Phỏng vấn con cá
PV: Anh Cá à, hạnh phúc nhất của anh là gì nhỉ?
Cá: Đơn giản lắm. Đó là được tung tăng trong nước hay nói cách khác là được bơi lội trong một dòng sông.
PV: A, sông. Đó là một thứ không phải chỉ tôm cá, mà tất cả thành phố trên đời đều mơ ước.
Cá: Rất đúng. Không có gì sung sướng cho bằng một đô thị lại có một con sông lớn chảy ngang qua.
PV: Như Sài Gòn?
Cá: Chính xác. Như Sài Gòn. Nơi có một dòng sông lớn đã bao năm. Đấy là điều không phải phố phường nào cũng có được.
PV: Ngay cả Hà Nội?
Cá: Ừ. Ngay cả Hà Nội thì sông Hồng cũng chỉ chảy ở ven thôi. Vậy mà người Hà Nội cũng cảm thấy tự hào và may mắn lắm rồi.
PV: Cho nên rất tuyệt khi Sài Gòn có đường Tôn Đức Thắng và có bến Bạch Đằng. Nơi ấy cả thành phố sẽ ra hứng gió và bao nhiêu năm nay mùa xuân nào cũng xem bắn pháo hoa.
Cá: Pháo hoa nở trên trời và soi bóng lung linh dưới nước. Hình ảnh này mới hùng vĩ làm sao. Nhưng nhà báo ạ, tôi tiếc, tiếc vô cùng.
PV: Anh tiếc cái gì?
Cá: Tiếc là Sài Gòn có con sông như thế mà không biết khai thác nó.
PV: Khai thác bằng cách nào, đánh cá ư?
Cá: Không. Tuyệt đối không đánh cá.
PV: Hay là xây các căn hộ cao cấp ven sông. Cái đó họ đã làm rồi.
Cá: Tôi biết, nhưng những căn hộ sang trọng ấy chứa được bao nhiêu người? Trong khi dòng sông là của toàn thành phố?
PV: Ý anh là sao?
Cá: Ý tôi là đáng ra, từ rất lâu, chính quyền phải quy hoạch và xây dựng đường hai bên bờ sông.
PV: Kìa anh, họ có làm đấy chứ.
Cá: Có làm. Nhưng một đoạn rất ngắn, thành ra tuy bờ sông vừa dài vừa rộng mà nổi tiếng có mỗi bến Bạch Đằng, rất nhiều đoạn còn bỏ hoang hoặc còn nham nhở, lộn xộn.
PV: Ừ nhỉ.
Cá: Tin tôi đi. Nếu một thành phố khác ở một quốc gia khác có một con sông đẹp chảy ngang chắc chắn dân chúng sẽ sung sướng tận cùng và chính quyền sẽ tận dụng tối đa.
PV: Còn chúng ta thì sao?
Cá: Chúng ta mới khai thác ở mức độ hết sức sơ sài. Đấy, nhà báo coi đi, tàu du lịch chạy trên sông Sài Gòn khách vắng teo vì chả có gì hai bên bờ mà ngắm.
PV: Do Nhà nước còn thiếu kinh phí anh ơi.
Cá: Chẳng tin. Làm đường hai bờ sông chắc chắn không thể đắt bằng đường cao tốc. Tôi cho rằng chúng ta bị thiếu tầm nhìn.
PV: Có lẽ anh đúng thật.
Cá: Đến Paris ai cũng nói tới sông Seine, tới Seoul ai cũng nói tới sông Hàn bởi vì người ta biết quy hoạch, biết biến lợi ích thiên nhiên trở thành biểu tượng văn hóa; còn sông Sài Gòn chưa được như thế, mặc dù nó to và hùng vĩ hơn nhiều.
PV: Tóm lại, giữ gìn, khai thác và bảo vệ, xây dựng thành phố hai bên bờ sông là mục tiêu vô cùng quan trọng?
Cá: Chính xác. Nếu nghĩ rằng chỉ cá bơi dưới nước mới tận hưởng sông thì đó là cái nhìn hạn hẹp. Thật ra, người ở trên cạn trong thế kỷ hôm nay cần sông hơn rất nhiều lần.
PV: Anh nói phải, hãy nhìn thành phố Sài Gòn đó. Cả ngàn căn hộ chung cư cao cấp đã mọc lên, đường xe điện ngầm sắp khánh thành nhưng bờ sông đa số vẫn còn hoang vắng, thì đấy là một sai lầm lớn lao, anh cá nhỉ?
Cá: Chẳng những cá, mà tôm, mà cua, mà ốc cũng nhận ra điều này. Mãi mấy tháng nay mới khánh thành công viên Thủ Đức ven sông. Như thế là chậm quá và ít quá!