Phỏng vấn một chàng trai Hà Nội
Phóng viên (PV): Chàng Hà Nội đẹp trai ơi, chàng đi đâu đấy?
Chàng trai: Đi uống cà phê. Đi nghe Tuấn Hưng hát. Rồi sau đó đi coi đá bóng.
PV: A ha, toàn những thứ thích thú và hay ho. Nhưng xin hỏi này, chàng có yêu Hà Nội không?
Chàng trai: Sao nhà báo lại đặt câu hỏi vớ vẩn thế. Đương nhiên là tôi yêu rồi.
PV: Dạ, chàng yêu kiểu gì?
Chàng trai: Kiểu mạnh nhất là kiểu cảm nhận trực tiếp. Nghĩa là đối với tôi, Hà Nội phải trẻ trung, sống động và thực tiễn. Như thế có gì sai?
PV: Hoàn toàn không sai ạ. Vậy xin hỏi tiếp, chàng có quan tâm những sự kiện gì đang diễn ra ở Thủ đô không?
Chàng trai: Rất, rất nhiều. Nhưng đó là sự quan tâm có đi có lại. Nghĩa là các sự kiện ấy cũng phải hiểu tôi, dành cho tôi.
PV: Dạ, chàng có biết vừa qua Hà Nội có liên hoan sân khấu không?
Chàng trai: Biết chứ. Nhưng không hề đi xem.
PV: Trời ơi, tại sao như vậy mà nói là chàng yêu Hà Nội?
Chàng trai: Vì tôi đã tuyên bố, tình yêu có từ hai phía. Yêu đơn phương không phải là yêu.
PV: Nghĩa là?
Chàng trai: Tôi yêu Hà Nội thì Hà Nội cũng phải yêu tôi, muốn tôi tới liên hoan sân khấu Thủ đô thì liên hoan ấy cũng phải có những vở diễn dành cho lớp trẻ chúng tôi. Đúng không thưa nhà báo?
PV: Dạ, đúng ạ.
Chàng trai: Vậy mà trong số 13 vở diễn tham dự liên hoan, có tới 7 vở thuộc về đề tài lịch sử và giả sử. Theo chính lời ông trưởng ban giám khảo, liên hoan vô cùng thiếu vắng các vở diễn có đề tài hiện đại.
PV: Mà giới trẻ Hà Nội rất hiện đại?
Chàng trai: Ối trời, nói rộng ra thì giới trẻ ở đâu cũng hiện đại. Và họ hoàn toàn có quyền đòi hỏi nghệ thuật phải phản ánh những vấn đề của chính mình, của xã hội hôm nay, thế mới là cuộc sống, thế mới là chức năng to lớn của văn hóa.
PV: Vâng.
Chàng trai: Một liên hoan được các vị ban tổ chức đánh giá là thành công mà thiếu hẳn tính đương đại của thành phố thì thú thực tôi chả hiểu nó thành công ở yếu tố gì?
PV: Dạ vâng.
Chàng trai: Tại sao Tuấn Hưng hát ở ban công có hàng ngàn thanh niên xem, còn tại sao các vở diễn đều không bán vé, mở cửa tự do mà thiếu vắng người xem? Các vị tổ chức liên hoan có bao giờ đặt câu hỏi đó ra không?
PV: Chắc là không. Hoặc cũng có nhưng chả ai trả lời.
Chàng trai: Mà không trả lời cũng không sao chứ gì? Liên hoan ấy có phải cũng dùng tiền ngân sách quốc gia đấy chứ nhỉ? Mà thanh niên hay lớp trẻ phải là lực lượng quan trọng nhất, đáng quan tâm nhất của một quốc gia.
PV: Dạ vâng.
Chàng trai: Mà đây nào có phải lần đầu tiên. Nếu tôi không nhầm, năm nào tổ chức liên hoan sân khấu cũng thấy vấn đề thiếu vắng tính đương đại nổi lên. Kỳ cục biết bao, khi thanh niên hàng ngày rất nhiều vấn đề nhưng nó hoàn toàn nằm ngoài sàn diễn.
PV: Ừ, kỳ cục thật. Nhưng chàng ơi, nếu tổ chức liên hoan mà người ta cứ mang kịch lịch sử đi thi thì làm thế nào?
Chàng trai: Thì ra điều lệ trước đó chứ sao. Lý do gì không nêu tiêu chí của hội diễn ngay từ đầu là chỉ cho tham dự những vở về đề tài hiện đại.
PV: Chả có lý do gì cả. Chẳng qua là họ cứ muốn tổ chức, bất chấp... tính... đương thời.
Chàng trai: Tôi vô cùng buồn cười, vô cùng ngạc nhiên sao có nhiều vị lý luận phê bình ngồi dự liên hoan ở dưới ghế cùng với nhiều vị đạo diễn “có trí thức bậc cao” mà họ không hiểu nổi một nguyên lý đơn giản là nghệ thuật chân chính phải là nghệ thuật phản ánh những vấn đề của thời đại nó. Đấy là nguyên tắc tối cao.
PV: Họ hiểu chứ, nhưng họ nhắm mắt vờ quên.
Chàng trai: Một bài hát nổi tiếng có câu như sau: “Hà Nội mến yêu của ta, Thủ đô mến yêu của ta, là ngôi sao mai rạng rỡ”. Nghĩa là ngôi sao ấy đang phát sáng trực tiếp, vậy mà cái ánh sáng đó lại không thấy tồn tại trên sàn diễn của thế kỷ 21 là sao nhỉ? Làm gì có thứ ánh sáng được cất đi từ hôm qua hoặc từ mấy chục năm trước mà vẫn soi rọi cho cảnh vật hôm nay.
PV: Ý anh là gì? Chàng trai Hà Nội?
Chàng trai: Ý tôi là việc “thiếu vắng các tác phẩm mang tính đương đại” trên liên hoan sân khấu Thủ đô phải là một vấn đề trầm trọng, đáng giật mình chứ không phải là chỉ đáng tiếc, và phải tìm ra trách nhiệm từ ai.