Phỏng vấn cúp vàng
Phóng viên (PV): Thưa anh, sau trận chung kết World Cup vừa qua, chắc chắn cả thế giới đang nhìn về anh. Anh có tâm trạng thế nào?
Cúp vàng: Tất nhiên là tôi sung sướng, tôi hãnh diện và tôi ngạc nhiên.
PV: Ngạc nhiên về điều gì?
Cúp vàng: Suy cho cùng tôi cũng chỉ là cục vàng thôi. Và cũng nặng chưa tới 10 ký. So với một cá nhân giàu có, cũng chả đắt đỏ gì
PV: Ừ đúng. Vậy tại sao tất cả mọi người nhìn anh đều mơ ước?
Cúp vàng: Vì tôi gây ra cho họ những cảm giác mà có lẽ không vật thể nào trên trái đất này đạt được.
PV: Cảm giác gì nhỉ?
Cúp vàng: Hồi hộp. Toàn bộ giá trị của cúp vàng nằm ở hai chữ đó trước khi World Cup diễn ra. Không một cỗ máy nào dù thông minh nhất có thể biết trước kết quả các trận đấu một cách chính xác hoàn toàn.
PV: Đúng thế.
Cúp vàng: Tôi là một vật thể bất động. Nhưng tôi lại tượng trưng cho những cảm xúc chuyển động vô cùng mãnh liệt, vô cùng khác lạ sau chỉ vài giây. Và thế giới này cần điều đó.
PV: Đồng ý với anh. Bóng là một nghệ thuật chứ không phải đơn giản là thể thao. Mà nghệ thuật thành công hay thất bại, nằm ở chỗ gây cảm xúc.
Cúp vàng: Chẳng hạn như trận chung kết giữa đội tuyển Pháp và đội tuyển Argentina. Cảm xúc do nó mang lại có thể nói đưa tới một đỉnh cao đến nỗi cả người thắng, cả người thua cũng đều hài lòng.
PV: Vì sao?
Cúp vàng: Vì kịch tính đã được duy trì đến giây cuối cùng. Một thứ kịch tính không giống ai, nhưng ai cũng mơ ước và muốn được chứng kiến trong đời.
PV: Vậy từ đấy anh suy nghĩ gì?
Cúp vàng: Ở mỗi nơi, mỗi thời đại, mỗi thời điểm, tôi có một suy nghĩ khác nhau. Nhưng nếu như tôi đến Việt Nam, tôi sẽ có ý kiến này:
Nếu trận chung kết World Cup là một tiết mục thì điện ảnh và sân khấu Việt Nam cũng là một tiết mục từ mỗi tác phẩm.
PV: Vâng.
Cúp vàng: Nhưng tại sao điện ảnh và sân khấu không có người xem? Thậm chí theo những thống kê đáng lo ngại gần đây, số lượng khán giả ngày càng giảm.
PV: Nguyên nhân do đâu nhỉ?
Cúp vàng: Do các tác phẩm ấy thiếu một đặc tính cơ bản của bóng đá: Đó là sự bất ngờ.
PV: Bất ngờ?
Cúp vàng: Chính xác. Nếu như xem bóng đá đỉnh cao, khán giả không thể đoán trước được điều gì, nhiều lúc chỉ còn vài giây cuối cùng, kết quả cũng hoàn toàn đổi khác thì phim và kịch Việt Nam không thế.
PV: Xin anh nói rõ ý này?
Cúp vàng: Xem phim hay kịch Việt Nam, gần như tất cả, chỉ sau mươi phút là mọi người đoán ngay được cái kết hoặc diễn biến sẽ như thế nào. Thế thì lấy đâu ra hấp dẫn?
PV: Ừ nhỉ.
Cúp vàng: Nghệ thuật của Việt Nam thiếu một nhân tố vô cùng quan trọng là kịch tính. Phim và sân khấu là miêu tả những xung đột và sự chiến thắng của phe nào là phải luôn luôn bất ngờ, luôn luôn khó khăn nhưng ngẫm lại thì hợp lý. Tuy nhiên phần lớn các tác phẩm không làm được điều đó. Nó nhàm chán và thường kết thúc một chiều.
PV: Buồn nhỉ.
Cúp vàng: Tại sao toàn thế giới đều chỉ muốn xem bóng đá được truyền hình trực tiếp hoặc ở trên sân? Bởi vì khi đã biết trước tỷ số thì chả còn ai có hào hứng hết. Việc dễ dàng đoán được bộ phim ấy, vở diễn ấy cuối cùng sẽ ra sao, khiến khán giả thờ ơ và chán nản, hoặc chả còn động lực mua vé.
PV: Chính xác.
Cúp vàng: Sân khấu và điện ảnh sẽ chẳng thu hút được người xem nếu những người thực hiện nó cứ tư duy theo kiểu công thức và nhàm chán. Hầu như tất cả cốt truyện, tất cả các xung đột đều diễn ra như bao lần trước và được giải quyết theo thói quen, do đó sẽ còn thua bóng đá không biết tới bao giờ.
PV: Công nhận nghệ thuật sân khấu và điện ảnh của chúng ta rất thiếu kịch tính, thiếu những pha làm bàn đột phá và ngẫu hứng. Tại sao thế nhỉ?
Cúp vàng: Đầu tiên là lối tư duy an toàn, cũ kỹ của huấn luyện viên; sau đó là thiếu những sự dũng cảm của người quản lý; cuối cùng là thiếu những đột phá cá nhân, thiếu bản lĩnh của người nghệ sĩ.
PV: Nói ngắn gọn là thiếu đẳng cấp.
Cúp vàng: Kết luận như thế cũng đúng. Buồn thay! Trong bóng đá có trận thắng mà như thua, hoặc thua mà như thắng. Còn trong phim và sân khấu Việt Nam luôn luôn biết trước ai sẽ thắng, nhưng khán giả lại thua.