Người thanh tiếng nói cũng thanh
Hà Nội vừa có cuộc thi sáng tác ca khúc mang tên “Thanh âm Hà Nội”. Cái tên cuộc thi này vượt qua khỏi âm nhạc, nhắc đến một di sản Hà Nội đang mai một trong vài chục năm gần đây, chính là thanh âm của giọng nói người Hà Nội.
“Người thanh tiếng nói cũng thanh/ Chuông kêu đánh khẽ bên thành cũng kêu”. Điều kỳ lạ là người Hà Nội từ khoảng đầu thế kỷ hai mươi tới thập niên 1980 có cách phát âm khá gần gũi với ngữ điệu của phát thanh viên (PTV) Đài tiếng nói Việt Nam. Thí dụ một câu nói huyền thoại: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” của PTV Dương Thị Ngân. Các thanh điệu “sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng” phân minh. Thanh ngang được ngân nga chứ không cụt, gãy; Thanh hỏi được bắt đầu từ thanh ngang vẽ một đường cong xuống nhẹ chứ không xoắn chữ S như bây giờ.
Thế kỷ trước, người Hà Nội nói chung giọng nói có thanh điệu phân minh, rành mạch. Người từ các vùng nông thôn xa về làm việc tại Thủ đô thì giọng nói dần nhẹ hóa thuận theo chuẩn mới. Những người con của họ sinh ra tại Thủ đô mặc nhiên có giọng nói nhẹ nhàng. Nét dễ nhận thấy sự nhẹ nhàng của giọng Hà Nội khi đọc các chữ S sẽ thay bằng X, TR = CH, R = D. Chính âm của Hà Nội không có âm “nặng”. Ở đây cần phân biệt rõ chính tả (viết chuẩn) và chính âm (âm chuẩn). Mỗi địa phương như miền Trung hoặc Nam bộ mặc nhiên có âm chuẩn khác nhau. Ở đây chỉ xét đến chuẩn của đài phát thanh và giọng Hà Nội. Vì chuẩn chính âm này mà các điạ phương khác yêu cái nhẹ của giọng Hà Nội.
Vậy nguồn giọng này khởi phát ở đâu? Người viết bài đã khảo sát khá nhiều làng cổ ở Hà Nội, nghe các cụ nói thì thấy ngữ điệu khá khác biệt nhau chứ không thống nhất. Thậm chí trong một làng thì thôn Đoài với thôn Đông đã khác hẳn. Giọng Hà Nội dường như độc lập là một điều không dễ lý giải.
Gần đây, lớp 9X và GenZ trở đi ở Hà Nội có thói quen phát âm sâu gần cổ họng khiến âm thanh không thoát mà các cụ xưa gọi là “ngôn bất xuất khẩu”. Lại có cách phát âm mỏng và điệu lan tràn khiến các vần hay bị chen nguyên âm I lên trước nên quá đông các cháu phát âm chữ “kẹo kéo” thành “kiẹo kiéo”. Rất nhiều cháu không phát được phụ âm X. Thói quen đặt lưỡi giữa hai hàm răng khiến cho âm phát ra giống chữ “think” (phiên âm Omk) của tiếng Anh. Hậu quả là đọc chữ “xinh” tiếng Việt cũng sai.
Thuở trước thói quen này thường bị giễu là đầy lưỡi vì khá hiếm. Nay thói quen này đã lan rộng từ học sinh đến showbiz như ca sĩ, hoạt náo viên và thậm chí cả MC truyền hình. Xu thế gần đây, phụ âm CH (nhẹ) nhường chỗ cho TR (nặng). Khi hát sẽ thế này: “Bạn ơi hãy đến quê hương TRÚNG tôi/ Ngắm mặt biển xanh xa tít TRÂN trời”. Phụ âm X cũng nhường chỗ cho phụ âm S nhưng nhẹ hơn xíu và rất điệu. Thí dụ “Việt Nam yêu dấu SANH SANH lũy tre”.
Người Hà Nội xưa nói thanh điệu rành mạch tương tự các nốt cách nhau quãng 3, quãng 4, quãng 5 trong âm nhạc, đặc biệt thanh ngang luôn vang đủ, dù cuối câu cũng không bị hạ xuống theo ngữ điệu. Các bạn quốc tế vì thế nhận xét tiếng Việt như chim hót. Nhà thơ Lưu Quang Vũ viết “Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát/ Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh”. Bây giờ lớp trẻ có một dạng ngữ điệu uốn rất oặt oẹo. Nếu vẽ ra đường đi của nó thì hơi giống con giun uốn mình. Từ nào cũng uốn cong như chữ cái omega, thành ra hiệu ứng âm thanh nhão. Tính nhạc trong giọng nói đã biến mất, chỉ còn một mớ âm thanh như đống bùi nhùi.
Trong ngôn ngữ thì việc nhả nhẹ bớt hoặc lướt qua các từ chỉ mang công năng ngữ pháp là rất bình thường nhưng GenZ còn làm nhòe qua cả các thực từ tải thông tin khiến cho người nghe luôn phải nhăn mặt hỏi đi hỏi lại. Có bậc cha chú than thở rằng bọn trẻ bây giờ phát biểu phải có phụ đề mới hiểu được. Nhiều ca sĩ phát âm nhão đến mức làm music video là phải có phụ đề người ta mới biết hát gì.
Có một bạn gái trẻ chia sẻ bí kíp bắt chước tiếng Hà Nội khá hài hước rằng, cả một câu “Con chào cô ạ” thì chỉ cần gật gù lẩm nhẩm “mnmn…Cô ạ!” hoặc “quạ!” hoặc “…ạ” là chuẩn. Hiểu sự ăn bớt này là chuẩn thì đáng lo âu quá.
Mất chữ đã đành, không ít thanh niên phát âm kiểu bay mất dấu thanh điệu, lơ lớ như ông Tây hát Quan họ. Câu “Chào quý vị! chào các bạn!” thì MC liến thoắng bay hết dấu “Chok vị! Chok bạn…!” Dạo quanh các kênh tin tức video trên YouTube thấy rất nhiều giọng đọc mất hoặc méo thanh điệu rất chướng tai. Đôi khi nghe được kênh video nào đó đọc rõ ràng dễ chịu thì lại là giọng đọc của công nghệ AI. May mắn thay công nghệ đã gìn giữ một phần tiếng Việt.
Có lần người viết bài đã hỏi một NSND, phát thanh viên truyền hình gạo cội có cách nào để chỉnh lại âm thanh cho cư dân Hà Nội không? Bà nói mình chỉ biết đào tạo cho các cháu muốn theo nghề phát thanh viên, MC. Dạy được ai tốt người đó chứ chưa có dự án nào làm được ở diện rộng. Mong bà đào tạo nhanh kẻo cái sai mà đông rồi sẽ thành đúng. Hy vọng giới trẻ biết di sản vô giá đang mai một và phải hiểu rõ câu “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe”.