Trời biết, đất biết

Thứ Năm, 16/02/2017, 22:53
Sách Hậu Hán thư kể chuyện nửa đêm có kẻ mang vàng đến lễ Dương Chấn - quan thái thú quận Đông Lai - nhưng ông từ chối không nhận. Kẻ nọ, vốn là cấp dưới mới được ông đề bạt, cố nài nỉ cho ông đổi ý, viện cớ đêm khuya, làm gì có ai biết mà e ngại. Dương Chấn bảo: "Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết. Sao lại bảo là không ai biết?".

Ngày nay đọc lại câu chuyện của nghìn năm trước, vẫn thấy nóng hổi ý nghĩa thời sự. Chẳng cần phải đợi đến nửa đêm, hối lộ ở ta bây giờ có thể diễn ra bất cứ lúc nào trong ngày, bất cứ ở đâu: nhà riêng, phòng làm việc, quán xá, trường học, bệnh viện, và cả ở… ngoài đường!

Bệnh nhân hối lộ bác sĩ. Phụ huynh hối lộ thầy cô để chọn trường học cho con. Lái xe hối lộ cảnh sát giao thông. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu hối lộ hải quan. Tư thương hối lộ quản lý thị trường. Bên B hối lộ bên A để được "hái chùm khế ngọt"… Nặng hơn nữa thì bỏ tiền mua chức mua quyền, mua danh để đánh bóng tên tuổi. Hối lộ nhiều khi được khoác ra ngoài cái áo có vẻ mĩ miều là quà biếu. Quà biếu trên mức tình cảm. 

Nhân dịp lễ lạt, tết nhất, thậm chí lợi dụng cả đám tang, đám cưới để quà cáp, phúng viếng, bày tỏ lòng biết ơn, biết điều, sự trung thành cùng ý nguyện cúc cung phụng sự cấp trên. Thường tình đến nỗi, nhiều lúc tưởng như được cả xã hội mặc nhiên thừa nhận, coi đó là cách xử sự hợp lẽ, khôn khéo của kẻ "ưu thời mẫn thế", đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, không làm vậy mới là khờ dại, lạc hậu.

Người viết bài này không ít lần tận mắt chứng kiến những cái tết ở nhà vị quan nọ. Cận tết chừng vài ba ngày là người xe lại tấp nập ra vào nhà ông. Họ đến và đi rất có trật tự, như đã hẹn nhau từ trước, đảm bảo không người nào giẫm chân người nào. 

Mỗi lượt "thăm hỏi" chỉ diễn ra vài phút, thậm chí vài chục giây đồng hồ, đủ cho một thùng rượu Tây, một gói quà, hay một phong bì nhẹ nhàng êm ái lọt qua cánh cửa sắt ở phòng khách nhà sếp.

Có lần, do định vị sai, hoặc do tâm thần bất ổn mà cả thùng quà có giá trị lớn lại rơi uỵch vào cửa… nhà bên cạnh(!). Trường hợp này chỉ có trời biết, đất biết, chứ tôi với ông coi như không biết. Vậy thì cá vào ao nhà ai nhà nấy được. Ông hàng xóm cứ mặc nhiên khui thùng quà ra mà xài.

Chưa từng có một cuộc điều tra xã hội học nào để khẳng định những người như quan thái thú Dương Chấn nhiều lên hay ít đi. Cái sự nhiều lên hay ít đi những người như ông hẳn có liên quan, theo tỉ lệ thuận, với số kẻ như gã quan chức dưới quyền ông nửa đêm mang vàng đến cúng. 

Chỉ biết tình trạng đó đã phổ biến và đáng báo động đến mức, tết con gà này, Thủ tướng đã phải ra chỉ thị đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc tết lãnh đạo, không quà cáp biếu xén, không phong bao, phong bì, các tỉnh không về Trung ương chúc tết...

                                                                  ***

Từ chối quà biếu, mà thực chất là từ chối của hối lộ - cái mà mình chưa có, không có, không xứng đáng được có. Còn từ chức lại là từ chối cái mà mình đã có, đang có, nhưng không xứng đáng được giữ nữa.

Quà biếu từng được coi như bổng lộc của người làm "quan", còn chức tước lại gồm bổng lộc cộng với quyền lực. Mất một đương nhiên là mất ít hơn so với mất cả hai. Vì thế mà từ quà đã khó, nhưng từ chức còn khó hơn gấp bội.

Vấn đề từ chức ở ta cũng đang trở thành thời sự, nóng dần lên, trở thành nhu cầu của một nền chính trị văn minh, một xã hội phát triển lành mạnh. Trên diễn đàn Quốc hội, đã có nhiều ý kiến đại biểu đề nghị chính phủ "khởi xướng văn hóa từ chức để những ai thấy mình tài hèn, đức mọn tự nguyện nhường chỗ cho bậc hiền tài".

Văn hóa từ chức là thứ văn hóa của những người có khả năng biết mình biết người, giàu tự trọng, bản lĩnh, có ý thức giữ gìn phẩm giá. Những kẻ ít liêm sỉ và thiển cận thì khó lòng vươn tới thứ văn hóa ấy được.

Những năm vừa qua, ở ta lác đác đã có những vụ xin từ chức. Một số vụ là kết quả của sự tự giác, nhưng có lẽ phần nhiều là do áp lực từ công luận. Mỗi khi người đứng đầu một ngành, một cơ quan, tổ chức, đoàn thể… không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra những sự việc tiêu cực trong phạm vi mình phụ trách, công luận lập tức lên tiếng. 

Thậm chí ngay từ cuộc phỏng vấn đầu tiên, việc từ chức đã được các nhà báo đặt ra. Thực tế là đã có những người buộc phải từ chức, kể cả những người giữ cương vị cao. Mỗi lần như vậy, rõ ràng công luận như một quả bóng bơm căng được tháo hơi. 

Thái độ khoan hòa của dân chúng là món quà đưa tiễn những người sớm biết lỗi và nhận lỗi. Tất nhiên không phải lúc nào báo chí cũng đúng, cũng thỏa đáng. Nhưng ít nhất báo chí cũng giúp cho đương sự nhìn lại mình một cách nghiêm khắc, xem cái ghế ngồi có xứng đáng với tinh thần trách nhiệm và kết quả công việc của mình?

Hiện nay, dường như chúng ta mới làm quen với việc từ chức vì áp lực của công luận. Còn với những trường hợp tự giác rời bỏ chiếc ghế của mình, số đông lại có vẻ hơi… ngỡ ngàng! "Làm gì có chuyện ấy? Đang ở chỗ béo bở thế cơ mà? Ôi chà, hóc quá nên mới nhả ra đấy. Lại mắc phải phốt gì nên vội vàng hạ cánh cho an toàn…". 

Thế là, thay vì tiếng vỗ tay để biểu dương tinh thần tự nguyện, lòng trung thực và sự liêm sỉ, lại là những tiếng bấc tiếng chì mang nặng tính suy diễn, thiếu khách quan và công bằng. Công chúng dường như mới chỉ quen đòi hỏi, chứ chưa quen chấp nhận. Điều này cũng chứng tỏ quyền chức, bổng lộc vẫn là nỗi ám ảnh dai dẳng, sâu sắc trong tiềm thức nhiều người.

Bình thường hóa, giải thiêng quyền chức, bổng lộc không phải dễ. Thực sự số đông mới chỉ tiếp cận, tập làm quen với một phần của quá trình dân chủ hóa.

                                                                 ***

Trở lại câu chuyện từ chối nhận quà của quan thái thú họ Dương. Kẻ hối lộ mang vàng tới nhà ông vào lúc nửa đêm. Đó là thời điểm sự kín đáo đạt mức tối ưu. Nhưng cũng chính vì thế mà câu trả lời của Dương Chấn lại bật ra bất ngờ, mạnh mẽ như lò so nén chặt: "Trời biết, đất biết"…

Viện đến trời, đất chỉ là cách nói của Dương thái thú. Trời đất ở đây chính là lương tâm ông. Lương tâm ông tạm thời tách ra khỏi ông, đang chăm chú theo dõi, phán xét ông như một thế lực bên ngoài. Ông biết xấu hổ với nó nên không thể chìa tay ra nhận. Ông không mất gì, lại được đi vào sử sách làm tấm gương sáng cho muôn đời.

Nhưng xấu hổ, lương tâm, hay liêm sỉ… bây giờ liệu đã đủ chưa?

Những Dương thái thú thời nay có sẵn sàng chấp nhận hy sinh nhiều thứ, kể cả việc văng ra khỏi cái "guồng" mà mình đang là một chi tiết vận hành trong đó, để bảo toàn phẩm giá của mình?

Đấy lại là những câu hỏi mở ra hướng chủ đề khác.

22-12-2016

Trần Đức Tiến
.
.