Những xa xỉ xưa cũ

Thứ Bảy, 16/04/2022, 14:29

LTS: Có bao giờ bạn giật mình nhìn lại và chợt thấy trong xã hội hiện đại này, có những thứ vô cùng bình thường của những ngày xa xưa bỗng dưng trở thành những thứ xa xỉ và hiếm có. Tất nhiên, câu hỏi này không dành cho những người ở thế hệ Gen Z, thế hệ mà “ngày xưa” của họ,  những thứ bình thường của thế hệ cha anh, cũng đã thành xa xỉ rồi…

Thế giới không cải lương

Tôi chợt nhớ lại về vọng cổ khi tham gia một buổi… hát karaoke trong đám giỗ ở miền Tây.

Khách đến nhậu đều hát như nuốt đĩa, từ “Dạ Cổ Hoài Lang” cho đến vài trích đoạn trong “Lan và Điệp”, hay “Tây Thi gái nước Việt”… Một người không biết hát vọng cổ như tôi hoàn toàn trở thành khán giả bất đắc dĩ, trong không khí sống động tương tự một rạp hát cải lương thật sự (dù mọi so sánh đều khập khiễng), bầu không khí mà có lẽ đến giờ trong cuộc đời gần bốn mươi năm tôi mới được trải nghiệm đâu đó 1-2 lần.

Những xa xỉ xưa cũ -0

Đấy là lần đầu tiên tôi vào Sài Gòn, và được bác dẫn đi nghe cải lương ở nhà hát Trần Hữu Trang, quận 1. Một ký ức không dễ gì quên được: tôi không hiểu lắm về cải lương, nhưng buổi diễn đó thực sự xúc động. Khán phòng chật ních, và nghệ sĩ thực sự có hưng phấn để biểu diễn. Từ đó đến nay, tôi đã nghe biết bao trích đoạn cải lương trên radio, truyền hình, và thậm chí Youtube, nhưng không thể tìm lại được cảm giác năm nào. Cải lương trên màn hình kỹ thuật số là một thứ gì đó đã chết đi phần hồn.

Gần 20 năm sau, một buổi nhậu đám giỗ làm cảm giác ấy sống lại: ngoài kia, người ta nói cải lương đang chết, nhưng trong những sân vườn đầy nắng của đồng bằng sông Cửu Long, nó vẫn sống, mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể tiếp xúc được đông đảo những người biết hát cải lương như thế ở miền Tây. Các cuộc vui nhỏ này ngẫu nhiên cung cấp cho những nghệ thuật xưa cũ một chỗ đứng mà ngày nay không còn: không gian. Những nhà hát cải lương cũ ở Sài Gòn giờ chỗ thành trung tâm thương mại, chỗ lại được giao cho một tập đoàn bất động sản lớn, hay trụ sở ngân hàng.

Những thú vui nhỏ này như ngọn lửa nhỏ đang dần tắt: không còn ai bỏ tiền mua vé xem chúng nữa. Cải lương, giống như tuồng, chèo, và rất nhiều thú vui phổ biến từng có, đã biến mất. Thị trường không còn chỗ cho chúng nữa. Những năm 1998-2000, mức cát-xê của ngôi sao cải lương có thể lên đến hơn một cây vàng một đêm. Hiện tại, nó chỉ còn vài trăm ngàn. Các câu chuyện trên báo đều xoay quanh việc nghệ sĩ cải lương giờ không sống nổi bằng nghề, và kéo khán giả quay lại rạp xem những vở diễn là một việc vô vọng.

Trong một thế giới điển hình của những thị dân, chúng ta dường như chẳng có gì phải trăn trở: các ký ức tập thể cũ sẽ có một bản ghi khác đè lên, như một điều tất lẽ dĩ ngẫu. Cải lương, tuồng, chèo thoái trào thì đi nghe nhạc rap, nhạc Hàn. Không đến nhà hát đã có Youtube, loa vòm, đầu kỹ thuật số. Thiếu vắng giải trí công cộng được bù đắp lại bằng những phố đi bộ, hay các công viên. Ngày nay, chúng ta không lo lắng vì những gì đã và đang mất đi nữa, vì nền sản xuất, bao gồm cả lĩnh vực giải trí, đã tạo ra hàng hóa vượt quá mọi nhu cầu.

Nhưng điều nhức nhối là bạn đã có ký ức về những thú vui như thế. Tôi không thể cảm thấy ổn được, khi cuối tuần chỉ có duy nhất 1-2 lựa chọn, hoặc nằm nhà xem Netflix bằng loa vòm, và hai là ra rạp để xem phim bom tấn với nhiều hiệu ứng thị giác. Bàn tay vô hình của thị trường đã vạch ra lối đi này: anh buộc phải nhai đi nhai lại những món mà đám đông thấy ngon, và chấp nhận đánh mất những ký ức từng có. Văn hóa đơn giản là những cuộc thực hành đi thực hành lại để truyền lại những ký ức cùng nhau, nhưng các rạp chiếu bom tấn không hẳn là ưu tiên cho trải nghiệm kiểu này: chúng tấn công mạnh vào nghe nhìn, hơn là cảm xúc.

Tôi còn nhớ lần đầu đi xem cải lương, bác tôi đã phải mua đôi vé trước cả tuần, và chờ mướt mồ hôi để ổn định chỗ ngồi. Vé cũng không hề rẻ so với thu nhập của bác. Ngày nay, để biết cải lương là gì, tôi có thể chỉ cần ngồi nhà, gõ vài dòng lên thanh tìm kiếm, lên Youtube nghe lại, và những tương tác hời hợt này lại càng làm giảm sức sống của chính cải lương: những ai tò mò sẽ không còn hứng thú gì, và tiếp tục nghĩ rằng những gì thị trường lựa chọn để đưa cho họ hiện tại là đúng đắn.

Và chúng ta thì không thể cắt nghĩa được các ký ức đã có như thế nào, nếu một ngày có ai đó hỏi, cải lương, hay tuồng, chèo là gì? Ta chỉ có cách tạo ra một không gian, đặt những người đi sau vào đó, và để họ tự cảm nhận. Không một bản ghi hay dòng Google nào có thể lưu lại những cảm xúc đã từng có. Các bit thông tin phẳng không thể làm gì trong cuộc truyền thụ lại văn hóa, vì chúng thiếu sức mạnh cơ bản của các buổi thưởng thức nghệ thuật cũ: nỗ lực của chính người xem. Trong vai một người tiêu dùng văn hóa, ta chỉ lướt qua các lựa chọn, và không còn đủ năng lượng để cảm thụ thật sự.

Trong sự chọn lọc tưởng chừng rất tự do của thị trường kiểu này, chúng ta buộc phải làm quen với việc quên đi. Nếu may mắn như tôi, bạn có thể ngẫu nhiên tìm lại ký ức từng có ở một không gian phi-thị-trường nào đó, nơi mà dù văn hóa chỉ để lại một dấu chân nhẹ nhàng, cũng đủ để lay động tâm khảm. Các ký ức văn hóa có sức mạnh như thế đấy, dù với tôi, trong vai một người đi tiêu thụ, đã gần như cả đời chỉ tương tác với phim rạp bom tấn và file nhạc kỹ thuật số. Thế giới ấy dường như ngọt ngào hơn, chỉ với một chút cải lương, từ một buổi chiếu của hai mươi năm về trước.

Phạm An

Điều bình thường mất đi

Tôi có hẹn với một cô người yêu, rằng mình sẽ đưa cô ấy đi xem xiếc. Tôi không nhớ tại sao cô lại có mong muốn ấy, chỉ nhớ rằng mình đã hẹn như thế. Bởi đến khi chia tay, tôi vẫn chưa thực hiện lời hứa. Người ta sẽ nhớ những sự áy náy như thế rất lâu. Mỗi lần tôi đi ngang qua Rạp xiếc Trung ương chỗ hồ Thiền Quang, tôi lại nhớ rằng mình đã từng hẹn một người đi xem xiếc, rồi lại thất hẹn.

Những xa xỉ xưa cũ -0

Nàng không chơi Facebook, nhiều năm mới cập nhật ảnh đại diện một lần, nên tôi cũng không biết người chồng sau này có đưa nàng đi xem xiếc không. Tôi hy vọng rằng có. Vì tôi không chỉ áy náy với nàng, mà tôi còn áy náy cả với Rạp xiếc Trung ương.

Bên trong rạp xiếc, tôi luôn cảm thấy buồn. Phía sau sân khấu của Rạp xiếc Trung ương, tôi gặp nhiều nghệ sĩ, và họ đều đồng thuận một điều: họ không đủ sống. Không có môn nghệ thuật nào mang lại nhiều nguy hiểm cho người trình diễn như thế. Khối lượng tập luyện để một người thiếu niên trở thành một nghệ sĩ nhà nghề, đem thân mình treo trên dây, đặt cược tính mạng vào những phản xạ từng micro giây, là không thể đo đếm được. Nhưng họ không đủ sống.

Ngày ấy, tôi gặp một nghệ sĩ già. Cha ông đã cống hiến cả đời cho ngành xiếc. Ông cũng đã dành trọn một đời tập luyện để trở thành nghệ sĩ xiếc, rồi lại đào tạo những đứa con của mình theo nghề xiếc. Nhưng ông nói mình buồn lắm. Ông khóc trước mặt tôi. Cô con gái lớn gặp tai nạn khi biểu diễn gần 20 năm trước, đã liệt cổ. Hồi ấy, may mắn là tiết mục ấy do chuyên gia châu Âu chỉ đạo, nên người ta áy náy, đưa ra nước ngoài điều trị mới không liệt toàn thân. Cậu con trai thứ của ông đã bỏ nghề xiếc, đi bán điện thoại online.

Ông cho tôi xem bao nhiêu là bằng khen, cả thư của lãnh đạo quốc gia, hồ hởi như đứa trẻ. Nhưng rồi ông lại chảy nước mắt. Con bé giờ chẳng biết đường chồng con thế nào, điều trị xong ở nước ngoài rồi đi làm thuê, ông nói. “Nó hay gọi về cho chú, bảo con thỉnh thoảng cũng đi xem xiếc bên này, nhớ nghề lắm bố ạ”. Ông bảo có lúc đã nghĩ, hay gọi nó về, nếu rạp không nuôi được, bố con mình lập gánh xiếc rong. Nhưng đấy là mơ mộng viển vông vậy, chứ ông không làm.

Ông vẫn không ngừng được hy vọng. Nhà có đứa cháu – của anh con thứ đã bỏ nghề - ông cũng gạ con, hay cho nó đi tập. Anh tất nhiên không đồng ý. Họ đã theo nghề xiếc ba đời, nhưng vẫn đang ở trong một căn hộ tập thể hơn bốn chục mét vuông. Hai vợ chồng anh cũng sống ở đấy: lúc về thấy có nhà báo ngồi trong nhà, anh tránh đi, mặt lầm lì, như cố giữ sự tôn trọng tối thiểu cho bố mình. Ông già chỉ: “Nó cứ thế, bảo nào cũng không cho con bé đi tập”. Tôi chẳng biết bình luận gì.

Bạn nhớ lại xem, ngoại trừ Quốc Cơ và Quốc Nghiệp (mà bạn cũng chỉ xem trên YouTube chứ không mua vé), thì lần cuối bạn nghe-đến-việc ai đó đi xem xiếc là lúc nào? Nghe đến thôi? Chắc không nhiều lắm.

Có điều gì đó không đúng ở đây. Đó là một môn nghệ thuật trình diễn có thể mang lại vô vàn cảm xúc: những khoảnh khắc ngỡ ngàng là một trong những thứ khó tìm kiếm nhất trên cuộc đời. Một sân khấu chỉ dành riêng cho việc làm ra những điều không ai tin con người có thể làm nổi. Thế mà không có khách. Thế mà người trình diễn những điều ấy không đủ ăn. Trong khi xã hội giàu có lên từng ngày thế này.

Khi biên tập viên của ANTG đặt bài tôi viết về những điều bình thường đã mất đi, tôi nhớ đến ngành xiếc. Có thể bạn sẽ dễ dàng cho tôi vài lý giải rằng tại sao sân khấu ấy thưa người. Rằng điện thoại di động và Internet đang lên ngôi, con người ta có biết bao nhiêu thú giải trí. Ngay cả khi họ muốn xem xiếc, họ cũng sẽ giở điện thoại ra và có bao nhiêu tiết mục từ Đông sang Tây, từ American đến Britain Got Talent để mà xem. Quốc Cơ và Quốc Nghiệp, hai nghệ sĩ giờ làm biểu tượng của ngành xiếc Việt Nam, cũng đạt đến sự nổi tiếng bây giờ nhờ Got Talent của Tây, chứ chẳng phải là vì người ta ra rạp.

Điều đó tưởng như là hiển nhiên. Nhưng nó có thỏa đáng không? Xã hội số cho chúng ta tiếp cận mọi điều một cách dễ dàng, nhưng dễ dàng có đồng nghĩa với đúng đắn không? Cái cảm giác ở trong rạp, trực tiếp cảm nhận những màn trình diễn bằng hơn một giác quan, chia sẻ nó với người xung quanh, với người bạn đồng hành – nó có thực sự tương đương với trải nghiệm trên màn hình điện thoại không? Việc ngồi cạnh một người trong rạp xiếc, rạp hát, rạp phim, nhà hát giao hưởng, có tương đương với việc share link với họ và bảo “Xem đi này hay lắm” không?

Sự thay thế đó tưởng như là hiển nhiên. Nhưng cùng với nó, chúng ta mất đi bao nhiêu điều bình dị. Một đêm thơ, một buổi xem chèo ở đầu làng, một bữa cả nhà dắt nhau đi xem xiếc. Một buổi tối hai vợ chồng ăn mặc thật đẹp, cùng dắt nhau ra rạp nghe vài bản nhạc hay. Chúng có xứng đáng bị tiêu diệt một cách phũ phàng vì Netflix, YouTube và hạ tầng số nói chung?

Tôi không trả lời thay bạn được. Có thể bạn thấy rằng thay thế đó là thỏa đáng. Và việc các nghệ sĩ xiếc buồn, là do lựa chọn nghề nghiệp của họ.

Mỗi lần đi ngang qua hồ Thiền Quang, tôi lại nhớ lời hẹn năm xưa. Bây giờ gặp lại, không biết tôi có thể airdrop cho cô ấy một video xiếc thật hay, và nói, anh còn một lời hứa chưa thực hiện, em bật bluetooth được không?

Đức Hoàng

Bình thường xưa và bất bình thường nay

Không bao giờ ngày 10-10-1984 rời khỏi tâm trí tôi. Đó là một ngày mùa thu đẹp nhất trong những ngày mùa thu tôi từng sống. Cha chở hai anh em tôi trên chiếc xe đạp cũ, đi chơi một vòng Hà Nội. Điểm bắt đầu là Hồ Gươm. Và trong cái ngày mà chúng ta còn gọi tên nó là “ngày tiếp quản thủ đô” ấy, tôi bị hút mắt vào màn trình diễn lướt ván trên Hồ Gươm. Cha kể, xưa cha có cô bạn tên Lý Hảo lướt ván “xuya” lắm. Cô ấy người Hoa nhưng sau năm 1979, cô ấy đã không còn ở Việt Nam nữa.

Những xa xỉ xưa cũ -0

Sau cái ngày mùa thu 1984 kia, tuổi thơ tôi gắn liền rất nhiều với những đêm thơ. Có đêm tổ chức ở Cung Việt Xô, có đêm tổ chức ở nhà văn hóa Thanh Niên. Đêm nào cũng đông kín khán phòng. Người ta đi nghe thơ như đi xem ca nhạc vậy. Những cô chú, anh chị nhà thơ thay nhau lên đọc những tác phẩm mới của mình. Người thì cầm giấy, người thuộc lòng. Và đêm nào cũng có tiết mục ngâm thơ cùng đàn tranh. Tôi chắc, chính những đêm như vậy đã dưỡng cho mình một tâm hồn gần với chữ nghĩa.

Nhưng không khí ấy bây giờ không còn nữa. Tàn tích còn lại may ra chỉ là những buổi đọc thơ ở ngày “Hội thơ Việt Nam” thường niên, mà khán giả thì cũng không còn được cái độ sâu lắng như những năm tháng cũ. Lướt ván gần như tuyệt chủng. Và vô vàn thứ bình thường khác của xã hội Việt Nam xưa kia cũng tuyệt chủng. Đời sống bây giờ hiện đại hơn, nhưng cũng đơn giản hơn với ít thứ đầu ra cho tâm hồn. Tuồng, chèo, cải lương thì gần như chỉ còn sáng đèn ở các hội diễn, hoặc được sống trong một không gian khác: quán nhậu.

Cách đây chừng chục năm, giới làm âm nhạc ở Việt Nam đã từng băn khoăn về câu chuyện “Ai là người chơi đàn Harp?”. Ở thời điểm đó, cả Việt Nam chỉ có đúng 2 người chơi cây đàn được mệnh danh là “mang âm thanh của thần tiên” này, một người ở TP. Hồ Chí Minh, một người ở Hà Nội. Theo đuổi cây đàn đó là một việc khó, cực khó. Học hành đã vất vả, khổ sở, đòi hỏi kiên nhẫn và khổ luyện rồi, đầu tư nhạc cụ thì phải tính đến tiền tỷ. Nó không phải là cây đàn cho con nhà trung lưu hay thấp hơn. Mà con nhà khá giả thì lại không thích học đàn nhiều, có thích thì sẽ lựa chọn nào mang tính phổ cập hơn, như piano chẳng hạn. Và song song với chuyện thiếu người chơi đàn harp, có cả những mối lo về những ngành nhạc cụ mà các trường nhạc không thể tuyển được học viên. Một sợ hãi thất truyền là có thật.

Rồi một hai năm trở lại đây cũng có tin vui khi bắt đầu có một lứa trẻ học đàn Harp đã ra ràng, và làm được nghề. Nhưng đó chỉ là một ru ngủ nhỏ cho cả một lo âu lớn. Nhạc cụ dân tộc bây giờ ít người theo học. Nhạc cụ phương Tây cũng nhiều món nhạc công đã thành của hiếm, như Accordeon chẳng hạn. Tất cả những thứ ấy, cách đây chỉ 30 hay 40 năm thôi, không phải là của hiếm trong xã hội. Còn hôm nay, chúng là xa xỉ.

Có những thứ bình thường xưa cũ đã trở nên xa xỉ trong thời đại này. Nếu đổ lỗi cho sự xuất hiện của công nghệ thông tin, của Internet, mạng xã hội thì cũng hơi quá đáng. Mạng xã hội thật ra không tước đi cơ hội mưu sinh của người làm nghề. Thay vào đó, nó chuyển đổi hướng đầu ra cho họ thì đúng hơn. Cái cơ bản là mối quan hệ giữa người làm nghề và công chúng. Công chúng xa cách dần các của hiếm xa xỉ kia theo một độ trượt đi chầm chậm khó nhận ra, theo đúng kiểu có một người quen mà ta nghĩ chủ quan “hôm nay không gặp thì ngày mai” để rồi cái ngày mai ấy không bao giờ đến. Chỉ có điều, quan hệ người với người thì người quen có thể vẫn còn đó còn trong quan hệ công chúng - người trình diễn thì khác. Mất đi một người trình diễn mà không có người kế thừa, sẽ đến một lúc nào đó có một nghề thất truyền.

Đó là chuyện còn tạm được coi là “lơn lớn” hay “bề nổi” của xã hội. Ở những chuyện vô cùng đời thường khác, chúng ta sẽ càng thấy giật mình hơn. Hãy thử nhìn vào trẻ thơ ngày hôm nay, và so sánh với trẻ thơ 10 năm trước, 20 năm trước, và 40 năm trước mà xem. Ngày trước, một con phố, một gốc cây, một bãi bắn bi, một bãi chơi cù là thứ vô cùng bình thường với trẻ con bất kỳ khu phố nào. Còn hôm nay, một sân chơi tự nhiên, tự do, và tự phát như thế là điều quá xa xỉ. Trẻ con vì thế bị giam mình nhiều hơn trong nghĩa đen là 4 bức tường và nghĩa bóng là sự tiện nghi của vật chất. Để từ đó, cùng những băn khoăn mới mẻ về đời sống, cộng hưởng với áp lực học hành và sự thiếu kinh nghiệm va chạm xã hội, chúng dễ trầm cảm hơn. Trầm cảm trong gai góc, con người ta còn có thể cố gắng tạo ra cho mình một nghị lực, ý chí để vượt qua. Trầm cảm trong nhung lụa, con người ta yếu mềm hơn, dễ vỡ hơn.

Đã bao lâu rồi bạn chưa nghe một bài thơ vang lên bằng miệng, chứ không phải vang lên tưởng tượng trong đầu thông qua việc bạn đọc những dòng chữ được đánh máy cẩn thận và đăng tải trên mạng? Thi ca, vốn dĩ nó đã có một từ ám chỉ sự vang lên ở đó. Nhà thơ viết ra một áng thơ thì chính nhà thơ ấy phải đọc lên mới đúng được tâm ý nhờ vào các nhịp đi của ngôn ngữ. Tâm ý ấy giờ được phó mặc cho kẻ đọc/ tiếp nhận và số lượng người đọc/tiếp nhận này có lẽ cũng không đông.

Đã bao lâu rồi bạn chưa xem một trận đấu bóng bàn, bóng chuyền, một cuộc thi điền kinh v.v và v.v? Chúng ta thích tự hào với những huy chương mà đoàn thể thao Việt Nam đạt được ở đâu đó nhưng bản thân khi trở về với môi trường sống của nó, môn thể thao ấy không còn khán giả. Dường như, ở Việt Nam bây giờ, nhắc đến thể thao người ta chỉ nhắc đến bóng đá và golf. Một môn thì phổ thông toàn cầu và không đòi hỏi quá nhiều để chơi nó còn một môn thì là chứng nhận cho thời thượng, đẳng cấp, sang và giàu.

Tất cả đều là biểu hiện của một sự rút gọn lại đến đơn điệu và đáng sợ của một đời sống trọng tiêu thụ và hưởng thụ dễ dãi. Những thứ giàu văn hóa, đủ nuôi dưỡng tâm hồn lành và thiện của con người, hay chí ít cho người ta cảm thấy giá trị của sự khỏe khoắn thôi đã mất dần, mất dần. Những ngày bao cấp đời sống nghèo khổ thì tất cả những giá trị kia lại sống được còn bây giờ, khi vật chất đủ đầy thì chúng lại tuyệt chủng dần. Và chúng ta cũng khó lòng đổ lỗi cho đời sống vật chất đơn thuần khi soi chiếu sang nhiều quốc gia khác, nơi có đời sống vật chất ưu việt hơn Việt Nam. Ở đó, những thứ chúng ta đã bắt đầu coi là xa xỉ vẫn giữ được cái bình thường của nó. Phải chăng, chính chúng ta mới là những người thật sự bất bình thường?

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh
.
.