"Xách ba lô lên và đi"
Giới nghệ thuật thường than khan hiếm tác phẩm hay. Các cuộc thi sáng tác phát động liên tục, tiền giải thưởng ngày càng siêu to khổng lồ. Có những cuộc thi ca khúc mà giải nhất vài trăm triệu đồng. Tiếc thay, những ca khúc sau khi nhận giải, được thu âm, quay MV thì cũng không đi vào lòng khán giả.
Bài hát được thể hiện trên sân khấu với phần phối khí công phu, dàn nhạc biên chế hoành tráng, vũ đoàn muôn hồng ngàn tía của những nhà hát danh tiếng nhưng… vẫn là những bài ca chỉ nhận được vỗ tay tại khán phòng và mất tăm trong đời sống. Các cơ quan thuê (hoặc mở cuộc thi viết về cơ quan) thì yêu cầu nhân viên đưa tác phẩm vào làm nhạc chờ điện thoại.
Vẫn có lác đác những bài ca dung dị sinh động lại làm cho người nghe xao xuyến. Một nữ phóng viên nhận xét rằng có những bài ca chỉ hay khi người ca sĩ hát tại sân khấu nhưng có những bài ca đi vào lòng để người xem hát trên đường trở về, hát khi nhặt rau, hát thổi cơm, ru con...
Các cuộc thi địa phương ca, ngành ca thường "bội thực" những hành khúc rầm rập. Thiếu những nội dung "đốn tim" như "Người giỏi chăn nuôi" (Nguyễn Văn Tý), "Cô thợ nề thủ đô" (Lưu Bách Thụ), "Em là thợ quét vôi" (Đỗ Nhuận), "Cô gái mở đường" (Xuân Giao)… Điều ấy làm người xem muốn tìm lại anh tài xế trong thơ Phạm Tiến Duật, chiến sĩ lái xe tăng trong thơ Hữu Thỉnh. Những bài ca này không dừng lại trong các buổi mít tinh mà còn đi vào âm nhạc quần chúng, đường phố, karaoke. Thậm chí những tác phẩm này cũng được remix lại thành âm nhạc trên sàn nhảy.
Có thể do nhiều tác giả đã quá thuộc tiêu chí đề tài nên đã "huy động" mọi ngôn ngữ chính xác phục vụ cuộc thi. Tác phẩm không hề sót ngôn ngữ của đề tài nhưng lại nhàn nhạt thiếu sức sống. Phải chăng do thiếu thực tế? Thời âm nhạc kháng chiến còn non trẻ, các văn nghệ sĩ đều đi điền dã chất liệu địa phương nên ngôn ngữ thi ca, văn chương, âm nhạc và ca từ đều độc đáo, mềm mại chứ không nhàn nhạt, đơ đơ. Nay mạng internet đã giúp tác giả tiếp cận văn hóa từ xa nên sinh ra chủ quan chăng?
Ngày xưa, mọi học sinh đều có buổi, giờ lao động. Các em phải quét lớp quét sân, bổ cuốc, xúc xẻng đào hồ, vét bùn trên sông nước đen hôi thối tại nhiều nơi trong địa bàn. Ngày nay, nhà trường thuê lao công làm cả. Lao động đối với các em chỉ là hiểu chứ không phải cảm nhận sâu sắc với người lao động.
Cuối năm 2023, người viết bài có lần hỏi một chàng trai người Mông ở bản Tà Số, Mộc Châu, Sơn La rằng xin được gặp người thầy dạy sáo Mông của anh ấy. Anh chàng bảo không gặp được đâu. Em học sáo Mông trên mạng YouTube. Than ôi! Hiện thực đời sống có kỹ thuật số khiến những định kiến trở nên bối rối.
Cũng ở bản Tà Số, hỏi một đôi vợ chồng rằng lần đầu gặp gỡ ở chợ nào? Người đầu tỉnh, người cuối tỉnh, cách hàng trăm km mà sao đi chợ gặp nhau? Cô dâu cười răng trắng lóa: “Chúng em không gặp nhau ở chợ mà quen nhau trên Facebook thôi”. Thế là cái định kiến người Mông tìm vợ ở chợ tan thành mây khói. Kỹ thuật số toàn cầu đã kết nối những cuộc đời nơi thâm sơn cùng cốc.
Có lần một nữ du khách hỏi anh Giàng A Văn, người chơi đàn nhị trên phố Cầu Mây (Sa Pa) rằng anh có phải là người Hơ Mông không? Anh Giàng A Văn bảo mình là người Mông. Dân tộc mình không phải là Hơ Mông (H'Mong). Anh Văn nhắc người Mông không vui với cách gọi Hơ Mông đâu. Tại Thái Lan, Lào và cả những nước xa xôi như Mỹ, Canada đều gọi là người Mông. Nhiều MC vẫn chưa quen điều này do không biết Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Khóa X đã phải có công văn ký ngày 4/12/2001 đề nghị đọc đúng tên và khái niệm về dân tộc: "Tên gọi dân tộc Mông, nếu viết bằng chữ phổ thông là ngôn ngữ chính thức của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì viết là dân tộc Mông". Việc này đã được chuẩn hóa, phóng viên, MC xin đừng lười đọc.
Nếu không điền dã tận địa phương, ghi âm, ký âm của các nhạc sĩ, thì chúng ta không thể có kho tàng dân ca để biểu diễn và phát triển chất liệu trong những ca khúc mới. Bài "Ru con Nam bộ" nổi tiếng được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và nghệ sĩ Thái Thị Liên kết hợp giữa "Lý giao duyên” và "Lý bốn mùa"...
Cũng có người cho rằng có những tác giả chưa từng đến địa bàn của bài hát như Nguyễn Tài Tuệ, Trần Quang Lộc hay Trịnh Công Sơn… mà vẫn viết được tuyệt hay thì cần gì điền dã? Sự may mắn có thể xuất hiện nhưng không nhiều. Bây giờ chúng ta có hàng nghìn bản ký âm cho hậu thế hát như "Bắt kim thang", "Con chim manh manh", "Lý bập boòng boong", “Lý bốn mùa", "Lý cây chanh", "Lý con sáo", "Lý mười thương", "Soi bóng bên hồ"… cùng vô số làn điệu dân ca ba miền là công sưu tầm của nhiều nhạc sĩ, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như Trần Kiết Tường, Lư Nhất Vũ, Lưu Hữu Phước, Xuân Khải, Nguyễn Tài Tuệ…
Trí tưởng tượng dù mạnh đến đâu cũng khó mà sánh được với đời sống muôn màu. Tác phẩm chỉ có hồn phách khi trí tưởng tượng kết hợp với đời sống trực tiếp hay gián tiếp. Trí tưởng tượng gián tiếp hưởng lợi từ hoạt động điền dã là hiển nhiên.
"Xách ba lô lên và đi" không chỉ là một cái tên cuốn sách mà còn hơn thế nữa.