Phỏng vấn Cọp

Thứ Sáu, 21/01/2022, 10:57

Phóng viên (PV): Thưa anh Cọp, anh có phải là chúa tể rừng xanh không?

Cọp: Chắc chắn rồi. Nhưng điều đó nghĩ kỹ thật ra rất buồn.

PV: Tại sao buồn, thưa anh?

Cọp: Tại rừng xanh hôm nay có còn bao nhiêu đâu. Đã thế hầu như không có người ở đó.

PV: Vậy tại sao thiên hạ vẫn sợ cọp. Vẫn mang cọp ra dọa nhau, và các đấng anh hùng vẫn đeo răng cọp trên ngực.

Cọp: Đầu tiên tôi khẳng định, mười răng cọp họ đeo thì ít nhất chín cái là giả và mười chàng đeo cũng không có nổi một anh hùng.

PV: Nghĩa là cọp thật ra không hề nguy hiểm?

Cọp: Đúng vậy. Có khi đã mấy chục năm rồi, toàn cõi Việt Nam chưa có ai bị cọp vồ. Số người chết vì muỗi có thể gấp trăm lần vì cọp.

PV: Lạ nhỉ?

Cọp: Chả có gì lạ. Để tôi tiết lộ một bí mật cho nhà báo nghe nhé: Ngày hôm nay, thứ nguy hiểm nhất đối với bà con không phải là hổ, báo, cọp, beo... Không phải là những thứ có răng to, mồm lớn hoặc móng vuốt sắc khoẻ.

PV: Ồ.

Cọp: Thứ nguy hiểm nhất với xã hội là thứ không nhìn thấy được cơ, thứ chả ai bắt gặp bao giờ.

PV: Thí dụ?

Cọp: Thí dụ như con virus COVID-19 chẳng hạn. Toàn thể loài người có ai nhìn rõ nó đâu.

PV: Ừ nhỉ.

Cọp: Tôi cam đoan chỉ trong hai năm, con virus đã giết số người hơn cả triệu lần toàn bộ cọp, beo trên thế giới từ ngàn năm nay. Và có vẻ hình như nó còn chưa dừng lại. Trong khi cọp chúng tôi ở nhiều nơi đã tuyệt chủng lâu rồi.

PV: Ờ há.

Cọp: Từ đó suy ra, chừng nào những sự gian ác còn nhìn thấy thì chừng đó bọn chúng còn dễ trị. Sợ nhất đối với xã hội là những thứ vô hình vô ảnh kìa. Hoặc có hình ảnh mà hoàn toàn khác, thậm chí xinh đẹp và đáng yêu, đáng tin.

PV: Thứ gì theo kiểu đó?

Cọp: Cả ngàn thứ. Một ông giám đốc thanh lịch tham nhũng, một cô gái đẹp hại người, mới nhìn qua chẳng giống cọp tí nào, mới nhìn qua chẳng những chả ai té chạy mà còn mơ ước được bắt tay, được ôm hôn, được bá vai bá cổ. Thế nhưng thật ra ác hơn cọp trăm lần.

PV: Anh đừng có đánh lạc hướng, đừng có bao biện. Xưa nay cọp vẫn ác. Chưa ai thấy cọp ru em bé ngủ, cọp thăm hỏi người già hoặc cọp làm thơ lãng mạn. Cọp chỉ vồ, chỉ cắn và chỉ lao vào tấn công người ta.

Cọp: Thứ nhất cọp chỉ làm thế lúc đói, và ngay cả khi đói, cọp rất, rất ít khi xơi người. Còn những kẻ gian ác kia, chúng có thể tham nhũng, có thể trộm cắp, có thể hành hạ người khác khi no, thậm chí no căng bụng, vẫn cứ tiếp tục không bao giờ dừng lại.

Bởi vì cọp hay muông thú xưa nay chỉ làm theo bản năng. Còn những kẻ ác trong loài người làm theo ý thức. Mà ý thức, một khi đi kèm với lòng tham và kiến thức thì có sức mạnh hơn cọp ngàn lần.

36.jpg -0
Minh họa Lê Tâm.

PV: Bực thật!

Cọp: Bực nhất là loài người cho tới lúc này vẫn mang  cọp ra hù dọa nhau hoặc làm oai cho nhau, trong khi thật ra cọp rất đáng thương, rất mềm mại và rất mong manh dễ vỡ!

PV: Thôi, thôi, dừng lại đi. Cọp mà mong manh dễ vỡ. Nói thế không sợ thiên hạ cười sao.

Cọp: Cười nỗi gì? Muốn giết cọp chỉ cần chặt cây cho mất rừng. Còn muốn diệt bọn tham nhũng hay ăn cắp, xã hội làm bao nhiêu chuyện mà đã xong đâu.

PV: Ừ nhỉ?

Cọp: Trong thế kỷ 21 này, tôi khẳng định những cái ác, nhất là những thứ có thể chẳng bao giờ nhìn thấy, chẳng có hình hài gì cả. Và điều lạ lùng nhất là cái ác nhiều khi ẩn nấp trong mỗi cá nhân, hễ có dịp là nhảy xổ ra, còn nhanh hơn cọp vồ mồi.

PV: Gớm, Cọp! Dừng lại. Loài người không thể như anh, không nhảy xổ vào con mồi.

Cọp: Chắc không? Vì cọp nhảy bằng chân, chứ người có rất nhiều cách, thậm chí vài cách nhìn bề ngoài rất tốt đẹp, để nhảy xổ vào nhau hoặc vào các mối lợi. Điều ấy cần gì phải chứng minh.

PV: Tóm lại, năm mới anh cho rằng mình là một người lương thiện?

Cọp: Tôi không thể là người lương thiện. Nhưng tôi cũng không bao giờ là người ác. Tôi chỉ là cọp lương thiện mà thôi.

PV: Vậy với tư cách cọp lương thiện, anh khuyên xã hội điều gì?

Cọp: Khuyên các bạn nhớ lấy: Cọp không phải thú dữ. Cọp có thể ngắm trăng, uống nước suối, ăn sâu bọ và côn trùng. Cọp chưa bao giờ tham tiền, thu đất đai, tham chức tước, là những thứ khiến bao kẻ gây hại không phải trong rừng, mà trong thành phố rực rỡ sáng choang.

Lê Thị Liên Hoan
.
.