Chẳng lẽ về với “làn gió cũ”

Thứ Ba, 28/11/2023, 11:01

Cái gì ở xứ ta thì liền chị cũng chấp liền anh. Cái khó như đá bóng mà nữ xỏ giày vào sân là lấy được đủ các loại cúp, hơn chục lần vô địch cả Đông Nam Á và SEA Games, rồi hiên ngang lần đầu tiên đá World Cup sánh ngang với chị em năm châu bốn bể.

Thật bất công với liền chị, bóng đá liền anh mới làm cho triệu người hâm  mộ sùng sục. Nay, các liền anh đã giành được ngôi vương Đông Nam Á, vô địch SEA Games nhưng đá vòng loại World Cup thì thua liểng xiểng. Vẫn là ông Park huyền thoại mà thua tan nát, thủ môn không đủ sức ngồi vá lưới.

Vào vòng loại World Cup thì luôn gặp các đội top đầu châu lục chứ không phải nhẹ cân “ao làng”. Mấy anh Tây Á râu xồm cao to mà vô cùng ái ngại. Họ đã to con lại còn nhanh, đã cơ bắp 6 múi lại còn khéo “dệt gấm thêu hoa”. Người hâm mộ phàn nàn về lối chơi và đặt câu hỏi, đội dưới triều đại ông Troussier có cần phải chơi tấn công áp đặt bằng kiểm soát bóng không? Muốn vượt ao làng thì chắc chắn là có. Đội ta đủ trình độ theo triết lý ấy chưa là một chuyện khác. Có những cái chỉ cần nỗ lực cá nhân nhưng có những cái thuộc về tư duy thì phải tốn nhiều thế hệ.

Thời ông Park nắm đội thì không ít chuyên gia phê phán ông có lối đá tiêu cực, chuyên chơi thủ “xe bus” rồi bung sức sau phút thứ 60. Ông Park tổng kết rằng cứ sau phút thứ 60 là thời gian đối thủ xuống thể lực, bộc lộ sai sót nên tầm đó, sẽ thay cầu thủ nhanh nhẹn như Toàn, Phượng vào mà bay nhảy “đục khoét”. Chê thì chê chứ quân ông Park thắng liên tục “cả làng”. Ông Park nói “người Việt Nam thích bóng đá nhưng là bóng đá thắng”. Thua một trận là người ta nói lời cay đắng. Như vậy áp lực phải thắng khiến đội của ông Park nắm chặt yếu lĩnh thủ chắc công cừ. Ông Park coi tiền đạo chính là cầu thủ phòng ngự đầu tiên. Đội quân của ông luôn tạo “phễu” để vun vén vây bắt khiến các đối thủ hụt hơi rơi vào “phễu”. Sau phút thứ 65 thì bung lụa và ghi bàn vào những phút cuối. Cứ thế thầy trò “vót chông đào hầm” vào tới chung kết ở Thường Châu rực rỡ. Ngày xưa người ta cũng hay dùng kế đà đao để đối phương chủ quan khinh địch. Khi thanh đao kéo lê chém ngược lên thì hối không kịp nữa. Ông Park quả là đà đao gia.

Giới chức bóng đá phấn khởi bàn với ông Park về tầm nhìn World Cup thì ngay trong không khí ngạo nghễ đó, ông Park khẳng định phải chăm sóc bóng đá trẻ chừng 20 năm nữa mới có cơ may vào World Cup.

Với những đề nghị ông Park ký tiếp hợp đồng nối dài thêm thì ông đều từ chối. Có lẽ ông thấy rõ tương lai, không thể đi xa hơn với trò chơi “thập diện mai phục”. Ông biết rõ giới hạn của đội quân khi ra biển lớn. Tại vòng loại thứ 3 World Cup, đội ta đá 10 trận, thua 8, hòa 1 và thắng chỉ 1 trận thôi. Cái kết có hậu là thắng được Trung Quốc một trận đúng ngày mùng 1 tết Quý Mão. Người hâm mộ hỉ hả mơ mộng tương lai rực rỡ nhưng ông Park lại kiên định từ chối nắm đội. Ông biết rõ giới hạn của lứa cầu thủ hiện thời. Ông Park đã nuôi ý tưởng dựng nên một trung tâm HLV dành cho bóng đá trẻ Việt Nam. Ngày xưa HLV Riedl nói bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc. Sau này, ông Park muốn làm bóng đá trẻ là tạo những viên gạch vững chắc tạo nền móng, nhằm mang giấc mơ dự World Cup trong tương lai.

Chiến thuật “thành cao hào sâu” kiểu du kích rất đắc dụng nhưng nó phù hợp với cuộc đấu tự vệ. Muốn chinh phục mọi đỉnh cao thì không dùng “tử thủ” được mà phải tấn công áp đặt. Các đội vào World Cup đều thế cả.

Phải tìm một chiến lược gia có “Gen World Cup” và ông Troussier ăn khớp với tiêu chí đó. Theo chiến lược gia này thì muốn tấn công áp đặt, ghi bàn thì phải kiểm soát bóng. Nói thì dễ. Một đội du kích với tư duy “mai phục” chuyển sang tấn công áp đặt ngay lập tức thì khó như trạch đẻ ngọn đa.

Khó thì khó chứ học tấm gương Nhật Bản có vẻ khả thi. Thể hình của họ không quá cách biệt so với ta nhưng chân họ khéo hơn tay. Quả bóng lăn trong chân của các cầu thủ nam nữ Phù Tang cũng sướng cả cuộc đời nó. Xứ ta tự hào bẩm sinh khéo léo, sao không nhìn Nhật mà học hỏi.

Quá trình thích nghi với triết lý tấn công áp đặt chắc chắn phải trải qua thua nhiều. Phải ngã đau thì đứng mới vững. Thật kỳ lạ khi khá nhiều người hoài nghi triết lý của ông Troussier. Trước đây, người hâm hộ than thở ông Park “cửa đóng then cài” với nhân tố mới thì nay, ông Troussier sẵn sàng đưa vào đội hình những hảo thủ mới tinh. Đình Bắc tỏa sáng là một thí dụ. Sao chưa vỗ tay?

Người ta có thể thua những trận nhỏ nhưng chiến thắng cả giải chứ đừng thắng vặt rồi thua cả giải. Ngày xưa ông Calisto thua liên tục thế mà lấy được Cup vô địch Đông Nam Á đầu tiên cho Việt Nam đấy thôi. Vậy tại sao người hâm mộ không thể chờ đợi ông Troussier? Có thời, chúng ta hay kêu hết “ông cơ chế” đến “bà tư duy”, nhưng khi đổi mới tư duy với “làn gió mới” thì chúng ta lại muốn quay về “làn gió cũ” là sao?

Nếu chỉ vì thua những trận trước mắt mà chê bai chiến lược gia thì chúng ta lại xây nhà từ nóc mất rồi.

Tả Từ
.
.