Khi vắng quà

Thứ Hai, 09/08/2021, 23:05

Cứ vào cữ 3-4 giờ chiều, lướt một vòng facebook, kiểu gì cũng gặp những dòng trạng thái than thèm quà vặt. Nào là thèm trà sữa trân châu, thèm bánh tráng trộn, thèm bò bía, thèm gỏi cuốn, thèm đủ thứ thèm.

Và chắc hẳn chúng ta ít nhất cũng từng bị cái thèm khách quan ấy kích thích một lần, để rồi vội với tay cái điện thoại, tìm đặt mua một món quà vặt xế chiều nào đấy, ăn dấm ăn dúi ở văn phòng cùng đồng nghiệp.

Khi vắng quà -0

Nhưng bặt đi mấy bữa nay, chẳng thấy ai lên mạng than thở thèm quà vặt nữa. Kể từ khi Thành phố áp dụng Chỉ thị 16 vì COVID-19, con người ta thiết thực hơn nhiều. Trước lẽ sinh tồn, những thú vặt vãnh cũng biến mất dần, để nhường chỗ cho những cái đời sống hơn. Bây giờ, người ta thèm rau, thèm trái cây, những thứ mà có khi thường ngày người ta bỏ qua đến hoài phí. Chắc ai cũng từng gặp vài lần, trên một bàn nhậu ê hề khi đã tàn canh, những dĩa rau củ luộc còn trơ đó, nguội lạnh, và đợi chờ được đổ tống tháo đi không thương tiếc. Lúc này, một dĩa rau củ đó đáng được coi là vàng, có người còn gọi nó là vàng xanh, quý hơn tất thảy cao lương, mĩ vị.

Trong khốn khó, tự dưng cảm thấy có nhiều điều thú vị bộc lộ ra, khi mà chúng ta chỉ có thể mượn mạng xã hội để giải tỏa tâm sự và nhiều khi đó là tâm sự thật nhất. Ngó nghiêng đây đó, xem bè bạn mình nghĩ gì ở thời buổi “vắng quà vặt” này, bỗng dưng thấy đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố, bỗng dưng thấy rõ hơn những khuôn mặt người.

Khi vắng quà -0

“Đã chuẩn bị món Rau Thập Cẩm Không Trộn cho buổi tối thịnh soạn mùa dịch. Nhìn sang trọng thua gì đĩa sasimi đâu?”. Đó chính là chia sẻ của một cậu em tếu táo, để minh họa cho tấm ảnh chụp một cái dĩa rộng bản, trắng toát, trên dĩa có một trái cà chua bi, một phiến lá diếp cá, một cọng ngò rí (rau mùi), một cọng giá đỗ và một lá xà lách nhỏ xíu chắc bằng đầu ngón tay cái là cùng. Thằng cu dí dỏm trùm.

Khi vắng quà -0

Tính hài hước ngầm của nó rõ là mình đã biết bấy lâu. Thế mà vẫn phải bật cười vì cái lạc quan tếu của nó. Sực nhớ, vợ nó nổi tiếng khéo tay và làm những món ăn vặt ngon thuộc hàng số dzách, Cũng có lâu lắm đâu, chắc cỡ chừng hơn tháng trước thôi, chính nó còn đăng tải một dĩa gỏi ốc vợ nó làm, rực rỡ những sắc màu của rau quả.

Nào là đu đủ thái sợi, nào là ớt Đà Lạt, nào là các loại rau gia vị… tưng bừng như một bức tranh Đông Hồ. Những món ăn vặt kiểu đó đã từng là thứ mồi rất bén để nó và mình ngồi cà kê với nhau nhiều buổi chiều muộn ở lề phố Sài Gòn. Còn giờ đây, hai đứa nó, ba đứa con nhỏ, nheo nhóc chắt bóp từng miếng rau xanh trong giai đoạn cả thành phố cùng phải oằn mình chống dịch này.

Khi vắng quà -0

“Trời ơi, bao giờ tui đủ nguyên liệu để nấu món ăn thần thánh này đây” lại là một than thở nhẹ của một cậu em khác. Nó đăng hình nồi hủ tíu nó nấu cho vợ cách nay cũng hai ba tháng rồi. Phải công nhận, cu em này khéo tay. Nó vốn là một nhạc sỹ, viết nhạc rất duyên, rất tình cảm, đánh guitar lại hay nữa. Nhưng ngoài nghề chính ấy ra, tay nghề bếp amateur của nó cũng ghê gớm lắm. Công nhận, nó nấu hủ tíu ngon không kém gì những tiệm đình đám nhất lục tỉnh Nam Kỳ này. Nhớ hủ tíu một phần. Có lẽ ngày phong toả nó rảnh rỗi, nên nhớ cảm giác vào bếp nấu cái gì đó cho người mình yêu thương thưởng thức. Mà để nấu nồi hủ tíu lúc dịch giã này giữa Thành phố đang vắng không vì giãn cách thì quả là một thứ gì đó tuyệt đối sang trọng. Biết mua xương heo, chân giò, tôm, trứng cút, và đặc biệt là rau ở đâu bây giờ.

Thế mà chỉ đúng 1 hôm sau, cái điều sang trọng tuyệt đối kia đã thành hiện thực. Nó đăng tấm ảnh nồi hủ tíu sôi sùng sục lên, kèm theo lời cảm ơn bạn bè. Hoá ra, người này gửi ít rau, người kia gợi ý chỗ mua nguyên liệu. Vậy là cũng gần đủ cả. Lên nhắn cái “bình luận” ngỏ ý thèm, nó vội nhắn tin “anh ơi, em gửi qua mời anh chị nha, em nấu nhiều lắm”. Chỉ cái tin nhắn ấy thôi, lại nhớ đến những tin nhắn mình nhận được mấy ngày qua cũng từ những anh em, bằng hữu.

Có ông anh thân cũng là hàng xóm kế bên nhà bình thường vẫn nhắn rủ nhau qua nhà khui nhẹ chai vang, ăn vặt vãnh mấy đồ nho nhỏ mỗi chiều, ngay bữa giãn cách xã hội thứ ba thôi, đã nhắn tin sang “Em có cần gì không, anh bơm qua một ít. Rau củ, thịt thà có còn không?”. Lẽ thường, hai ông đàn ông, vốn vẫn có thói ngồi kế nhau tiêu sái vô cùng, có bao giờ để mắt đến chuyện chợ búa đâu. Thế mà lúc khó khăn này lại nhớ đến nhau bằng con cá, lá rau mới lạ. Nhà cũng còn đủ cả, nhắn lại “em đủ mà anh. Bên anh sao rồi. Có trái cây chưa, em chuyển qua ít nhãn xuồng nhé”. Có lẽ, giữa thời đại dịch vây hãm xung quanh thế này, tiêu sái phải là rau, là củ, là thịt thì phải.

Khi vắng quà -0

Rồi chợt nhớ tới những người xung quanh mình. Lúc bình thường, khi mình khó khăn nhất, họ luôn là người chìa tay ra cho mình, không cần mình phải mở lời nhờ vả. Họ tự nguyện vì họ thương quý. Bây giờ, họ đang thế nào? Nhất là mấy người độc thân, sống một mình. Chợ búa ra sao? Để rồi thôi thúc lòng, thỏ thẻ nhờ bà xã “Anh thấy em có mối mua rau củ. Mua giúp anh mấy phần, anh tặng mấy người bạn”. Thế rồi theo những chuyến xe giao hàng xuyên lòng thành phố, những gói rau củ được gói bằng giấy bản chứ không chơi với nylon cũng đến tay từng người. Nhận những tin nhắn hồ hởi cảm ơn của họ, tự dưng cảm thấy ấm lòng đến lạ.

Những ngày bình thường, quý mến nhau vẫn gửi cho nhau ít quà vặt nhấm nháp cho đỡ nhạt miệng. Còn những ngày này, khi vắng quà, quan tâm tới nhau trở nên gần gụi hơn với đời sống, sinh tồn. Nó là dăm củ cà rốt, vài cọng hành lá, đôi quả su su và một bó cải xanh thôi. Có thêm chục trứng gà nữa thì đời càng tươi hơn. Hoá ra, khi vắng quà, nếu còn nhớ tới ai đó, người ta sẽ không vắng tình. Rõ ràng, khi vắng quà, nếu cảm thấy thực tế khó khăn này chỉ là tạm thời và chắc chắn ai cũng sẽ vượt qua, người ta sẽ không để vắng luôn đi sự lạc quan khi vẫn có thể dí dỏm trêu đùa với thử thách.

Rồi một ngày không xa, những dòng trạng thái thèm quà vặt cũng sớm trở lại thôi, khi dịch bệnh đã tan đi, và những lo lắng sinh tồn cũng không đè nặng nữa. Ấy là lúc mỗi người được thảnh thơi hơn, bắt đầu kiếm tìm cái thưởng thức như thú chơi, như phần thưởng cho mình sau một ngày làm việc liên tục. Nhưng chắc chắn, ở lúc trở lại với sự bình thường đó, người ta sẽ không bao giờ quên những ngày vất vả đã có. Giữa trùng vây của dịch bệnh nguy nan, chính những động viên nhau, những sẻ chia cho nhau, những nụ cười lạc quan dành cho nhau đã tạo ra những vòng tròn xoay quanh mỗi người, để họ có thể vững chãi hơn, để họ cảm thấy mình còn một nơi để thuộc về, để được ôm vào lòng nhận lấy những an ủi, những vỗ về, những săn sóc… Đó chính là vòng tròn bạn bè, vòng tròn bằng hữu mà nó thôi thúc tôi phải đặt bút viết một bài ca nhỏ có ý là “Sài Gòn ôm tôi” với hình ảnh Sài Gòn nằm trong chính những bạn bè, anh em của mình.

Khi vắng quà có thể là khi thành phố vắng quá (vì giãn cách) nhưng chắc chắn cũng là khi không hề vắng bóng những con người trong mỗi một con người…

Hà Quang Minh
.
.