Phỏng vấn bình chữa cháy
Phóng viên (PV): Thưa anh, chắc những ngày này anh cũng biết cả Hà Nội đang buồn bã nói về vụ cháy chung cư mini?
Bình: Chắc chắn tôi biết và tôi rất khổ tâm.
PV: Khổ tâm là chưa đủ, thưa anh. Trách nhiệm của anh tới đâu trong chuyện này?
Bình: Ôi, nhà báo nhầm rồi.
PV: Sao lại nhầm?
Bình: Vì tôi tuy là cái bình chữa cháy nhưng tôi không tự hoạt động được. Phải có bàn tay con người.
PV: À.
Bình: Cho nên nếu nhà báo để ý sẽ thấy chuyện đau lòng là nhiều căn nhà sau khi cháy, bình cứu hỏa vẫn còn nguyên.
PV: Do lúc ấy người ta hoảng loạn quá, hoặc khói đen bốc lên dày đặc quá, chả còn nhìn thấy bình.
Bình: Chính xác. Nhưng toàn thế giới đều hiểu, để cháy mới cứu chữa là sai lầm rồi, dù phương tiện cứu hộ có hiện đại tới đâu.
PV: Đúng.
Bình: Điều quan trọng nhất là để đám cháy không xảy ra kìa.
PV: Bằng cách nào?
Bình: Có nhiều cách lắm. Và một trong những phương pháp đơn giản nhất, đầu tiên nhất là nhà ở phải xây theo thiết kế an toàn.
PV: Chuyện đó ai cũng biết.
Bình: Vâng. Nhưng điều kinh khủng này ai cũng biết luôn: Đó là hầu như các ngôi nhà xây không đúng thiết kế an toàn, hoặc vi phạm trắng trợn các nguyên tắc cứu hộ mà vẫn được thông qua.
PV: Bằng chứng?
Bình: Bằng chứng hiển nhiên là căn chung cư mini vừa cháy gây ra hơn 50 người chết ở Hà Nội được cấp phép 6 tầng mà đã xây tới 9 tầng.
PV: Mà sau đó vẫn trôi chảy.
Bình: Vẫn trôi chảy. Vẫn đưa cư dân vào ở. Và trên toàn thành phố Hà Nội, tôi cam đoan có rất nhiều nếu như không phải tất cả chung cư xây dựng đều sai phạm so với giấy phép.
PV: Trời đất, vậy người ta cấp giấy phép để làm gì?
Bình: Để giải quyết hậu quả sau khi xây! Mà sự giải quyết này đa số không hề có trong văn bản. Nói thẳng ra là “chạy chọt”.
PV: Kinh khủng quá.
Bình: Như tôi đã từng có nhiều lần, từ lâu rồi cảnh báo trong xây dựng sai giấy phép vô cùng phổ biến ở nước ta, và các cấp chính quyền làm ngơ rất nhiều lần.
PV: Nhiều cỡ nào?
Bình: Đến cỡ người dân thì thầm, “kẻ nào không xây sai là dại”.
PV: Đáng sợ.
Bình: Cho nên cũng đã lâu rồi trong xây dựng nhà cửa, người thì sai phạm về độ cao, người thì sai phạm về lộ giới, về lấn chiếm khoảng không, về an toàn điện, an toàn cháy nổ. Kể không sao xiết.
PV: Giận thật.
Bình: Giận nhất là khi xảy ra chuyện cũng không thấy ai chịu trách nhiệm, người nọ đổ người kia, cơ quan này kể tội cơ quan khác.
PV: Cho đến khi hỏa hoạn khủng khiếp xảy ra.
Bình: Vâng. Cho nên tôi đề nghị, nhân vụ tai nạn thương tâm chấn động này, lãnh đạo cấp cao ra chỉ thị cực kỳ đơn giản: Từ nay trở đi, không chấp nhận bất cứ một sai phạm nào trong xây dựng.
PV: Chính xác.
Bình: Cũng từ phút này trở đi, khi có một công trình phạm lỗi vẫn được nghiệm thu thì chính quyền cơ sở phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
PV: Mà không chờ đến khi ngọn lửa bùng lên.
Bình: Rõ ràng thế. Không chờ tai nạn xảy ra.
Tục ngữ Việt Nam có câu rất nổi tiếng “Mất bò mới lo làm chuồng”. Còn đây là mất người, do đó nhân dịp này, vô cùng cương quyết, vô cùng cứng rắn, không chấp nhận bất cứ một ngoại lệ nào của bất cứ ai nếu như sai phạm trong xây dựng. Như thế mới làm cho những điều bi thảm không xuất hiện tiếp theo.