Văn hóa xưa, những điều ngẫm nghĩ

Thứ Tư, 07/08/2013, 15:38
Thời xửa xưa ở bên Trung Hoa, kể kỹ, thời Nghiêu Thuấn có ba đời vua (Hạ, Thương, Chu, tuy trong vương đạo nhưng có cả bá thuật). Thế rồi, từ đời Xuân Thu đến đời Chiến Quốc càng loạn thêm. Có hàng trăm nước, sau còn lại bảy nước, và nước Tần là mạnh hơn cả, tồn tại đến ba thế kỷ.

Người ta nói về thời này, các nước băm giết nhau tăng lên đến mức khó tưởng tượng nổi. Trong đó tại nước Tần, Tần Thuỷ Hoàng đốt tất cả các sách quý. Sau này chỉ còn lại có sáu nước, cuối cùng còn nước Tần. Tuy bị Tần Thuỷ Hoàng đốt sách, nhưng vẫn tồn tại các học thuyết, và các học thuyết này chia ra Vô vi và Hữu vi.

Khổng Tử xuất hiện, hàng đầu của phái Hữu vi, sau cụ có thêm hai người nổi tiếng, đó là Mạnh Kha và Tuân Huống. Mạnh Kha đi sâu vào nghiền ngẫm về Thiện tính. Còn Tuân Huống rộng hơn, nghiền ngẫm cả Thiện và Ác lẫn lộn. Phái Vô vi, kể số người nghiền ngẫm thì đông, nhưng đáng kể chỉ có Lão Tử.

Văn hoá xưa đưa biện chứng cổ của Lão Tử vào kho tàng của mình, như sau: “Đạo chính là cái bản thể, cái bản thể này có trước cả cái thái cực, nghĩa của cái thái cực là cái có. Và cái có này sinh từ cái không. Vậy thì cái gì sinh ra từ cái không này. Sinh ra cái không này là cái chưa không. Cái gì sinh ra từ cái chưa không này, là cái chưa chưa không.

Và, từ đây mà ngược lên nữa thì cái trí của loài người chưa tìm biết được. Cái bắt đầu, cái rộng lớn, cái dừng, càng không thể biết được. Nói cho cô đọng, không bao giờ là không dời đổi, không lúc nào là không biến thiên. Vậy bản thể là cái vô thuỷ vô chung, bao trùm sáu hợp và lúc nào cũng dời đổi, rất đông mà không rối loạn. Chủ trương ràng buộc, khiến muôn vật vần chuyển mà chẳng thể tự dừng”.

Lão Tử nói tiếp: “Vật và Tâm. Muôn vật ấy chính là bản thể mà phân ra. Phân ra cho đến khi thành vạn hữu, rồi lại tự huỷ đi mà trở về với bản thể, muôn vật đều không trốn được vào đâu, và đều còn lại cả. Vì thế trong bản thể không có cái gì là thành, không có cái gì là huỷ, không có cái gì là giảm, không có cái gì là tăng. Đem cái hùng khí vào được giữa đám chính quân, để làm nên những vật không thể trốn được ở trong trời đất.

Muốn tâm chính cần giữ cho ý thành. Muốn ý thành phải biết cho đến nơi. Muốn biết được đã tới nơi chưa, thời phải xét rõ sự vật. Bởi chính thì tĩnh, tĩnh thì sáng và cần nhất là phải sửa soạn cái thành ở trong lòng. Phải là một để là bạn với trời đất và cũng lại phải không là một để được làm bạn với người. Khi làm một để làm bạn với trời đất thì cũng là giữ cho lòng mình hư không, thì mới không có chỗ cho cái tham.

Và phải không một cũng là để lòng mình không chấp nhặt với thời thế; và như vậy mới thảnh thơi làm việc với đời. Vì hiểu Đạo bao giờ cũng phải hiểu được cái lẽ thường nhiên của sự vật, và lẽ dời đổi của thời thế, của thế sự. Vì cõi đời là thuần phác, biết làm mà không biết chứa, thi ơn mà chẳng đòi ơn, chẳng kể làm công, chẳng tìm lấy danh vị. Chăm theo lẽ dời đổi của sự vật mà xét, thì đẽo rồi, chạm rồi, sẽ trở lại rất mộc mạc chân chất.

Có một ông vua kia, khi biết mình sẽ không còn sống nổi nữa, thì đã dặn dò ông vua thế cho mình; văn hoá xưa đã ghi dấu lại như sau: “Con nên rất cẩn thận về điều sau đây: Hình không gì bằng duyên. Tình không gì bằng thật. Vì duyên thì không lìa, thật thì không mệt. Như vậy thì không cần văn vẻ để đợi tình, vì vốn không đợi cái nấp sau tình. Bây giờ ta cho con một ví dụ khác.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Có một cô gái đẹp, đi bên một cô gái xấu; người xấu thì lại sang trọng, mà người đẹp thì hèn kém. Vì sao vậy? Vì cô gái đẹp kia tự đẹp, ta không biết nàng đẹp; cũng vậy, cô gái kia tự xấu, ta không biết nàng xấu. Thế cho nên, mình có cái nết giỏi mà tự bỏ đi được cái ý nghĩ tự cho mình là giỏi, thì đi đâu làm gì cũng được người yêu, kẻ trọng.

Bây giờ ta dặn con một câu cuối cùng, trong khi bang giao ngoài biên giới, con hãy nhớ: Người Trung Hoa ta biết rõ về lễ nghĩa, nhưng lại hẹp về chỗ biết lòng người.

Ngồi vào ngai vàng do vua cha truyền ngôi, xong xuôi, ông vua con nói với Lão Tử:

- Ta muốn được nghe những điều nhà ngươi muốn nói với ta.

Lão Tử đáp:

- Vâng. Cái rất âm thì chăm chắm. Cái rất dương thì rờ rỡ. Chăm chắm ra từ trời. Rờ rỡ ra từ đất. Hai cái đó giao thông hành hoá mà sinh ra mọi vật. Tuy vẫn có cái làm giềng mối cho nó, mà chẳng bao giờ nhìn thấy cái ấy ở đâu. Tan, xẩy, đầy, vơi, một tối, một sáng, ngày đổi, tháng hoá, hằng ngày đều có làm mà chẳng ai thấy công nó ở vào đâu. Sống có chỗ để nẩy. Chết có chỗ để về. Trước, sau cùng trở lại chỗ không mối, vậy mà chẳng ai biết được nó đến đâu là cùng. Nếu không phải như vậy, thì ai đã làm chủ nó.

Lão Tử dừng, hỏi lại nhà vua:

- Bệ hạ còn muốn nghe thần nói gì nữa?

- Vậy ta hỏi ngươi về Đạo.

- Thế thì xin bệ hạ hãy chay tịnh và gột rửa lòng mình. Trau chuốt tinh thần của mình. Đánh đập cả cái trí của mình nữa, thì thần xin nói: Vâng, cái rõ ràng sinh ra từ chỗ mờ mịt. Cái thứ tự sinh ra từ chỗ không hình chất. Tinh thần sinh ra bởi Đạo gốc, hình sinh ra bởi tính mà muôn vật cứ vậy mà lấy xác sinh ra nhau. Hiểu được nó bất tất bằng trí. Bàn thảo về nó bất tất bằng tuệ. Đến như ích nó mà chẳng thêm ích, tổn nó mà chẳng thêm tổn. Thăm thẳm khác nào biển. Cuồn cuộn chót rồi lại bắt đầu. Xoay vần đong lường muôn vật mà không thiếu...

Điều hoà để ứng với nó thì ấy là đức. Tự nhiên mà ứng với nó ấy là đạo. Người ta sống giữa khoảng trời đất như chim câu trắng bay qua kẽ hở, thoắt cái mà thôi. Cuồn cuộn, đùn đùn! Không cái gì không ra từ đấy. Lạng lẽ, im lìm, không có cái gì mà không từ đấy. Đã hoá mà sống, lại hoá mà chết. Không hình mới là hình. Đều cùng, tất, thảy, nói khác nhưng lại đồng thời. Và gắng để mà biết được cái mình không biết.

Xin bệ hạ nhớ cho: Cái có dùng còn nhờ về lẽ không dùng, để mà dùng được mãi. Huống chi là cái không có cái gì là không dùng đến, thì vật nào mà không nhờ. Hãy biết dừng ở chỗ không thể biết. Cởi lòng thư thái định nhất, thì sẽ nẩy ánh sáng trời, bấy giờ sẽ cùng vật mà ung dung, thuận sóng đồng dòng. Và xin bệ hạ chớ có nghe kẻ lợi khẩu, vì nó chỉ là hạng người môi gáo.

Nơi Đài thiêng là nơi chủ trương mà không biết cái chủ trương ấy là gì, và không để cho bất cứ cái gì cũng có thể chủ trương được. Không thấy tự mình là thực mà cứ phát ra, thì lần nào phát cũng không trúng - Lão Tử chợt dừng và ngước lên hỏi nhà vua - Bệ hạ có muốn nghe thần nói tiếp nữa không?

- Ta mấy khi mà được gặp nhà ngươi, nên nhà ngươi hãy cứ tiếp tục.

Lão Tử gật đầu đáp:

- Dạ, thần xin nói tiếp: Nghèo cùng vật thì vật vào. Kiêu cùng vật thì thân mình không dong nổi, dong sao nổi người.

Đột nhiên nhà vua hỏi:

- Ta muốn có nhiều vũ khí cho quân đội của ta, nhà ngươi thấy sao?

Lão Tử thong thả:

- Không có vũ khí nào lớn và mạnh bằng ý chí. Giặc ư, không giặc nào đáng sợ bằng sự hỗn loạn của âm dương.

Nhà vua lại đột nhiên hỏi tiếp:

- Nhà ngươi nghĩ gì về không gian và thời gian?

Lão Tử lại thong thả:

- Thưa bệ hạ. Không gian gọi nó là vũ. Thời gian gọi nó là trụ. Nó có thực mà không hẳn vào đâu cả, ấy là vũ. Nó thật là dài mà không gốc không ngọn, ấy gọi nó là trụ.

Nhà vua lại hỏi tiếp:

- Thế còn lẽ phải, lẽ phải là thế nào?

Lão Tử lại thong thả:

- Thưa bệ hạ, hễ cái gì là lẽ phải thảy cũng đều có đổi dời. Lẽ phải ấy là kẻ lấy đời làm gốc; lấy biết làm thầy. Cũng là để phân định về phải với trái, và danh là cái có thực. Dùng được là khôn. Không biết dùng là dại. Làm nên thì danh giá. Cùng khổ thì nhục nhã. Theo lẽ phải đổi dời ấy, chính là đời bây giờ. Vì đời nay, đời bây giờ, thật là lễ không kể người. Thật là nghĩa không kể việc. Thật là trí không cần mưu. Thật là nhân không thân ai. Thật là tín chấp cả vàng. Triệt cái trái với chí. Giải cái lầm với tâm. Bỏ cái lụy đến đức. Thông cái lấp đến đạo. Đấy là hình cách và cái đích của người quân tử.

Thấy Lão Tử vẻ như ngập ngừng, nhà vua liền nói:

- Nhà ngươi cứ nói tiếp, ta vẫn đang muốn nghe mà.

Lão Tử lại thong thả:

- Có bốn cụm: Cụm thứ nhất: Sang, giàu, vinh, hiển, danh, lợi, sáu cái ấy là trái với chí.

Cụm thứ hai: Vẻ người, sắc mặt, cử động, lý lẽ, khí khái, ý chí, sáu cái ấy là cái lầm của tâm.

Cụm thứ ba: ghét, muốn, mừng, giận, thương, vui, sáu cái ấy là lụy đến đức.

Cụm thứ bốn: lui, tới, lấy, cho, tài, biết, sáu cái ấy làm lấp mất đạo.

Bốn cụm này rung chuyển trong lòng thì chính... Chính thì tĩnh. Tĩnh thì sáng. Sáng thì trống không. Trống không là không làm mà không có gì là không làm. Đạo là phần trọng của đức. Sống là ánh sáng của đức. Tính là bản chất của sống. Tính mà động thì gọi là làm. Làm cái gì mà giả dối là mất hẳn. Vì chẳng đừng được mà động thì gọi là đức. Động không lúc nào không phải, cái ấy ta gọi là trị. Muốn tĩnh thì giữ khí cho bình. Muốn thần thì giữ lòng cho thuận. Có làm mà muốn đúng thì do ở chẳng được đừng. Về do ở chẳng được đừng là đạo của thánh nhân.

Và muốn vươn tới được đường xa, thì phải nhờ vào chỗ không bước tới, thì mới tới được đường xa. Và, lấy không ngờ vực mà giải ngờ vực cho trở lại cái không ngờ vực, ấy mới thật là không ngờ vực. Vậy người có hình cách quân tử thì sao đây: Không lấy cái hư của người mà tự nên. Không lấy cái thấp của người mà tự cao. Không lấy cái gặp thời mà tự lợi. Gặp đời trị không trốn việc. Gặp đời loạn không sống cẩu thả.

Nhà vua nói với Lão Tử:

- Thế còn cái xấu của loài người là những gì, cả mối lo của loài người nữa, là gì?

Lão Tử trả lời:

- Thưa vâng. Người ta có tám vết xấu, còn công việc thì có bốn mối lo. Tám vết xấu này như sau: Một là: Không phải việc của mình mà làm nó, thế là hóng. Hai là: Không ai nhìn mình mà leo lên, thế là nịnh. Ba là: Đón ý mớm lời, thế là siểm. Bốn là: Không chọn phải trái mà nói, thế là a dua. Năm là: Thích nói cái xấu của người, thế là gièm. Sáu là: Tách bạn lìa thân, thế gọi là phá. Bảy là: Tâng bốc hão huyền để làm hỏng người, thế gọi là ác. Tám là: Không lựa phải trái: “Tám ừ tư gật” miễn sao xoay được điều mình muốn, thế gọi là hiểm. Có bốn nỗi lo: Một là: Thích làm việc lớn, thay đổi lẽ thường để cầu công danh, thế gọi là nhiễu. Hai là: Cậy khôn chuyên việc, xâm phạm người, tự dụng mình, thế gọi là tham. Ba là: Thấy lỗi chẳng đổi, nghe còn làm già, thế gọi là bướng. Bốn là: Người ta đồng với mình thì được, không đồng với mình thì dù hay cũng không cho là hay, thế gọi là thiên. Tuy nhiên bốn mối lo này có thể bỏ được. Và con người ta muốn được ung dung khoảng khoát, thì đừng bao giờ khiến cho tám vết xấu thành ra thành tám mối lo. Vì  đời thật là tinh và thực, đến rất mực không tinh không thực không cảm động được nổi người. Và cái thật ở trong thì thần động ở ngoài. Hạng người nhỏ nhen thì ngẳng cổ bủng mặt, cái trí nó là không dời cái gói bọc sách vở.

Nhà vua lại ngắt lời Lão Tử:

- Bây giờ nhà ngươi nói về xét người.

Lão Tử gật đầu thưa:

- Vâng. Với một người, muốn định danh được người ấy là quân tử thì sai việc ở xa, để xem trung; sai việc gần để xem kính; sai việc phiền để xem tài; thình lình hỏi để xem trí; hẹn gấp cùng nhau để xem tín; giao của cho, để xem nhân; bảo cho biết chuyện nguy để xem tiết; cho uống rượu say để xem phép tắc; cùng ở chung để xem vẻ mặt. Xét được đủ chín cách này tức là hiểu được người. Có một viên quan nọ vào hạng đầu triều, chỉ có dưới vua thôi.

Cả đời ông ta, kể cứ lên một bậc là cúi, lên hai bậc thì rạp mà đi, lên ba bậc thì lần vịn tường mà bước từng bước. Làm cho tất cả các quan trong triều đều quý nể, ai mà dám không bắt chước làm theo ông ấy. Nhưng rồi cũng có ông quan nọ, mới lên một bậc đã hớn hở; lên được hai bậc thì múa tay trong kiệu trong xe, lên ba bậc đã vội sánh mình ngang với Đường Nghiêu. Cho nên đức có tâm mà cũng có mắt đấy

Bùi Bình Thi
.
.