Năng lượng tích cực với những người đang chờ ghép tạng

Thứ Hai, 13/11/2023, 08:00

Phòng làm việc của Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối về ghép bộ phận cơ thể người, Phó Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một không gian xanh, từ bàn ghế, tủ tài liệu đến tranh treo tường. Trong không gian đó, cuộc trò chuyện này đã có một khởi đầu đặc biệt.

Phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng điền thông tin và ký vào lá đơn đăng ký hiến mô, tạng. Chưa đầy 10 phút sau, người đăng kí hiến đã có trong tay tấm thẻ đặc biệt. Và, cũng rất tự nhiên, phóng viên không phải là người đặt câu hỏi đầu tiên…

Chúng ta đang chôn nhiều tỉ đồng xuống đất...

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Mừng nhà báo đã có trong tay tấm thẻ "thần thánh". Cho tôi được hỏi ngược lại bạn, hôm nay bạn đã đăng ký hiến mô, tạng khi chết, chết não; bạn có sợ rằng cái chết đến với mình nhanh hơn không?

- PV: Tôi có tâm nguyện hiến tạng từ lâu. Khi ông nhận lời cuộc trò chuyện này thì tôi đã nghĩ đến việc sẽ viết đơn đăng ký hiến tạng. Vậy nên tôi đến đây trong tâm thế hoàn toàn thoải mái, chủ động và không có điều gì lăn tăn hay lo lắng cả. Việc đăng ký xuất phát từ mong muốn của tôi, mà mong muốn của tôi khởi lên từ sự hiểu biết của tôi về hiến, ghép mô tạng. Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Trung tâm Điều phối), Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người (Hội Vận động) đã thành công trong việc mang lại sự hiểu biết ấy, không chỉ với riêng tôi mà còn rất nhiều người.

Năng lượng tích cực với những người đang chờ ghép tạng -0

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Tâm nguyện được trao đi một phần cơ thể của mình cho người khác có sẵn trong thiện tâm mỗi người, không ai ép buộc ai làm việc đó. Bạn cũng giống như rất nhiều người Việt Nam đã mở lòng mình. Ngành y tế nói chung, Trung tâm Điều phối, Hội Vận động cũng như Hội Chữ thập đỏ nói riêng chỉ làm nhiệm vụ tạo ra môi trường và kết nối tất cả những tấm lòng ấy đến với nhau mà thôi.

- PV: Mỗi ngày trôi qua, chúng ta lại để tuột đi những cơ hội kết nối ấy một cách đáng tiếc. Theo ông, phải làm thế nào để nắm được những cơ hội đó?

- Chúng ta đang bỏ phí nguồn tạng hiến vô cùng quý giá. Cách đây hơn 10 năm, ông Thane Chiquinho Scarpa, khi đó 62 tuổi, là một trong những tỉ phú giàu nhất Brazil đã tuyên bố trên tài khoản Facebook là ông sẽ chôn chiếc "siêu xe" Bentley mới trị giá khoảng 400.000 USD của ông. Tuyên bố này lập tức vấp phải làn sóng chỉ trích ở Brazil. Vào ngày chôn xe, tỉ phú đã tổ chức họp báo. Thời khắc chiếc xe chuẩn bị "hạ huyệt", ông bất ngờ yêu cầu dừng lại và tuyên bố lí do việc làm động trời này: "Khi tôi cố tình chôn chiếc xe Bentley thì các vị cho rằng tôi điên khùng. Trong khi các vị đang chôn xuống đất những thứ còn giá trị hơn nhiều thì lại cho đó là điều bình thường. Đó chính là những quả tim, quả thận, lá gan, lá phổi và đôi mắt. Bao nhiêu người đang mòn mỏi chờ đợi để được ghép tạng, còn quý vị có nội tạng khỏe mạnh lại chôn đi. Vậy, ai mới là người không bình thường, các vị hay là tôi?". Rồi ông tuyên bố sẽ đăng ký hiến tạng ngay sau đó. Rốt cuộc, việc chôn "siêu xe" chỉ là cái cớ để ông truyền đi thông điệp về hiến tạng làm thức tỉnh nhiều người.

Nếu như trên thế giới có đến khoảng 80% nguồn tạng ghép từ người hiến chết não, thì ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 5% số tạng ghép từ người hiến chết não mà thôi, một con số vô cùng khiêm tốn. Trong khi đó, nguồn tạng từ người chết não ở ta hiện nay rất lớn, vì mỗi năm có khoảng gần 10.000 người chết do tai nạn giao thông. Ai sinh ra cũng mong muốn mình sống khỏe, sống lâu nhưng sự vô thường tới không ai lường trước được. Bất kỳ ai trong chúng ta ra đi cũng đều có cơ hội trao lại món quà sự sống cho đồng loại nhưng rất tiếc, để đến lúc mọi chuyện xảy ra rồi thì không còn kịp nữa.

- PV: Thực tế, nhiều người vẫn còn kiêng kị, e dè chuyện đăng ký hiến mô, tạng. Họ nghĩ rằng, đang yên đang lành thì nói đến cái chết là tự chuốc lấy xui xẻo. Nếp nghĩ này hằn sâu chắc hẳn khiến hoạt động vận động hiến mô, tạng gặp nhiều khó khăn?

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Dù muốn hay không thì sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của tự nhiên, có sinh thì có tử, chết là một sự tất yếu và không thể làm chủ được sự vô thường đó. Nhưng, không phải ai cũng sẵn lòng chia sẻ điều ý nghĩa cho người khác. Họ nói rằng họ không đủ sức khỏe, sự giàu có và quyền lực để giúp người... Nhưng, kỳ thực, dù bất kỳ người già người trẻ, người lớn người nhỏ, người giàu người nghèo, người có địa vị cao hay thấp đều có cơ hội bình đẳng như nhau trong việc đặt bút ký vào đơn đăng ký hiến mô, tạng. Chuyện có hiến được hay không là chuyện của tương lai. Còn tại thời điểm này, chúng ta chỉ khởi tâm, sẵn sàng với tinh thần cho đi là đủ. Chỉ việc đăng ký hiến mô, tạng thôi đã đủ, có ý nghĩa và lợi ích cả đôi bên...

- PV: Người nhận tạng hiến được lợi thì hiển nhiên rồi, nhưng còn người đăng kí hiến thì sao, thưa ông?

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Khi nhiều người cùng đăng kí hiến tạng sẽ lan tỏa năng lượng tích cực tới những bệnh nhân suy tạng đang chờ ghép, giúp họ có niềm tin rằng cả xã hội đang quan tâm, đang tìm cơ hội chia sẻ sự sống cho họ. Họ sẽ có động lực vượt qua bạo bệnh, vững tâm chờ đợi đến một thời điểm phù hợp có tạng để ghép. Không những thế, chính người đăng ký hiến mô tạng được hưởng lợi. Chúng ta không kỳ vọng người nào đó đăng ký hiến tạng thì ngày mai, ngày kia họ sẽ hiến tạng. Vì khi họ đặt bút ký vào lá đơn hiến tạng là tâm họ đã rộng mở, không còn sợ hãi quá nhiều về cái chết, không còn quá so đo tranh chấp lợi danh trong cuộc đời nên nhẹ lòng hơn, bình an hơn và cũng không còn băn khoăn về những rủi ro, sẵn sàng đối diện với sự thật đó. Họ trở nên mạnh mẽ, tự tin và thấy cuộc sống có ý nghĩa cả ở hiện tại và sau khi qua đời. Như thế, họ chẳng phải là người hạnh phúc nhất đó sao!

Năng lượng tích cực với những người đang chờ ghép tạng -0
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng- Cuối tháng.

- PV: Mở rộng ra, hoạt động ghép tạng có ý nghĩa lớn đối với ngành y tế?

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Nhờ hoạt động ghép tạng mà ngành y tế giảm nguy cơ quá tải. Vì tất cả những bệnh nhân suy mô, tạng hầu hết đều lấy bệnh viện là nhà. Việc điều trị đòi hỏi phải có chuyên gia giỏi, thuốc men, trang thiết bị y tế. Nếu như họ được ghép tạng thành công rồi trở về nhà sống cuộc sống bình thường thì bệnh viện sẽ giảm được sự quá tải. Nguồn lực ngân sách của ngành y tế khi đó sẽ dành để cứu chữa cho nhiều bệnh nhân khác. Bên cạnh đó, chính nhờ có hoạt động ghép tạng mà đội ngũ nhân viên y tế có cơ hội được cống hiến, nâng cao tay nghề, giúp cho các cơ sở ghép tạng nâng lên một tầm cao trong chuyên môn kĩ thuật. Ta đã làm chủ được những kĩ thuật ghép tạng lớn từ thận, gan, tim, phổi. Tính đến cuối tháng 9/2023 chúng ta đã thực hiện được 7.905 ca ghép tạng.

- PV: Và, việc hiến mô, tạng còn lan đi những ảnh hưởng rộng hơn...

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Bảo hiểm y tế cũng được hưởng lợi. Vì các bệnh nhân vào viện điều trị do suy tạng hầu hết đều có thẻ bảo hiểm y tế. Họ phải điều trị chuyên môn kĩ thuật rất cao, chi phí lớn. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân suy tạng ngày một tăng, tạo sức ép rất lớn cho bảo hiểm y tế. Nếu một người được phép tạng trở về cuộc sống bình thường thì họ chỉ cần dùng thuốc chống đào thải với mức chi phí thấp. Đây là lý do tại sao trên thế giới, hầu hết các nước phát triển đều có sự vào cuộc của bảo hiểm y tế, đặc biệt là đối với hoạt động ghép thận.

- PV: Tôi được biết chi phí một ca ghép tạng ở nước ngoài thường cao hơn ở Việt Nam, nhưng lại được bảo hiểm y tế chi trả phần lớn. Còn ở Việt Nam, dù giá thành thấp hơn nhưng là do bệnh nhân tự chi trả...

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Một số nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... áp dụng cơ chế có khoảng 80% chi phí ghép tạng được bảo hiểm y tế chi trả. 20% chi phí còn lại người được ghép tạng sẽ phải thanh toán. Nếu người ghép không có khả năng thanh toán thì các bệnh viện nơi ghép tạng sẽ kêu gọi các quỹ, nhà tài trợ. Vì thế nên bảo hiểm y tế được hưởng lợi, tham gia và ủng hộ việc ghép tạng cho các bệnh nhân.

- PV: Có thể thấy, câu chuyện hiến tạng không còn là của riêng ngành y tế nữa...

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Khi người ta đã hướng đến việc hiến mô, tạng đầy lớn lao thì sẽ bỏ qua những điều nhỏ nhặt. Một tấm thẻ thì nhỏ nhoi, khiêm nhường, nhưng khi có nhiều tấm thẻ thì vô hình trung chúng ta đang cùng nhau tạo nên một dòng chảy văn hóa tận hiến của người Việt Nam. Hiện tại chúng ta có hơn 78.000 người dân đăng ký hiến mô, tạng. Rồi thời gian tới, có hàng trăm nghìn người, hàng triệu người có thẻ thì sẽ có thêm một không gian văn hóa thật đẹp, ít bất thiện hơn. Và, tất cả sẽ tạo ra một xã hội nhân văn, đáng sống.

"Chân kiềng" nào cũng phải vững

- PV: Một nữ bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương từng chia sẻ với tôi rằng, ở khoa của chị, nhiều bố mẹ của bệnh nhi bị bệnh về gan thường có tâm nguyện rằng, gan của con họ thì không "dùng" được nữa rồi, nhưng còn thận, còn tim, còn phổi... Nếu một ngày nào đó con không qua khỏi thì họ muốn những tạng lành ấy có thể giúp các bé khác tiếp tục sống. Mong muốn đó khiến chị day dứt bởi chưa thể thực hiện được. Cho đến thời điểm hiện tại thì luật pháp Việt Nam quy định người dưới 18 tuổi chưa được hiến tạng...

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Đây chính là một trong những rào cản đối với hoạt động ghép tạng hiện nay. Từ khi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác ra đời năm 2006, một mặt đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động ghép mô, tạng tại Việt Nam. Nhưng, sau một thời gian áp dụng, luật này có nhiều vấn đề không còn phù hợp nữa. Ví dụ như luật quy định người đủ 18 tuổi có năng lực, hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến mô, tạng của mình khi còn sống hoặc hiến sau khi chết, chết não. Nhưng, với trường hợp trẻ em không may chết não thì rất tiếc là tại thời điểm luật ban hành chưa quy định về điều này. Cho nên, mới có câu chuyện của bé Hải An (7 tuổi), bé Vân Nhi (11 tuổi), bé Mai Reon (4 tuổi) là những em bé điển hình muốn hiến tạng nhưng không thể tiếp nhận tạng của các con vì pháp luật chưa cho phép. Các bé đã hiến giác mạc của mình. Vì thế, đây là một trong những nội dung mà chúng tôi đề xuất phải sớm sửa đổi.

Năng lượng tích cực với những người đang chờ ghép tạng -0
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc trao thẻ đăng ký hiến mô, tạng cho phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng.

- PV: Cụ thể độ tuổi nên được thay đổi như thế nào, thưa ông?

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Nên thay đổi theo hướng không giới hạn độ tuổi hiến mô, tạng sau khi chết, chết não. Một điều nữa là nếu một người không may chết não mà gia đình xác quyết là người đó có ý nguyện hiến mô, tạng nhưng vì lý do khách quan nào đó chưa kịp đăng ký hiến thì chúng ta chấp nhận lấy tạng của người đã mất. Lúc đó người thân phải tôn trọng tâm nguyện đó bởi vì nguyên tắc hiến mô, tạng trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều dựa trên sự tự nguyện. Đối với việc hiến tạng khi còn sống thì có 2 trường hợp. Nếu hiến cùng huyết thống thì giữ nguyên độ tuổi từ đủ 18 tuổi. Còn đối với người không cùng huyết thống thì nên nâng độ tuổi của người hiến lên 30 hoặc 35 tuổi. Đây là độ tuổi đã trưởng thành, có tích lũy kinh tế, ổn định gia cảnh thì lúc đó chuyện buộc phải đi bán tạng sẽ được hạn chế hơn. Cách này sẽ tạo rào cản phần nào giúp ngăn chặn được thực trạng buôn bán tạng nhức nhối hiện nay. Những đối tượng cho tạng khi còn sống trong các vụ buôn bán tạng phần nhiều là người trẻ, rơi vào hoàn cảnh túng quẫn, chấp nhận mất một phần cơ thể để có tiền.

- PV: Nguồn tạng hiến có ý nghĩa nhất, có hiệu quả cao nhất là từ người hiến chết não tình nguyện cho tạng, có đúng vậy không, thưa ông?

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Đúng vậy! Ngành y tế không khuyến khích người hiến tạng khi còn sống, trừ trường hợp người cùng huyết thống hiến tạng cho nhau. Bởi, người hiến sống sau khi hiến tạng sẽ bị ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe. Trong khi đó, chúng ta có một nguồn tạng rất lớn từ người chết não, tại sao chúng ta không chú trọng vào nguồn này? Một người chết não có thể cứu sống và cải thiện chất lượng sống cả chục người. Tại sao chúng ta không thúc đẩy họ, trao cho mỗi người một cơ hội được làm việc thiện?

- PV: Để có nguồn tạng hiến thì cần đồng bộ nhiều yếu tố?

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Để hoạt động ghép tạng ở Việt Nam phát triển được thì điều đầu tiên là phải có hành lang pháp lý nền tảng như tôi đã nói ở trên. Công tác truyền thông vận động là nhiệm vụ then chốt thứ hai. Có chia sẻ kiến thức, hiểu biết về cơ hội đăng ký hiến tạng thì người dân mới hiểu rõ. Hiểu rồi thì mới đăng ký hiến, như thế mới có nguồn tạng hợp pháp để cứu người. Tây Ban Nha có tỉ lệ hiến tạng cao nhất thế giới là bởi họ tiếp cận được gần như tất cả các trường hợp chết, chết não tiềm năng để tiếp tục vận động. Nhưng, đằng sau thành công đó là hệ thống pháp luật, hệ thống truyền thông hoàn thiện. Hệ thống pháp luật tốt thì truyền thông vận động mới thuận lợi. Mà truyền thông tốt thì cơ hội tiếp cận các ca chết, chết não lớn hơn. Nếu chúng ta tiếp cận được tất cả các ca chết, chết não tiềm năng mà không vững chắc về mặt pháp lý thì cũng không thành công. Điều đó giống như kiềng ba chân, chân nào cũng phải vững.

Mong một con đường mang tên Nguyễn Hải An

- PV: Trong các nội dung sửa đổi luật tới đây, theo ý kiến của ông, có nên chú trọng vào chế độ cho người hiến?

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Nói về quyền lợi của người hiến thì phải xuất phát từ góc nhìn nhân văn nhất. Hiến tạng là nhân đạo, là tự nguyện, vô vụ lợi. Trên thế giới chỉ có duy nhất một nước chấp nhận chuyện đưa ra một mức kinh phí cho việc hiến tạng, đó là Iran. Câu hỏi đặt ra là tại sao các nước khác không áp dụng như thế? Bởi vì nếu chúng ta quy ra một khoản tiền tương ứng để trả cho việc hiến tạng thì sẽ thúc đẩy việc trao đi đổi lại.

- PV: Nhưng, người hiến tạng và thân nhân của họ xứng đáng được nhận những điều tốt đẹp hơn, dù là nhỏ bé?

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Chúng ta cũng cần bổ sung thêm một số chế độ khác. Ví dụ, người hiến tạng khi còn sống được tặng thẻ bảo hiểm y tế miễn phí suốt đời, tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân, được miễn phí toàn bộ chi phí thăm khám sức khỏe khi hiến tạng và được thăm khám sức khỏe định kỳ miễn phí hằng năm. Đối với người hiến tạng sau khi chết não thì được truy tặng kỷ niệm chương. Tôi mong muốn sẽ được bổ sung quy định mới: Người thân của người hiến tạng chết não ở hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hỗ trợ một phần chi phí thăm khám sức khỏe, được tặng bảo hiểm y tế miễn phí. Và, nếu sau này không may họ bị suy tạng sẽ được ưu tiên nhận tạng. Ở Nhật có một triết lý: Không cần biết bạn là ai trước đó, nhưng sau khi hiến tạng thì bạn là một anh hùng. Ở Italy đã có hơn 120 địa điểm công cộng mang tên Nicholas - một người Mỹ hiến tạng chết não. Đã có con đường mang tên một người hiến tạng ở Bulgaria. Biết đâu, một ngày nào đó ở Việt Nam sẽ có con đường mang tên Nguyễn Hải An - cô bé 7 tuổi ở Hà Nội ra đi vì bệnh ung thư năm 2018, để lại giác mạc quý giá đem lại ánh sáng cho 2 người khác. Câu chuyện xúc động của bé An, chúng tôi sẽ không bao giờ quên được. Một buổi trưa tháng 2/2018, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại của mẹ bé An. Giọng chị nghẹn ngào: "Các anh ơi, các bác sĩ chẩn đoán con em bị chết não và chắc là sẽ không qua được. Em và con mong muốn được hiến toàn bộ nội tạng của con cho những người có cơ hội ghép tạng. Em muốn con em tiếp tục sống". Ngay sau khi Hải An hiến giác mạc, số lượng người hiến mô, tạng ở Việt Nam tăng đột biến. Và, đến bây giờ Hải An vẫn sống trong lòng rất nhiều người yêu mến con.

- PV: Thực tế có trường hợp lúc còn sống đã đăng ký hiến tạng khi chết, chết não. Nhưng, khi người đó mất đi thì người thân lại không đồng ý hiến tạng. Và, công việc thiện tâm ấy vẫn bị ngáng trở...

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Đấy vẫn là câu chuyện truyền thông. Ở một số nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, người dân đăng kí hiến tạng và được tích hợp vào bằng lái xe. Khi người đó chẳng may chết, chết não thì cơ quan lấy ghép tạng tiếp cận với gia đình, triển khai lấy tạng. Đối với một số nước như Tây Ban Nha thì áp dụng việc suy đoán đồng ý. Tức là người dân đủ 18 tuổi nếu không kí vào đơn từ chối hiến tạng thì mặc định người đó là người hiến tạng tiềm năng. Và, khi người đó chẳng may chết, chết não thì sẽ tiến hành lấy tạng. Đa số các trường hợp này thân nhân đều đồng thuận. Ở Việt Nam thì khó khăn hơn nhiều. Trong đơn đăng ký hiến không có dòng nào có ý kiến của gia đình. Nhưng, nếu gia đình phản đối thì cho dù người chết não đã đăng ký hiến tạng vẫn không thể lấy tạng được. Đấy là lí do vì sao đến giờ nước ta mới có chưa đầy 200 người chết não hiến tạng trong vòng hơn chục năm qua, tương đương khoảng 5%. Tuy vậy, vẫn khuyến cáo tới người dân khi đăng ký hiến mô, tạng hãy chia sẻ với người thân. Để nếu gia đình có phản đối thì sẽ tìm cách thuyết phục dần dần. Nếu gia đình đồng thuận sẽ báo cho cơ sở y tế đến lấy tạng khi chẳng may người thân của họ chết, chết não.

- PV: Để vận động ngày càng nhiều người dân đăng ký hiến tạng thì vai trò chủ đạo ở đâu, thưa ông?

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Hội Chữ thập đỏ... đều hướng tới xây dựng một nền tảng văn hóa xã hội nhân văn, thiện lương, thúc đẩy nghĩa cử hiến tạng. Các vị hòa thượng, các linh mục, mục sư, các vị chức sắc tôn giáo có vai trò quan trọng trong việc vận động hiến tạng. Người của công chúng cũng sẽ góp phần lan tỏa tinh thần cho đi là còn mãi. Chương trình giáo dục kiến thức về hiến mô, tạng nên được đưa vào trong nhà trường phổ thông từ sớm, để gieo vào lòng các con những ý nghĩ tốt đẹp, những giá trị nhân văn.

- PV: Tấm thẻ đăng ký hiến mô, tạng đã ở bên Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc bao lâu rồi?

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc: Thẻ đăng ký hiến mô, tạng của tôi số 02, được làm từ năm 2014. Số 01 là của GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối. Ông cụ thân sinh ra tôi từ quê ra thăm tôi liền bảo: "Có khi bố hiến tạng nhỉ?". Sau đó ông cụ đã có thẻ. Rồi cậu em trai tôi từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội thăm tôi cũng đề nghị: "Bác cho em cái thẻ nhé!". Thế là cậu ấy cũng đã có thẻ. Đến giờ nhà tôi có 4 người đăng ký hiến mô, tạng, là tôi, vợ tôi, bố tôi và em trai tôi.

- PV: Thật tuyệt vời và xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện ý nghĩa này!

* Ảnh trong bài: Nguyễn Thắng

Huyền Châm (thực hiện)
.
.