Giương mắt ếch

Thứ Ba, 24/09/2024, 14:52

Dịp lễ tết là lúc ngàn vạn ô tô chen nhau lao ra khỏi thành phố. Đường trường ai cũng muốn an toàn nên cánh tài xế chịu khó nhắc nhở nhau bằng những thông điệp viết trên đầu, đuôi và hông xe, nhất là xe tải, xe khách. Ngồi xe sau đọc cũng bật cười, vừa đỡ buồn ngủ, vừa giải trí, vừa nhẹ nhàng tay lái chân ga hơn. Những câu ở đầu xe thường khá ngắn gọn mến thương như "Thượng lộ bình an".

Câu đuôi xe thường dài vì có nhiều thời gian đọc hơn. Có khi là cả một những câu lục bát "Nhường nhau không phải là hèn/ Nhường nhau để khỏi lách, lèn, kẹt xe", "Xi-nhan không phải là hâm/ Xi-nhan để khỏi bị đâm vỡ đèn", "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Chạy xe nhường nhịn là thương chính mình"… Có xe của trung tâm dạy lái xe còn dọa bằng câu: "Coi chừng học viên thắng gấp". Thấy chữ "học viên" là ai cũng hãi. Câu thủ thỉ: "Cứ từ từ rồi em cho"; Câu khuyên nhủ: "Nếu điều đó xảy ra, hai chúng ta đều khổ"; Câu cảnh báo: "Nếu bạn được dòng chữ này, bạn đã đến quá gần", "Thương cha mẹ, anh nhè nhẹ chân ga"…

Thông điệp là thế nhưng nhiều xe tải sẵn sàng bóp còi hơi trong khu dân cư làm "xé tai" dân cư trong đêm. Ngồi quán cơm xe tải có thể thấy rõ các còi này được lắp "mai phục" quanh xe. Cái thì trên đỉnh cabin, cái thì dưới hông, dưới gầm, mỗi xe có ít cũng dăm ba cái. Không cần tinh mắt cũng thấy. Theo quy định thì còi điện được phép có cường độ từ 90 - 115 decibel. Trong khi đó, còi hơi phần lớn có cường độ từ 150 decibel trở lên. Đã có những người đi xe máy kinh hồn ngã ra đường vì tiếng còi khủng khiếp đó. Còi hơi có nguyên lý tương tự như kèm trombone trong dàn nhạc giao hưởng. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều "nhạc công" đến thế. Rất nhiều YouTube bán còi vẫn hể hả bán các loại còi hơi "Ong vàng" với lời quảng cáo đảm bảo "Xé tan màn đêm". Biết sẽ bị xử phạt nhưng văn hóa "còi to cho vượt" ngấm trong máu nên cánh tài vẫn thi nhau độ cho còi càng đe dọa càng tốt.

Thông điệp an toàn trên xe thì hay lắm nhưng không hiểu sao thời nay, cánh tài xế chỉ dùng đèn pha (Phare), gần như không dùng đến đèn cốt (code). Người viết bài sau nhiều lần để ý hiện tượng này thì quyết định thử thống kê trong 2 buổi tối trên đường từ Hà Nội vào Đà Nẵng thì thấy mỗi khi gặp xe đối diện thì nháy pha cốt để xe đối diện dùng chế độ cốt thì chỉ có một vài xe cụp pha. Còn lại, tuyệt đại đa số là giữ "trợn" pha một cách hiên ngang.

Thói quen chiếu tướng này không tồn tại với thế hệ tài xế những năm 1970 - 1980. Thời đó chỉ cần nháy pha cốt là tuyệt đối các xe đều cụp pha sang cốt. Nhưng bây giờ thì có vẻ như ý thức dùng đèn đã trượt xuống đáy. Đèn xe thời nay hay được độ siêu sáng như bi lazer có thể vươn xa tới 1 km. Gặp ánh đèn này chiếu tướng thì tài xế xe đối diện sẽ bị hiệu ứng "mù tạm thời", xung quanh vầng sáng lóe không còn đường nữa, mà chỉ là màu đen đặc. Mọi phương tiện đều rơi vào trạng thái mất phương hướng. Chế độ cốt thì mép trên của dải sáng chỉ ngang bụng người trưởng thành, không hề chói mắt. Thế mà cánh tài lại thích ô tô "giương mắt ếch". Các cụ bảo "khó người thì khó ta", thế mà không ai hiểu cho. Những tai nạn do tài xế bị chiếu tướng được ghi lại bằng camera hành trình cho thấy tác hại của thói giương mắt ếch này cũng nguy hiểm không kém sử dụng rượu bia.

Việc độ đèn trên xe khách, xe tải ngày này thật muôn hồng ngàn tía. Những chiếc xe tải đường dài được thần đèn trang trí như một lâu đài hay phòng tân hôn. Xung quanh xe thì chơi các mảng led màu từ chế độ duổi màu đến chớp giật đùng đùng. Thần đèn còn đồng bộ tín hiệu giữa còi và đèn led. Hễ khi còi vang lên nhịp điệu gì thì thì đèn cũng nháy theo nhịp điệu ấy, khớp như cậu với mợ. Trong màn đêm mà nhìn những chiếc xe độ đèn trôi qua cầu vượt thật lung linh y như nhìn thấy đoàn đĩa bay từ hành tinh khác đến. Xe to, xe nhỏ đều ưu tiên độ đèn lên đầu tiên. Theo quan sát của "thần đèn" Khắc Trung với khách hàng của mình thì có 80% khách vừa mua xe mới xong là độ đèn tăng sáng ngay. Chỉ có 20% chờ khi đèn xuống cấp mới tính. Giá cả tùy theo túi tiền từ vài triệu tới vài chục triệu nên cũng tương đối dễ chi.

Có một thứ đèn cũng gây nguy hiểm đáng kể là đèn lùi lắp sau xe tải. Đèn này sáng trắng duy trì suốt hành trình chứ không phải khi lùi mới bật, luôn chiếu về hướng nhìn của tài xế xe sau. Phận đi sau không tránh được. Tương tự thì không ít thanh niên độ đèn hậu của xe máy thành đèn pha ngược rọi thẳng vào xe sau. Vỏ đèn phanh màu đỏ được tháo bỏ, thay bằng vỏ trong suốt cho ngầu. Khi bị xe máy này rọi đèn đánh võng trước mặt một chặng đường thì khó tài xế nào không phát điên.

Tới kỳ đăng kiểm thì trên xe có đèn còi gì nhạy cảm là tài xế lặng lẽ tháo bỏ ngay. Đăng kiểm xong thì lại phục hồi đâu hoàn đấy. Văn hóa đèn còi chưa thể giải quyết triệt để do ý thức của tài xế chưa rõ ràng. Các đài báo đã lên tiếng nhưng nạn "giương mắt ếch" vẫn trừng trừng trên từng cây số. Có lẽ thời công nghệ này phải có AI chấm điểm; tài xế chưa làm được thì AI lái luôn cho khỏi lằng nhằng.

Tả Từ
.
.