Phỏng vấn một bác sĩ

Thứ Ba, 22/11/2022, 11:06

Phóng viên (PV): Thưa ông, cả ngàn năm nay người ta vẫn nói, kẻ thù của bác sĩ là bệnh tật, đúng không ạ?

Bác sĩ: Đúng. Đúng vô cùng. Nhưng có lẽ ở nước ta hiện nay, chân lý đó có một chút thay đổi rồi.

PV: Thay đổi như thế nào ạ? Thay đổi có lớn không?

Bác sĩ: Lớn vô cùng. Bây giờ kẻ thù của bác sĩ có khi là... người bán thuốc!

pv mot bac si - mh le tam angt 11 - 2022.jpg -0
Minh họa: Lê Tâm

PV: Cái gì? Người bán thuốc à? Tôi nghe có nhầm không đấy?

Bác sĩ: Rất tiếc là nhà báo không nhầm. Đúng thế thật. Rất nhiều người bán thuốc hiện nay đang góp phần làm cho bệnh tật thêm nặng và thêm phức tạp.

PV: Tại sao vậy? Bởi vì theo tôi biết, người bán thuốc phải có bằng dược sĩ kia mà?

Bác sĩ: Trên lý thuyết đúng như thế. Phải có bằng dược sĩ mới xin được giấy phép mở nhà thuốc. Nhưng đứng tên trên giấy là một chuyện, trực tiếp bán hàng lại là chuyện khác.

PV: À.

Bác sĩ: Và ngay cả người bán hàng có là dược sĩ đi nữa thì họ chẳng hề được đào tạo về khám chữa bệnh. Đúng không nào?

PV: Vâng.

Bác sĩ: Việt Nam mình là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới mà bất cứ ai, ra bất cứ hiệu thuốc nào, mua bất cứ thuốc gì đều được cả.

PV: Công nhận, mặc dù cũng có quy định phải trình lên bác sĩ, nhưng chả ai kiểm tra và chẳng ai giám sát điều đó.

Bác sĩ: Rõ ràng thế. Hậu quả là nhà báo hãy thử làm thí nghiệm như sau: Ra hiệu thuốc gần nhà nhất, kể tên một thứ bệnh, chắc chắn sẽ được nhân viên bán hàng tư vấn cho một danh sách các thuốc cần mua.

PV: Công nhận thí nghiệm đó chắc chắn sẽ thành công. Kết luận là trên thực tế, nhân viên bán thuốc kiêm luôn bác sĩ.

Bác sĩ: Chính xác. Từ đó suy ra từng giờ từng phút có hàng trăm ngàn nhân viên tiệm thuốc đang thường trực kê đơn cho những ai tới kể bệnh và chẳng hề chịu trách nhiệm gì cả. Đối với rất nhiều người dân, xử sự với bệnh tật như thế quả là thuận tiện.

PV: Ghê thật. Nên gọi những nhân viên đó là lang băm không nhỉ.

Bác sĩ: Lang băm tự chế thuốc, còn họ bán thuốc do các hãng dược phẩm danh tiếng toàn thế giới làm ra.

PV: Nhưng bác sĩ ơi, phải công nhận đa số người dân mua thuốc theo kiểu đó về dùng vẫn khỏi bệnh.

Bác sĩ: Tất nhiên. Vì đa số bệnh tật của cơ thể là thông thường, nghĩa là đa số chúng có thể điều trị bằng đơn thuốc phổ thông. Tuy nhiên...

PV: Tuy nhiên sao?

Bác sĩ: Chữa khỏi bệnh là một chuyện nhưng để lại di chứng cho cơ thể lại là chuyện khác.

Những nhân viên nhà thuốc kiêm bác sĩ hầu như đều dùng phương pháp sử dụng kháng sinh quá liều, họ không hề quan tâm tới di chứng về sau. Bởi vì đó là chuyện của nhà thuốc khác và nhân viên khác.

PV: Ái chà.

Bác sĩ: Đối với tiệm bán thuốc, mục đích cao nhất là bán được nhiều. Do đó họ thường ưu tiên cho người mua những loại thuốc đắt tiền, rất nhiều những thuốc phụ trợ mà hiệu quả lớn nhất là giảm bớt túi tiền của bệnh nhân.

PV: À.

Bác sĩ: Thật buồn cười, khi trong xã hội hiện nay, lái xe trên phố phải có bằng, vào làm công ty phải có chứng chỉ, đến làm thợ mát-xa cũng có giấy phép hành nghề, nhưng hàng triệu, hàng triệu người có thể mua thuốc mà không cần đơn.

PV: Và có vẻ điều này còn lâu mới chấm dứt?

Bác sĩ: Tôi chả hề thấy dấu hiệu gì sẽ chấm dứt. Một bác sĩ học y khoa phải từ 5 đến 7 năm, sau đó thực tập và nâng cao liên tục, còn một nhân viên bán thuốc có thể học rất lơ mơ hoặc chả học gì và vẫn được đứng bán cả đời và ngày đêm kê đơn cho thiên hạ.

Lê Thị Liên Hoan
.
.