tư cách huấn luyện viên bóng đá, tôi nói thật có những trận đấu chúng tôi biết thừa thua là hợp lý nhưng khán giả cứ kiên quyết không công nhận điều đó. Khiến chúng tôi có cảm giác bị cư xử bất công.

PV: Họ hiểu ông ạ. Nhưng có lẽ chính sự bất công ấy là một phần của bóng đá chăng?

HLV: Hay của bóng đá Việt Nam chăng?

Lê Thị Liên Hoan
.
.