Phỏng vấn một giám đốc

Thứ Bảy, 16/03/2024, 10:15

Phóng viên: Thưa ông, sao ông có vẻ lo lắng thế?

Giám đốc: À, do tôi vừa xem tivi.

PV: Ôi, tivi luôn có cả tin vui lẫn tin buồn. Ông bâng khuâng vì điều gì?

Giám đốc: Tivi thông báo là tỉ lệ sinh đẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh đang thấp nhất cả nước, và liên tục giảm trong 20 năm qua. Cụ thể là cứ một cặp vợ chồng bây giờ chỉ có 1,31 con.

PV: Thưa ông, ít con thì kinh tế gia đình đỡ căng thẳng, đứa trẻ được giáo dục tốt và cha mẹ có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn kia mà.

Giám đốc: Đúng vậy. Nhưng đấy là nhìn về góc độ gia đình. Tuy nhiên, nếu nhìn vĩ mô.

PV: Vĩ mô thì sao ạ?

Giám đốc: Vĩ mô là như thế này: Nước ta vẫn còn nằm trong số quốc gia đang phát triển, nghĩa là vẫn cần một lực lượng lao động đông đảo.

PV: Vâng.

Giám đốc: Nói cách khác, số lượng người lao động trẻ sẽ là một ưu thế cực kỳ quan trọng của Việt Nam trong việc tăng trưởng và cạnh tranh toàn cầu.

PV: Chắc chắn như vậy chứ?

Giám đốc: Chắc chắn. Ví dụ như chính phủ Trung Quốc đang rất lo lắng vì tỷ lệ sinh sản giảm quá nhanh, khiến cho quốc gia này không còn đủ người làm việc. Theo nhiều tổ chức nghiên cứu thế giới, vài thập kỷ nữa, Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc về kinh tế, đơn giản vì họ có một lực lượng quan trọng lao động trẻ hơn và đông hơn.

PV: À.

Giám đốc: Việt Nam chúng ta không phải là quốc gia chiếm ưu thế về công nghệ. Chúng ta trước mắt và có thể lâu dài vẫn phải dựa vào gia công, chế biến, dịch vụ. Những thứ đó cần lao động, hay nói cách khác cần công nhân.

PV: Chính xác.

Giám đốc: Cho nên tôi có suy nghĩ này: Chúng ta hay nói nhiều về chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Điều đó tất nhiên cần thiết. Nhưng muốn thế chúng ta phải có chính sách khuyến khích phụ nữ Việt Nam sinh thêm con để có nguồn nhân công. Đấy là nguồn lực mạnh mẽ để tăng trưởng.

PV: À.

Giám đốc: Mỗi gia đình Việt hôm nay, đặc biệt ở thành phố, khi sinh ra một em bé đều tính toán rất kỹ: Nào tiền ăn, tiền học, tiền thể thao, âm nhạc, giao tiếp, du học... chứ không còn đơn giản chỉ cần cơm gạo như trước. Cho nên nếu thấy thêm con không có lợi, họ sẽ không đẻ nữa. Bài toán ấy đúng với họ, nhưng lại không đúng với quốc gia.

PV: Khó nhỉ?

Giám đốc: Khó vô cùng. Do đó ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... những quốc gia đang thiếu lao động nghiêm trọng, thiếu đến mức báo động, họ luôn luôn áp dụng hai chính sách: càng ngày càng tạo thuận lợi cho những người mẹ và càng ngày càng bớt hạn chế nhập cư.

PV: Nhưng số phận một dân tộc sẽ ra sao nếu người nhập cư cứ gia tăng mãi?

Giám đốc: Các chính phủ quá hiểu như thế nên họ rất đau đầu, và hoang mang không biết làm thế nào để cân đối giữa nhu cầu tăng trưởng và bảo toàn tính dân tộc.

PV: Chúng ta chắc chắn chưa tới mức đó.

Giám đốc: Tất nhiên. Việt Nam chưa tới mức đó, nhưng nguy cơ đã lộ diện và không đến nỗi xa tít ở đường chân trời.

PV: Các thống kê cho thấy ưu thế về lao động trẻ và rẻ của Việt Nam đang mất đi khá nhanh.

Giám đốc: Do đó đã tới lúc suy nghĩ khẩn trương và nghiêm túc về vấn đề này. Hãy làm sao để phụ nữ sinh thêm con, và chắc chắn họ chỉ làm thế khi tinh thần và vật chất của họ được đảm bảo.

PV: Tỷ lệ sinh đẻ có thể là nhân tố quyết định sự thành công của một quốc gia, nói như vậy có quá đáng không?

Giám đốc: Trong một tương lai gần, tôi nghĩ là không quá đáng.

Lê Thị Liên Hoan
.
.